Trong số các nữ danh ca nổi tiếng tại Sài Gòn từ thập niên 1940-1950 thì Mộc Lan là người được đánh giá là tài sắc vẹn toàn nhất. Cô sở hữu giọng hát vừa chuẩn mực vừa tình cảm, bên cạnh một nhan sắc lộng lẫy làm say mê nhiều tao nhân mặc khách, và nhà thơ Thanh Tâm Tuyền cũng là một trong những người rất ngưỡng mộ danh ca tài sắc Mộc Lan, ông đã viết một bài báo thể hiện sự ngưỡng mộ đó.
Bài viết này đăng báo Kịch Ảnh vào năm 1957, khi Mộc Lan đã 26 tuổi, qua 2 đời chồng với những cuộc tình lận đận như người ta vẫn thường nói về hồng nhan bạc phận. Khi đó tên tuổi của Mộc Lan không còn ở thời đỉnh cao rực rỡ nữa, nhưng giọng hát quyến rũ của cô vẫn thường xuất hiện trên đài phát thanh và thỉnh thoảng góp mặt ở phòng trà.
Qua bài viết này của Thanh Tâm Tuyền, chúng ta có thể có cái nhìn khái quát về phong thái trên sân khấu của một danh ca nổi tiếng bậc nhất của Sài Gòn thập niên 1950.
Khi Mộc Lan xuất hiện, nàng thường mỉm cười, nụ cười vu vơ ngạo mạn. Nàng hát, cái môi dưới hay trễ xuống, đầu thỉnh thoảng gục gặc như muốn gây gổ, nửa như làm nũng. Và giọng hát của nàng?
Tôi đang phải tưởng tượng để nhớ. Đã lâu lắm tôi không còn được nghe Mộc Lan hát nữa, nàng vắng tiếng trên làn sóng điện, vắng bóng ở các phòng trà ngày nay, tất cả, không thể tìm được một giọng quý như giọng Mộc Lan. Tôi được nghe Mộc Lan hát lần đầu tiên ở Croix du Sud, lúc ấy mọc Lan không còn ở trong thời kỳ huy hoàng của nàng nữa, ngôi sao của nàng đang mờ. Đối với thính giả ở xứ này, tên tuổi của một ca sĩ lên xuống theo với ánh rực rỡ của nhan sắc và tuổi tác. Hình như Mộc Lan cũng biết vậy, nàng biết rằng nàng đã là một người đàn bà, một người đàn bà thường như mọi người khác và nàng sắp sửa phải nhường chỗ cho những thiếu nữ còn thừa tuổi trẻ và dung nhan để ném xuống đám đông những mộng tưởng viển vông, nên nụ cười vu vơ ngạo mạn của nàng như một hàng rào che chở cho nàng chống với sự đón tiếp dửng dưng của thính giả.
Cái tội cho người theo đuổi nghề hát là chỉ có một tấm thân một khuôn mặt không thể lẩn trốn được (người diễn viên trên sân khấu còn khó cả một thế giới ảo tưởng của tấn tuồng che đậy cho, những vai trò để trú ẩn), nên khi đám đông nhìn lên thấy nàng đang khác không còn là ảo ảnh, nghĩa là cách xa chập chờn trước mặt nó, thì nó sẽ vội ngoảnh mặt ngay, đám đông vốn là cái đám đông đến nghe Mộc Lan thời bấy giờ, chỉ mới chừng sáu năm thôi, thời chỉ có một phòng trà duy nhất mở vào chiều thứ 7 và Chủ nhật, là cái đám đông ưa ngọ nguậy của đường Catinat gồm phần lớn những kẻ vừa chạy thoát một cơn khiếp hãi đến không phải để nghe hát, mà để mua một chút ảo tưởng lười biếng với gia đình với bè bạn trong những buổi cuối tuần tẻ nhạt. Tôi cũng ở giữa đám ấy, thường với Duy Thanh, tôi nghe ở ngoài tai như những tiếng động nhộn nhạo cho đỡ trống trải, còn Duy Thanh thì ghi cái quang cảnh, và hình ảnh Ánh Tuyết trên mặt bàn kính hoặc trên tờ giấy tính tiền để cười đùa với nhau.
Và giọng hát của nàng? Tôi phải kể một kỷ niệm mới tả được. Tôi thật sự nghe Mộc Lan hát ở một nơi khác. Đó là ở tiệm khiêu vuc Au Châlet. Lúc đó đã quá nửa đêm, khách rất vắng, trước đó Khánh Ngọc hát có những câu như: “Ta cười cho vỡ trái tim này, cho người vũ nữ nhíu đôi chân mày, ta cười trên mái tóc đêm dày”. Hồi ấy Khánh Ngọc đang gặp chuyện buồn, đến lượt Mộc Lan hát bài cuối cùng, bài Trở Về Dĩ Vãng. Giọng của nàng rồi trong gian nhà làm toàn bằng cây mờ tối, khi lên cao tối và lạnh, khi xuống thấp ấm và sáng, tiếng ngân kín đáo khép nép vừa đủ, đầu nàng, mái tóc ngắn, nghểnh lên và cúi xuống như kể lể với chính mình. Giọng hát của nàng có một chức cám dỗ của sự lạnh nhạt (tôi không nói giọng của nàng lạnh nhạt) bởi nó cuốn lấy nàng trong một sự tiêu hủy ngấm ngầm hoang mang như những đợt sóng xô trùm lên mỏm đá. Bài hát có những câu: “Em thường khóc khi chiều xuống, lòng nhớ nhung triền miên…”
Quả thật Mộc Lan là một ca sĩ.
Nàng có một đời sống của riêng nàng, một đời sống theo nhiều người nói lại lắm nông nổi đoạn trường, riêng tôi được biết một lần nàng đã tự ý tới mất mát cái ᴄҺết và được cứu sống. Nhưng thiết tưởng đời sống ấy cũng giống như trăm nghìn đời sống khác, trong một thời đại nhiều cay đắng hờn tuổi hơn hân hoan hạnh phúc, nó thuộc của nàng, nàng phải sống, nàng không đóng trò nên người khác cũng chẳng nên tò mò.
Hãy nghe giọng hát của nàng để thấy một thứ mầu nhiệm trong tầm thường.
Tôi rất sợ phải nghe những người hát mà trong tiếng vẩn đục những tâm sự thống thiết bi ai. Làm thế nào mà mang được cuộc đời vào trong tiếng hát? Giả thử được chăng nữa thì người hát đang đóng trò hơn đang hát, người ấy đang muốn nặn mình làm một huyễn tượng cho đám đông, đang ở trong cơn mê sảng bệnh hoạn của sự phô trương giả dối. Âm nhạc là một nghệ thuật không ăn nhập gì với căn bệnh ấy.
Click để nghe Mộc Lan hát Biệt Ly thập niên 1950
Mộc Lan hát những bài buồn thật hay, giọng của nàng khi sáng khi tối vừa nhẹ nhàng vừa đầy sâu, sự chuyển động không uốn éo hời hợt ở ngoài, nhiều lúc người nghe có cảm tưởng nó vạch những con đường thẳng kia có dấu những giao động chụp trời rất tinh. Mộc Lan làm chủ được giọng hát của nàng, nàng không làm nặng nhọc nó bằng những xúc động vụn vặt của đời mình, nhờ đó vô tình nàng đã được nó hóa thân cho nàng. Mộc Lan hát thoát ra, phút chốc quá khứ mờ tan, nàng hiển hiện với giọng của nàng ở ngoài cái đời sống lắm đau thương mà nàng phải chịu. Cũng với tiếng hát nàng tách rời ra khỏi tấm thân trơ trọi, cái khuôn mặt ngơ ngác ở nơi đó in rõ vết tích của một đời phải sống, nàng và tiếng hát ở trong một thế giới thật trong sạch mà thời gian bàng hoàng thấy mình đang bị gói tròn vào vĩnh viễn, ở một cường độ cao hơn, giọng hát có thể làm cho con người đổi khác, đó là sự mầu nhiệm rất tầm thường.
Click để nghe Mộc Lan hát Suối Tóc cùng ban Tiếng Tơ Đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng
Tôi nhớ đến thần thoại Trương Chi: “người thì thật xấu hát thì thật hay” đã làm cô MỵNương thất vọng. Để tạ lỗi cùng giai nhân, Trương Chi đã ᴄҺết, gởi lại trái tim là một khối ngọc sáng ngời nơi chứa tiếng hát của chàng. Tôi nghĩ rằng Trương Chi chưa khám phá được năng lực mầu nhiệm của tiếng hát nơi chàng. Thật vậy, Mỵ Nương yêu chàng qua một khoảng xa cách, chàng ở dưới sông nàng, ngồi trên lầu, có một thứ ánh sáng lung linh mờ tịt che phủ cho chàng. Khi gặp nàng, Trương Chi đã tiến sát gần quá, ánh sáng kia tan mất, chàng hiện nguyên hình là một gã thuyền chài. Nếu bấy giờ Trương Chi lên tiếng hát, tiếng hát sẽ đưa chàng cách xa che chở cho chàng. Mỵ Nương lại thấy mình vời vợi đối với chàng đứng chứng kiến Trương Chi hóa thân một cách huyễn hoặc, chàng là một người khác. Nhưng khốn nổi cái cặp mắt soi bói tàn ác của Mỵ Nương dập tắt tiếng hát của Trương Chi, và giả thử chàng còn đủ can đảm trỗi giọng thì tiếng hát sẽ đưa chàng vào thế giới của riêng chàng, chàng không thể yêu Mỵ Nương được nữa. Bởi chàng yêu Mỵ Nương, chàng ngậm miệng mà ᴄҺết.
Một người bạn của tôi đã già và từng trải, một hôm tìm gặp tôi đặng nói với tôi một điều: Tình cờ anh được nghe tiếng nói của một người bạn gái của tôi, anh đã sửng sốt, đó là thứ âm thanh hiếm có mà từ trước anh vẫn ao ước được gặp (anh là một nhạc sĩ đã đập đàn nhường lại tên tuổi cho người em). Tôi hiểu anh vì tôi hiểu được cái ý nghĩa linh diệu của một giọng người. Với tiếng nói loài người trồi dần ra khỏi cái bóng tối của rừng rú hang hốc, của cô đơn lạnh lẽo, của ý thức mùng. Nhưng tiếng nói thường ngày nếu có mang tới cho người ta sự đầm ấm vuốt ve của đồng đội thì cũng vẫn còn lẫn những xô chạm hắt hủi. Khi con người biết cất tiếng hát, nó mới hiểu cái quý giá của giọng người, đó là thứ tiếng nói ở trên cao rất trong sạch vì được âm nhạc gội rửa hết trần tục. Hiểu như thế người ta sẽ bực mình khi nghe thấy tiếng hát bị thô tục hóa vì những phiền nhiễu của tâm tình vụn vặt.
Nghe Mộc Lan hát tôi vẫn ao ước có những bài hát được viết riêng cho xứng với giọng nàng, muốn thấy cái giá trị của một giọng, người ta phải nghe những bài hát riêng của giọng ấy. Ở xứ này các ca sĩ tranh nhau giành giựt những bài hát, thường lại là những bài hát không tạo nỗi cá tính cho tác giả, chứ chưa nói đến việc làm vinh dự kẻ khác. Tôi lại ao ước được nghe Mộc Lan trình diễn những buổi riêng của mình nàng để tôi có dịp kiểm chứng lòng ngưỡng mộ của mình…