Tầm nhìn vượt thời đại của tả quân Lê Văn Duyệt qua lời kể của một người Mỹ thế kỷ 19

“Người Sài Gòn mà không biết Tả quân Lê Văn Duyệt là ai thì quả là một khiếm khuyết”.

Đó là nhận xét của một tờ báo khi nói về công đức của tả quân Lê Văn Duyệt đối với đất Gia Định xưa. Võ công hiển hách, công nghiệp lẫy lừng, ông đồng thời cũng nức tiếng là một người thương dân ái quốc được cả nhân dân lẫn các thế lực lân bang bội phục.

Thời Sài Gòn trước 1975 có đến 2 con đường mang tên vị tả quân này. Hình ảnh tả quân còn được in lên đồng tiền của VNCH năm 1966. Ở khu vực Bà Chiểu, Lăng Ông là khu đền và mộ của tả quân Lê Văn Duyệt được nhân dân thờ cúng và tế lễ long trọng, mang nghi thức thờ Thần. Tức là trong lòng người dân Sài Gòn xưa, ông đã trở thành một vị thần.

Tượng Lê Văn Duyệt

Lê Văn Duyệt là một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn, một trong Ngũ Hổ Tướng Gia Định. Dưới 2 triều vua Gia Long và Minh Mạng, Lê Văn Duyệt làm tổng trấn xứ Gia Định, được xem là vua 1 cõi, ông có công xây dựng và bảo vệ Gia Định – Sài Gòn ngày nay.

Tuy nhiên đó là những ghi chép khô khan của lịch sử. Còn về tính cách, tư duy của ông thì không chính sử nào mô tả được một cách cụ thể và khách quan. May có một đoạn ghi chép của một người Mỹ hồi thế kỷ 19 dưới đây, ghi lại buổi gặp gỡ của người Mỹ này với ông Vương xứ Gia Định, chúng ta mới thấy được tầm nhìn vượt thời đại của tả quân Lê Văn Duyệt, và nỗi niềm trăn trở của ông về sự lạc hậu và kém văn minh của người An Nam so với phương Tây hồi ấy.

Trung úy hải quân Mỹ John White sau chuyến viếng thăm Sài Gòn năm 1819 (từ cảng Salem, Massachuset, Mỹ) trên tàu Franklin đã dành nhiều lời ca ngợi Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt trong hồi ký của mình.

Hồi ký của ông được “Hội Hàng hải Đông Ấn” cất vào kho lưu trữ của hội. Nhưng các bạn của ông khi đọc, họ thấy có những thông tin hữu ích, nên đã in thành sách.

Cảng Sài Gòn

(…) Sau bao nhiêu thăng trầm, tàu Franklin và Marmion cũng vào đến cảng Saigon. John White và đoàn tùy tùng lên bờ đi qua chợ giữa sự tò mò, bu quanh của dân cư, ồn ào đủ loại chó chạy rông, vào thành qua cửa nam diện kiến vị phó tổng trấn (lúc đó là Huỳnh Công Lý – là cha vợ của vua Minh Mạng, sau đó bị vua xử tử vì tham nhu~ng). Ông mô tả như sau, sau khi qua khỏi khu chợ:

“Chúng tôi chẳng bao lâu đến một cầu đá, lúc mà tiện dân, hai chân và bốn chân (chỉ chó rông) đã xa chúng tôi; băng ngang một hào nước sâu và rộng, dẫn tới cửa đông nam của thành, hay đúng hơn một thành phố quân sự; vì tường của thành, bằng đá và đất, cao khoảng 20 feet (8 m), tường dày vô cùng, bao quanh khu hình tứ giác dài khoảng 3 phần tư dặm mỗi cạnh. Nơi đây là nơi vị phó vương (tổng trấn) và các lãnh binh cư ngụ, và có rất nhiều doanh trại rộng tiện nghi, đủ chứa 50.000 binh lính. Dinh hoàng gia ở ngay giữa thành, trên khu đất xanh tươi đẹp rộng khoảng 8 mẫu Anh (khoảng 3,2 hecta) bao quanh bởi hàng rào cọc cao”.

Dinh hoàng gia xây bằng gạch, nền gạch trên mặt đất khoảng 6 feet (2,5 m) được dành cho vua khi đến ngự. Dinh bỏ trống vì vua Gia Long chuyển về Huế, nên được dùng làm kho dữ liệu giấy tờ và dấu ấn hoàng gia.

John White cho biết lúc đó dân số Sài Gòn là 180.000, trong đó có khoảng 10.000 người Hoa. Số liệu này ông cho biết là từ nguồn thông tin xác đáng và chính thức mà ông nhận được từ cha Joseph và chính từ vị Tổng trấn Gia Định thành Lê Văn Duyệt.

Ông cho biết thành phố Saigon lúc đầu là ở phía cực tây của địa điểm gần thành Saigon. Tức là Chợ Lớn thành lập trước và là Saigon xưa. Vì thế phía Chợ Lớn có những kiến trúc cao tốt đặc sắc hơn. Sau khi chiến tranh Nguyễn Ánh -Tây Sơn chấm dứt, dân cư phát triển nhanh chóng về phía đông cho đến khi cả hai nơi trở thành một thành phố, lên đến bên kia rạch Thị Nghè bao bọc thành Sài Gòn và công xưởng hải quân.

Gặp quan Tổng trấn

Sau khi Tổng trấn Lê Văn Duyệt hoàn thành công tác ở Huế trở về Saigon, John White cũng được diện kiến Lê Văn Duyệt trong dịp bá quan văn võ nghênh đón ông tổng trấn. Ngày hôm sau tại chính dinh thự riêng, ngài tổng trấn đã tiếp chuyện và khoản đãi riêng phái đoàn ông John White.

“…Đúng thời điểm hẹn, chúng tôi đến dinh phó vương, ngài phó vương đã có chủ đích trong dịp này không tiếp khách bản sứ, chỉ có những nhân viên thân cận giúp việc trong dinh ông, độ khoảng 40 người và 4 thông dịch viên của chính quyền là Antonio, Mariano, Joseph và Vicente, họ là người bản xứ theo đạo. Chúng tôi được tiếp đón rất thân tình và chi li. Ngài phó vương lúc này đã bỏ qua tất cả những “hãnh diện, nghi lễ, nghi thức” của chức vụ ngài, ngài nói chuyện thoải mái tự do với chúng tôi; và sự háo hức tò mò của ngài, sự chọn lựa sáng suốt đúng đắn các đề tài trong sự tìm hiểu thẩm tra, chứng tỏ ông có một đầu óc mở rộng, thúc đẩy bởi một sự khao khát không nguôi về tri thức và thông tin; và những lời bình chín chắn của ông trong nhiều đề tài đã thuyết phục chúng tôi về khả năng thiên tư cao độ của ông. Chiến tranh, chính trị, tôn giáo, phong tục cách xử sự của các nước Âu châu là những đề tài mà ông rất chú trọng; và khi nghe là tôi từng phục vụ trong hải quân ở nước tôi, ông đặc biệt tập trung tìm hiểu hỏi tôi về các chiến thuật hải quân và chiến trận hàng hải. Khi sự tò mò của ông đã được thỏa mãn về các chi tiết này, ông vui vẻ khen ngợi sự thông minh, kỹ năng và năng lực của người “Olan” (Tây dương), và với một cảm xúc buồn tủi, ông lấy làm tiếc phàn nàn về tình trạng còn thiếu văn minh của nước ông.

Sau hai giờ đàm đạo rất thích thú, ông thông báo chúng tôi là có một buổi tiệc giải lao đãi chúng tôi theo kiểu Âu, dưới sự điều hành của Antonio, thông dịch viên trước đây đã ở Macau. Trên một bàn nhỏ ở giữa sảnh đường có đầy các đĩa, chén chứa đủ loại thức ăn Á châu, gà, vịt luộc, cơm, khoai, khoai lang, heo nướng, các, bánh và cá giầm muối… Antonio đã tìm được ở đâu đó, có thể từ Pasqual, hai dao và một nĩa cũ, để chúng tôi chia nhau dùng cắt thịt, và sau đó dùng các lông nhím để cắm vào đồ ăn và bỏ vào miệng”.

Qua hồi ký, ta thấy tình cảm quý trọng của John White dành cho Lê Văn Duyệt sau nhiều tháng sống ở đây, chứng kiến bao nhiêu thăng trầm và kinh nghiệm với nhiều tầng lớp trong xã hội: “Sau khi giã từ con người vĩ đại này, trong lòng tôi có một sự nuối tiếc vô cùng là thời cuộc đã không trao cây gậy trị vì của bán đảo tốt đẹp này (ý nói xứ An Nam) vào tay ông, một người biết cách làm sao mang nước này thành một nước vinh quang và hạnh phúc hơn vị vua độc tài hiện nay (ý nói vua Minh Mạng)”.

nhacxua.vn biên soạn, dựa theo tư liệu báo Thanh Niên

Exit mobile version