Bàn về vẻ đẹp lãng mạn trong nhạc Xuân Trần Thiện Thanh: “Yêu lúc băng rừng như Mộng Tình Nhân”

Ngay từ những ngày đầu nghe nhạc, tôi đã thích nhạc của Nhật Trường – Trần Thiện Thanh, có thể đến từ những mối giao cảm từ những hình ảnh thân ái chút-tình-đồng-hương quê nhà Phan Thiết, khi nghe Biển Mặn: “tìm về biển Đông, tình yêu thành sóng Thái Bình Dương/ Mẹ là mẹ trùng dương, gào than từ bãi trước ghềnh sau…”, hoặc ngay cả với những bài nhạc Xuân rất “lính”, rất buồn… nhưng rất Tết (Đám Cưới Đầu Xuân, Phút Giao Mùa, Đồn Vắng Chiều Xuân, Mùa Xuân Lá Khô, Ngày Đầu Một Năm…) cũng gợi nhớ lên những Nguyên-Đán êm đềm quê nhà…

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Nhạc Trần Thiện Thanh đi một hướng riêng, lãng mạn riêng, hào hoa riêng, day dứt riêng, “buồn thiu” riêng… một phần đến từ những nét đặc biệt về đặt lời của người nhạc sĩ tài hoa này…

Điểm qua những điểm thú vị có thể thấy: Những hình ảnh “em anh” rất trìu mến, kiểu tán tỉnh… rất Nhật-Trường.

Hay một màu xanh ám ảnh như chính tên của ông:

Ngoài những điểm chung đó, có thể thấy trong những bài nhạc của Trần Thiện Thanh, xa vắng đâu đó, từ bên kia giấc mơ hay từ bên kia đời sống, một âm thanh – một giọng hát – một bài ca – một tiếng vọng, một đối thoại nội tâm nào đó…cứ vang về day dứt mãi không thôi… Đó là một khía cạnh “buồn thiu” nữa của giọng ca Nhật Trường, của tình ca Trần Thiện Thanh…

Yêu nhạc Trần Thiện Thanh còn đến từ những hình ảnh bất ngờ và thú vị mà chưa nhạc sĩ nào nghĩ ra được như hình ảnh “Rồi ta làm đôi chim sám hối / Vào suốt canh trưa tiếng mõ bồi hồi/ Hay ta làm hai con kiến gió/ Nhỏ bé chung thân xa lìa nhân gian (Trần Gian Tội Lỗi), “Từ máy thu thanh cô nàng vừa ca”, “lính giữa rừng yêu là thấp mà thôi” (Rừng Lá Thấp), “người điên trong vườn hoa tình ái” (Mùa Đông Của Anh), “kẻ hành khất phiên chợ tan” (Người Xa Người), “Goá phụ ngây thơ” (bài cùng tên), “Yêu lúc băng rừng như mộng tình nhân” (Mùa Xuân Lá Khô)…

Tất cả những điểm đặc sắc trên đều có trong những bài nhạc lính Xuân của Trần Thiện Thanh – những bài hát cũng khơi gợi lên nhiều hình ảnh rất thơ, lạ thường rất Nhật-Trường …

Phải chăng với chút phong trần, chút “thơ thoả”, chút bụi đời viễn mơ này mà có nhiều người khi “muốn” chia nhạc thành những đối cực sang – sến, hàn lâm – nhạc mùi… thì đều công nhận trong nhạc Trần Thiện Thanh / trong một bài nhạc của Trần Thiện Thanh có đủ cả hai yếu tố tưởng đối nghịch mà lại hợp thuận với nhau như vậy! Nhạc lính – nhạc tình – nhạc quê hương hay nhạc tình lính cho một mùa xuân quê hương?!? Những điều hoà hợp ấy có thể phản ánh chỉ qua một câu hát: vừa thực tế, phản ánh qua lăng kính của những người vượt gian khổ: “yêu lúc băng rừng”, nhưng vừa lãng mạng và hư ảo “như mộng tình nhân”…

Những hình ảnh đẹp mơ mòng “yêu lúc băng rừng như mộng tình nhân” ấy nổi bật lên trong những bài tình (lính) (trong mùa) Xuân quê hương của Trần Thiện Thanh, những hình ảnh tưởng chừng rất đơn giản nhưng khi Trần Thiện Thanh đưa vào bài hát, nó tình tự và đẹp ám ảnh đến không ngờ:

– Băng giòng sông loang trăng đầy
Lòng muốn vớt ánh trăng thề viết tên em…” (Đồn Vắng Chiều Xuân)

– Tiên nương hiện xuống dương gian xem hoa rộ khắp nơi
Trăng sao mọc kín đêm khuya cho thiên thần hát ca,
Rồi nhè nhẹ gót hài tiên ca múa trên trần ai… (Phút Giao Mùa)

– Cầu cho mùa xuân nồng nàn trên má em thôi đợi chờ
Giữa lòng chiều hoang nâng cánh sim rừng ngỡ màu tím hoa xưa … (Đám Cưới Đầu Xuân)

– Phút giây mộng mơ nâng cánh hoa mai
Nhẹ rớt trên vai đầy, hồn chơi vơi
Ngỡ giữa xuân vàng, dáng em sang…(Đồn Vắng Chiều Xuân)

– Những lá khô rơi suốt âm thầm
Như trong một chiều lòng tôi biết yêu ai…(Mùa Xuân Lá Khô)

Những hình ảnh mơ đắm ấy, chất trữ tình lính chiến ấy, thoáng “uỷ mị” (của những) quân nhân… được nhắc đi nhắc lại và bày tỏ một cách chân thành và thẳng thắn như vậy trong các bài nhạc miền Nam trước 1975 như thế, là một phần của chân dung những chiến sĩ – bên cạnh những hình ảnh khí chất:

“Người đi giúp núi sông/hàng hàng lớp lóp chưa về / hàng hàng nối tiếp câu thề/ giành lấy quê hương…”, Không quên lời xưa đã ước thề/ dâng cả đời trai với sa trường/Nam nhi cổ lai chinh chiến hề/nào ai ngại gì vì gió sương…”

còn là “lãng mạn đời lính”, còn là những nhắn về khi tâm tư còn khắc khoải “người tình & quê hương”: “Nơi cuối trời em thắp vì sao/ Phiên gác buồn anh vẫn lẻ loi” – chỉ để nhắc nhớ một điều, tất cả những lên đường ấy, trước hết là những lên đường không sắc máu, chỉ là những tâm hồn còn mong và mơ ngày về thanh bình, còn ngẩn ngơ trước cánh mai vàng, còn muốn “ôm nàng Xuân đẹp vào tay”, chỉ muốn “xin yêu thương đến vơi hận thù”… Nhưng hoa thanh bình đúng nghĩa không bao giờ có thật, song ước mộng Xuân lành “Nếu anh có về khi tàn chinh chiến/ xin em cúi mặt giấu lệ mừng nghe em …” thì không phải là một mộng ước hư nguỵ chút nào!

Tác giả: Trung Huy – huyvespa

Exit mobile version