Thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên và một đời thơ bi thiết

Nguyễn Tất Nhiên là một trong những thi sĩ nổi tiếng nhất của làng văn nghệ Sài Gòn trước năm 1975. Cho dù ảnh hưởng của ông trên văn đàn thời đó không được đánh giá cao, nhưng các bài thơ – đặc biệt là thơ học trò – rất được giới trẻ yêu thích. Đó là những tâm tình của thanh niên thời mới lớn, những yêu đương khổ lụy thường tình được Nguyễn Tất Nhiên chép lại bằng một giọng thơ rất khác lạ, có phần “nổi loạn” không giống ai đã thu hút được rất nhiều độc giả là học sinh – sinh viên.

Có một điều đặc biệt và hơi khác thường, đó là thơ của Nguyễn Tất Nhiên không được biết đến đầu tiên nhờ các trang thơ – là con đường gần như duy nhất lúc đó để các thi sĩ giới thiệu tác phẩm của mình. Thơ của Nguyễn Tất Nhiên chỉ được đông đảo công chúng biết đến khi được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, với bài đầu tiên là Thà Như Giọt Mưa.


Click để nghe Elvis Phương hát Thà Như Giọt Mưa

Nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, sinh năm 1952 ở Biên Hòa. Ông cũng sống tại đây trong phần lớn thời gian ở Việt Nam, cho đến năm 1980 thì sang định cư ở Pháp, sau đó là Hoa Kỳ.

Nguyễn Tất Nhiên theo học trường trung học Ngô Quyền từ năm 1963 cho tới năm 1970. Lúc mới vừa lên trung học đệ nhất cấp, ông đã bắt đầu làm thơ. Theo lời những người bạn cùng trường lúc đó, thơ của Nguyễn Tất Nhiên đã rất hay từ nhỏ. Năm 14 tuổi, ông cùng một người bạn học xuất bản chung tập thơ đầu tiên mang tên Nàng Thơ Trong Mắt, lúc này ông lấy bút hiệu là Hoài Thi Yên Thy.

Thời gian này, Nguyễn Tất Nhiên đã gặp một cô gái người miền Bắc tên là Duyên và có với cô này một tình cảm học trò nhẹ nhàng. Tuy mối tình không thành nhưng “Duyên” đã là nguồn cảm hứng cho Tất Nhiên sáng tác nhiều bài thơ trong tập thơ mang tên Thiên Tai, đặc biệt là bài Khúc Tình Buồn, sau đó được nhạc sĩ Phạm Duy phổ thành ca khúc nổi tiếng Thà Như Giọt Mưa.:

người từ trăm năm
về qua sông rộng
ta ngoắc mòn tay
trùng trùng gió lộng…

Trong một bài phỏng vấn trên báo Tuổi Ngọc trước năm 1975, Nguyễn Tất Nhiên nói rằng ông phải bỏ học gần trọn 1 năm để toàn thành tập thơ này, và cũng là “chỉ vì Duyên”. Ông nói:

“Thuở ấy, tôi yêu người con gái tên Duyên, ngồi cùng lớp. Tình yêu học trò thời trung học tôi trong sạch, ngu ngơ, dễ thương quá. Bây giờ, nghĩ lại, tiếc hoài”

Những bài thơ này được tác giả gửi đến các báo ở Sài Gòn, nhưng không một tờ báo nào chịu đăng.

Cố thi sĩ Du Tử Lê có thể xem là người góp công làm cho Nguyễn Tất Nhiên thành danh, và chính cái bút hiệu Nguyễn Tất Nhiên này cũng là do Du Tử Lê đặt cho.

Trong một bài viết của mình, Du Tử Lê kể lại, vào một buổi sáng năm 1970, ông ngồi ở quán La Pagoda như thường lệ, thì thấy một cậu học sinh khẳng khiu, lênh khênh bước thẳng vào để tìm ông. Sau khi nói chuyện một hồi lâu, cậu học sinh kia đánh bạo nhờ vả Du Tử Lê gửi những bài thơ trong tập Thiên Tai cho báo Văn, vì nhà thơ trẻ tuổi kia đã gửi nhiều lần nhưng không được đăng một lần nào.

Du Tử Lê cầm tập thơ mỏng dạng photocopy bìa đóng kim, lật vài trang và nói rằng chính cái bút hiệu Hoài Thi Yên Thy chính là lý do làm cho không tờ báo nào chịu đăng thơ. Cái tên này thể hiện tính cách văn nghệ học sinh, của thi văn đoàn tỉnh lẻ, làm cho những người phụ trách việc chọn thơ đăng báo không tin tưởng. Do đó, Du Tử Lê đề xuất chọn một bút danh khác.

Xin trích lại một đoạn của Du Tử Lê viết:

Tôi nói ra ý nghĩ của mình với Hải. Tôi bảo, tốt nhất Hải nên chọn tên thật. Vì cái tên “Hoài Thi Yên Thy” nghe cải lương, học trò. Không ổn.

Tôi chờ đợi Hải sẽ tỏ ý khó chịu trước lời nói thẳng của mình. Nhưng không, Hải mím môi im Lặng. Bất ngờ Hải nói:

“Vậy anh nghĩ cho em một cái tên đi!”

Tôi cho Hải biết, cách tốt nhất là nên lấy tên thật của mình. Hay, dở gì, nó vẫn là cái tên bố mẹ đặt. Còn đã chọn bút hiệu thì, việc đầu tiên, bút hiệu đó phải lạ; dù vô nghĩa. Bút hiệu lạ sẽ dễ gây nhiều chú ý cho người đọc – tôi giải thích.

Nêu bút hiệu và nghệ danh vài nhà văn, ca sĩ làm thí dụ, tôi nói:

“Đó là những cái tên vô nghĩa. Nhưng trước khi trở thành quen thuộc thì, nó là những cái tên lạ, có khi nó lạ ở chính sự… vô nghĩa của nó!”

Hải bật cười lớn. Tiếng cười của hải khá đặc biệt. Nó có thể khiến người chung quanh giật mình. Hải nói ngay:

“Vậy anh nghĩ cho em một cái tên lạ đi. Không có nghĩa cũng được…”

“Em để vài bữa nữa được không?”

Hải năn nỉ:

“Không anh. Em ở tuốt Biên Hòa, lại không có xe, đâu thể chạy lên, chạy xuống thường xuyên được. Em nói rồi, một cái tên không có nghĩa gì cũng được…”

Tôi nhìn đồng hồ. Đã hơn 10 giờ. Tôi biết tôi phải có mặt ở chỗ làm việc, trước 11 giờ là chậm nhất. Nhưng Hải không cho tôi cảm tưởng Hải sẽ buông tha tôi sớm. Như thể việc tôi phải nghĩ cho cậu một cái tên là chuyện đương nhiên. Chẳng biết có phải hai chữ “đương nhiên” thoáng hiện ra, đã dẫn tôi tới hai chữ… “tất nhiên”?

Tôi hỏi Hải:

“Em họ gì?

“Em họ Nguyễn.”

Tôi mượn Hải cây bút, viết ba chữ xuống bìa sau tập “Thiên Tai”:

“Nguyễn-Tất-Nhiên”

Sau đó, Nguyễn Tất Nhiên thường đến ở nhà của Du Tử Lê những lúc từ Biên Hòa lên Sài Gòn. Đó là một căn phòng nhỏ trong cư xá Bưu Điện trên đường Hồng Thập Tự, nơi vợ chồng Du Tử Lê thuê ở tạm trong thời gian chờ mua nhà ở làng báo chí. Căn phòng chỉ rộng chừng vài chục mét vuông từ đó thành chỗ trú thường xuyên cho một vị khách không mời mà theo lời Du Tử Lê – là ăn ở rất bề bộn. Không biết đó có phải là tính cách đặc biệt của một Thiên Tài – Thiên Tai – như Nguyễn Tất Nhiên hay không. Hãy xem Du Tử Lê kể lại:

“Nhiên là người cực kỳ bừa bãi. Những khi bận làm… thơ, Nhiên dùng hết tất cả 5 chiếc phin pha café có sẵn trong nhà, xong vứt chúng vào bồn rửa mặt. Tàn thuốc lá và “bản thảo”, những tờ giấy viết nháp của Nhiên thì… khỏi nói, không chỉ vung vãi khắp bàn viết của tôi mà, còn phủ đầy sàn gạch…”

Thuở đó, nhạc sĩ Phạm Duy đang ở đỉnh cao của sự nghiệp sáng tác. Đặc biệt, ông không chỉ nổi tiếng như là một người sáng tác thông thường, mà còn là một chuyên gia phổ nhạc cho thơ. Bằng những nốt nhạc thiên tài của mình, ông có thể phù phép để những bài thơ và những thi sĩ tương đối lạ lẫm được cả nước biết tới cho đến tận ngày nay. Đó là Phạm Thiên Thư với Ngày Xưa Hoàng Thị, Huyền Chi với Thuyền Viễn Xứ, Vũ Hữu Định với Còn Chút Gì Để Nhớ, hay là Phạm Văn Bình với Chuyện Tình Buồn…

Vì vậy, một hôm Nguyễn Tất Nhiên có đề nghị rất táo bạo: Nhờ Du Tử Lê ngỏ lời giúp để Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên, là một tên tuổi vô danh, sáng tác ra những bài thơ học trò mà không báo nào muốn đăng.

Vì cùng ở trong làng văn nghệ, Du Tử Lê có nhiều dịp tiếp xúc và làm việc chung với nhạc sĩ Phạm Duy, nên ông nhận lời.

Sau khi nhận tập thơ Thiên Thai, chỉ 3 ngày sau, Phạm Duy thông báo với Du Tử Lê là sắp hoàn thành xong ca khúc Thà Như Giọt Mưa được phổ từ bài thơ Khúc Tình Buồn, và nhắn Nguyễn Tất Nhiên đến gặp ông. Phạm Duy còn nói rằng với kinh nghiệm nhiều năm viết nhạc, thì đó sẽ là một ca khúc “ăn khách”, vì mang những triết lý phù hợp với giới trẻ đương đại, như là: có còn hơn không…

Ngay hôm sau, Nguyễn Tất Nhiên gần như là bay thẳng từ Biên Hoà đến nhà của Phạm Duy ở cư xá Chu Mạnh Trinh, kể lại cho nhạc sĩ nghe chuyện tình với nàng thiếu nữ tên Duyên trong bài thơ Khúc Tình Buồn. Bài hát được hoàn thành với những chi tiết không có trong bài thơ, như là câu “Khiến người tên Duyên đau khổ muôn niên”, cùng nhiều câu khác là phần lời thêm vào do nhạc sĩ tự viết dựa theo lời kể của Nguyễn Tất Nhiên.

Đúng như nhạc sĩ Phạm Duy tiên đoán, chỉ trong một thời gian rất ngắn, bản nhạc đã trở thành “top hit” với giọng hát Duy Quang. Được đà tấn tới, ông phổ thơ thêm một loạt bài Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Masoeur, Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ… Với những ca khúc này, Phạm Duy vừa lăng xê được giọng hát của con trai đầu là ca sĩ Duy Quang, vừa giúp cho Nguyễn Tất Nhiên từ một tên tuổi vô danh trở thành thi sĩ trẻ sáng giá nhất thời đó.


Click để nghe Duy Quang hát Thà Như Giọt Mưa

Tuy nổi tiếng, nhưng Nguyễn Tất Nhiên vẫn nghèo, vẫn ăn mặc lôi thôi lết thết không giống ai. Những ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy phổ thơ Nguyễn Tất Nhiên tuy rất ăn khách, nhưng nhà thơ lại không nhận được đồng bản quyền nào. Nghe theo lời bạn bè, mà cụ thể là kịch sĩ Lê Cung Bắc, cùng với nhà thơ Chu Tử (một người vốn có hiềm khích với Phạm Duy), Nguyễn Tất Nhiên đòi Phạm Duy phải trả tiền tác quyền phổ thơ, nếu không sẽ kiện ra toà.

Không phủ nhận là nhờ nhạc sĩ Phạm Duy thì Nguyễn Tất Nhiên mới được thành danh, và trong phần lời nhạc cũng có tới 50% công sức của Phạm Duy (bên cạnh 100% phần giai điệu thuộc về nhạc sĩ), nhưng ít nhất Nguyễn Tất Nhiên cũng có quyền đòi 25% giá trị tiền thu được từ việc bán tờ nhạc. Vụ việc này lùm xùm trong giới văn nghệ một thời gian.

Ít lâu sau đó, người ta thấy Nguyễn Tất Nhiên sắm được một chiếc honda mới tinh nhờ tiền bản quyền nhạc Phạm Duy, và tiền đó là được Nhà Xuất Bản tờ nhạc trả cho êm chuyện.


Click để nghe Duy Quang hát Hai Năm Tình Lận Đận

Như là một định mệnh, những người con gái mà Nguyễn Tất Nhiên yêu, rồi viết thơ tặng, đều là con gái Bắc, như Duyên (bài thơ Khúc Tình Buồn, Gái Bắc…), rồi sau đó là những cô gái tên là Hằng (bài thơ Hồng Trần), Oanh (bài thơ Cô Bắc Kỳ Nho Nhỏ), nhưng cuối cùng người kết tóc se duyên cùng ông lại là một thiếu nữ miền nam tên là Minh Thuỷ, nhân vật chính trong Em Hiền Như MasoeurHai Năm Tình Lận Đận. 

Cũng như Duyên, cô Minh Thuỷ là cô bạn chung trường xinh xắn ở Biên Hoà, học rất giỏi. Sau khi tuyệt vọng vì bị Duyên từ chối tình cảm, chàng thi sĩ học trò bắt đầu săn đón Minh Thuỷ, và được người đẹp đáp lại một cách nhẹ nhàng. Tuy nhiên ngay lúc đó, mối tình Nhiên – Duyên lại rộ lên khắp trường, chỉ vì những ca khúc phổ thơ như Thà Như Giọt Mưa đã nổi tiếng khắp cả nước. Dù lúc đó thì Nhiên – Duyên đã chấm dứt, nhưng Minh Thuỷ trở nên dè chừng hơn. Có lần cô Thuỷ quyết định gom hết tất cả quà cáp, thư tình của Nguyễn Tất Nhiên lâu nay gửi cho mình đem đến nhà bạn, nhờ bạn trả lại hết. Sự kiện đó đã làm cho nhà thơ si tình chấn động và trách trong thơ:

Ta vẫn nhớ trưa nào em ngồi hát
Ta thèm hôn lên mắt tiểu thư buồn
Ta vẫn ăn năn những lúc đón đường
Em khó chịu mà thư nào cũng nhận!.

Lên đại học, Nguyễn Tất Nhiên vào học Luật khoa, Minh Thuỷ vào Viện Đại Học Vạn Hạnh. Từ đó, hai người hầu như không còn gặp nhau. 

Cuộc tình của họ phải trải qua sóng gió một thời gian dài có phần cũng vì tính nết bốc đồng của Nguyễn Tất Nhiên thời trai trẻ. 

Năm 1973, hăm mốt tuổi, ông từng được gọi vào nhập ngũ, vào học ở trường Thủ Đức, nhưng chỉ được vài tháng thì bị cho về với lý do “tâm thần bất ổn”. Đầu óc của ông được kể lại là lúc nào cũng như mơ mộng suy nghĩ đâu đâu, không tập trung ngay cả khi đang học. Bạn học thường gọi đùa ông là Hải Ngáo hay Hải Khùng. Tương truyền, có một buổi sáng, Nguyễn Tất Nhiên đứng giữa ngã tư ở Biên Hòa như chỗ không người, bỏ tay trong túi quần nhìn lên trên trời.

Nguyễn Tất Nhiên là người thứ 2 từ trái sang

Sau năm 1975, thời cuộc biến động và đổi thay, tính cách của chàng thi sĩ hoang đàng kia cũng đằm lại và cam chịu hơn.

Lúc đó ai cũng khổ, nhưng Nguyễn Tất Nhiên may mắn xin được một chân làm nhân viên điều hành trong Hợp tác xã xe lam ở bến xe Tam Hiệp, Biên Hòa, đồng lương tuy chẳng bao nhiêu nhưng dù sao cũng có việc làm tử tế. Ngoài ra, ông cũng có một người anh và một người chị ở bên Pháp làm ăn từ trước rất khá giả, luôn luôn gửi quà về giúp đỡ nên gia đình không đến nỗi nào. Không phải lo cho chuyện gia đình, buổi tối ông đi học đàn ghi-ta và học sáng tác âm nhạc với nhạc sĩ Nguyễn Hữu Nghĩa và sáng tác được ca khúc Chiều Trên Đường Hồng Thập Tự, sau này ca sĩ Khánh Ly có hát.

Cuối năm 1980, Nguyễn Tất Nhiên được gia đình bảo lãnh sang Pháp, khi đó ông 28 tuổi, một thân một mình.

Năm 1983, cô bạn học Minh Thủy năm xưa từ bên Mỹ đi du lịch Âu châu và sang Pháp. Như một định mệnh, họ gặp nhau rồi tái hợp khi đã trưởng thành, đã trải đời và hiểu đời hơn. Ít lâu sau Nguyễn Tất Nhiên sang Mỹ làm đám cưới với nàng và ở lại Mỹ, sống ở Quận Cam, California.

Tuy nhiên, với một tâm hồn nghệ sĩ quá nhạy cảm, thậm chí là khác thường, ngay cả khi chuẩn bị trở thành chồng của người ta, Nguyễn Tất Nhiên vẫn có những bài thơ dự cảm rằng mình không xứng với sự dịu dàng, hiền ngoan của Minh Thuỷ. Ông viết:

Phu thê nếu đã nợ rồi
Thì tôi đâu ngại ngỏ lời yêu em
Như con chim mới tập chuyền
Bâng khuâng gấm lụa thánh hiền em ra

Mặt trời rực rỡ phương xa
Ở đây hạnh phúc chỉ là đau thương
Phu thê nếu đã buộc ràng
Thì xin nhẫn nhục cưu mang vợ chồng

Tôi quanh năm sống hoang đàng
Cũng xin nhỏ lệ hoàn lương, khóc tình.

Với những bài thơ viết cho người vừa thành vợ của mình, có thể thấy Nguyễn Tất Nhiên yêu Minh Thuỷ thật tình thứ tình yêu không còn ai oán, hờn trách, hơn thua như xưa nữa, mà đong đầy những mặc cảm, lo lắng, kiểu như là ông chỉ biết yêu, biết làm người tình thôi, chứ làm chồng thì còn bỡ ngỡ lắm. Nên dù có ăn năn hay sám hối như thế nào, thì với bản tình hoang đàng cố hữu như Nguyễn Tất Nhiên đã từng thừa nhận, thì cuộc hôn nhân của họ không được hạnh phúc, dù đã có với nhau được 2 người con trai.


Click để nghe Duy Quang hát Em Hiền Như Masoeur

Sau khi ly hôn, Nguyễn Tất Nhiên sống cô độc trên chiếc xe hơi cũ, lang thang vô định. Trong xe của ông lúc nào cũng có một bịch khoai tây sống để ăn tạm khi đói. Rồi một ngày người ta tìm thấy ông tự kết liễu đời mình trên xe đậu trong sân một ngôi chùa vào ngày 3 tháng 8 năm 1992. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Vườn vĩnh cửu thuộc nghĩa trang Westminster phía tây Little Saigon (California), và thường được những người du khách Việt đến thăm viếng.

Bài: Đông Kha (biên soạn)
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version