Thi sĩ Đinh Hùng – Bước cô-đơn-diễm-mộng trên “đường lên núi biếc”

Lúc còn đi học, mới bắt đầu thích thơ, tôi không mê thơ của Xuân Diệu, Thế Lữ và các thi sĩ có tên trong sách Thi Nhân Tiền Chiến của Hoài Thanh – Hoài Chân, mà ngất ngây say đắm với dòng thơ đầy chất liêu trai mộng ảo của thi sĩ Đinh Hùng.

Ban đầu là xao xuyến với những câu thơ hợp với lứa tuổi học trò:

Riêng ta nhớ những trưa hè sắc đỏ
Đường hoàng lan nắng động lối đi quen
Nghìn bóng cây chen lối mộng hư huyền
Ta đến đó lần đầu nghe rạo rực
(Khi Mới Nhớn)

Với cảm nhận của chàng trai mới lớn tôi hồi đó, thơ của Đinh Hùng đẹp lung linh diệu ảo mở ra chân trời mới khác lạ so với các thi sĩ đương thời khác. Cũng là thơ tả về những trưa hè, mà con đường của ông có nét đẹp “hư ảo” riêng khi lấp lánh ánh sao ngàn thu rơi xuống câu “Nghìn bóng cây chen lối mộng hư huyền”.

Tuổi trẻ nhiều mơ mộng và khám phá những điều thú vị ngoài đời cũng như trong thơ, tôi mê man theo “Đường Vào Tình Sử”, là tập thơ thứ 2 của Đinh Hùng in năm 1961 sau tập thơ Mê Hồn Ca in năm 1954:

Anh trở lại đường lên núi biếc
Thương mây bay từ đó vẫn cô đơn
Những cánh hoa còn lại nửa linh hồn
Những lá cỏ nghiêng vai tìm mộng ảo
(Cánh Chim Dĩ Vãng)

Khổ thơ này viết đầy trong vở nháp của tôi, những câu thơ đẹp đến man dại như loài hoa u sầu và ngạo nghễ nơi miền sơn cước. Tục lụy trần ai của kiếp nhân sinh làm cho con người hướng đến một nơi không có thực, để tâm hồn được bình yên sống với giấc mơ đến một miền có khi chỉ là mộng ảo. Tháng ngày thực tại càng đánh mất đi vẻ đẹp thiên nhiên thuở ban sơ, thì tâm hồn càng nương theo “cánh chim dĩ vãng” để tìm về “đường lên núi biếc”.

Thấy cả bóng một vầng đông thuở trước
Cả con đường sao mọc lúc ta đi
Cả chiều sương mây phủ lúc ta về
Khắp vũ trụ bỗng vô cùng thương nhớ
(Mê Hồn Ca)

Thi sĩ là người chìm đắm trong niềm thương cảm về dâu bể của cuộc đời hơn ai hết. Những câu thơ trên đã làm độc giả yêu thêm không gian và kỷ niệm của mình đã xa rời, và cảm nhận được “một vầng đông thuở trước” luôn rạng rỡ một góc sâu của hoài niệm xanh màu cỏ nhung êm trong tâm hồn.

Hồi ấy tôi luôn “thần tượng hóa” Đinh Hùng, cứ nghĩ thi sĩ không phải người trần mắt thịt mà là thần linh mới viết được những bài thơ hay đến thế. Sau này tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp văn chương của ông, mới biết để được gọi là “thi sĩ thần linh”, cuộc đời của Đinh Hùng đã trải qua nhiều gian nan khổ ải. Nỗi bi thương ảnh hưởng sâu nặng ám ảnh trong tâm hồn thi sĩ lúc còn thơ ấu cho đến tuổi hoa niên, trước những mất mát của những người thân lần lượt ra đi: bố của ông mất năm mới 50 tuổi và 2 chị của ông mất khi tuổi còn son trẻ. Đau đớn nhất là định mệnh đã nghiệt ngã dành cho đường tình duyên của thi sĩ, ông đã đau khổ như điên dại khi người yêu là Ý Liên đã qua đời vì bịnh lao khi chưa tròn 20 tuổi.

Những câu thơ chiêu niệm ông viết cho người tình sớm ra đi vào cõi thiên thu:

Ta hát bài kinh, thoảng dã hương
Từng đêm chiêu niệm bắt hồn nàng
Lời ra cửa biển tìm sao rụng
Rỏ xuống mộ em giọt lệ thương… (Màu Sương Linh Giác)

Yểu điệu phương đông lướt dưới đèn
Ta nằm mộng đẹp đêm thần tiên
Dáng xuân nghiêng mặt cười không tiếng
Lửa hạ lên rồi… Ôi Ý Liên
(Liên Tưởng)

Hình bóng hoa hương của người yêu bạc mệnh mãi theo cuộc đời và vào trong thơ của thi sĩ. Nàng là “Lửa hạ” sáng mãi “vừng đông thuở trước” thắp lên ngọn lửa thi ca cho thơ Đinh Hùng và để lại cho đời những áng thơ bất hủ.

Thi sĩ Đinh Hùng sinh năm 1920 và mất ngày 24-8-1967 tại Sài Gòn lúc hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Lúc sinh thời, trong bài thơ Cung Đàn Tưởng Niệm trong tập thơ Đường Vào Tình Sử, ông có viết:

Khi anh chếƭ, các em về đây nhé
Vì chút tình lưu luyến với nhau xưa
Anh muốn thấy các em cùng nhỏ lệ
Tay cầm hoa xõa tóc đứng bên mồ

Và thực tế đã xảy ra đúng như mấy câu thơ trên, trong tang lễ của thi sĩ có đến hai chục thiếu nữ mến mộ thơ ông, mặc áo dài trắng và xõa tóc, tay cầm hoa lặng lẽ sắp hàng theo linh cữu.

Cho đến bây giờ, trong lòng tôi và nhiều độc giả mê thơ Đinh Hùng, vẫn nghĩ ông vẫn còn sống mãi với thời gian, vẫn đang còn mê mải rong chơi đâu đó trên “đường lên núi biếc” ngắm “những cánh hoa còn lại nửa linh hồn”.

Bài: Trương Đình Tuấn (nhacxua.vn)

Exit mobile version