Hiện nay khái niệm và tên gọi “Nhạc Vàng” đã ngày càng phổ biến, cho dù vì một số lý do, người ta đã gọi “nhạc vàng” thành “nhạc bolero” (có lẽ vì “kiêng kỵ” chữ “nhạc vàng”). Chưa có 1 nghiên cứu chính thức nào về tên gọi “Nhạc vàng” xuất phát từ đâu, từ khi nào. Bài viết này muốn làm rõ hơn về tên gọi này và quá trình nổi trôi của nó trong hơn nửa thế kỷ qua.
Tên gọi “Nhạc Vàng” xuất hiện từ lúc nào?
Cũng giống như danh xưng “Tứ trụ Nhạc vàng”, không ai biết tên gọi “Nhạc Vàng” được ai đặt cho và đặt từ khi nào. Rất nhiều ý kiến cho rằng tên gọi “nhạc vàng” chỉ có từ sau năm 1975, mục đích là để phân biệt “màu” với các loại nhạc đỏ, nhạc xanh… Có người lại cho rằng chữ vàng trong “nhạc vàng” bắt nguồn từ màu cờ vàng của miền Nam.
Tuy nhiên, có thể khẳng định rằng tên gọi này chắc chắn đã xuất hiện trước năm 1975. Bằng chứng là trong băng nhạc Nhã Ca 5 do Anh Việt Thanh thực hiện năm 1972, khi Hương Lan đọc lời giới thiệu cho băng nhạc này, có nhắc đến chữ “Nhạc Vàng”. Nguyên văn như sau: “Hương Lan hân hạnh giới thiệu cùng quý vị băng nhạc Nhã Ca 5. băng nhạc được chọn là băng nhạc Vàng hay nhất trong năm 1972…”. Nghe dưới đây:
Ngoài ra từ trước năm 1975, trung tâm Hương Giang đã phát hành 2 băng cassette mang tên Nhạc Vàng. Xem hình bên dưới
Như vậy, danh từ “Nhạc Vàng” đã được sử dụng từ trước năm 1975, có thể là với nghĩa là quý như vàng, chứ không phải bắt nguồn từ cờ vàng như nhiều người nhầm tưởng.
Sau năm 1975, dòng nhạc vàng hoàn toàn bị cấm đoán và bị gọi là nhạc phản động, là một thứ văn hóa phẩm đồi trụy. Từ đó “nhạc vàng” lại bị mang nghĩa là loại nhạc sến và vàng vọt, ủy mị.
Tiết điệu bolero là tiết điệu điển hình nhất cho tính tự sự, thổn thức trong nhạc vàng. Thời kỳ những năm 1990, 2000 khi nhạc vàng chưa bùng nổ như hiện nay, danh từ “nhạc vàng” vẫn là một thứ cấm kỵ. Thời điểm đó báo chí thi thoảng có nhắc lại dòng nhạc này bằng tên là nhạc bolero một cách không chính thức. Lâu dần tên gọi này trở nên phổ biến và được chấp nhận rộng rãi.
Vì sao thời điểm này ở trong nước, đặc biệt là trên báo chí, người ta thường sử dụng tên gọi là “nhạc bolero” mà không dùng lại chữ “nhạc vàng”? Có một cách giải thích hợp lý, đó là nhạc vàng đã một thời bị cấm, tên gọi của nó gần như là một loại “kỵ húy”. Hơn nữa, dùng từ “nhạc vàng” – theo nhiều người – có vẻ là tôn vinh thái quá dòng nhạc này (nhạc quý như vàng), nên người ta chấp nhận dùng một chữ sai là “nhạc bolero” để gọi nhạc vàng. Dù sao nó cũng mang tính trung dung, không tôn vinh mà cũng không miệt thị.
Các thể loại âm nhạc ở miền Nam trước 1975
Trước năm 1975, ngoài nhạc tiền chiến – theo lý thuyết đã dừng lại từ năm 1945 (hoặc 1954) – thì ở miền Nam có 2 dòng nhạc chủ đạo là Nhạc vàng và Nhạc trữ tình mang âm hưởng tiền chiến. Ngoài ra còn có nhiều khuynh hướng sáng tác riêng được khởi xướng bởi 1 nhạc sĩ hoặc 1 nhóm nhạc sĩ như Ca Khúc Da Vàng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Nhục Tình Ca của Lê Uyên Phương, Nhạc Trẻ của Nam Lộc Trường Kỳ, Ban Phượng Hoàng, phong trào Du Ca của Nguyễn Đức Quang, Miên Đức Thắng…
Khác với nhạc trữ tình nhạc trữ tình (những bài tình ca lãng mạn) là những giai điệu mang âm hưởng Phương Tây của các nhạc sĩ điển hình là Cung Tiến, Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Dương Thiệu Tước, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Vũ Thành An…, dòng Nhạc Vàng mang đậm bản sắc dân tộc, mang hơi thở bình dân, đại chúng.
Trong Nhạc Vàng lại có nhiều nhánh nhỏ và được chia ra dựa theo nội dung và giai điệu. Có thể kể đến là nhạc lính (Trúc Phương, Lam Phương, Trần Thiện Thanh…), nhạc Kích Động (Hùng Cường, Mai Lệ Huyền), nhạc quê hương (Thanh Sơn, Hoàng Thi Thơ…), nhạc than thân trách phận (Vinh Sử, Giao Tiên…)
Nhạc Quê Hương là 1 loại nhạc đặc trưng, chịu ảnh hưởng từ tiết tấu ngũ cung và dân ca Nam Bộ, mượn 1 số giai điệu trong cổ nhạc để phát triển lời bài hát, được giới bình dân đón nhận. Những bài hát tiêu biểu là Hình Bóng Quê Nhà, Trăng Về Thôn Dã, Hành Trình Trên Quê Hương, Nắng Lên Xóm Nghèo…
Nhạc than thân trách phận như Gái Nhà Nghèo, Hai Bàn Tay Trắng, Mất Nhau Rồi, Không Giờ Rồi… với ca từ đơn giản, giai điệu bài hát chịu ảnh hưởng của nhạc dân ca miền Nam. Thể loại này tuy có nội dung gần gũi với đa phần công chúng, nhưng bị đánh giá là không có nhiều giá trị nghệ thuật, được giới nhạc sĩ trước 1975 gọi bằng 1 tên khác là Nhạc Thời Trang (Ví dụ như băng nhạc Kim Đằng được gọi là Thời Trang Nhạc Tuyển).
Nhạc Lính mà 1 trường hợp đặc biệt, có nội dung chuyên biệt dành cho lính cộng hòa với những bài ca ngợi đời lính, tình lính nói chung (Kẻ ở miền xa, Biển mặn, Lính trận miền xa…) hay ca ngợi riêng từng người lính trận vong như Rừng lá thấp, Anh không chết đâu anh, người ở lại Charlie, huyền sử ca 1 người mang tên Quốc…
Kích Động Nhạc với ông vua là Hùng Cường cùng nữ hoàng Mai Lệ Huyền 1 thời náo loạn các vũ trường với nhạc tiết tấu sôi động.
Số phận nổi trôi của Nhạc Vàng
Sau năm 1975, nhạc sĩ Trầm Tử Thiêng có nhắc đến và hoài vọng tiếng Nhạc Vàng thời hưng thịnh của nó qua 1 câu hát lúc ly hương:
Đêm nhớ về Sài Gòn
Tiếng nhạc vàng gọi từng âm xưa
Ánh đèn vàng nhạt nhòa đêm mưa…
Số phận Nhạc Vàng đã bị nổi trôi theo mệnh nước. Từ việc bị cấm hoàn toàn sau năm 1975, bị đổi tên và miệt thị thành chữ “Nhạc Sến”, bị quy chụp là nhạc uỷ mị, hoặc bị gọi là nhạc đồi trụy, phản động. Từ sau năm 1990, nhạc Vàng chỉ được cấp phép dè chừng, nên không thể nào giải tỏa hết cơn khát nghe nhạc vàng của người Việt Nam vốn chưa bao giờ nguôi ngoai. Vì vậy băng đĩa lậu đã tràn về quốc nội từ hải ngoại trong những năm 1990 đã làm cho nhà nước không thể kiểm soát hết.
Thập niên 2000-2010 là sự trỗi dậy và loạn lạc của nhạc trẻ trong nước nên nhạc vàng khá yên ắng. Cho đến khi người nghe nhạc đã bị bội thực vì nhạc nhảm trong nước, thì từ sau năm 2010 đã trở thành thời kỳ phục hưng của Nhạc Vàng. Lúc này người ta gọi Nhạc Vàng thành 1 cái tên sang trọng là Nhạc Xưa, bao gồm cả Nhạc Vàng và Nhạc tiền chiến, hoặc phân loại 2 tên này thành 2 chữ tương đối tối nghĩa là “nhạc sến” và “nhạc sang”.
Từ sau năm 2013, tên gọi “Nhạc Bolero” chính thức thay thế cho cái tên mang tính miệt thị là “nhạc sến” và được nhiều người chấp nhận, dù tên gọi này hoàn toàn sai khái niệm Nhạc Vàng. Thời điểm từ sau năm 2015, các ca sĩ trẻ thi nhau phát hành album nhạc vàng và xem nó như là tấm vé thông hành để ca sĩ bước vào đất Sài Gòn.
Nói như vậy không có nghĩa là người Hà Nội không nghe nhạc vàng. Sau nhiều năm bị “đói khát”, chỉ được nghe lén nhạc vàng qua “đài địch”, qua băng đĩa lậu, đến khi Nhạc Vàng được “giải thoát”, người nghe nhạc miền Bắc lại ồ ạt kéo nhau vào các sân khấu hoành tráng để nghe nhạc vàng, các liveshow Tuấn Vũ, Chế Linh, Hương Lan… luôn luôn cháy vé và được tổ chức nhiều lần ở nhà hát lớn Hà Nội và nhiều sân khấu lớn khác.
Nhạc Vàng, dù cho bị cấm đoán, bị thay tên đổi họ nhiều lần, nhưng nửa thế kỷ qua, nhạc vàng chưa bao giờ bị quên lãng trong lòng người yêu nhạc Việt Nam.
Đông Kha