Trước năm 1975, tờ nhạc là một trong những vật phẩm phổ thông nhất để công chúng có thể tiếp cận với âm nhạc. Thời đó, sau khi ca khúc được phổ biến trên đài phát thanh, hoặc nổi tiếng qua băng dĩa nhạc, thì khán giả yêu nhạc sẽ tìm mua bằng được tờ bài hát mà mình yêu thích, và đối với các nhà xuất bản, doanh số thu được tờ việc kinh doanh tờ nhạc rất lớn. Lý do là thời trước 1975, không phải ai cũng có điều kiện mua đầu phát nhạc và băng đĩa, mà đại đa số quần chúng sẽ nghe nhạc qua đài phát thanh, rồi sau đó mua tờ nhạc, để tập hát hoặc tập chơi đàn, hoặc đơn giản là lưu lại những ca khúc mình yêu thích.
Trước năm 1975, có rất nhiều nhà xuất bản tờ nhạc và cạnh tranh nhau rất quyết liệt. Quen thuộc nhất là các nhà xuất bản Tinh Hoa Miền Nam, Diên Hồng, Minh Phát, An Phú, Sóng Nhạc…
Đầu thập niên 1950, xu hướng xuất bản Nhạc tờ bắt đầu chuyển mình. Việc in hình vẽ của các họa sĩ trứ danh như Duy Liêm, Phi Hùng,… lên bìa các bản nhạc không còn giữ được vị trí độc tôn như trước đó nữa. Nhiều nhà xuất bản bắt đầu thay đổi hình thức tờ nhạc bằng việc in ảnh của các nghệ sĩ với mục tiêu vực dậy thị trường sau nhiều năm ế ẩm.
Việc lựa chọn hình để in trên bìa tờ nhạc quyết định một phần rất lớn số lượng bản in bán ra và doanh thu đạt được. Điều đó đúng nghĩa trở thành việc “chọn mặt, gửi vàng”. Vì vậy, các nghệ sĩ được chọn thường là những nghệ sĩ nổi tiếng đương thời, có nhan sắc nổi bật; tài năng xuất chúng; cũng có thể là người đầu tiên đưa nhạc phẩm đến với công chúng hoặc người thể hiện nhạc phẩm đó thành công nhất; quan trọng hơn cả là phải có số lượng fan đông đảo.
Các nghệ sĩ được in bìa tờ nhạc thường là các nữ ca sĩ nổi tiếng như Minh Trang, Tâm Vấn, Khánh Ngọc, Thái Thanh, Thanh Thúy, Thanh Nga, Túy Phượng, Mai Ly, Trúc Ly, Hoàng Oanh, Phương Dung, Thanh Tuyền, Giao Linh, Thanh Lan, Khánh Ly, Lệ Thu, Mai Hương, Mai Lệ Huyền… Hoặc các nam ca sĩ như Duy Khánh, Hùng Cường, Nhật Trường, Chế Linh… Cũng có thể là các diễn viên điện ảnh như: Thẩm Thúy Hằng, Kiều Chinh…
Có thể chia việc in hình nghệ sĩ trên bìa tờ nhạc thành 3 giai đoạn:
– Giai đoạn 1, từ năm 1950 – 1958, các nhà xuất bản thường in hình nghệ sĩ trong khung nhỏ đặt trên nền một bức tranh vẽ tay do một họa sĩ nổi tiếng vẽ (Duy Liêm, Phi Hùng…)
– Giai đoạn 2, từ năm 1958 – 1964, ảnh nghệ sĩ được in khung nhỏ trên 1 góc nào đó của tờ nhạc với nền màu đơn giản.
– Giai đoạn 3, từ năm 1960 – 1974, in hình nghệ sĩ khổ lớn trên cả tờ nhạc. Thường gồm 2 loại đơn màu và đa màu phát hành song song.
Để có được một bức hình đẹp in trên bìa các tờ nhạc không những đòi hỏi nghệ sĩ phải có nhan sắc mà còn đòi hỏi kỹ thuật điêu luyện của các nhiếp ảnh gia. Từ việc nắm bắt thần thái, lấy góc ảnh, điều chỉnh ánh sáng, bắt điểm nét… Những bức hình đẹp in trên các tờ nhạc xưa cũng góp phần không nhỏ quảng bá tên tuổi của các nhiếp ảnh gia cũng như tiệm chụp hình của họ. Các nhiếp ảnh gia nổi tiếng có thể kể đến như Lê Minh, Đinh Tiến Mậu…
Nhờ việc thay đổi hướng đi mà hiệu quả bán tờ nhạc tăng rõ rệt do đại đa số khán giả mua tờ nhạc vì có ảnh có thần tượng chứ không phải mua về nghiên cứu, tập nhạc, hay viết hợp âm.
Danh ca Thanh Thúy – nghệ sĩ xuất hiện trên hình bìa tờ nhạc xưa nhiều nhất
Với con số thống kê được lên tới hàng trăm bản nhạc, nữ danh ca Thanh Thúy là nghệ sĩ có nhiều hình ảnh nhất trên bìa tờ nhạc xưa.
Thanh Thúy được mệnh danh Tiếng hát Liêu Trai – Tiếng hát đã ngự trị các phòng trà, vũ trường, đài phát thanh, băng nhạc miền Nam từ cuối thập niên 1950 đến 1975. Với giọng hát trầm buồn đặc biệt hiếm có, khuôn mặt khả ái, tính tình dễ mến, nhân hậu, cô đã trở thành “người yêu trong mộng của cả một thế hệ”.
Hình ảnh của cô không những được in trên bìa bản nhạc, bìa báo, băng đĩa nhạc… mà còn được đưa vào thơ, văn, âm nhạc, kịch, phim… một điều mà hiếm nghệ sĩ nào trước 1975 có được.
Trong phần này của bài viết, xin đề cập đến hình ảnh của Thanh Thúy trên bìa tờ nhạc xưa với những mốc thời gian và sự kiện lớn. Các thông tin trong bài, phần lớn dựa trên những tư liệu có trong bộ sưu tập tác giả và một số bạn hữu.
Năm 1958, Thanh Thúy xuất hiện như một làn gió mới cho nền Tân nhạc. Đây cũng là thời điểm chuyển tiếp của giai đoạn 1 và giai đoạn 2 của tờ nhạc có hình nghệ sĩ. Theo đó, những tờ nhạc đầu tiên in hình cô bắt đầu xuất hiện trên thị trường, tuy số lượng chưa có nhiều. Một trong những bản nhạc đầu tiên in hình cô là bản Những niềm thương mến của nhạc sĩ Anh Việt Thu do NXB An Phú xuất bản ngày 13/05/1958.
Năm 1959, số lượng bản nhạc có in hình cô đã nhiều hơn, trong đó có những bản nhạc Việt và những bản nhạc ngoại lời Việt nổi tiếng:
- Tiếng dương cầm của Văn Phụng (17/03/1959 – NXB Tinh hoa miền Nam)
- Gợi giấc mơ xưa của Lê Hoàng Long (19/09/1959 – NXB An Phú)
- Đường xưa lối cũ của Hoàng Thi Thơ (06/10/1959 – NXB Tinh hoa miền Nam),
- Trăng rụng xuống cầu của Hoàng Thi Thơ (1959 – NXB Tinh hoa miền Nam)
- Ngày tạm biệt của Lam Phương (1959 – NXB Tinh Hoa)
- Ngày ấy quen nhau của Lê Dinh (1959 – NXB Diên Hồng)
- Một kỷ niệm của Thanh Bình (25/04/1959 – NXB An Phú)
- Le Pont De La Rivière Kwai “Cầu Sông Quai” nhạc của Alford, lời Việt của Nguyễn Huy Hiển (06/05/1959 – NXB Diên Hồng),
- Bernardine “Người đẹp của lòng tôi” nhạc của Johnny Mercer, lời việt của Diễm Huyền (30/08/1959 – NXB Sông Đà)
- …
Đầu tháng 1 năm 1960, sau thành công vang dội của đại nhạc hội Sầm Giang do Trần Văn Trạch tổ chức tại rạp Đại Nam, hầu hết các trang báo kịch trường của Sài Gòn đều nhất loạt viết bài về Thanh Thúy. Mỗi tờ báo viết một kiểu khác nhau, nhưng cùng một lúc rất nhiều tờ, cho nên chỉ trong vòng có một tuần lễ, hiện tượng Thanh Thúy đã trở thành một cơn bão nhỏ trong thành phố và chỉ một tháng sau đã lan tràn gần hết miền Nam.
Không chỉ riêng đài phát thanh, các vũ trường, phòng trà, báo chí mà các nhà xuất bản cũng nhân dịp này để đưa hình cô lên bìa tờ nhạc. Hình ảnh cô tràn ngập khắp các sạp báo. Một hình Thanh Thúy in trên nhiều bản nhạc khác nhau hoặc cùng một bản nhạc nhưng có nhiều phiên bản hình bìa Thanh Thúy do được tái bản lại nhiều lần. Các tờ nhạc có in hình cô trong năm 1960 có thể kể đến như:
- Biết nói gì đây của Song Ngọc
- Chờ anh bên đồi của Xuân Tiên
- Có nhớ không anh, Cung đàn chiều, Lá thư không gửi của Lê Dinh;
- Có những người anh của Võ Đức Hảo
- Đã trót yêu của Vũ Lai
- Dù thương không nói của Tuấn Khanh
- Em ơi! Nếu đừng dang dở của Hoài Linh & Anh Phong;
- Em vẫn chờ của Hồ Đình Phương & Minh Kỳ
- Gặp nhau trong ánh đèn màu của Hoàng Cầm
- Hai chuyến tàu đêm của Trúc Phương & Y Vân;
- Hận Đồ Bàn của Xuân Tiên
- Hạnh ngộ của Hoài Linh & Minh Kỳ
- Hình ảnh hai cuộc đời (tức Ông lái đò) của Hiếu Nghĩa;
- Ngày tạm biệt của Lam Phương
- Người ấy là ai? của Thanh Sơn & Ngọc Tuyết
- Thôi đừng lưu luyến nữa em ơi của Hoàng Trọng & Hồ Đình Phương
- Tiễn em của Phạm Duy & Cung Trầm Tưởng;
- Tiếng trống cao nguyên, Anh về thủ đô của Y Vân
- Tôi đã gặp, Sao rừng của Lê Dinh & Minh Kỳ
- Ướt Mi của Trịnh Công Sơn
- …
Năm 1961, Thanh Thúy đạt giải Hoa hậu nghệ sĩ. Tài năng, có tư cách, phẩm hạnh, cô trở thành biểu tượng được mọi tầng lớp khán giả thần tượng, qua đó sở hữu số lượng fan đông đảo, thuộc đủ mọi thành phần, lứa tuổi.
Trong suốt giai đoạn 1961 – 1964, các nhà xuất bản tung ra một số lượng rất lớn chưa từng có những tờ nhạc có hình bìa là ca sĩ Thanh Thúy. Từ những bản nhạc tiền chiến được xuất bản lại, những bản nhạc có giá trị nghệ thuật cao cho đến các bản nhạc thời trang đại chúng của các nhạc sĩ tên tuổi.
- Phạm Duy với Bài ca sao, Ngày em hai mươi tuổi, Đố ai, Thương ai nhớ ai, Tiễn em – tái bản, Kiếp nào có yêu nhau, Nếu một mai em sẽ qua đời, Vần thơ sầu rụng, Một bàn tay,…
- Hoàng Trọng với Nhạc sầu tương tư, Trang nhật ký, Nhớ hoài,…
- Hoàng Nguyên với Ai lên xứ hoa đào, Anh đi về đâu, Đường nào lên thiên thai,…
- Trịnh Công Sơn với Ướt mi, Thương một người…
- Anh Bằng với Nếu vắng anh…
- Anh Bằng & Lê Dinh với Giấc ngủ cô đơn, Tiếng ca u hoài,…
- Minh Kỳ & Lê Dinh với Hạnh phúc đầu xuân, Ba người bạn, Đọc thư em,…
- Minh Kỳ & Hoài Linh với Chuyến tàu hoàng hôn, Biệt kinh kỳ…
- Lê Dinh với Tấm ảnh ngày xưa, Thương về xứ Thượng, Cánh thiệp hồng,…
- Lê Dinh & Nguyễn Hiền với Phố vắng đêm mưa,…
- Y Vân với Ngăn cách, Đêm tái ngộ, Đêm giã từ, Tôi sẽ đưa em về, Hoàng hôn trên biển, Anh về thủ đô, Vòng hoa chiến thắng, Từ biệt mái trường xưa,…
- Y Vân & Minh Kỳ với Nếu anh đã biết; Chuyến tàu tiễn biệt, Mây trắng biên thùy,…
- Y Vân & Lan Đài với Tìm về
- Trúc Phương với Mưa nửa đêm, Chiều cuối tuần, Hai chuyến tàu đêm, Chắp tay lạy người, Đêm gác trọ,…
- Khánh Băng với Vọng ngày xanh, Mộng chiều, Xin nhớ tìm nhau, Đôi ngả chia ly, Tình đầu dang dở,…
- Lam Phương với Kiếp tha hương,…
- Nguyễn Văn Đông với Sắc hoa màu nhớ, Phiên gác đêm xuân, Nhớ người viễn xứ,…
- Tuấn Khanh với Dưới giàn hoa cũ, Sầu mộng, Hoa cài thép súng, Đêm này dừng nghỉ đỡ chân, Sao chẳng nói,…
- Mạnh Phát với Qua xóm nhỏ, Buồn ơi giã biệt, Người ấy là em, Đường tơ chưa dứt, Nhớ một người, Gió chuyển mùa thương,…
- Mạnh Phát & Hoài Linh với Biết đến bao giờ,…
- Mạnh Phát & Trần Thiện Thanh với Tàu nhổ neo rồi,…
- Trần Thiện Thanh với Nỗi lòng Thanh Trúc, Đừng hỏi tại sao, Nhớ viết thư cho em,…
- Hoài Linh với Lá thư không gửi,…
- Nguyễn Hữu Thiết với Hoa thương nhớ ai, Kỷ niệm xa rồi, Màu áo thiên thanh,…
- Duy Khánh với Sầu cố đô,…
- Trường Hải với Pháo hồng ngày cưới, Còn nhớ tôi không,…
- Song Ngọc với Mỗi độ trăng tàn, Giã từ kỷ niệm,…
- Thanh Bình với Đừng đến rồi đi,…
- Thăng Long & Duy Quang với Cung đàn tha phương,…
- Hoàng Lang với Dạ khúc hoài cảm,…
- Trường Việt & Hàn Hồng Lam với Lá thư duyên,…
- Hàn Hồng Lam & Hoàng Anh Đăng với Một chiều quê em,…
- Nguyễn Hiền với Tìm đâu?,…
- Phạm Mạnh Cương với Có những chiều thu, Ngày ấy…
- Hồng Vân với Hoa lòng,…
- Lê Hoàng Long với Gợi giấc mơ xưa – tái bản
- Lê Bình với Sầu gieo cung oán,…
- Thanh Sơn với Tình học sinh,…
- Tuấn Phương với Em đi không lời giã biệt,…
- Dương Tuyền với Tiếng đàn đêm mưa,…
- Hoài An với Khi đã thương nhau,…
- Tấn An & Vĩnh Thanh với Đêm vắng đường về,…
- Châu Kỳ với Được tin em lấy chồng, Tìm quên,…
- Hương Tử với Chờ mong
- Từ Vũ với Trăng gặp gỡ
- Mai Tuấn Hải với Mộng tình thơ,…
- Tuấn Hải & Mai-Thúy-Hương với Tìm một người yêu (vẽ hình Thanh Thúy)
- …
Hàng trăm tờ nhạc có hình Thanh Thúy mang lại cho thị trường sự sôi động đáng kể. Chúng thường được tái bản lại nhiều lần và mang lại doanh thu rất lớn cho các nhà xuất bản cũng như tác giả. Có những nhạc sĩ đã “đổi đời” nhờ in hình Thanh Thúy lên bìa bản nhạc của mình, nhờ viết riêng cho Thanh Thúy hát hoặc sáng tác lấy đề tài là Thanh Thúy.
Nhạc sĩ Châu Kỳ là một ví dụ điển hình. Ông từng chia sẻ trên Paris By Night: Ông chưa bao giờ giàu nhờ việc sáng tác. Chỉ có một lần duy nhất, nhờ bản Được tin em lấy chồng mà ông phát tài, mua được xe hơi. Tờ nhạc này có vài phiên bản, trong đó có phiên bản hình ca sĩ Thanh Thúy (tái bản lần 2, lần 1 in hình cô Tuyết Anh).
Không rõ phiên bản nào bán chạy hơn nhưng chắc chắn rằng điểm thu hút khán giả chính là được sáng tác khi nhận “được tin” Thanh Thúy lấy chồng. Thông tin này như một quả bom làm chấn động giới văn nghệ sĩ nói riêng, giới yêu nhạc nói chung. Sự tiếc nuối của những người “yêu Thanh Thúy” đã vô tình mang đến khối tài sản lớn cho Châu Kỳ. Khi sáng tác năm 1961, chắc ông cũng không nghĩ đến điều này. Dù sao đó cũng chỉ là tin đồn vì thực tế thì đến năm 1964 Thanh Thúy mới kết hôn.
Từ năm 1965 – 1969, ca sĩ Thanh Thúy theo gia đình đi khắp các vùng chiến thuật. Thỉnh thoảng cô mới xuất hiện trên đài phát thanh, một số băng đĩa nhạc hoặc trên màn ảnh nhỏ trong khoảng gần 1 năm thời “Tivi Giao chỉ” mới ra đời. Những bản nhạc có hình cô trong giai đoạn này không nhiều. Hai trong số đó là bản Mộng chiều (tái bản) của nhạc sĩ Khánh Băng và bản Đêm nguyện cầu của nhóm Lê Minh Bằng. Đây là cũng là mốc thời gian rất đáng nhớ với các nhạc sĩ trên.
Bản Mộng chiều được xuất bản lại ngày 01/10/1966 nhân dịp ban Khánh Băng – Phùng Trọng đạt Huy chương Vàng kích động nhạc. Còn bản Đêm nguyện cầu được xuất bản ngày 23/12/1966 để đánh dấu sự ra đời của nhóm Lê Minh Bằng huyền thoại.
Đầu thập niên 1970, Thanh Thúy hợp tác với nhạc sĩ Trường Hải cho ra đời băng nhạc Trường Hải số 5 dành riêng cho tiếng hát Thanh Thúy. Theo chia sẻ của nhạc sĩ, đây là cuốn băng Trường Hải duy nhất chỉ có 1 ca sĩ hát, cũng cuốn băng bán chạy nhất trong số những cuốn băng ông từng thực hiện. Ông mua nhà, sắm xe hơi cũng nhờ phát hành nó. Với Thanh Thúy, điều này góp phần củng cố tinh thần, niềm tin để cô đưa ra quyết định hợp tác với nhạc sĩ Ngọc Chánh, chính thức trở lại nghiệp cầm ca.
Đêm ngày 16/03/1971, với tâm trạng “hồi hộp và sợ như ngày đầu tiên đi hát”, ca sĩ Thanh Thúy xuất hiện tại buổi khai trương phòng trà Queen Bee. Giới yêu nhạc Sài Gòn đã “chen chúc để được nghe lại giọng ca Thanh Thúy, được nhìn lại vóc dáng quen thuộc”. Chính Thanh Thúy cũng không thể ngờ rằng cô lại được đón tiếp nồng hậu đến thế. Việc cô đạt được hai giải Kim Khánh danh giá năm 1973, phát hành 25 băng nhạc Thanh Thúy và kinh doanh phòng trà phát đạt đã đủ để khẳng định sự sức hút của cô khi trở lại.
Chỉ tiếc rằng việc xuất bản tờ nhạc từ cuối thập niên 1960 đã chuyển sang giai đoạn thoái trào. Sau sự kiện Tết Mậu Thân năm 1968, đời sống của người dân thành thị nói riêng, người dân toàn miền Nam nói chung không còn được như trước. Cùng với đó việc thay đổi loại giấy và cách thức in ấn để giảm chi phí xuất bản cũng khiến cho khán giả không mấy mặn mà với việc mua tờ nhạc.
Ở thời kỳ hoàng kim trước đó, thông thường bên trong các tờ nhạc có ghi số lượng bản in, lần tái bản và số lượng bản đặc biệt. Chúng được in với số lượng lớn hàng ngàn, hàng chục ngàn bản. Ở giai đoạn này, không thấy những thông tin đó và dĩ nhiên số lượng bản in chỉ còn ở mức “dè dặt”. Vì vậy, mấy chục bản nhạc có in hình cô làm bìa dưới đây đã là một con số không nhỏ.
- Vừa hết cơn đau, lời cảm ơn cuối cùng của Lê Minh Bằng
- Phiên khúc mùa đông của Lê Hựu Hà
- Chúng mình vẫn còn của Trang Dũng Phương & Lê Hoài
- Lá me bay của Nguyễn Vũ
- Phận bạc của Doãn Bình
- Xa người mình yêu của Song Phượng
- Tiếng hát khói sương của Đắc Đăng (vẽ hình Thanh Thúy)
- Thế là hết của Minh Kỳ
- Tình hờ của Phạm Duy
- Hai năm tình lận đận của Phạm Duy & Nguyễn Tất Nhiên
- Nửa cuộc tình buồn của Diên An
- Ngàn năm tình vẫn đẹp của Ngân Giang
- Mưa bên song cửa của Tú Nhi
- Tủi phận của Khánh Băng
- Ai biểu anh làm thinh của Trầm Tử Thiêng
- Trong cuộc tình sầu của Anh Việt Thu & Phạm Lê Phan
- …
Gần 20 năm, Thanh Thúy đã ghi dấu ấn của mình lên hàng trăm bản nhạc, là nghệ sĩ có nhiều hình ảnh nhất trên bìa tờ nhạc xưa, đồng thời góp phần không nhỏ vào việc đưa “văn hóa nhạc tờ” đến gần hơn tới hàng triệu khán giả miền Nam trước 1975. Dư âm chúng để lại vẫn còn nằm trong trí tưởng của giới mộ điệu suốt mấy chục năm qua.
Ngày nay, khi sưu tầm tờ nhạc xưa trở thành một thú vui tao nhã. Tờ nhạc có hình nghệ sĩ nói chung, hình Thanh Thúy nói riêng vẫn là một chủ đề lớn, tạo nguồn cảm hứng cho những sưu tầm gia tiếp tục kiếm tìm, nghiên cứu.
Sau đây, mời các bạn xem lại một số tờ nhạc có hình Thanh Thúy ở bìa:
Bài của tác giả Tuấn Phạm