Cho đến nay, những khán giả yêu nhạc vàng vẫn còn nhớ đến tên tuổi của Phương Hoài Tâm. Cô ca sĩ xinh đẹp này không sở hữu giọng hát xuất sắc hay thật truyền cảm, mà nổi tiếng nhờ khuôn mặt khả ái cùng với đôi má lúm đồng tiền và một mái tóc cắt úp, đã một thời được nhiều nữ sinh coi như kiểu tóc thời trang. Có thể nói Phương Hoài Tâm là mỹ nhân trong một của cả một thế hệ học trò thập niên 1960.
Cũng vì được hâm mộ đặc biệt khi vẫn còn đi học, nên khi còn học lớp cuối bậc trung học ở trường Nguyễn Bá Tòng, Phương Hoài Tâm đã phải bỏ dở dang vì gặp khá nhiều phiền phức, không thể là một nữ sinh bình thường được do sự quan tâm quá mức của những người ái mộ.
Tuy nhiên, nói như vậy không có nghĩa là Phương Hoài Tâm hát không hay, bởi vì bản thu âm bài Thương Vùng Hỏa Tuyến của Lê Minh Bằng mà cô thu từ trước 1975 đến nay vẫn còn được nhiều người tìm nghe, được xem là phiên bản hay nhất của ca khúc này.
Click để nghe Phương Hoài Tâm hát Thương Vùng Hỏa Tuyến trước 1975
Phương Hoài Tâm tên thật là Phương Tâm, là con thứ 3 trong gia đình có 5 anh chị em sinh trưởng tại Sài Gòn trong một gia đình trung lưu, có cha là người miền Bắc đã vào Nam từ rất lâu, còn mẹ của cô là người miền Nam, chuyên kinh doanh về nhà đất.
Khi còn rất nhỏ, cô được theo học đàn với nhạc sĩ Tùng Phương, ban đầu là học guitar, nhưng vì tay còn quá nhỏ nên sau đó chuyển sang học mandoline một thời gian trước khi trở thành học trò của nhạc sĩ Nguyễn Đức. Lúc đó ông thầy dạy nhạc nổi tiếng này thường đến chơi nhà Tùng Phương, với đôi mắt tinh tường, ông nhận thấy cô gái nhỏ tên Phương Tâm này có tiềm năng trở thành ca sĩ nổi danh nên đề nghị cô vào ban Việt Nam, và cũng chính nhạc sĩ Nguyễn Đức đặt nghệ danh cho cô là Phương Hoài Tâm.
Khác với những người học trò “tên Phương” khác của nhạc sĩ Nguyễn Đức là Phương Hồng Quế, Phương Hồng Hạnh, Phương Hồng Ngọc.., thì Phương Hoài Tâm đã có sẵn tên Phương trong tên thật của mình.
Sau khi vào ban Việt Nhi, Phương Hoài Tâm rất nổi tiếng với những chương trình phát thanh dành cho lứa tuổi thiếu nhi lúc đó. Dù vậy cô vẫn không tỏ ra tha thiết cho lắm với nghề ca hát vì bản tình nhút nhát và sợ đám đông, và cô cũng tự nhận thấy rằng tuy mình có cô gắng nhưng vẫn không hát hay được như các bạn đồng môn.
Sau khi đã chuyển sang hát nhạc lứa tuổi người lớn và đã ra khỏi ban Việt Nhi, Phương Hoài Tâm bắt đầu hát nhiều trên đài phát thanh và xuất hiện trên truyền hình trong những chương trình của các nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương, Châu Kỳ, Trần Thiện Thanh… Ngoài ra cô còn có mặt trong các chương trình đại nhạc hội của Duy Ngọc, Châu Kỳ… và được biết đến với một số nhạc phẩm như Sơn Nữ Ca, Đò Chiều, Thiên Thai (song ca với Hoàng Oanh),…
Ngoài ra Phương Hoài Tâm còn đi hát ở các phòng trà, đầu tiên là phòng trà Hòa Bình ở gần chợ Bến Thành, sau đó là vũ trường Olympia ở đại lộ Lê Lợi và những chương trình ca vũ nhạc của Hoàng thi Thơ tại vũ trường Maxim’s ở đường Tự Do.
Một điều đặc biệt là Phương Hoài Tâm thích hát những nhạc phẩm tươi vui, và cô cũng nói rằng đi hát là để cho đời thêm vui chứ không nghĩ đến việc đi theo nghề ca hát một cách chính thức, và việc trở thành ca sĩ cũng chỉ là do số phận đưa đẩy chứ cô không chủ tâm muốn thành một ca sĩ chuyên nghiệp. Vì vậy ngay khi sang đến Mỹ, cô muốn chuyển sang một lĩnh vực mà cô luôn muốn làm từ lâu: ngành thẩm mỹ.
Ngay sau khi cùng với chồng con sang Mỹ vào năm 1975 bằng tàu Việt Nam Thương Tín, Phương Hoài Tâm đã theo học ngay ngành thẩm mỹ ở San Francisco, đồng thời tiếp tục đi hát để lo cho gia đình cũng như để tích góp vốn liếng.
Nhờ có kinh nghiệm từng hát một số nhạc phẩm Trung Hoa cùng ít nhiều hiểu biết về ngôn ngữ này, và cũng nhờ học hỏi ở một số nghệ sĩ từ Hồng Kông và Đài Loan khi họ sang hát tại vũ trường Olympia trước đó ở Sài Gòn, nên Phương Hoài Tâm may mắn được thu nhận vào hát tại một vài nhà hàng và vũ trường của người Hoa ở khu China Town, rồi sau đó là khu Little Tokyo ở San Francisco. Ngoài ra cô còn thỉnh thoảng tham gia những chuyến lưu diễn ở New York, Boston…
Sau khi chồng Phương Hoài Tâm tìm được việc làm ở San Jose, gia đình của cô dọn về đây từ năm 1979. Tại đây, vì nghĩ rằng mình khó theo đuổi ngành thẩm mỹ được ngay nên Phương Hoài Tâm theo học lớp chuyên viên điện tử và làm về ngành này suốt 5 năm, cùng lúc đó cô vẫn đi hát tại một số vũ trường tại đây như Lido và Maxim’s.
Khi nghệ thuật xăm thẩm mỹ bắt đầu phổ biến tại Hồng Kông, Phương Hoài Tâm đã cố gắng sang đây để theo học về nghệ thuật này cùng với nghệ thuật chăm sóc da trong một thời gian ngắn. Trở về Mỹ, cô mở một tiệm thẩm mỹ nhỏ, có lẽ cũng là tiệm đầu tiên của người Việt ở thành phố San Jose. Sau đó cô còn mở thêm về những lọai mỹ phẩm trộn vàng để bán độc quyền tại Hoa Kỳ cùng với một số mỹ phẩm khác.
Vào đầu thập niên 1990, cơ sở của Phương Hoài Tâm kinh doanh rất nhiều loại mỹ phẩm nổi tiếng thế giới, đồng thời góp vốn trong một viện bào chế mỹ phẩm lớn chuyên về chăm sóc da mặt.
Trong thời gian đầu đến Mỹ, Phương Hoài Tâm tham gia khá thường xuyên những hoạt động văn nghệ trong cộng đồng hải ngoại. Tuy nhiên sau khi đã bước vào lĩnh vực thẩm mỹ, cô rất bận rộng với công việc này nên đi hát thưa dần, và gần như giải nghệ vào năm 1989.
Từ lúc đó, Phương Hoài Tâm dồn mọi khả năng và nỗ lực vào việc điều hành cơ sở mang tên Tammy Skin Care ở San Jose, được nhiều người Việt hải ngoại biết đến.
Click để nghe Phương Hoài Tâm hát cùng với Phương Hồng Quế, Phương Hồng Ngọc trên Asia 58
Đến tận năm 2007, Phương Hoài Tâm mới bắt đầu có thời gian để tham gia ca hát trở lại, đặc biệt là xuất hiện trên Asia số 58 để hát chung cùng 2 người bạn đồng môn là Phương Hồng Quế và Phương Hồng Ngọc. Khi đó, cô nói rằng đã rất bất ngờ khi những khán thính giả ngày xưa vẫn còn dành cho mình nhiều cảm tình sau một thời gian thật dài vắng bóng.
Tuy nhiên lúc đó Phương Hoài Tâm cũng đi hát rất hạn chế, ít xuất hiện như những đồng nghiệp khác cùng thời. Cho đến nay thì cũng đã hơn 10 năm nữa trôi qua, rất ít người còn biết thông tin nào về ca sĩ Phương Hoài Tâm nữa. Có lẽ cô đã muốn ngưng hẳn việc đi hát để mãi giữ được một hình ảnh đẹp trong lòng công chúng.
nhacxua.vn biên soạn