Nữ thi sĩ Huyền Chi – tác giả bài thơ nhạc nổi tiếng Thuyền Viễn Xứ – nay đã gần 90 tuổi. Bà là một “cư dân mạng” đích thực với nhiều bài viết hồi ký mang nhiều cảm xúc, kể lại trên facebook những câu chuyện của bà ngày trẻ. Qua những câu chuyện cá nhân đó của bà, người đọc sẽ cảm thấy rất thú vị khi nhìn thấy được đời sống sinh hoạt của những người Việt sống cách đây đã 60,70 năm.
Nhacxua.vn đã gửi đến bạn đọc câu chuyện tình thi nhân ở chuyện thứ nhất trong bài trước. Ở câu chuyện thứ 2 này là một câu chuyện tình lỡ, qua đó người trẻ có thể rút ra được bài học riêng về chuyện tình yêu trai gái muôn đời không bao giờ cũ…
Chuyện Thứ Hai
Anh là một sinh viên Luật Sài Gòn. Anh hơn tôi tám tuổi, là con trai cả một người có họ xa với mẹ tôi, gốc Bắc Ninh. Những người Bắc ở Sài Gòn rất thân với nhau, vì lúc ấy ít người Bắc và vì tình quê hương. Họ như một Bắc Ninh thu nhỏ vậy.
Trước khi lên Đà Lạt ở với chị, tôi có gặp anh vài lần, nhưng trong mắt anh tôi chỉ là một con bé con. Còn dưới mắt tôi anh là một người lớn chỉ nên “kính nhi viễn chi”. Lúc ấy anh đang học Collège Chasseloup-Laubat (sau này là trường Lê Quý Đôn). Hồi đó, học trò có vẻ “già” hơn bây giờ, vì thời chiến tranh, các học sinh chịu rất nhiều khó khăn, áp lực, việc học thường bị ngắt quãng. Ngôn ngữ chính là tiếng Pháp. Giáo sư đa số từ Pháp đến.
Sau khi đến Đà Lạt được vài tháng, đầu mùa hè năm đó, tôi thấy anh xuất hiện ở Đà Lạt và học ở Lycée Yersin. Anh xin trọ học ở nhà chị tôi. Năm ấy 1949, 15 tuổi, khi chị tôi hỏi: Em muốn đi làm hay đi học? Tôi thấy chị có một hiệu sách và một nhà in, nên tôi bảo: Em sẽ làm ở nhà sách, nhưng chiều tối em sẽ đi học. Rồi tôi giữ việc thu ngân cho nhà sách.
Tôi muốn mở ngoặc để nói một chút về nhà sách này, vì cũng có vài điều về các nhân vật danh tiếng nhiều người biết như kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đã đạt giải thưởng Khôi Nguyên Kiến Trúc La Mã và là người đã xây Dinh Độc Lập Sài Gòn. Người thứ hai là Tôn Thất Niệm. Họ là khách quen của nhà sách chúng tôi. Lúc ấy nhà sách ở gần chợ Đà Lạt cũ. Trước mặt là hiệu buôn của một doanh nhân, người sau này là cha vợ của ông Ngô Viết Thụ. Đặc biệt, chị vợ của ông là bạn thân với tôi. Chị thường tâm sự với tôi mọi điều kể cả chuyện tình của chị.
Hồi ấy hai ông này đều còn con trai, Ngô Viết Thụ gầy, đen, khuôn mặt khắc khổ, ông luôn đọc sách chăm chú, hết cuốn này đến cuốn khác, ít nói. Có lần ông nói với tôi: Nghĩ kỹ thấy mấy bà, mấy o thật là sướng. Sướng hơn bọn đàn ông chúng tôi nhiều. Họ không cần học gì cả, nhưng khi lấy chồng bác sĩ, kỹ sư, họ đương nhiên được gọi là bà bác sĩ, bà kỹ sư, trong khi bọn đàn ông chúng tôi học ngày, học đêm, học trối chết, rất khổ cực! Tôi chỉ mỉm cười, không nói gì.
Đa số học sinh ở Đà Lạt từ Huế vào, nam cũng như nữ, Tôn Thất Niệm là một trong những người ấy. Giữa ông và tôi cũng có một kỷ niệm nhỏ. Hồi ấy, tôi đã làm thơ và thường viết vào lúc vắng khách. Một lần vô ý gói vài cuốn sách ông mua bằng một tờ giấy có bài thơ dở dang của tôi. Ngày hôm sau, ông đến, cười cười nói: “Chị có làm thơ phải không? Thơ chị hay!” Tôi nói: “Đâu có!” Ông cười: “Hôm qua tờ giấy chị gói sách cho tôi có một bài thơ của chị”. Tôi thẹn đỏ mặt. Một năm sau, khi về lại Sài Gòn, một lần tôi đến hiệu ảnh gần rạp cine Lê Lợi. Mới đến cửa, tình cờ gặp Tôn Thất Niệm bước đến hấp tấp, cười vui vẻ: “Chị Huyền Chi, thấy chị tôi mừng quá! Chị còn làm thơ nữa không? Khi nào xuất bản, chắc chắn tôi sẽ mua nó”. Qua lại vài câu xã giao rồi chia tay. Đó cũng lần cuối tôi gặp ông. Mới đây, đọc trên mạng tin ông đã mất ở Mỹ. Người viết ca tụng ông như một ca sĩ tài năng. Và trước đó, ông Ngô Viết Thụ cũng đã mất. Họ là những ngôi sao tài danh của Việt Nam nay không còn nữa.
Tôi xin trở lại với H, anh chàng đeo kính cận thị, trắng trẻo đẹp trai, hát hay đàn giỏi, “kính nhi viễn chi” của tôi. Không ngày nào anh không có mặt ở hiệu sách. Không ngày nào tôi không có cái gì đó từ anh: gói kẹo, gói ô mai, cuốn sách hay, vài bông hoa, vài săn sóc nho nhỏ… Một lần tôi bị cảm, nghỉ ở nhà, đang nằm trên lầu, nghe tiếng bước chân, anh ló đầu vào:
– N bệnh hả? Anh vào được không?
– Anh vào đi.
Anh bước vào ngồi ở mép giường tôi, anh lấy ra một gói ô mai.
– Ngọc ăn cái này cho đỡ nhạt miệng. Ngọc còn cần gì không anh đi mua cho?
Tôi lắc đầu. Nói chuyện một hồi bỗng anh cuối xuống, chống một tay qua mình tôi. Tôi biết anh muốn hôn, tôi nghiêng mình ngồi dậy ra ghế ngồi, tránh nụ hôn ấy.
Sau đó, phong trào Trần Văn Ơn ở Sài Gòn lan rộng lên Đà Lạt, học sinh Đà Lạt biểu tình, một số bị bắt, trong đó có anh. Ở Sài Gòn anh tôi đang học Petrus Ký cũng bị bắt. Anh lúc ấy đã dời đi trọ chỗ khác. Và người chủ nhà đã thăm nuôi anh. Tôi hoàn toàn không biết gì cả, chỉ bốn tháng sau được thả anh đến thăm tôi, ý hờn trách:
– Anh bị bắt mà N không đi thăm anh?
– N có biết đâu mà thăm, có ai nói với N anh bị giam đâu. N hoàn toàn không biết gì cả.
Anh gật đầu có vẻ vui trở lại.
Ở Đà Lạt hai năm, tôi trở lại Sài Gòn vì mẹ lúc ấy đang định buôn bán ở Sài Gòn. Lúc ấy, anh cũng về Sài Gòn theo. Đến Sài Gòn anh học luật và dạy ở trường Kiến Thiết. Một vài ngày lại có mặt ở nhà tôi với hoa hồng đỏ, vì anh biết tôi thích loại hoa này. Có khi anh đem bánh ngọt Givral cho tôi. Anh kể: “Anh mua bánh cho mẹ và cho N”. Anh luôn là người khéo léo trong cách cư xử và được cảm tình của mọi người. Có lần, trưa anh đến, đưa tiền cho tôi: “N ra đầu ngõ mua vài món về chúng ta ăn cơm”. Tôi nói: “N có cơm mẹ để dành rồi”. Anh nói: “Anh muốn ăn cơm với N”. Tôi đã nghe lời anh.
Thời đó không có việc trai gái chưa cưới dẫn nhau đi xem chớp bóng. Có lần tôi dẫn đứa cháu nhỏ đi xem phim ở rạp Lê Lợi, phim hay nên quá đông. Đang lúng túng tìm không ra ghế bỗng thấy anh, anh bỗng đứng dậy nhường ghế cho tôi rồi đi kiếm ghế khác. Thân như thế, nhưng chưa bao giờ nghe anh tỏ tình với tôi. Trong thời gian đó, tôi gặp T, người sẽ trở thành chồng tôi sau này. Anh là sinh viên trường Dược. Trái với H anh tấn công tôi tới tấp, anh viết thơ tình cho tôi mỗi ngày. Một vài lần, hai anh gặp nhau ở nhà tôi. Có lần H tặng tôi một cây bút Parker có khắc tên tôi, anh bảo để N làm thơ. Tình cờ T thấy hỏi:
– Viết đẹp quá em mới mua hả?
– Anh H cho em
– Đưa anh đem trả nó.
Tôi không chịu. Anh năn nỉ mãi, cuối cùng tôi xiêu lòng đưa. T nói anh sẽ đem đến trường Luật nhờ thư ký giao cho anh ấy.
Vài hôm sau gặp lại H mặt anh có vẻ buồn. Tôi hỏi:
– Anh có nhận được cây bút không?
– Có, nhưng sao em không để viết mà nói với anh ta làm gì.
Tôi xin lỗi. H đi về, không được vui như mọi khi. Ba hôm sau, anh đón tôi trên con đường đi học về, mời tôi vào sở thú, rồi ở đó, anh bắt đầu nói anh yêu tôi từ lâu. Anh định cưới tôi sau khi học xong.
– Anh yêu sao từ trước tới giờ không nói?
– Anh tưởng những gì anh đối xử với N, N phải hiểu mới phải chứ!
– Em không nghe anh nói gì, bây giờ đã muộn rồi anh à!
– Muộn là sao? Nếu N có gì lầm lỡ với T anh vẫn chấp nhận.
– Không. Em không lầm lỡ gì cả, nhưng em đã nhận lời anh ấy rồi.
– Tại sao? Anh là người đến trước mà!
– Nhưng anh ấy nói “Anh yêu em” trước anh.
Rồi tôi đòi về.
Một tuần sau, má anh nhờ bà cô ruột của tôi đến gặp mẹ tôi để hỏi tôi. Mẹ tôi hỏi ý kiến, tôi lắc đầu. Bà trả lời là tôi còn bé chưa muốn lấy chồng. Khi cô tôi đi về, bỗng một nỗi buồn mênh mông tràn ngập lòng tôi. Tôi nhìn theo bà rất lâu. Dù sao anh và tôi cũng quen nhau 5 năm. Một thời gian dài với nhiều kỷ niệm.
Rồi đám hỏi tôi, dự định ba tháng sau sẽ cưới. Mỗi ngày anh đều đón tôi để hỏi một câu duy nhất:
– N ơi, N đổi ý chưa?
Tôi lắc đầu. Anh buồn bã quay đi, tôi cũng bùi ngùi. Ba tháng 90 lần anh hỏi câu đó, và 90 lần tôi lắc đầu, vậy mà anh vẫn chưa chịu bỏ. Anh cầm quà cưới tới gặp mẹ tôi trước ngày cưới tôi:
– Mẹ con không đến dự được, con muốn đi mà N không mời con.
– N không mời thì bác mời.
Đám cưới đãi ở Ngọc Lan Đình, Đồng Khánh, Chợ Lớn. Trong đám cưới, người ta đã mời anh lên hát giúp vui. Đêm đó anh đã hát bài “Cô lái đò” của Nguyễn Đình Phúc phổ nhạc thơ Nguyễn Bính.
“Bỏ thuyền, bỏ lái, bỏ dòng sông
Cô lái đò kia đi lấy chồng
Vắng bóng cô em từ dạo ấy
Để buồn cho những khách sang sông.”
Khi tôi đứng ở lối ra tiễn khách, anh H đến gần tôi:
– N cho anh nói một lời, anh sẽ bằng lòng nếu người anh yêu có hạnh phúc dù phần anh đau khổ thế nào chăng nữa. Nhưng nếu sau này, T đối xử không tốt với em, thì em nhớ anh luôn mở vòng tay đón em, dù em có bao nhiêu con chăng nữa.
Chồng tôi đứng đằng xa vội đi đến, lịch sự nói:
– Có xe đưa khách về Sài Gòn, mời anh ra xe.
Anh bắt tay T rồi miễn cưỡng đi, không quên ngoảnh lại nhìn tôi lần cuối. T mở cửa xe cho anh.
Sau này, một người bà con kể lại, sau đám cưới tôi anh đi lang thang trong trời đêm Sài Gòn, ghé quán uống rượu, rồi làm một quyết định quan trọng. Anh về nói với mẹ:
– Con buồn quá, muốn xa Sài Gòn một thời gian. Mẹ cho con đi Hà Nội chơi một tháng. Chỉ một tháng thôi, rồi con lại về.
Lúc ấy Hà Nội – Sài Gòn thông suốt không có gì trở ngại. Mẹ nói:
– Vậy con đi, nhớ về sớm nhé!
Bà còn dặn nhớ mua cho mẹ thứ này, thứ kia ở Hà Nội. Không ai ngờ một tháng đó đã là 21 năm và làm anh thay đổi cả cuộc đời. Nam Bắc chia đôi sớm hơn được loan báo. Tương lai tươi sáng của anh bị hỏng và không còn bao giờ được trở lại trường Luật khoa Sài Gòn học năm cuối nữa.
Sau năm 1975, anh trở về Nam tìm đến nhà thăm chúng tôi. Anh hỏi:
– N mấy con rồi?
– Em có bảy cháu.
Anh ngậm ngùi:
“Ra đường người tưởng còn son,
Về nhà thiếp đã bảy con cùng chàng.”
Anh nói thêm đến sáu năm sau, anh mới lấy vợ, khi biết chắc chắn không thể trở lại Sài Gòn nữa.
Tôi viết câu chuyện này để tạ lỗi với anh. Không biết bây giờ anh còn sống hay đã chết. Tôi đã mắc nợ anh, một món nợ ân tình quá lớn và đã làm anh lỡ dở cả cuộc đời. Nói câu “Anh yêu em” có khó gì mà 5 năm không chịu nói? Âu cũng là số mệnh.
Huyền Chi