Thương xá TAX của Sài Gòn xưa – Một biểu tượng đã mất

Những người yêu nhạc xưa, có lẽ ai cũng biết câu hát này trong bài Chiều Trên Phá Tam Giang của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh, phổ thơ Tô Thùy Yên: Giờ này thương xá sắp đóng cửa, người lao công quét dọn hành lang…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Thương xá trong bài hát này chính là Thương Xá TAX, là trung tâm thương mại lớn và lâu đời nhất của Sài Gòn.

Trong hầu hết sách báo trước đây viết về tòa nhà GMC này, đều nói rằng tòa nhà được xây dựng từ tận năm 1880, tuy nhiên theo tài liệu cụ thể từ Thư viện quốc gia Pháp thì đây là sự hiểu nhầm. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Hiệp và Tim Doling, sự hiểu nhầm này đến từ chính công ty sở hữu nó là Société Coloniale des Grands Magasins (SCGM), vì họ không biết rõ quá khứ và không còn lưu giữ hồ sơ về GMC nên đưa ra thông tin nhầm lẫn là GMC ở số 135 đại lộ Charner đã có từ năm 1880. Tuy nhiên, theo niên giám Đông Dương 1910 (và các năm trước đó) thì địa chỉ 135 đại lộ Charner là trụ sở công ty Bresset et Cie của ông Bresset, và bên cạnh, số 137 là của ông Muet buôn xe đạp, xe hơi. Chỉ vào năm 1914 thì công ty l’Union Commerciale Indochinoise et Africaine (công ty mẹ của SCGM) mới có mặt nơi đây, rồi bắt đầu xây GMC năm 1921, tròn 100 năm trước, hoàn thành năm 1924.

SGMC lúc còn tháp đồng hồ trên chóp

Kể từ đó, GMC trở thành nơi mua sắm của nhà giàu Pháp, Hoa Việt, hầu như hàng của tất cả các cửa hàng lớn ở Paris đều có mặt ở đây.

Ngày 27 Tháng 11, 1924, sự kiện tiệm bách hóa GMC (Grands Magasins Charner) khai trương được báo chí loan tin rộng rãi.

Trang quảng cáo Grands Magasins Charner

Tháng 10 năm 1925, tòa nhà này được gắn thêm một hệ thống còi điện để kêu lên mỗi khi có tin mới từ Pháp báo sang. Năm 1942, nơi này được xây thêm lầu bốn, đập bỏ tháp đồng hồ và thay vào đó là bảng gắn dòng chữ GMC.

Thập niên 1940, tháp đồng hồ bị đập bỏ, nâng thêm lầu

Sau năm 1955, nền đệ nhất cộng hòa được thành lập, góc đường này được mang tên 2 vị anh hùng dân tộc là Nguyễn Huệ – Lê Lợi. Đến năm 1960, tòa nhà GMC chính thức đổi tên thành Thương Xá TAX, có địa chỉ 135 đại lộ Nguyễn Huệ. Mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê buôn bán. Các thương hiệu nổi tiếng thế giới bắt đầu xuất hiện và bày bán trong Thương Xá TAX.

Sau đây là một số hình ảnh của Thương xá TAX vào thập niên 1960:

Thương xá TAX khoảng thời gian 1960
1962
1964
1965
1965
1966
1967
1968
1969

Sau năm 1975 Thương xá TAX bị giải thể vì chính sách tập trung kinh tế và cấm tiểu thương buôn bán. Tòa nhà được giao về cho UBND thành phố quản lý, không còn là địa điểm kinh doanh nữa mà thỉnh thoảng được tận dụng để làm không gian trưng bày các mặt hàng, máy móc công nghiệp do các đơn vị quốc doanh sản xuất.

Thương xá TAX cuối thập niên 1970
Thương xá TAX thập niên 1980

Đến năm 1978, trong bối cảnh thời bao cấp, Thương xá TAX trở thành một công ty quốc doanh mang tên “Cửa hàng Phục vụ Thiếu nhi Thành phố”. Đến năm 1981, khu nhà này đổi tên thành “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố” do Sở Thương Nghiệp Thành phố sở hữu. Từ năm 1997, tòa nhà đổi tên thành “Công ty Bán lẻ Tổng hợp Sài Gòn” do Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn (SATRA) quản lý.

Thương xá TAX năm 1991, lúc này mang tên “Cửa hàng Bách hóa Tổng hợp Thành phố”

Đến năm 1998 thì cái tên Thương xá TAX mới được phục hồi. Đến năm 2003, tòa nhà được đại tu để trở thành một trung tâm thương mại sầm uất.

Đến năm 2014, thông tin Thương xá TAX sẽ bị đập bỏ làm chấn động những người yêu Sài Gòn xưa. Ngày 12 tháng 10 năm 2016, quá trình đập bỏ khu Thương xá được bắt đầu tiến hành để nhường chỗ cho một cao ốc mới có 40 tầng.

Thương xá TAX năm 2016, ngay trước thời điểm bị đập bỏ
Thương xá TAX thời khắc cuối cùng

Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version