Thi sĩ Đinh Hùng – “Qua xứ ma sầu… gửi người dưới mộ”

Nhiều người yêu thơ ở miền Nam trước 1975 chắc hẳn vẫn còn nhớ bài thơ Gửi Người  Dưới Mộ của Đinh Hùng, chứa đầy u sầu, thương nhớ, đưa chúng ta vào một thế giới liêu trai ma quái, nhưng thấm đẫm tình yêu. Yêu thương nhau sâu đậm, khi phải chia xa vì cái chết ai cũng thốt lên tiếng nấc đau thương tận đáy lòng. Cuộc đời Đinh Hùng đã bị chứng kiến và ám ảnh bởi cái chết. Cái chết của những người thân trong gia đình, cái chết của người yêu. Nỗi đau sâu đậm chất ngất trời mây đã được Đinh Hùng thể hiện trong thơ. Đọc xong bài thơ Gửi Người  Dưới Mộ của Đinh Hùng, chúng ta đều cảm thấy rờn rợn trong hồn.

“Trời cuối thu rồi – Em ở đâu?
Nằm bên đất lạnh chắc em sầu?
Thu ơi! Đánh thức hồn ma dậy
Ta muốn vào thăm nấm mộ sâu

Em mộng về đâu?
Em mất về đâu?
Từng đêm tôi nguyện, tôi cầu
Đấy màu hương khói là màu mắt xưa

Em đã về chưa?
Em sắp về chưa?
Trăng sao tắt, ngọn đèn mờ
Ta nằm rỏ lệ đọc thơ gọi hồn

Em hãy cười lên vang cõi âm
Khi trăng thu lạnh bước đi thầm
Những hồn phiêu bạt bao năm trước
Nay đã vào chung một chỗ nằm

Cười lên em!
Khóc lên em!
Đâu trăng tình sử
Nép áo trần duyên?

Gót sen tố nữ
Xôn xao đêm huyền
Ta đi, lạc xứ thần tiên
Hồn trùng dương hiện bóng thuyền U Minh

Ta gởi bài thơ anh linh
Hỏi người trong mộ có rùng mình?
Nắm xương khô lạnh còn ân ái?
Bộ ngực bi thương vẫn rợn tình?

Hỡi hồn tuyết trinh!
Hỡi người tuyết trinh!
Mê em, ta thoát thân hình
Nhập hồn cây cỏ, đa tình mỗi đêm

Em có vui thêm?
Em có buồn thêm?
Ngồi bên cửa mộ
Kể cho ta biết nỗi niềm

Thần chết cười trong bộ ngực điên
Ta nghe em thở tiếng ưu phiền
Nỗi lòng xưa dậy tan thanh vắng
Hơi đất mê người – Trăng hiện lên.”

(Gửi người dưới mộ – Mê hồn ca – Đinh Hùng)

Đinh Hùng sinh ngày 3 tháng 7 năm 1920 tại làng Phương Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Tây. Ông là bạn thân của nhà văn Thạch Lam, và nhà thơ Vũ Hoàng Chương là anh rể của ông. Từ tuổi đôi mươi Đinh Hùng đã bắt đầu sáng tác thơ, văn và có thơ được đăng trên Hà Nội Tân Văn của Vũ Ngọc Phan, giai phẩm Đời Nay của Tự Lực Văn Đoàn. Trong sáng tác, Đinh Hùng còn ký các bút danh Hoài Điệp Thứ Lang, Thần Đăng. Năm 1943, khi mới 23 tuổi, Đinh Hùng xuất bản tập văn xuôi “Đám Ma Tôi”. Ông được nhà thơ Thế Lữ khuyến khích, bắt đầu nổi tiếng trên thi đàn với bài thơ “Kỳ Nữ”.

Năm 1944, Đinh Hùng cùng với các nhà thơ: Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu chủ trương thực hiện giai phẩm Dạ Đài. Những người thực hiện và phát hành giai phẩm Dạ Đài với “bản tuyên ngôn tượng trưng”, đây là một tuyên ngôn nghệ thuật được người đương thời chú ý. Đinh Hùng, Trần Dần, Vũ Hoàng Địch, Trần Mai Châu… tự nhận mình là thi sĩ tượng trưng và tuyên bố:

“Chúng tôi sẽ nối lại nghiệp dĩ của Baudelaire, tâm sự của Nguyễn Du – sự nổi loạn và ra đi của Rimbaud – nỗi cô đơn của những nhà thơ lãng mạn. Chúng tôi sẽ vén cao bức màn nhân ảnh, viết lên quỹ đạo của trăng sao – đường về trên cõi chết… Thi sĩ tượng trưng chúng tôi sẽ nói lên và chỉ nói lên bằng hình tượng, thứ ngôn ngữ tân kỳ, ngôn ngữ của thế giới yêu ma, của những thế giới thần nhân mà cũng là thế giới âu sầu đây nữa. Bằng hình tượng, chúng tôi sẽ kể lại những câu chuyện xa xưa người ta kể cho chúng tôi nghe dưới ngọn đèn. Chúng tôi sẽ tìm hiểu linh hồn của những ca dao, tục ngữ. Chúng tôi sẽ tượng trưng hóa cái sức rung động của trẻ em trước chuyện cổ tích hoang đường và sức rung động của gã nông phu trước những bản đồng dao thuần phác…”

Với ý thưởng của tuyên ngôn ấy, năm 1954, Đinh Hùng cho ra đời tập thơ “Mê Hồn Ca”.

“Mê Hồn Ca” xuất hiện trên thi đàn giữa thời loạn ly, đất nước chia đôi nên việc phát hành có phần hạn chế. Tuy vậy, ai đã đọc “Mê Hồn Ca” cũng đều bị cuốn hút, ám ảnh bởi hình ảnh ma mị liêu trai, ám ảnh bởi sự sống đầy mộng mị của trần gian và chốn âm cảnh, và cảm phục trí tưởng tượng bay bổng đầy sáng tạo của Đình Hùng:

“Lòng đã khác ta trở về đô thị
Bỏ thiên nhiên huyền bí của ta xưa
Bóng ta đi trùm khắp lối hoang sơ
Và chân bước nghe chuyển rung đồi suối

Lá cỏ sắc vương đầy trên tóc rối
Ta khoác vai manh áo đẫm hương rừng
Rồi ta đi khí núi bốc trên lưng
Mắt hung ác và hình dung cổ quái

Trông thấy ta cả cõi đời kinh hãi
Dòng sông con nép cạnh núi biên thùy
Đường châu thành quằn quại dưới chân đi
Xao động hết loài cỏ hoa đồng nội

Người và vật nhìn ta không dám nói
Chân lảng xa, từng cặp mắt e dè
Ta ngẩn ngơ nhìn theo bóng ngựa xe
Nhìn theo mãi đến khi đời lánh cả
Và ta thấy hiện nguyên hình sơn dã…”

(Trích Bài ca man rợ – Đinh Hùng)

Năm 1954, Đinh Hùng vào sống ở Sài Gòn. Năm 1955, ông công tác và là cột trụ của mục Tao Đàn của đài phát thanh Sài Gòn. Năm 1961, Đinh Hùng xuất bản tập thơ “Đường Vào Tình Sử”. Đến năm 1962, với “Đường Vào Tình Sử”, Đinh Hùng đoạt giải thưởng thi ca miền Nam. Thế Phong, nhà thơ, nhà văn, nhà biên luận đã nhận định: “Đinh Hùng làm vinh dự cho giải, giải thơ không tạo vinh dự cho Đinh Hùng”.

“Đường Vào Tình Sử” đánh dấu một hướng mới trong sáng tác thơ ca của Đinh Hùng. “Mê Hồn Ca” là câu chuyện thơ đầy mộng mị, ma quái, bí hiểm như truyện Bồ Tùng Linh, còn “Đường Vào Tình Sử” đời hơn, thực hơn – là những bài thơ tình đẹp, đưa chúng ta vào một thế giới tình yêu đầy hương sắc. Đinh Hùng đã viết những câu thơ đẹp rung động con tim của bao người:

“Chưa gặp em tôi vẫn nghĩ rằng
Có nàng thiếu nữ đẹp như trăng
Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại
Thăm thẳm nhìn tôi, không nói năng

Bài thơ hạnh ngộ đã trao tay
Ôi mộng nào hơn giấc mộng này?
Mùi phấn em thơm mùa hạ cũ
Nửa như hoài vọng, nửa như say

Em đến như mây, chẳng đợi kỳ
Hương ngàn gió núi, động hàng mi
Tâm tư khép mở đôi tà áo
Hò hẹn lâu rồi – Em nói đi

Em muốn đôi ta mộng chốn nào?
Ước nguyền đã có gác trăng sao
Chuyên tâm tình dưới hoa thiên lý
Còn lối bâng khuâng: Ngõ trúc đào

Em chẳng tìm đâu cũng sẵn thơ
Nắng trong hoa, với gió bên hồ
Đành rằng em đấy, khi tình tự
Ta sẽ đi về những cánh xưa

Rồi buồn ưu sầu, em với tôi
Nhìn nhau cũng đủ lãng quên đời
Vai kề một mái thơ phong nguyệt
Hạnh phúc xa xa mỉm miệng cười.”

(Tự tình dưới hoa – Đinh Hùng)

Bài thơ đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương phổ nhạc mang tên “Mộng Dưới Hoa” làm đắm say bao người yêu thơ, yêu nhạc.

Đinh Hùng đã từ giã cõi đời vào ngày 24/8/1967 tại Sài Gòn vì bệnh ung thư.

Cùng với thơ, Đinh Hùng còn viết tiểu thuyết dã sử. Tác phẩm đã xuất bản: Cô gái gò Ôn Khâu, Người đao phủ thành Đại La.

Trước khi qua đời, Đinh Hùng đã hoàn thành nhiều tác phẩm nhưng chưa kịp xuất bản, gồm có: Tiếng ca bộ lạc (Thơ), Tiếng ca đầu súng (Ký), Dạ lan hương (Văn xuôi), Sứ giả (Tùy bút), Vần điệu giao tình (Cảo luận). Về kịch thơ có: Cánh tay hào kiệt, Phan Thanh Giản, Lạc lối trần gian.

Đinh Hùng là một con người tài hoa trong cuộc sống và văn chương. Rất tiếc tuổi thọ của ông thật ngắn ngủi. Nhưng, tác phẩm thơ của ông sẽ sống mãi với thời gian.

(Tác giả Lê Ngọc Trác)

Exit mobile version