Thi khúc và nhạc khúc “Ngậm Ngùi” (Huy Cận – Phạm Duy) – Nỗi đau của người anh trai thương em bằng trái tim của mẹ

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Phạm Duy có lần chia sẻ, ông rất mê thơ Huy Cận. Năm 1940, ông từng chọn 2 bài thơ của thi sĩ Huy Cận là bài Nhớ Hờ và bài Thu Rừng để tập tành phổ nhạc nhưng không thành công. Thế rồi một cơ duyên khác lại được mở ra, đó là năm 1960, người tình của ông khi đó là nữ thi sĩ Lệ Lan, người rất yêu thơ tiền chiến đã bày tỏ mong muốn ông phổ nhạc những bài thơ mà nàng thích trong đó có bài “Ngậm Ngùi” của Huy Cận. Chiều lòng người đẹp, nhạc sĩ đồng ý “hát lên những bài thơ mà nàng thích”, nhưng thực lòng ông không quá để tâm và kỳ vọng về tác phẩm này. Sau thất bại ở lần thử đầu tiên với thơ Huy Cận, nhạc sĩ có lẽ cũng mất đi ít nhiều cảm hứng dù lúc đó ông đã rất thành công trong nhiều bài nhạc phổ thơ khác

Tuy nhiên, điều bất ngờ ngoài sức tưởng tượng của nhạc sĩ là ca khúc “Ngậm Ngùi” từ khi ra đời được yêu thích và đón nhận nồng nhiệt cho đến tận ngày nay. Vô số ca sĩ đã chọn trình diễn ca khúc này, trong đó có những giọng ca đã trở thành huyền thoại trong nhiều thế hệ yêu nhạc như Thái Thanh, Lệ Thu, Khánh Ly, Anh Ngọc, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Duy Quang, Thái Hiền, Ý Lan,…

Mặc dù ca khúc rất được yêu mến và phổ biến rộng rãi, có một điều mà nhiều người bị lầm tưởng, đó là bài thơ thực chất là được thi sĩ Huy Cận viết cho người em gái út đã mất của mình, chứ không phải một người tình nào đó. Điều này đã được gia đình thi sĩ và cả chính Huy Cận xác nhận sau này. Một người em của Cù Huy Cận là Cù Huy Chử đã kể lại khá chi tiết trong một bài phỏng vấn năm 1990:

“Huy Cận rất thương cô em gái út. Vì nhà nghèo lại đông con nên ông phải vào Huế giúp việc cho một người bà con để được nuôi ăn học. Ở nhà cô út chỉ quanh quẩn bên mẹ. Ngày xưa liên lạc đâu phải dễ dàng. Cô út khoảng 10 tuổi thì bị đậu mùa rồi qua đời. Nghỉ hè, Huy Cận về nhà mới biết em út đã mất. Ông ra thăm mộ em ở cuối vườn, nơi có trồng mấy cây thông reo. Cỏ mắc cỡ lẫn cỏ dại trùm cả ngôi mộ”.

Lần theo lời kể của người em trai, cùng tìm về vùng quê nghèo nơi sinh ra người thi sĩ tài hoa Huy Cận, nơi có nấm mộ nhỏ của cô em gái út nằm cô quạnh cuối vườn, nơi khai sinh ra một khúc ca chưa bao giờ khiến người nghe thôi “ngậm ngùi”. Nói về quê hương mình, Huy Cận viết:

“Tôi sinh ra ở một làng sơn cước, dưới chân núi Mào Gà (núi có hình mào con gà), bên một nhánh của con sông La là sông Ngàn Sâu (sông La có hai nhánh: Ngàn Sâu chảy qua quê tôi và Ngàn Phố). Làng tôi hẻo lánh, cảnh hết sức đẹp nhưng nghèo lắm, đến nay vẫn nghèo. Xã tôi cách Linh Cảm 6 km, cách huyện ly Đức Thọ 8 km, nhưng nó vắng vẻ vô cùng. Xuân Diệu có lần về quê tôi và bảo: “Quê Huy Cận sao mà vắng vẻ, hắt hiu quá, nếu không vì thương bạn thì cũng chẳng về thăm”. Xã tôi ở sát chân núi nên chiều về sớm, giữa chiều đã sẫm tối như hoàng hôn. Ngày rút ngắn lại. Ở xã tôi có nhiều cây cọ, ở Hà Tĩnh gọi là cây Tro, tạo không khí một cái gì rất hoang sơ, cổ sơ…

Xã tôi ở rất đẹp. Chân núi chạy dọc bờ sông, có cánh đồng trải dài, trong đó có gieo cả lúa nước, nhưng chủ yếu là ruộng cạn. Ruộng cạn cấy lúa trỉa (gieo hạt thẳng), trồng khoai, ngô, đậu đen, đậu xanh, đậu trắng hoặc trồng mía. Mùa xuân, ngô vừa nhú mầm lên, cả cánh đồng dậy lên mầu xanh ánh tuyết rất đẹp. Tưởng như có thể cắt xén từng mẩu đất mà nhai, mà nuốt được!….”

Những ký ức tuổi thơ dù nghèo khó nhưng êm đềm, ngọt ngào nơi vùng quê sơn thuỷ hữu tình dường như chưa bao giờ phai nhoà trong tâm hồn thi sĩ Huy Cận. Quê hương với những làn điệu tình tự ngọt ngào như một chiếc nôi nuôi lớn tâm hồn thi nhân, để rồi khi viết “Ngậm Ngùi”, cảnh sắc ấy, những làn điệu tình tự ấy hoà vào trong lời thơ, tự nhiên như hơi thở. Và Phạm Duy với tài năng âm nhạc của mình, hẳn cũng không quá khó khăn, thổi những nốt nhạc du dương vào những lời thơ ấy, để làm nên một khúc ca bi mỹ, da diết và trầm buồn.

Sau những ngày tháng xa nhà trong niềm nhớ mong da diết, từ Huế, Huy Cận trở về thăm nhà. Niềm vui chưa kịp thoả, thì đã bàng hoàng hay tin người em gái út mà ông thương yêu nhất đã qua đời từ lâu, chỉ còn lại nấm mồ nhỏ hoang lạnh, cô quạnh cuối vườn. Đó hẳn là một buổi chiều nặng trĩu lê thê không thể nào quên:

Nắng chia nửa bãi, chiều rồi!
Vườn hoang trinh nữ khép đôi lá rầu
Sợi buồn con nhện giăng mau
Em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây


Click để nghe Thái Thanh hát

Ấn tượng về những buổi chiều rất ngắn, rất vội, “giữa chiều đã sẫm tối như hoàng hôn” của làng quê sơn cước đã được Huy Cận chuyển vào thơ thật ngọt “Nắng chia nửa bãi, chiều rồi!”. Nhiều người hẳn sẽ thấy mông lung khi nghe câu hát này. “Bãi” ở đây là gì? Dựa theo lời kể của Huy Cận về quê hương ông, thì đây là những bãi cát sỏi ven dòng Ngàn Sâu:

“Tôi nhớ những đêm mùa hè, trăng thanh gió mát. Có nhiều đêm, cả xóm tôi (xóm Thượng Đình vì ở đầu xã, sát sông La) kéo nhau ra bãi cát để hát hò ví dặm. Trai gái đối đáp với nhau rất tình tứ. Có nhiều cụ ông già, không hát nữa nhưng đứng sau “gà” các câu đối đáp rất hay. Trên bãi có con sông Ngàn Sâu chảy qua (đoạn này gọi là sông Thâm). Ngay cả những người đi thuyền trên sông (đò chuyến, đò dọc) khi ngang qua cũng tham gia đối đáp. Người trên bãi kẻ dưới sông cùng đối đáp, không khí hết sức nên thơ. Nhiều khi, bãi bên này hát, bãi bên kia sông cũng nghe và hát đáp lại. Nhờ những cuộc hát đối đáp như vậy mà nên duyên, người hai bờ nên vợ nên chồng….”

Bãi sông là nơi hò hẹn, sinh hoạt, hát ca, quây quần của xóm làng. Nơi chất chứa những kỷ niệm ngọt ngào, thân quen. Nhắc đến bãi sông là nhắc đến những vui vẻ, hạnh phúc, sum vầy. Nhưng nắng chiều đã đổ bóng xuống, đã “chia nửa bãi”, chia cắt chẳng còn nguyên vẹn một bãi sông xôn xao, đầy ắp lời ca tiếng hát. Hai chữ “chiều rồi!” dằn xuống, hụt hẫng như một tiếng thở dài. Ngay từ câu hát đầu tiên, một nỗi buồn hoang hoải đã ùa vào lòng người nghe. Bóng chiều đang phủ xuống vạn vật, chia đôi bãi sông, phải chăng để báo hiệu một sự rạn vỡ, chia ly? Câu trả lời đã nằm gọn ở câu hát tiếp theo: “Vườn hoa trinh nữ khép đôi lá rầu”.

Vừa về tới nhà, hay tin dữ, chàng trai vội vã tìm tới cuối “vườn hoang” xác thực tin thương đau thì bàng hoàng nhận ra, cô em gái nhỏ mới lên 10 mà anh nhất mực yêu thương như cánh “trinh nữ” kia thật sự đã không còn nữa, đã “khép đôi lá rầu”. Cô gái nhỏ chẳng bao giờ còn có thể cùng anh trai tung tăng trên những cánh đồng, bãi sông để thả diều, hát ca, đuổi hoa, bắt bướm nữa. Nắng chiều đổ bóng, “chia nửa bãi” sông ngoài kia, đã chia lìa luôn người em gái với người anh trai. Sự vỡ vụn, tan nát của chia ly tràn lên mọi không gian, nhuốm sầu lên vạn vật.

Tận mắt nhìn thấy mộ của em cô quạnh ở vườn hoang, chàng trai lúc này mới ngã quỵ xuống, sụp đổ trong niềm đau thương tưởng như không thể chống chọi. Nỗi buồn thương, tuyệt vọng lan nhanh, kèn đặc như thể có muôn vàn con nhện đang vội vã giăng tơ, phủ kín khắp thể xác và tinh thần chàng trai: “Sợi buồn con nhện giăng mau”.

Trong cơn đau thắt nghẹt vì mất em, thi sĩ dường như tê liệt cả lý trí và tinh thần. Vậy nên, thay vì khóc thương, oán trách, sầu bi, chàng lại rơi vào ảo giác. Mọi ý thức về không gian và thời gian nhoè đi, không thể phân định. Chàng trai tưởng như đang trở về những ngày tháng cũ, trước khi lên Huế học. Những ngày tháng êm đềm bên cô em gái nhỏ. Những ngày hè oi bức không có mẹ, anh thay mẹ quạt cho em, vỗ về em vào giấc ngủ: “Em ơi hãy ngủ.. anh hầu quạt đây”.

Trong những gia đình nghèo, đông con, cha mẹ phải bươm chải lo cho đàn con dại thì việc anh em lớn bé phải tự chăm sóc nhau, nuôi nấng, dạy dỗ nhau là chuyện bình thường, tất yếu. Kể về gia cảnh nhà khi đó, Huy Cận tâm sự:

“Nhà tôi nghèo kinh khủng. Quanh năm ăn cơm độn (sắn, khoai, đậu đen) rất khó ăn. Quần áo không đủ mặc, anh em tôi luôn phải mặc chung quần áo. Năm 1927 tôi đang học lớp 4, cậu mợ tôi nhắn mẹ tôi đem tôi xuống bà ngoại để theo cậu mợ vào Huế học. Tôi ra đi gấp gáp lại đúng ngày mưa buồn, nước lụt. Mẹ tôi dắt díu tôi bì bõm lội từ xóm Thượng Đình của tôi xuống đến xóm dưới (trên 2km) còn tôi cởi quần áo, sách vở, lội ngập trên đầu gối theo mẹ. Mẹ tôi luôn mồm an ủi: “Cắn răng mà đi con ạ!”. Cuối cùng mẹ con tôi cũng về được tới Linh Cảm (quê ngoại). Khi về tới quê gặp bà ngoại, mẹ tôi tủi thân khóc (bởi lấy chồng nghèo, lại bất đắc chí hay đi lang thang). Bà tôi an ủi mẹ: “Thôi đừng khóc nữa, cho cháu đi với cậu mợ nuôi nó học”. Thế là tôi theo cậu mợ vào Huế. Dù có nghĩ đến một lối thoát khi ra đi, nhưng cái lần đầu xa nhà ấy, tôi cứ mãi da diết buồn…”

Hẳn là phải yêu em, thương em nhiều lắm, thi sĩ mới có thể viết những câu thơ tràn ngập yêu thương và nâng niu dành cho em:

Lòng anh mở với quạt này
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em, mộng bình thường!
Ru em sẵn tiếng thuỳ dương mấy bờ

Người anh trai trong những tháng ngày chăm sóc em gái nhỏ, đã thương yêu em bằng trái tim không mệt mỏi của một người mẹ thực sự: “Lòng anh mở với quạt này”. Đó là những trưa hè nóng nực, anh kê tay để em làm gối, ôm em vào lòng, kiên nhẫn quạt ru cho em ngủ. Đó là những đêm em giật mình khóc thét với những giấc mơ không đón đợi, anh nhẹ nhàng vỗ về để em ngủ lại.

Câu hát: “Trăm con chim mộng về bay đầu giường”, hẳn là lời hứa của người anh sẽ bảo vệ cho em mỗi khi em gặp ác mộng. Anh hứa dù có “trăm con chim mộng” tìm đến thì em cũng không cần phải sợ hãi vì đã có anh kề bên lo lắng và bảo vệ cho em. Những lời hát vỗ về em vào giấc ngủ lặp đi lặp lại đầy dịu dàng, che chở. Nhưng anh vẫn chỉ là một người anh chưa kịp lớn, không thể hát ru em bằng những khúc ru ngọt ngào như mẹ, vậy nên anh chỉ có thể: “Ru em sẵn tiếng, thuỳ dương đôi bờ”.

Thuỳ dương ở đây chính là cây dương liễu hay còn gọi là phi lao, là một loài cây lá kim rậm rịt, thường được trồng nhiều ở các vùng ven biển để làm bóng mát, chắn cát và chắn gió. Mỗi lần gió thổi qua rừng dương, những âm thành phát ra vừa véo von, du dương, vừa phảng phất buồn, nghe như tiếng ru hờ da diết của những bà mẹ. “Tiếng thuỳ dương” thường được các nhà nghệ sĩ đưa vào thơ nhạc bởi những thanh âm đầy bí ẩn và lôi cuốn. Nhưng nhà Huy Cận ở vùng sơn cước núi non, nào đâu có biển, có bờ, có rừng thuỳ dương vi vút gió, chỉ có những bãi cát sỏi ven sông và mấy “cây thông reo” trồng trong vườn nhà ngay gần mộ của cô em gái út. Hẳn là chàng thi sĩ nghe tiếng thông reo trong gió ngàn mà thi vị hoá thành “tiếng thuỳ dương”.


Click để nghe Anh Ngọc hát trong dĩa nhựa năm 1967

Không rõ khi phổ nhạc, nhạc sĩ Phạm Duy có biết rõ hoàn cảnh ra đời đầy bi thương của bài thơ hay không. Nhưng ông đã rất tinh tế khi “diễn giải” 4 câu thơ trên của Huy Cận thành một khúc hát dài tới 8 câu, trong đó 6 câu phía trên được đặt làm đoạn điệp khúc, lặp lại 2 lần:

“Lòng anh mở với quạt này,
Trăm con chim mộng về bay đầu giường
Ngủ đi em mộng bình thường
Ngủ đi em mộng bình thường
Ru em sẵn tiếng, thùy dương đôi bờ

Ngủ đi em, ngủ đi em
Ngủ đi mộng vẫn bình thường
À ơi có tiếng thùy dương mấy bờ”

Bởi lời hát càng dài, càng da diết, ngọt ngào, yêu thương thì hình ảnh người anh trai chìm trong ảo mộng của những tháng ngày hạnh phúc, sum vầy xưa kia lại càng hiện lên sắc nét. Nỗi đau thương theo đó cũng được nhân lên, khứa vào tim của người thưởng nhạc, truyền đi một mỗi buồn sầu, xót xa vô tận.

Hãy nghe những câu hát tiếp theo để thấy sự chuyển đổi của những xúc cảm phức tạp diễn ra trong tâm trí người anh sầu não:

Cây dài bóng xế ngẩn ngơ
Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau

Mê rồi lại tỉnh, chàng trai ngỡ ngàng nhìn quanh thấy “cây dài bóng xế” đổ xuống. Nhưng tỉnh rồi lại đau, chẳng có trưa hè hay đêm muộn êm đềm, sum vầy nào đang đón đợi chàng trai cả. Chàng bàng hoàng nhận ra hiện thực tàn khốc của buổi chiều đau thương vừa hay tin dữ. Chàng lẩm bẩm đầy nghi hoặc: “Hồn em đã chín mấy mùa buồn đau?”. Chàng trai vẫn không thể tin, không tin ngay cả khi lý trí của chàng đã lên tiếng xác nhận. Chàng vật vã bàng hoàng cố tìm một lý lẽ nào đó để phủ nhận thực tại phũ phàng nhưng không thể. Trong nỗi đau thương tuyệt vọng, chàng gắng gượng van xin một phép màu:

Tay anh em hãy tựa đầu
Cho anh nghe nặng trái sầu rụng rơi

Em hãy tựa đầu vào tay anh đi.. tựa đi.. để anh được nghe lại cảm giác của những ngày xưa, để anh được nghe đầu em nặng trên cánh tay anh, để anh biết rằng em vẫn còn đây, vẫn ở bên anh, để “trái sầu” đang đè nặng, bóp nghẹt trái tim anh “rụng rơi” đi… Nhưng chẳng có phép màu nào xuất hiện, ngôi mộ lạnh lẽo của cô em gái nhỏ vẫn ở đó, chìm trong cỏ dại. Một cảnh tượng thê thiết và u sầu.

Ca khúc kết lại, nhưng “trái sầu” thì vẫn ở đó, nghàn năm lơ lửng, chưa từng “rụng rơi”…

Gần 20 năm sau khi bài thơ Ngậm Ngùi ra mắt trong tập thơ Lửa Thiêng, nhạc sĩ Phạm Duy mới phổ thành nhạc. Tuy nhiên trong vài năm đầu, bài hát này không gây được nhiều chú ý như những tác phẩm khác của ông. Đến đầu thập niên 1960, sự xuất hiện của Lệ Thu trong làng nhạc Sài Gòn đã làm sống dậy Ngậm Ngùi, khi cô đưa nhạc khúc này trở thành một trong những bài nhạc phổ thơ thành công nhất của nhạc sĩ Phạm Duy, và sau đó chính nhà thơ Huy Cận đã gửi lời cảm ơn Phạm Duy về việc giúp bài thơ này thêm nổi tiếng.


Click để nghe Lệ Thu hát

Thập niên 1960. Lệ Thu là ca sĩ ăn khách tại phòng trà Queen Bee hàng đêm, và ca khúc Ngậm Ngùi luôn được khán giả yêu cầu nhiều nhất. Trong số những khán giả đó có nhà văn Duyên Anh, sau khi nghe Lệ Thu hát Ngậm Ngùi, ông đã viết một bài báo gọi giọng ca trẻ Lệ Thu là Tiếng Hát Vàng Mười, nghĩa là giọng hát quý như vàng không có pha trộn.

Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version