Saigon trước năm 1975 quy tụ rất nhiều các dòng xe phục vụ nhu cầu giao thông và cuộc sống đô thị. Bài viết này thống kê các loại xe máy có mặt ở Saigon đến đầu năm 1975
Các xe máy Âu Châu
Do việc nhập cảng xe máy Nhật vào miền nam Việt Nam từ năm 1965, thị trường xe máy nhập từ Âu Châu giảm xuống rõ rệt. Những xe gắn máy như Vélo-Solex, Mobylette, Goebel, Puch, Ischia… đã chết hẳn vào cuối thập niên 1970.
Mặc dù trong những năm 1966, 1967… các nhà xuất nhập cảng xưa cố gắng nhập về những xe máy Âu Châu như Gilera, Malaguti, Innocenti Lambretta, Piaggio Vespa, Ducati… từ Ý; Motobécane Cady từ Pháp cũng không thể đánh đổ dòng xe máy Nhật.
Ngoài ra còn một số lượng xe mô-tô Âu Châu được nhập vào trong cuối thập niên 1950 như xe TWN (Triumph) Cornet, BMW R25 hay NSU Supermax nhưng không phổ biến nhiều, những xe gắn máy Sachs, Puch… đều xếp vó trở thành xe lôi hay xe ba gác máy.
Trong khi 2 hãng xe scooter Ý là Piaggio với kiểu xe Vespa 125, 150 Super cùng Vespa 50 cố gắng chinh phục thị trường thì Lambretta cũng nhập vào kiểu Mini Lambretta J50 cùng 2 kiểu xe Luna và Vega 50 nhưng không thành công cho lắm.
Có vài nhân viên các tòa đại sứ cũng nhập xe máy vào Việt Nam lác đác vài chiếc xe mô-tô BSA A65 của tòa Đại sứ Anh quốc.
Các xe máy Nhật
Kể từ dầu thập niên 1970, số lượng xe máy Nhật tràn ngập thị trường ở miền nam Việt Nam, dòng xe máy Âu Châu xem như đã chết hẳn. Số lượng xe Nhật cũng giảm dần vì thị trường xe máy Việt Nam cũng giảm bớt nhu cầu.
Honda gần như chiếm lãnh toàn bộ thị trường xe máy Nhật với những kiểu xuất phát dựa trên kiểu Honda SS50 ghi-đông thẳng năm 1966 thêm thắt hình dáng gui-đông, ống pô phuộc nhún… và 2 động cơ 50cc OHC với 2 hộp số 4 và 5 số thành các kiểu CD50, CL50 mà người Việt gọi theo năm nhập vào miền nam Việt Nam như 67,68,72…
Honda cũng nhập xe gắn máy nhỏ dựa vào kiểu xe đạp như xe P50, kiểu này với bộ máy nằm trong ổ bánh sau, thô kệch và nặng nề nên chỉ nhập một đợt rồi thôi, nhanh chóng thay thế bởi kiểu Honda PC50 và PS50 tiếp theo với bình xăng gắn trước yên ngồi. Ngoài ra có một số xe Honda 90, 125, 150, 175cc… do nhân viên Hoa Kỳ bán lại trước khi hồi hương, số xe nầy được đăng bộ lại bảng số VN.
Thương hiệu Bridgestone đã biến mất ngay từ đầu thập niên 1970, theo như những nguồn tin, mặc dù chi bộ xe máy Bridgestone làm ăn phát đạt, tuy nhiên những xe mô-tô Bridgestone phân khối lớn nhắm vào thị trường xe mô-tô ở Hoa Kỳ và Âu Châu bị giết chết bởi các xe Yamaha, Honda và Suzuki với giá chỉ bằng 2/3 xe Bridgestone, do đó, Bridgestone đành đóng cửa chi bộ xe máy và tập trung vào việc sản xuất vỏ lốp xe máy và ô-tô. Tại Việt Nam, đa số là xe BS50, ngoài ra còn thấy có lác đác vài xe BS60 và BS60 Sport.
Thương hiệu Kawasaki chỉ nhập vào Việt Nam một đợt xe Kawasaki 50cc M10 khoảng năm 1966 rồi thôi. Lý do là xe nặng nề so với sức kéo của máy vì lẽ Kawasaki dùng chung một khung sườn xe cho nhiều kiểu khác nhau từ 50cc đến 90cc, hình dáng chiếc M10 cũng thô kệch so với Honda, Suzuki; Bridgestone và Yamaha nên không thu hút được khách hàng. Ở Sài Gòn cũng có lác đác vài xe Kawasaki S1 & S2 Match III 350cc do nhân viên Hoa Kỳ sử dụng, nhưng sau 1975 chẳng còn thấy bóng, có lẽ họ đã đem về nước.
Suzuki cho nhập vào Việt Nam 2 kiểu xe nhằm thay thế kiểu M12 và M15 – đó là kiểu A50 và AS50 với động cơ 2-thì van hút vòng xoay như dòng xe Bridgestone và bình xăng cùng bình nhớt riêng như dòng xe Yamaha. Cũng như Kawasaki, xe Suzuki phân khối lớn thì thấy các nhân viên và quân nhân Hoa Kỳ chạy xe K15 Hill-Billy 80cc; TC250 và X6 Hustler… những xe nầy biến mất vào năm 1973 khi người Mỹ hồi hương.
Trong các dòng xe Nhật, hãng Honda được xem là linh động nhứt – họ theo dõi thị hiếu và nhu cầu của khách hàng như ra mắt xe P50 không bán chạy thì lập tức được thay thế bằng kiểu PC50 – hãng Yamaha cũng không kém, để cạnh tranh với kiểu Honda SS50 và các kiểu khác của Honda, Yamaha YJ-1 thô kệch được thay thế bằng kiểu YF-5 và YF-5S; tuy nhiên trước các kiểu Honda SS50M, CB50K mà hãng Honda liên tục thay đổi buộc Yamaha phải tùy thị trường mà đáp ứng, nên đã ra mắt kiểu xe Yamaha L5T và FS1 hòng chiếm lãnh thị trường trong cuộc chiến xe Nhật của thập niên 1970.
Những xe máy Nhật đời đầu cũng đã về thôn quê cạnh tranh với các xe Âu Châu qua các loại xe lôi ở lục tỉnh và xe ba gác máy cũng được gắn các động cơ xe máy Nhật thu hồi từ những xe máy bị tai nạn.
Qua năm 1973, dòng xe Nhật không còn nhập ào ạt như những năm cuối thập niên niên 1960, một phần vì nguồn ngoại tệ giảm xuống cũng như số lượng xe máy tại miền nam Việt Nam đã khá nhiều nên nhu cầu mua sắm đã sụt hẵn, không còn sôi động; ngoại trừ việc nhập cảng các cơ phận và phụ tùng xe máy.
(Hoàng Kim Việt)