Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và người tình “hiền như Ma-soeur” – Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng…

Năm 14 tuổi, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên sáng tác bài thơ mang tên Khúc Tình Buồn để tặng cho người bạn gái xinh xắn học chung lớp ở trường Ngô Quyền (Biên Hòa) tên Duyên. Bài thơ này sau đó đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc Thà Như Giọt Mưa, khởi đầu sự kết hợp thành công rực rỡ của thơ – nhạc giữa Nguyễn Tất Nhiên và Phạm Duy.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nếu như những bài thơ viết cho Duyên thời niên thiếu thường là lời trách móc, hờn dỗi rất trẻ con, thì vào năm 18 tuổi, khi đã chín chắn hơn, ông đã sáng tác những lời thơ rất dịu dàng để tặng cho một cô nữ sinh học chung trường khác tên là Minh Thủy, người mà sau đó cũng là vợ ông:

Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta thèm hôn lên mắt tiểu thư buồn
Ta vẫn ăn năn những lúc đón đường
Em khó chịu mà thư nào cũng nhận 

Trong số những bài thơ viết cho Minh Thủy, có 2 bài được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc nổi tiếng, đó là Hai Năm Tình Lận Đận và bài Em Hiền Như Ma Soeur. Trong đó, bài Em Hiền Như Ma Soeur gây ấn tượng mạnh với người nghe ngay từ tựa đề ca khúc. Tại sao lại là Ma Soeur?

Dù là một người ngoại đạo nhưng trong thơ Nguyễn Tất Nhiên nhiều lần nhắc đến hình tượng của Thiên Chúa Giáo, có lẽ do ảnh hưởng từ mối tình đầu tiên của ông (Duyên) là một con chiên ngoan đạo. Còn về phần cô gái mang tên Minh Thuỷ, đây chắc hẳn là một cô gái rất hiền lành, dịu dàng, đoan trang nên mới được nhà thơ ví “hiền như Ma soeur”, nghĩa là giống như những nữ tu.

Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Như mưa đời phất phơ, chắc ta gần nhau chưa?
Tay ta từng ngón tay, vuốt tóc em lưng dài
Đôi ta vào quán trưa, nhắc nhau tình phôi pha


Click để nghe Elvis Phương hát Em Hiền Như Ma Soeur trước 1975

Từng câu hát thả rơi, lãng đãng, buồn rười rượi. Tình yêu đã đi đến đoạn “nói năng chi cũng thừa”, đã yêu nhau, thương nhau đậm sâu rồi nhưng sao vẫn thấy không chắn chắn: “Chắc ta gần nhau chưa?”. Là do hai người vẫn còn quá xa cách hay bởi tình đang “phôi pha”?

Em mang hồn vô tội, đeo thánh giá huy hoàng
Còn ta nhiều sám hối mà sao vẫn hoang đàng
Đưa em về dưới mưa, nói năng chi cũng thừa
Đưa em về dưới mưa, có nhau mà như xa

Đến đoạn hát thứ hai này thì câu trả lời đã được mở ra. Em, “nữ tu”, “vô tội”, “đeo thánh giá huy hoàng”, thuỷ chung, hiền hậu. Còn Ta – hoang đàng, dù nhiều sám hối, dù biết mình sai nhưng vẫn không thể cải đổi. Vậy nên “có nhau mà như xa”, mãi mãi chẳng thể ghép thành một cặp đôi trọn vẹn. Trong thực tế, cuộc tình của Nguyễn Tất Nhiên và Minh Thủy đã nhiều lần hợp tan vì tính cách “hoang đàng” cố hữu không thể thay đổi của Nguyễn Tất Nhiên. Khi còn ngồi trên ghế nhà trường, dù cũng đã xiêu lòng trước sự tấn công dồn dập của Nguyễn Tất Nhiên, Minh Thuỷ vẫn quyết định trả lại hết quà, thư, chấp dứt cuộc tình hoa mộng bởi có lẽ là đã không chịu nổi những sự thất thường của Nguyễn Tất Nhiên. Rất nhiều năm sau đó, năm 1983, sau khi Nguyễn Tất Nhiên được gia đình bảo lãnh sang Pháp, ông tình cờ gặp lại Minh Thuỷ. Hai người nối lại tình xưa và đi đến hôn nhân. Ngay từ khi mới tái hợp, Nguyễn Tất Nhiên đã ý thức được sự “hoang đàng” và lời hứa “sám hối” của mình trong một bài thơ:

Phu thê nếu đã nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra

Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương
Phu thê nếu đã buộc ràng
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng

Tôi quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương, khóc tình.

Tuy nhiên, dù có với nhau 2 người con trai, cuộc sống hôn nhân của họ lại không hề hoà hợp và hạnh phúc, để rồi dẫn đến kết cục không thể tránh khỏi là ly hôn. Tuy nhiên, khác với những lời thơ chua ngoa, trả treo gay gắt dành cho cô gái tên Duyên trong cuộc tình đầu tiên, trong cuộc tình với Minh Thuỷ, Nguyễn Tất Nhiên luôn nhận mọi lỗi lầm về mình:

Em hiền như ma-soeur, vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta bệnh hoạn, em yêu này em yêu
Ta nhờ em ru ta, hãy ru tên vô đạo
Hãy ru tên khờ khạo, em yêu này em yêu

Nỗi đau của ta là nỗi đau của kẻ luôn cảm thấy “thấp kém”, tự ti trước em. Bởi em cứ mãi “hiền như ma-soeur”, nên ta luôn thấy mình không “xứng”. Đứng trước trái tim thánh thiện, ngoan đạo của em, trái tim ta là thứ “bệnh hoạn”, là phường “vô đạo”. Giá như em đừng “hiền như ma-soeur”, giá như em cứ “điêu ngoa”, cứ “xảo quyệt”, cứ giả lả thì ta đã có thể ngẩng cao đầu cười cợt, có thể nghiệt ngã với em mà không hề cảm thấy xấu hổ. Nhưng em lại cứ hiền, cứ thanh cao như vậy, điều đó làm cho trái tim ta nhức nhối. Nỗi đau đó, vết thương đó trong lòng ta mãi chẳng thể lành lại.


Click để nghe Duy Quang hát Em Hiền Như Ma Soeur trước 1975

Đưa em về dưới mưa, chiếc xe lăn dốc già
Đưa em về dưới mưa, áo em bùn lưa thưa
Đưa em về dưới mưa, hỡi cô em bé nhỏ
Ôi duyên tình đã qua, có bao giờ không xưa? 

Vai em tròn dưới mưa, ướt bao nhiêu cũng vừa
Như ưu tình đã xa, thấm linh hồn em yêu.

Nguyên tác bài thơ này tên là Ma Soeur, được thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên sáng tác năm 1971, trong thời gian quen biết với Minh Thủy (từ năm 1970). Có một số bài viết cho rằng “Ma Soeur” chính là Duyên, nhưng dựa theo mốc thời gian thì không phải như vậy, vì mối tình đơn phương của nhà thơ với cô Duyên đã kết thúc trước đó đã từ lâu.

Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên vào đầu thập niên 1990. Ảnh: Thái Đắc Nhã

Khi nhạc sĩ Phạm Duy quyết định phổ nhạc bài thơ của Nguyễn Tất Nhiên, ông đã đo ni đóng giày nhạc phẩm này cho trưởng nam của mình là ca sĩ Duy Quang. Chính vì vậy mà Em Hiền Như Ma Soeur thật sự là một ca khúc rất “hiền”, nhẹ nhàng, lãng mạn và cũng đầy day dứt, sầu muộn.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version