Nhắc đến thi sĩ Nhất Tuấn, nhiều người nhớ đến bài nhạc vàng mang tên Hoa Học Trò của nhạc sĩ Anh Bằng phổ nhạc và được nhiều thế hệ khán giả yêu thích. Hoa Học Trò là bài thơ được thi sĩ Nhất Tuấn xuất bản trong tập Truyện Chúng Mình nổi tiếng của ông, và không chỉ có một, mà có đến hơn 40 bài trong tập thơ Truyện Chúng Mình đã được phổ thành nhạc. Ngoài Hoa Học Trò còn có Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời (nhạc sĩ Phạm Duy), Niềm Tin (Anh Linh) Mimosa Thôi Nở (Đan Thọ), Tiếng Hát Đồi Sim (Hoàng Lang), Chuyện Cành Hoa Mimosa (Hồng Vân), Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không (Trần Thiện Thanh)…
Ngoài ra, Nhất Tuấn còn là tác giả của 4 câu thơ quen thuộc thường được các ca sĩ ngâm trước khi hát 1 số bài hát:
Anh biết ngày mai em lấy chồng
Ba năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng…
Trong tập thơ Truyện Chúng Minh nổi tiếng, thi sĩ Nhất Tuấn đã viết hộ cho tâm tình của những đôi tình nhân trang nhật ký tình yêu thắm thiết. “Truyện Chúng Mình” thoạt nghe thì tưởng rằng đó là chuyện riêng tư chỉ có “hai người” biết với nhau thôi, nhưng sau khi tập thơ được phát hành thì đã thành “truyện chúng mình” của bao nhiêu lứa đôi của các thế hệ học trò trước năm 1975.
Nhà văn Thanh Nam nói rằng không biết là thi sĩ Nhất Tuấn đã đã nhận được bao nhiêu lời cám ơn của những lứa đôi nên vợ thành chồng nhờ vào mối duyên tơ đến từ những bài thơ “truyện chúng mình”. Những bài thơ được chép tay rồi ép vào trong vở, rồi được trao vội cho nhau giữa sân trường hoặc để trong ngăn bàn học đã trở thành tín vật tình yêu, là những kỷ niệm không thể nào quên được với nhiều thế hệ học trò ngày xưa.
Thi sĩ Nhất Tuấn tên thật là Phạm Hậu, sinh năm 1935 tại làng tại Quần Phương Hạ, Hải Hậu, Nam Định.
Năm 1953 ông học khóa Hạ sĩ quan trường Võ bị địa phương Nam Định. Năm 1954, ông cùng gia đình di cư vào Nam rồi theo học khóa 7 trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt năm 1955. Sau khi ra trường ông phục vụ quân ngũ, từng giữ các chức vụ quản đốc Đài Phát thanh Quân đội Đông Hà và Phần Phát thanh Quân đội Huế (năm 1962), đến năm 1966, ông làm quản đốc Đài Phát thanh Nha Trang. Năm 1967, Nhất Tuấn là giám đốc Nha Nghiên cứu Kế hoạch Bộ Thông tin, năm 1968 là quản đốc Đài Phát thanh Quân đội Sài Gòn.
Năm 1970 ông theo học lớp chỉ huy tham mưu cao cấp tại Đại học Quân sự Đà Lạt, đến năm 1971 về làm Giám đốc Nha Vô tuyến Truyền thanh Sài Gòn, rồi Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã từ năm 1974.
Sau tháng 4 năm 1975, Nhất Tuấn sang Hoa Kỳ, tốt nghiệp đại học ngành quản trị kinh doanh tại trường City University ở thành phố Seattle, sau đó trở thành công chức tiểu bang Washington từ năm 1976 đến 1994.
Sau đây là một số bài hát được phổ từ thơ Nhất Tuấn:
Hoa Học Trò (nhạc Anh Bằng)
Nhất Tuấn đã gọi hoa phượng là loài “hoa học trò”, là màu hoa tươi thắm đẹp như mối tình đầu vụng dại của những cô cậu học trò. Tình đầu là những xao xuyến, những rung động của trái tim vừa chớm biết yêu, là mộng ước và giấc mơ tươi đẹp nhất của một thời hoa niên tuổi trẻ:
Bây giờ còn nhớ hay không?
Ngày xưa hè đến phượng hồng nở hoa
Ngây thơ em rủ anh ra
Bảo nhặt hoa phượng về nhà chơi chung.
Click để nghe Nhật Trường – Hoàng Oanh hát Hoa Học Trò trước 1975
Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời (nhạc sĩ Phạm Duy)
Ca khúc Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời của nhạc sĩ Phạm Duy phổ từ thơ Nhất Tuấn đã nói lên nỗi ưu tư của chàng trai nghèo về số kiếp bọt bèo của mình, không thể thổ lộ cùng ai cho vơi bớt đi tâm sự, chỉ biết giãi bày và cầu nguyện với Chúa…
Con quỳ lạy Chúa trên trời
Sao cho con lấy được người con yêu
Ðời con đau khổ đã nhiều
Từ khi thơ dại đủ điều đắng cay
Click để nghe Thanh Lan hát Con Quỳ Lạy Chúa Trên Trời trước 1975
Niềm Tin (nhạc sĩ Anh Linh)
Bài hát Giáng Sinh quá nỗi nhẹ nhàng và ngọt ngào này được nhạc sĩ Anh Linh phổ nhạc từ một bài thơ được Nhất Tuấn sáng tác trong tâm trạng nhớ thương về Đà Lạt, là nơi ông có nhiều năm theo học tại đây. Màu hoa vàng mimosa của xứ lạnh có lẽ là loài hoa mà thi sĩ yêu nhất, nên trong thơ của ông tràn ngập loài hoa này, và trong bài Niềm Tin cũng vậy:
Lại một Noel nữa
Mấy mùa giáng sinh rồi
Anh ở đồn biên giới
Thương về một khung trời
Chắc Đà Lạt vui lắm
Mimosa mimosa nở vàng
Anh đào khoe sắc thắm
Hương ngào ngạt không gian
Click để nghe Duy Trác hát Niềm Tin trước 1975
Mimosa Thôi Nở (nhạc sĩ Đan Thọ)
Một bài hát khác cũng nhắc về hoa Mimosa, nhắc về tình đầu vào một mùa Noel năm xưa:
Noel xưa anh nhớ:
Khi hãy còn yêu nhau
Nhà thờ nơi cuối phố
Thấp thoáng sau ngàn dâu
Anh chờ em đi lễ
Chung dâng lời nguyện cầu…
Click để nghe Duy Quang hát Mimosa Thôi Nở
Chuyện Cành Hoa Mimosa (nhạc sĩ Hồng Vân)
Ca khúc này được Julie Quang hát lần đầu trong dĩa nhựa.
Bỗng dưng nhận được cành hoa
Của người ở tận phương xa gửi về
Dẫu tên người ấy không đề
Sao mình vẫn nhớ hẹn thề ngày xưa
Click để nghe Julie Quang hát Chuyện Cành Hoa Mimosa trước 1975
Tiếng Hát Đồi Sim (nhạc sĩ Hoàng Lang)
Thi sĩ Nhất Tuấn có 2 khoảng thời gian học ở Đà Lạt, vì vậy nơi đây đã ghi dấu rất nhiều kỷ niệm trong đời của ông:
Đà Lạt mờ sương khói
Một mình anh lặng im
Nghe hồn mình nức nở
Nghe hồn lẻ trong tim
Giá mình đừng gặp nhau
Click để nghe Thanh Lan hát Tiếng Hát Đồi Sim trước 1975
Chủ Nhật Này Trẫm Nhớ Ái Khanh Không (nhạc sĩ Trần Thiện Thanh)
Một bài hát có lời rất dễ thương, cùng với tựa đề cũng rất độc đáo:
Chỉ tại anh nên hôm qua về trể
Cứ phim hay tài tử trứ danh hoài
Anh quảng cáo mà tô màu giỏi thế
Hỏi ai còn đành khất hẹn ngày mai
Chỉ tại anh nên trời thu đổi gió
Mimosa phủ kính mặt đường khuya
Vương đầy tóc em bắt đền anh đó
Gỡ giùm đi đừng cười mãi ô kìa
Đoạn Cuối Tình Yêu (nhạc sĩ Tú Nhi)
Anh biết ngày mai em lấy chồng
Ba năm thề hẹn cũng bằng không
Tập thư ngày trước xin trao lại
Để kẻ sang ngang khỏi bận lòng…
Có lẽ 4 câu thơ này rất quen thuộc với những người yêu nhạc vàng. Trong ca khúc Đoạn Cuối Tình Yêu, nhạc sĩ Tú Nhi (Chế Linh) đã để 4 câu thơ này vào đầu bài hát. Chế Linh từng nói rằng ông đã dựa vào 4 câu thơ này của thi sĩ Nhất Tuấn để viết thành bài nhạc vàng lâm ly bi đát, là tâm sự của một đôi tình nhân vào đêm cuối trước lúc cô gái sang ngang, mọi sự níu kéo đều là vô nghĩa.
Click để nghe Chế Linh hát Đoạn Cuối Tình Yêu trước 1975
nhacxua.vn biên soạn