Tết xưa và Tết nay – Bao giờ cho đến ngày xưa?

Không ai rõ người Việt ta bắt đầu ăn tết từ bao giờ nhưng ai cũng biết cứ mỗi độ xuân về khi hoa đào, hoa mai mới khoe những sắc nụ đầu tiên thì hết thảy già, trẻ, gái, trai, người giàu, người nghèo đều háo hức đón Tết đến. Tết không chỉ là dịp để người ta “ăn tết”, “chơi tết” mà quan trọng hơn đó còn là cơ hội để mọi người cùng tề tựu bên đại gia đình, thắp cho ông bà, tổ tiên nén hương, thăm hỏi lẫn nhau sau một năm làm ăn xa cách …

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Vậy mà…

Chỉ còn vài hôm nữa là qua năm mới, khung cảnh chợ búa, phố phường đã tràn ngập những sắc màu sặc sỡ chào đón mừng xuân, hàng hóa với đủ mẫu mã, chủng loại được bày bán khắp nơi như: hoa, cây cảnh, kẹo mứt, bánh trái… Nhưng lạ thay, dòng người vẫn ngược xuôi vội vã như không hề biết đến chỉ vài ngày nữa thôi là Tết đã về. Cái khung cảnh người đương thời thờ ơ trước thời khắc xuân về ấy khiến không biết bao người phải hoài niệm về những ngày xa xưa, về những ngày mà khi Tết đến – Xuân về không chỉ có trẻ con mà người lớn cũng không khỏi náo nức….

Tôi còn nhớ như in trong cái tiết trời se lạnh của tiết lập xuân, háo hức theo mẹ đi chợ sắm đồ Tết quả là một cảm giác hạnh phúc đến khó tả. Phiên chợ ngày tết đông đúc, nhộn nhịp cảnh bán mua. Cái không khí tết len lỏi khắp phố phường, hiển diện qua tấm áo mới của trẻ thơ, tấm khăn quàng của người già và cả nét vui, mừng lẫn lo âu của người lớn

Rồi từng ngày cuối đông chạm chạp trôi đi trong con mắt chờ đợi của lũ trẻ thơ. Và, từng ngày sau đó cái không khí Tết càng trở nên nhộn nhịp. Mỗi thành viên trong gia đình đều có một nhiệm vụ riêng, trong khi đó mẹ tôi vẫn đều đặn đi chợ và mua về không biết bao nhiêu là lá dong, gạo nếp, mắm, muối, dưa, hành…Cứ sau mỗi phiên chợ mẹ lại ngồi nhẩm tính xem còn thiếu đủ thứ gì để còn mua cho kịp. Người Việt ta vẫn thường quan niệm “thiếu thì thiếu cả năm chứ không ai thiếu ba ngày Tết”. Chính vì vậy họ phải lo sắm cho thật chu tất trước hết là để thờ cúng ông bà, tổ tiên sau đó là để thiết đãi anh em, bạn bè. Và sâu xa hơn nữa là để cầu chúc cho cả năm sau khi nào cũng dư dả, đầy đủ…

Chiều 30 Tết là một khoảng thời gian hết sức quan trọng và có ý nghĩa đối với người Việt, mọi người tề tựu về bên đại gia đình của mình cùng rước ông bà, tổ tiên về ăn Tết, cùng ăn bữa cơm tất niên chung vui. Đây là mốc thời gian đánh dấu những ngày lễ Tết chính thức được bắt đầu. Đêm 30 Tết, cả nhà quây quần bên nồi bánh chưng cùng chờ đợi thời khắc giao thừa, lũ trẻ con thì chăm chú lắng nghe bà kể chuyện bánh chưng, bánh giầy mà quên đi giấc ngủ thường nhật. Và, cuối cùng thì cái thời khắc giao thừa thiêng liêng ấy cũng đã đến, năm mới, xuân mới cũng đã sang, ông bà phát cho con cháu tiền lì xì mừng tuổi đầu năm, ai hay chữ nghĩa thì khai bút, còn lại thì đi hái lộc, xin lộc đầu năm…

Tết xưa là vậy nhưng Tết nay đã khác lắm rồi. Đồ ăn, thức uống thường ngày có thiếu gì đâu, kẹo mứt, bánh chưng khi nào mà chẳng có trong siêu thị. Chợ búa, hàng hóa thì bán quanh năm, suốt tháng, Tết cũng không nghỉ thì cần gì phải mua nhiều, nấu những món để lâu. Họa chăng ba ngày Tết người ta có thêm chút thời gian để bày đặt làm những món phức tạp, cầu kì…

Tết nay đã khác lắm rồi…

Vẫn bánh chưng đấy, kẹo mứt đấy… nhưng có ai tự làm ra đâu. Một trăm người trẻ dù nông thôn hay thành thị thì chắc chắn phải có ít nhất trên chín mươi người biết sử dụng thành thạo internet, nhưng cũng trăm người ấy chưa chắc đã có người nào biết gói bánh chưng chứ chưa nói biết làm những thứ bánh phức tạp ngày Tết khác. Âu cũng buồn vì Việt Nam ta là nước nông nghiệp thuần túy, dân sinh ra bên luống cày, lớn lên bên bếp lửa mà không biết những công việc vừa rất cơ bản nhưng cũng rất thiêng liêng kia.

Tết ngày nay chỉ thấy thiên hạ bàn nhiều đến chuyện thưởng Tết, nghỉ Tết là chính, cái Tết đúng nghĩa ngày xưa đã biến đổi rất nhiều, ngay cả cái lễ nghĩa ngày Tết cũng bị đảo lộn lên cả: Mồng một tết Cha. Mồng hai tết Mẹ. Mồng ba tết Thầy nay phải nhường chỗ cho tết Sếp, tết lãnh đạo lên trước. Chắc có lẽ cái thời nó tạo cái thế, cái quan hệ nó chi phối cái ứng xử của cá nhân…

Bao giờ cho tới ngày xưa…. Tôi nghe câu nói này của một ai đó hoặc đọc được ở đâu đó. Lúc đầu, tôi cảm thấy “chẳng có ý nghĩa gì”, mặt khác cách dùng từ có vẻ “có vấn đề”. Nhưng tôi đã sai! Học và nghiên cứu nhiều về văn hóa Việt tôi mới nhận ra rằng “người nói câu nói này chắc phải buồn lắm, nhớ lắm cái văn hóa truyền thống, bao giờ cho tới ngày xưa, bao giờ mới có thể được sống lại cái không khí đầm ấm của ngày Tết, cái cảm giác theo mẹ đi chợ, cái mùi vị bánh chưng thơm lừng trong đêm 30, cái cảm giác hạnh phúc tràn đầy khi khoác lên tấm áo mới… nhớ lắm, thương lắm.

Dẫu biết rằng cuộc sống có nhiều sự thay đổi và con người cũng phải biến đổi để thích ứng. Nhưng có lẽ Tết là một thứ gì đó hết sức đặc biệt cần bảo nguyên, Tết ngoài là dịp để người ta nghỉ ngơi, ăn uống nó còn là cơ hội để anh, em họ hàng tề tựu và thăm hỏi lẫn nhau, là ngày lễ lớn để tri ân tổ tiên, tiền bối. Và, nó còn là dịp để tổ chức các lễ hội, nghi thức truyền thống xưa. Tết người Việt từ ngàn xưa là vậy nhưng có giờ có lẽ đã khác rồi…

     Tác giả: Lê Anh Khoa

Exit mobile version