Cuộc đời và sự nghiệp của ca sĩ Thiên Trang – Giọng ca ngọt ngào và gương mặt khả ái của nhạc vàng

Ca sĩ Thiên Trang nổi tiếng là một ca sĩ xinh đẹp có giọng ca truyền cảm nổi tiếng từ trước 1975, và sự nghiệp của cô đạt đến đỉnh cao khi sang đến hải ngoại vào thập niên 1980. Là một ca sĩ tài sắc vẹn toàn nhưng cuộc sống riêng tư của cô khá kín tiếng và ít người được biết. Sở dĩ như vậy là bởi vì Thiên Trang cho biết cô không muốn nhiều người biết về đời tư, mà chỉ muốn khán giả biết về mình qua tiếng hát.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Ca sĩ Thiên Trang tên thật là Huỳnh Thị Hai (bé Hai), tên Mỹ là Trang Huynh Do, sinh ngày 1/2/1951 tại Sài Gòn. Thiên Trang là ca sĩ hiền lành, có cuộc sống lặng lẽ, xa rời chốn thị phi. Cô có tấm lòng yêu thương động vật đặc biệt, cũng vì lý do này mà dẫn đến việc cô ăn chay trường.

Trước đây, trên các website về âm nhạc đang đăng tải một thông tin tiểu sử SAI về Thiên Trang như sau:

“Ca sĩ Thiên Trang tên thật là Nguyễn Ninh Thiên Trang sinh 09/09/1957 tại Đà Lạt trong một gia đình có 4 anh chị em. Là một người phụ nữ gốc Việt có tài năng, ngoài ca hát cô còn là MC và là luật sư thông thạo nhiều thứ tiếng. Không chỉ chất giọng ấm và truyền cảm cô còn được khán thính giả Việt Nam biết đến như một ca sĩ đầy duyên dáng.”

Đây là không phải là thông tin đúng của ca sĩ Thiên Trang mà chúng ta thường biết, mà là thông tin của một xướng ngôn viên kiêm luật sư ở Mỹ tên là Nguyễn Ninh Thiên Trang. Trang web đăng tải thông tin về cô luật sư này nhưng lại đăng kèm theo hình ảnh của ca sĩ Thiên Trang, làm cho nhiều người hiểu nhầm. Các trang web sau đó copy lại thông tin sai này, làm cho thông tin sai về ca sĩ Thiên Trang bị lan truyền rộng rãi. Dưới đây là thông tin tiểu sử chính thức của ca sĩ Thiên Trang.

Thiên Trang bắt đầu theo đuổi nghề ca sĩ vào khoảng năm 18 tuổi, và thầy dạy hát đầu tiên cho Thiên Trang là nhạc sĩ Anh Việt Thanh (tác giả Vùng Lá Me Bay), cũng chính nhạc sĩ này đặt cho cô nghệ danh là Thiên Trang, với ý nghĩa là Hoa Trang trên trời. Năm 18-19 tuổi, cũng chính nhạc sĩ Anh Việt Thanh còn dìu dắt và giới thiệu để Thiên Trang vào thi tuyển lựa ca sĩ của biệt đoàn văn nghệ trung ương, sau đó chính thức được biệt đoàn văn nghệ nhận vào để đi hát ở khắp Saigon, các tỉnh và tiền đồn.

Người thầy thứ 2 của Thiên Trang là nhạc sĩ Châu Kỳ, người đã dìu dắt cô vào hát trên các đài phát thanh, truyền hình, với bản thâu âm đầu tiên là bài Trả Tôi Về của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân. Thành công với ca hát không được bao lâu, Thiên Trang có duyên với điện ảnh và được đóng vai nữ chính trong 2 bộ phim nổi tiếng là Loan mắt Nhung Điệu Ru Nước Mắt.

Trước năm 1975, Thiên Trang có rất ít bản thu âm trong băng nhạc mà chủ yếu hát trong phòng trà. Mỗi đêm cô cùng với người chị bạn (kiêm quản lý) đi xe máy đến hát ở nhiều phòng trà nổi tiếng của Sài Gòn: Bồng Lai, Quốc Tế, Maxim’s, Nam Đô, Queen Bee, Crystal Palace, Đệ Nhất Khách Sạn… Thiên Trang có gương mặt đoan trang, hiền lành, dễ gây thiện cảm nên có rất nhiều khán giả nam trồng cây si thời đó.

Có nhiều câu chuyện kể về những fan hâm mộ của Thiên Trang thời trước 1975: Một hôm có khán giả thấy cô đi xe máy bị dính mưa ướt áo. Khi vô đến phòng trà, Thiên Trang phải ngồi kế quạt máy để áo dài khô để lên sân khấu. Qua hôm sau vị khán giả đó đã mua một chiếc xe hơi và đến đưa chìa khóa tặng cho Thiên Trang, tuy nhiên cô chỉ cám ơn và nhất quyết không nhận món quà lớn như vậy. Có một khán giả mến mộ khác đến nhà thăm Thiên Trang, nhưng lúc đó Thiên Trang vẫn còn nhỏ nên khi đến nhà, vị khán giả đó chỉ được nói chuyện cùng ba của cô. Người này thấy con đường vào nhà Thiên Trang rất sình lầy khó đi nên tự cho xe đổ đá làm nguyên con đường nhựa dẫn vào nhà. Hàng xóm hay đùa là đường này mang tên Thiên Trang.

Năm 1972, Thiên Trang trải qua một cú sốc lớn về tình cảm. Người yêu của cô là một sĩ quan tên là Kiệt là nạn nhân trong một vụ án mạng chấn động ở đô thành. Có lẽ việc đó phần nào ảnh hưởng tới giọng hát của cô: da diết và não nùng hơn trong những ca khúc tình yêu dang dở.  Một bài báo năm 1972 đã nhắc đến sự kiện đó như sau (trích)

Nàng đã cố ôm quá khứ để tiếc thương bằng hoài niệm nhưng tiếng hát là một dò tìm trong hy vọng cho dự phóng của hôm mai. Thiên Trang là một biểu tượng kỳ lạ với tiếng hát bao giờ cũng thế, gieo vào tâm hồn người nghe nỗi bơ vơ phiêu du của dòng đời không dịch hướng nhưng vẫn phải mong chờ trong sắc diện tái tạo một niềm tin.

Trong thế giới âm thanh đặc quánh những tiềm lực chất chức đầy hồn cho mỗi lần lên tiếng, giọng hát như một nhánh rong phiêu bạt kể lại đời mình oan nghiệt, đổ vỡ bằng một thứ kinh nghiệm xuôi giòng. Tiếng hát đó là động lực chính đã thu hút được một số đông thính giả trẻ đang chung cuộc ái mộ nàng nhưng đồng thời tiếng hát ấy cũng đã mang vào đời những mới lạ của âm điệu để dựng nên, tạo ra một nguồn sóng kỳ diệu trước cuộc đời và con người những mơ ước cao xa.

Nói đến Thiên Trang là nói đến những ẩn dụ của đời sống nàng với những hệ lụy của đoạn trường vì định mệnh đã vô cùng ưu ái nàng những đắng cay. Và trong tích lũy ấy của đời sống, Thiên Trang có đủ sắc tài của một con chim quý.

Nàng đã yêu và tình yêu là một tan nát giòng nước mắt ngày nào trong lần vĩnh biệt người yêu đã như một ám ảnh cho đời nàng những chắt chiu của bất hạnh, của xót xa chua chát, của buồn tủi triền miên của van lơn kỷ niệm trong một tâm trạng thường xuyên bất ổn.

Thiên Trang rời Việt Nam năm 1978 để qua Mỹ bằng tàu biển Huy Phong theo diện người Hoa về nước. Đó là thời điểm Việt Nam và Trung Quốc căng thẳng, chuẩn bị chiến tranh biên giới nên có hàng trăm ngàn Hoa kiều phải bỏ Việt Nam để về Trung Quốc hoặc bỏ qua nước thứ 3. Giai đoạn này có 2/3 người rời Việt Nam (qua đường biển và đường bộ) là người Hoa. Thiên Trang mặc dù không phải là người Hoa nhưng vẫn rời Việt Nam trong đợt này.

Ở nơi xứ người, Thiên Trang siêng năng học hỏi để hòa nhập cộng đồng. Ban đầu cô học tiếng bản xứ rồi mở nhà hàng Pháp, cũng từ đó cô bắt đầu tập ăn chay dần cho đến bây giờ. Sau này không kinh doanh nhà hàng nữa, Thiên Trang gặp lại nhạc sĩ Anh Bằng và được mời về trung tâm Asia cộng tác. Nhạc sĩ Anh Bằng tiếp tục là người thầy chỉ dẫn thêm cho cô về âm nhạc, đặc biệt là những bài hát về Huế như Huế Xưa, Huế Mù Sương… Nhạc sĩ Anh Bằng từng phát biểu là ông rất ưng Thiên Trang hát nhạc ông sáng tác, vì giọng cô rất hợp và không làm nhạc của ông trở nên bi lụy. Thời điểm này cũng là lúc cô đi trình diễn khắp nơi trên thế giới và quay nhiều video cho các trung tâm, phát hành nhiều sản phẩm âm nhạc nhất trong sự nghiệp. Đó là thời điểm cô làm cho khán giả luôn nhớ mãi một Thiên Trang với mái tóc bồng bềnh và khuôn mặt xinh đẹp đầy thiện cảm, ánh mắt như biết nói, nụ cười duyên dáng, giọng hát ngọt ngào sâu lắng…

Khoảng thời gian sau đó, Thiên Trang dần ít hát trở lại, cô chuyển đến làm việc ở văn phòng của một trường trung học. Thỉnh thoảng cô vẫn tham gia vài chương trình âm nhạc, gần đây nhất là xuất hiện trong 2 cuốn Asia 73,74, chương trình Do Thanh 40 năm viễn xứ Những nẻo đường quê hương, và nhiều show ca hát khác ở những thành phố thuộc miền Nam California.

Thiên Trang cùng con trai út

Hiện tại Thiên Trang có cuộc sống hạnh phúc êm ấm bên chồng tại tiểu bang George – Hoa Kỳ.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version