Thông tin và hình ảnh của Ngã Tư Hàng Sanh (Sài Gòn) trước năm 1975

Ngã tư Hàng Xanh là nút giao thông quan trọng bậc nhất của Sài Gòn từ khi mảnh đất này được khai phá cho đến nay. Đây cũng là nơi mà vị trí trọng yếu kết nối con đường thiên lý phía Bắc để nối Gia Định với kinh đô Huế.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Khi đó, từ Gia Định có 3 con đường thiên lý để đi về 3 hướng: Đường thiên lý phía Tây đi Cao Miên, đường Thiên Lý phía Nam đi về lục tỉnh (về phía Tây Nam Bộ hiện nay). Và đường Thiên Lý quan trọng nhất là đi về phía Bắc thẳng hướng kinh đô Huế từ cái mốc ngã tư Hàng Xanh. Ngày xưa con đường này gọi là đường Cái Quan, ngày nay chính là QL1.

Ngã tư Hàng Xanh năm xưa là giao lộ của 2 đường Hùng Vương (tức Hồng Thập Tự nối dài, ngày nay là đường Xô Viết Nghệ Tĩnh) và đường  Xa Lộ Sài Gòn – Biên Hòa. Ngày xưa Xa Lộ Biên Hòa kéo dài cho đến tận cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ), ngày nay đoạn đường từ cầu cho đến ngã tư Hàng Xanh trở thành một đoạn của đường Điện Biên Phủ.

Lý giải về tên gọi Hàng Xanh, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, trước năm 1945 khu vực này trồng nhiều cây sanh, loại cây lớn cùng họ với đa, đề, si… Cây Sanh được trồng dọc hai bên đường Bạch Đằng ngày nay kéo dài đến ngã tư này. Vì vậy mà ngày xưa đường Bạch Đằng còn gọi là đường Hàng Sanh. Tuy nhiên người dân miền Nam thường nói Xanh với Sanh không khác biệt với nhau, nên từ Hàng Sanh dần dần trở thành Hàng Xanh như ngày nay.

Theo một số tư liệu thì đến khoảng thập niên 1940 vẫn còn hàng cây Sanh này ở ven đường, trên Bản đồ Đô Thành Sài Gòn năm 1960 thì đoạn đầu của đường Bạch Đằng vẫn còn ghi tên là đường Hàng Sanh, vậy sự sai lệch từ Sanh thành Xanh cũng chỉ mới vào thâp niên gần đây, không quá xa lắm.

Trước thập niên 1960, chỗ này mang tên là Ngã 3 hàng Sanh. Đến đầu thập niên 1960, sau khi cầu Tân Cảng (nay là cầu Sài Gòn) được xây dựng, có thêm một nhánh đường đi Biên Hòa được gọi là Xa Lộ Biên Hòa, thì chỗ này mới thành Ngã Tư Hàng Sanh.

Bảng chỉ dẫn tên đường ở Ngã 4 Hàng Xanh. Đi thẳng là qua cầu Tân Cảng để đi Biên Hòa, quẹo trái về tỉnh Gia Định, Bà Chiểu, quẹo phải về trung tâm Sài Gòn

Vào thời Đệ Nhứt Cộng Hòa, ít người biết được đây là một giao lộ đồng mức thuộc loại hiện đại bậc nhất, với hệ thống dải phân cách, phân luồng và đèn tín hiệu giao thông được cách âm chôn hoàn toàn dưới lòng đất và vẫn còn sử dụng tốt cho đến năm 1995…

Nhà thơ Kiên Giang – Hà Huy Hà khi lên Sài Gòn học, năm 1943 ông ở trọ tại Hàng Sanh; sau đó ông có sáng tác bài thơ “Nhạc Xe Bò”, có đoạn:

Đêm xưa trăng mới đứng đầu
Đoàn xe bò đã qua cầu Hàng Sanh
Nhạc xe bò rộn âm thanh
Khô khan mà thảm, mong manh mà sầu
Bánh xe lốc cốc
Lên dốc đầu cầu

Sau năm 1975, bài thơ Đêm, Nhớ Trăng Sài Gòn của thi sĩ Du Tử Lê được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc có lời nhắc đến Hàng Xanh như sau:

Đêm về theo bánh xe qua
Nhớ tôi xa lộ, nhớ nhà Hàng Xanh.

Xa lộ trong bài thơ – bài hát này chính là Xa lộ Sài Gòn – Biên Hòa như đã nhắc ở bên trên, xuất phát từ điểm đầu là cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) đi qua ngã tư Hàng Sanh rồi thẳng QL1 đến Biên Hòa..

Sau đây mời các bạn xem một số hình ảnh khác ở khu vực Hàng Xanh – Hàng Sanh trước năm 1975:

Ngay chính giữa ngã tư có một ngôi chùa mà ngày nay vẫn còn, đó là chùa Phước Viên được thành lập từ năm 1928.


nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version