Tôi viết chuyện tình yêu thời hậu 1950, thời Tự Lực Văn Đoàn, thời nửa thế kỷ 20. Người ta yêu và cầu hôn như thế nào? Đây là câu chuyện một doanh nhân yêu và cầu hôn thời ấy. Tôi đã trân trọng viết về họ và mong các bạn cũng đọc với thái độ ấy. Thân mến!
Một buổi tối, từ lớp đêm ra, tôi ghé vào một hiệu vải lớn ở đường Tạ Thu Thâu, để đón mẹ về. Bà đã dặn như thế, vì bà đến đó chọn mua hàng để bán. Tôi đến cửa nhưng không vào, đứng đợi mẹ bên ngoài, sau khi đã nhờ người báo với bà.
Bỗng một thanh niên bước ra, thấy tôi, anh ta sững người một chút, hỏi:
− Xin lỗi, cô kiếm ai?
− Tôi chờ mẹ tôi. Mẹ tôi là bà Tham Ánh.
− Mời cô vào nhà.
− Thôi được, tôi đợi ở ngoài này.
Anh ta đi vào, một lúc sau mẹ tôi ra.
Chuyện đó cũng thường thôi, tôi chẳng để ý gì, nhưng nhà tôi bỗng xảy ra hiện tượng lạ. Tối hôm sau, anh ta đến với cô em gái thăm chúng tôi. Tôi cũng chẳng để ý gì. Anh ta giới thiệu cô em gái với tôi. Cô ấy đang học Đại Học Dược Khoa Sài Gòn. Anh nói chuyện niềm nở với mẹ tôi, các anh tôi, và tôi. Chuyện thăm hỏi nhau giữa người quen biết buôn bán kể ra cũng bình thường thôi. Nhưng bất thường là từ đó, ngày nào cũng có anh ta đến sập hàng của mẹ tôi, lấy cái ghế, ngồi xuống nói với mẹ tôi vài ba câu xã giao rồi im lặng nhìn tôi. Trong lúc ấy, tôi ngồi sau quay lưng lại, học bài hay… làm thơ. Khi nào có khách, anh ta xích ghế qua một bên, nhường chỗ cho khách đứng mua. Lúc đầu, mẹ tôi không nói gì nhưng sau bà phàn nàn với tôi:
– Khổ quá! Ngày nào nó cũng ngồi hết buổi sáng mới về. Chỗ thì chật hẹp, làm sao buôn bán. Tôi bảo:
– Mẹ cứ bảo anh ấy như thế!
Bà im lặng một lúc, nói:
– Không thể được, chỗ quen biết làm ăn.
Chưa phải chỉ có thế. Mỗi tối, đúng lúc chúng tôi ăn cơm xong, anh lại đến. Anh đến, mời mẹ tôi, cả nhà tôi lên xe ra cầu tàu, hóng mát, ăn chè. Không ai đi hết, kể cả tôi. Anh năn nỉ mẹ tôi đi, lấy cớ vì mẹ tôi lớn tuổi, cần dưỡng sức. Anh hết đưa bà đi cầu tàu, lại đi đến các hiệu vải Ấn Độ để giới thiệu mẹ tôi mua hàng dưới sự bảo đảm của anh. Tôi nhận thấy anh đang làm một sự cố gắng đặc biệt để lấy lòng những người thân của tôi. Anh Tư tôi nói chuyện muốn đàn, anh đem ngay đến một cây đàn guitar và mấy xấp nhạc được đóng thật đẹp, để anh ấy đàn. Anh hỏi tôi N. muốn gì, N. thích gì, tôi lắc đầu. Anh nài nỉ mãi, tôi bật lên: Sách.
– Sách? – Anh ngạc nhiên.
– Vâng.
– N. thích sách gì?
– Văn học, thi ca, đủ thứ.
– Thế thì N. phải đi với tôi để lựa.
Anh chở tôi đến Khai Trí, anh đưa tôi xem tất cả các kệ sách, bảo tôi lựa. Tôi lựa được 5 cuốn. Anh bảo tôi lựa thêm. Rốt cuộc tôi lựa 10 cuốn, toàn những cuốn khô khan, chẳng hạn: Việt Nam Sử Lược Trần Trọng Kim, Thi Nhân Việt Nam của Hoài Thanh-Hoài Chân,…
– N. còn muốn mua gì nữa không? Vải vóc, quần áo, giày dép chẳng hạn?
Tôi lắc đầu.
Cô em cũng làm thân với tôi, đưa tôi đi chơi. Một lần cô đưa tôi về nhà mình, dẫn tôi lên lầu, vào phòng ông anh, mở tủ ra. Tôi thấy nhiều gối chăn màu đỏ được xếp rất cẩn thận. Cô ấy nói:
– Chị xem mọi sự sẵn sàng cho anh ấy để lấy vợ, mà mãi đến bây giờ 30 tuổi đầu anh ấy vẫn chưa chịu ưng ai. Bây giờ anh ấy chỉ bằng lòng một mình chị thôi.
Tôi im lặng đi xuống và chẳng thấy lòng rung động gì.
Rồi anh mở một mặt trận khác: Anh biết tôi thích và có làm thơ. Anh nghĩ cũng phải chinh phục tôi bằng thơ. Thỉnh thoảng anh chặn đường tôi để đưa một cuốn thơ anh viết. Tất cả là bốn cuốn, cuốn nào cũng dầy, cũng bự. Nhưng sao tôi cũng không cảm xúc gì cả! Có lẽ vì thơ anh ấy không đủ sức làm tôi rung động chăng? Đưa tôi hết bốn cuốn thơ mà không thấy tôi phản ứng gì, sau đó anh ngưng.
Rồi một bà họ hàng có uy tín đến thăm mẹ tôi. Khi tôi đi học tối về, bà đã đến từ lâu và đã nói chuyện gì với mẹ tôi từ trước. Tối đó, bà nói muốn ngủ lại với tôi một đêm. Đêm đó, bà thuyết phục tôi:
– Anh M. là con trai độc nhất. Nhà người ta giàu có lắm. Mới đây bà mẹ đã chấm được vài cô, kêu anh ấy ra xem mặt, anh ấy từ chối và trả lời: Con không chịu ai hết, con chỉ chịu con gái “bà Tham” – là tôi. Em lấy anh ấy thì sướng lắm, không phải vất vả lo toan điều gì. Ngoài cửa hàng tơ lụa hai tầng ở Tạ Thu Thâu, anh còn một cái nhà hai tầng ở đường Gia Long. Nếu cưới xong vợ chồng sẽ dọn về ở đó. Bà mẹ rất hiền lành, thương con, quý dâu. Em sẽ không phải vất vả gì. Em chịu nhá?
– Em còn bé, chưa muốn lấy chồng. Em mới có 18.
– Anh ấy 30, hơn em 1 giáp. – Chị nói – Chồng lớn tuổi một chút mới lo cho em được. Em mới sướng – Chị nói thêm.
Nhưng tôi không thay đổi ý kiến.
Sau đó vài tuần, chưa chịu bỏ, anh đến nhà tôi một buổi trưa, gõ cửa, tôi không mở. Anh gọi: Tôi biết N. ở trong ấy. N. mở ra đi! Cho tôi nói một câu thôi. Tôi hứa tôi chỉ nói một câu thôi.
Tôi mở, mời anh vào:
– Có phải vì ba tôi hồi xưa (đã mất) có vợ lẻ, mà N. sợ không muốn lấy tôi không? Tôi hứa chắc chắn không bao giờ làm như thế! Chính tôi cũng không muốn ba mình làm như thế! N. tin tôi đi!
Tôi lắc đầu:
– Không phải đâu anh. N. xin lỗi nhưng không thể. Xin anh hiểu cho.
Anh buồn bã, ngần ngừ bước ra. Tôi cũng cảm thấy buồn. Tôi cũng biết lấy một người như thế, tôi sẽ không phải lo lắng gì về sinh kế, sẽ được lên xe, xuống ngựa. Được làm bà chủ, được cưng chiều, nhưng lòng tôi không thấy xao xuyến khi gặp anh, nói chuyện với anh cũng như khi vắng anh.
Tuổi 18, nhất là tuổi 18 làm thơ, hình như có cái gì trái khoáy. Tôi không đặt nặng vấn đề tiền bạc vật chất, mà tôi đặt nặng về tinh thần. Tôi cũng cần một chút lãng mạn: Những bông hoa, những lá thư xanh, những lời tỏ tình tế nhị và kín đáo trong những khung cảnh mơ mộng và bất ngờ… Từ đầu đến cuối, tôi không bao giờ nghe anh nói yêu tôi, cần tôi.
Trong hai năm, anh đã cầu hôn tôi 8 lần. Cứ vài tháng một lần. Bà mẹ anh ấy sốt ruột, mẹ tôi cũng sốt ruột không kém, vì bà thích anh, bà nghĩ anh sẽ đem lại cho tôi một cuộc sống vững chắc. Hễ chàng nào mon men đến cũng bị bà xua như xua tà, đuổi thẳng.
Tôi nghĩ anh và tôi không có duyên. Anh không biết làm cho tôi yêu anh. Anh vụng về và không biết cách chinh phục một cô gái.
Còn thời nay thì sao?
4.7.2018
Huyền Chi