Khi bàn về nét đẹp của các giai nhân trên đất Sài Gòn, đô thị chỉ có tuổi hơn 300 năm, thì không phải là so sánh nét đẹp người Sài Gòn với người vùng khác mà phải khẳng định đó là giá trị hợp từ nhiều vùng miền tạo nên.
Thanh niên Sài Gòn thường xuýt xoa khi thấy nét đẹp quý phái của các bạn gái xứ Huế có họ Công Tằng, Công Huyền dù khi đến nhà họ chơi, nghe cô nói chuyện với ba mẹ thì hoàn toàn không hiểu nổi một câu. Con gái Bắc sống dọc đường Lê Thánh Tôn, Quận Nhứt, khu Ông Tạ hay xứ Bùi Chu Phát Diệm dọc đường Lê Văn Sĩ duyên dáng kiểu con gái Bắc và tất nhiên không phải cô nào cũng như trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên: “nhớ điêu ngoa nhưng giả bộ ngoan hiền, nhớ thật thà nhưng thâm ý khoe khoang…” Người đẹp khu dệt vải Ngã tư Bảy Hiền thì giọng vẫn đặc sệt Quảng Nam, gò má hơi cao, mặt hơi vuông làm ngẩn ngơ học trò nam Trung học Nguyễn Thượng Hiền gần đó.
Tuy là nơi quần tụ, nhưng những đặc điểm phóng khoáng của vùng đất mới cũng hình thành những nét chung của những người đẹp trên đất Sài Gòn. Khác với nét đài các của thiếu nữ Hà Nội hay vẻ thùy mị thướt tha của con gái Huế, những thiếu nữ Sài Gòn luôn gây ấn tượng bởi vẻ trẻ trung và tự tin. Nhiều người cho là dù mặc áo dài thướt tha bát phố thì họ vẫn có dáng đi khá nhanh nhẹn, chân bước dài, hai tay vung vừa phải. Họ đi nhanh nhưng dáng vẫn uyển chuyển, nữ tính. Nét riêng đó có thể hình thành từ cuộc sống nhộn nhịp của Sài Gòn từ khi chuyển mình thành “Hòn ngọc Viễn đông” từ cuối thế kỷ 19, cuộc sống luôn bận rộn trên bến dưới thuỵền và nhiều cơ hội làm ăn. Cũng có thể do Sài Gòn không có một mùa lạnh để mà co ro, lặng lẽ hay trầm ngâm trên đuờng đi. Cuộc sống bung ra đường cũng khiến họ thoải mái và tự nhiên.
Tuy vậy, đừng đánh giá sai lầm về họ nếu chỉ nhìn bề ngoài. Những thiếu nữ Sài Gòn xưa có thể ngồi ăn hàng ngoài đường rất hồn nhiên nhưng cử chỉ không hề suồng sã. Họ cũng có thể ăn mặc thoáng mát với quần short, áo không tay hay jupe ngắn nhưng không có nghĩa là chơi bời buông thả. Họ có thể không ngại chạy thử một lọai xe mới, đánh tennis, bơi thuyền thậm chí tham gia một trận đá bóng nhưng không hề tỏ mình là “có cá tính”. Họ dễ bắt chuyện nhưng không dễ làm thân, rất cởi mở vui vẻ khi làm quen nhưng không dễ “cưa đổ” như nhiều chàng tưởng bở.
Giới trẻ học đường cách nay năm mươi năm bảo nhau “Con gái Bắc xinh học Trưng Vương, con gái Nam bộ đẹp ở Gia Long (nay là Nguyễn Thị Minh Khai)”. Các cô học trường Tây như Regina Pacis, Regina Mundi, Marie Curie đa số nhà khá giả, nhiều cô là con cái địa chủ Tây Nam bộ, nói tiếng Pháp như gió, dạn dĩ và ăn mặc rất chic, nhảy đầm một cây. Giới trẻ Sài Gòn ngắm nhau khi bát phố ngoài đường Lê Lợi, Tự Do mỗi chiều cuối tuần, nhưng dễ nhất vẫn là ở những buổi giao lưu văn nghệ các trường hay dịp giáp tết. Lúc đó, mỗi trường đều làm Nội san Xuân in bằng quay Ronéo, xong đóng tập đem bán gây quỹ tặng các bạn nghèo. Những nữ sinh xinh xắn và có tài ăn nói được chọn để lập những nhóm đi bán nội san ở các trường khác. Khoảnh khắc đó thật vui khi đang giữa mùa mát trời Sài Gòn, các cô gái xinh bất ngờ vào lớp khiến bầy trai trẻ ngồi chộn rộn. Nhan sắc Sài Gòn được nhận diện ngay từ thời đi học và sau nhiều năm, rất nhiều người còn nhớ những lúc như vậy.
Người đẹp vì lụa. Sài Gòn cũng có lụa Hà Đông đề làm dịu cái nắng nhiệt đới như Nguyên Sa nói. Tuy nhiên, vẻ đẹp của Sài Gòn trước hết từ tà áo dài. Áo dài những năm 50, 60 không hề bị nhẹ thể như bây giờ. Các ca sĩ thời thượng nhất vẫn thích trình diễn trong bộ áo dài. Áo dài đi làm, đi dạo phố Bonard (Lê Lợi) hay Catinat (Đồng khởi). Áo dài đi mua hàng siêu thị Nguyễn Du đầu những năm 1960. Màu sắc nào dường như cũng có pha thêm màu trắng cho dịu đi. Mắt kẻ viền ở mí trên, đánh bóng với màu xanh, nâu hay tím nhạt.
Đến thập niên 60, áo dài tay raglan xuất hiện và tôi nhớ quảng cáo đầy trên các báo với nhà may Thiết Lập ở đuờng Pasteur là mạnh nhất. Áo dài tay raglan có tay áo nối từ cổ xuống nách, xéo theo hò áo. Tay áo không có khúc nối ở lưng cánh tay. Áo trở nên ôm sát người vừa vặn và đẹp hơn. Do thành bộ phận tách bạch, tay áo có thể may bằng vải khác màu hoặc khác chất liệu khác miễn hài hòa với thân áo. Kiểu áo tay raglan thịnh hành hơn kiểu áo hở cổ do bà Trần Lệ Xuân sáng tạo dù cho đến bây giờ, vẫn có người thích bận cổ áo này để phô bờ vai tròn và trông nhẹ nhàng nếu người mặc có da có thịt. Lúc đó, nữ sinh nào lỡ mang áo kiểu này là lập tức bị giám thị bắt về nhà thay áo. Bộ áo dài của nữ công chức thì chỉ cần mang với áo ngực, nhưng với nữ sinh, ai cũng phải mang một cái áo lá bên trong. Do đó, vùng hở hình tam giác nơi eo hình thành từ hai tà áo dài và lưng quần (và tạo nên vẻ hấp dẫn của người mặc nếu không có áo lá) sẽ bị che kín hoàn toàn.
Và lúc này có thêm một sự cách tân nữa khi các cô mặc áo dài với quần tây may ống thẳng, rồi lại với quần xéo bằng hàng mềm, rất tốn vải vì xếp xéo để cắt. Diện và tha thướt hơn thì may bằng hàng mouseline mỏng, có lót bằng vải đen hay trắng. Mãi sau 1975, mốt áo dài bận với loại vải này vẫn đuợc chuộng. Khoảng giữa những năm 60, các mốt thời trang khác như jupe hay mini jupe và các thứ váy đầm cập nhật nhanh chóng. Nhiều người nước ngoài đã ngỡ ngàng khi thấy thời trang Sài Gòn theo sau phương Tây chỉ sau một vài tháng. Và với mode, con gái Sài Gòn chấp nhận cái mới nhanh chóng rồi sau đó tự gạn lọc và tìm cách tạo nét riêng chứ không thích mặc giống nhau hay na ná nhau. Đối với họ, trời đất đủ rộng để không cần bó hẹp vào sở thích của tập thể…
Hình ảnh người đẹp Sài Gòn cũng rất gắn bó với hình ảnh chiếc xe. Có thể những năm 50, nhóm xe Mobylette hay các lọai xe của Đức như Goebel, Puch hay Sach chưa làm đuợc chuyện này vì dáng cứng, hợp với đàn ông. Đến giai đọan sau, chiếc Vespa của Ý dù do người đàn ông cầm lái đã tạo nên vẻ đẹp của …các cô khi họ được các đấng hào hoa chở trên yên sau. Chiếc Vespa của Ý màu xám và của Pháp hiệu A.C.M.A màu vàng gọn nhẹ, kiểu dáng thanh tú và có bánh xe sơ cua để vi vút từ Sài Gòn ra tắm biển Vũng Tàu mà chẳng cần đi ô tô. Lúc đó, các cô ngồi sau xe luôn ngồi một bên, hai tay ôm eo người chở. Dáng ngồi chéo đầy nữ tính vừa nhu mì vừa thể hiện nét đẹp hình thể rất rõ. Sau này, khi Honda Nhật nhập vào miền Nam, các cô bận áo dài đi làm cưỡi honda dame dành cho phụ nữ, đôi chân khép phía trước dễ dàng và tà áo được vắt lên phía trước để không nhăn. Trời nắng nên luôn đeo găng tay trông rất sang, kính mát và nhiều cô cài băng đô khiến khuôn mặt sáng lên, tóc gọn đi.
Nhưng được ca ngợi vẫn là dáng các cô đi Vélo Solex. Nguyên Sa viết:
Sài Gòn phóng solex rất nhanh.
Đôi tay hoàng yến ngủ trong gants.
Có nghe hơi thở cài vương miện.
Lên tóc đen mềm nhung rất nhung…
Hình ảnh đó lay động trái tim nhiều chàng trai Sài Gòn thời ấy, và vẫn còn nguyện vẹn trong ký ức họ cho đến ngày nay.
Đặng Yên Hoà