Đất Quảng Nam vốn sinh ra nhiều nhân tài và cả nhiều giai thoại. Trong đó một giai thoại hy hữu là có 2 nhạc sĩ đương thời cùng nặng tình với một nàng thiếu nữ, và mỗi người đã sáng tác một ca khúc để riêng tặng nàng. Cả hai bài hát này đều rất quen thuộc với công chúng…
Đó là một giai thoại lý thú mà giới văn nghệ Quảng Nam và Sài Gòn vẫn kể cho nhau nghe: Ngày xưa (thập niên 60), ở một thị trấn nhỏ của tỉnh Quảng Nam, có một cô học trò trung học, ngày hai buổi ôm cặp đi về trên con đường bụi mù phố lẻ. Nàng họ Hồ, tên Thu, có mái tóc dài, mặt trái xoan, da trắng hồng và cặp mắt long lanh như sóng nước hồ thu. Sóng mắt của nàng đã làm trái tim hai chàng nhạc sĩ tài hoa lỗi nhịp. Nhờ đó mà giới yêu nhạc có được hai ca khúc “để đời” mà hát: bài Thu, hát cho người của Vũ Đức Sao Biển và bài Ru con tình cũ của Đynh Trầm Ca.
Người viết là “thằng em” thân thiết của cả hai nhạc sĩ. Mười lăm năm trước, khi tôi vào làm Báo Thanh Niên thì anh Vũ Đức Sao Biển là “sếp” – phụ trách tờ Thanh Niên bán nguyệt san, còn khi anh Đynh Trầm Ca giã từ ngày tháng phiêu dạt ở phương Nam để đưa vợ con về quê (năm 1998) thì chính tôi là người đưa tin trên báo. Chuyện cả hai ông anh cùng yêu một cô gái rồi viết nhạc, tôi cũng đã biết từ lâu nhưng nay mới có dịp… hỏi cho ra nhẽ.
Hồ Thị Thu ngày ấy – Ảnh: tư liệu |
Với anh Vũ Đức Sao Biển, trong những phát biểu chính thức thì anh không hề nói anh viết Thu, hát cho người cho đích danh một ai cả. Chỉ là một buổi sáng năm 1968, anh lang thang trên đồi sim ở Thăng Bình quê anh, chợt nhớ về một người con gái đã xa mới bật ra những tứ nhạc: “Dòng sông nào đưa người tình đi biền biệt. Mùa thu nào cho người về thăm chốn xưa...”, rồi bảo: Những câu thơ Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản của Thôi Hiệu trong bài Hoàng Hạc lâu đã ám ảnh anh, để anh làm câu tiếp theo Hoàng hạc bay, bay mãi bỏ trời mơ, về đồi sim, ta nhớ người vô bờ… Gì thì gì, chính dấu phẩy sau chữ Thu trong cái tựa Thu, hát cho người đã khiến anh bị “bắt quả tang”: viết cho Thu chứ còn ai vào đó nữa!…
Tôi hỏi anh Đynh Trầm Ca thì anh cười khà khà: “Chuyện cũ rích, mà nếu tau kể thì có hay ho chi mô. Tau cho mi số điện thoại của ông anh rể của cô đó và cả của cô đó nữa. Mi hỏi đi!”. Tôi mừng rơn, gọi cho anh Hồ Luân đang ở Quảng Nam. Anh ấy tuôn một tràng: “Thằng Mạc Phụ (tên thật của Đynh Trầm Ca) quen con Thu là qua tui. Dạo đó tui để ý cô chị (tên Liên), Liên bị bệnh, tui muốn đến thăm nhưng đi một mình thì hơi run, bèn rủ thằng Phụ đi theo. Ai dè, tới nhà Liên, hắn gặp cô em, đâm ra như… mất hồn! Còn con Thu có “tình cảm” chi với Võ Hợi (tên thật của Vũ Đức Sao Biển) không thì tui không rõ. Nhưng mà tui thấy nhiều khi người ta hư cấu mà… hay quá trời, đến nỗi mình là người trong cuộc mà còn ngẩn tò te nữa đó. Năm rồi, cô em tôi kể trong cuộc nhậu có một ông lãnh đạo địa phương. Ổng hỏi: “Ở Quảng Nam có hai nhạc sĩ nổi tiếng, quý vị biết là ai không?”. Mọi người đáp: “Vũ Đức Sao Biển với Đynh Trầm Ca chứ ai!”. “Đúng. Vậy hai ông này có đặc điểm gì?”. Đáp: “Cùng yêu cô Thu và cùng viết bài hát cho cô này!”. “Đúng luôn, nhưng mà xuất xứ của từng bài hát ra sao?”. Không ai trả lời được, lúc đó vị này mới kể: “Hai ông này là nhạc sĩ nên chơi thân với nhau. Thân quá, cho nên khi yêu thì cũng yêu một người. Nhưng do ông Đynh Trầm Ca nghèo, mà lại xấu trai còn ông Vũ Đức Sao Biển chẳng những đẹp trai mà còn làm được bản nhạc Thu, hát cho người rất nổi tiếng nên cô Thu… lấy ông này. Khi cặp vợ chồng này có một đứa con thì một hôm ông Đynh Trầm Ca đến thăm bạn cũ, thấy ông Vũ Đức Sao Biển đang ngồi… ru con. Chuyện vãn được một lúc thì ông Vũ Đức Sao Biển bận việc gì đó, mới nhờ bạn ru con hộ mình. Ông Đynh Trầm Ca ngồi ru con (của) người tình cũ, thấy buồn thấm thía, nên mới cảm tác ra bài Ru con tình cũ. He he… Hay quá phải không chú mày?”…
Tôi hỏi nhân vật chính: Thu – người đẹp của một thời: “Chị ơi, sao người ta lại gọi chị là Thu Chuẩn?”. “À, Chuẩn là tên ba của tôi, ở miền quê người ta thường gọi tên “kép” như thế để phân biệt con nhà này với con nhà kia”. Hỏi “chuyện xưa”, chị cười bảo: “Dạo đó tôi với anh Đynh Trầm Ca cũng có tình cảm nhưng chỉ là tình cảm tuổi mới lớn. Hồi quen anh ấy tôi mới học lớp đệ lục (lớp 7 bây giờ) trường Trung học Tiểu La, nhưng rồi không duyên nợ. Tôi lấy chồng năm 1966, chồng tôi người gốc Hà Nội. Một năm sau thì tôi biết anh Đynh Trầm Ca có viết bài Ru con tình cũ…”. “Do đâu chị biết được?”. “Chu choa, bài này được hát ra rả trên radio, không muốn nghe cũng phải nghe! Còn chuyện anh Vũ Đức Sao Biển thì sau này tôi có nghe một người bạn gái kể là anh ấy cũng có tình cảm với tôi và có viết bài Thu, hát cho người. Nếu đúng vậy thì… cũng là chuyện có duyên không nợ…”.
Có một trùng hợp lý thú là cả Đynh Trầm Ca lẫn Vũ Đức Sao Biển đều bỏ quê, trôi dạt vào phương Nam. Đầu thập niên 70 thế kỷ trước, Vũ Đức Sao Biển vào Bạc Liêu dạy học suốt mấy năm rồi lên Sài Gòn làm báo. Sau 1975, Đynh Trầm Ca cũng dắt díu vợ con trôi dạt về Sóc Trăng, An Giang, rồi Sài Gòn… đến năm 1998 mới hồi hương. Anh hiện là ông chủ quán Thạch Trúc Viên ở thị trấn Vĩnh Điện (Điện Bàn, Quảng Nam). Có một chuyện ly kỳ nữa là dạo còn ở miền Tây, một lần Đynh Trầm Ca xuống bến đò thấy cha con một người hành khất, người cha ôm cây đàn guitar cũ kỹ hát, còn đứa con gái cầm chiếc thau nhôm móp méo đi đến từng người để xin tiền. Bản nhạc mà người hành khất đang hát là bài… Ru con tình cũ: “Ba năm qua em trở thành thiếu phụ. Ngồi ru con như ru tình buồn… Ôi, ba năm qua rồi, lòng chưa nguôi gió bão… Người xa xôi phương nào, người oán trách gì không?”. Đynh Trầm Ca nghe mà thắt cả lòng. Tháng 5.1988, Báo Thanh Niên đăng bài thơ Bất chợt trên bến đò ngang của anh: “…Mười mấy năm rồi người con gái sang sông/Tôi viết lời ca sao buồn quá vậy?/Những lời ca cho lòng tôi thuở ấy/Ai biết bây giờ/Bố con người hành khất dùng để ăn xin?”. Nhạc sĩ Xuân Hồng đã phổ nhạc bài thơ này.
Hà Đình Nguyên