“Tứ Trụ Nhạc Vàng” là danh xưng mà công chúng ở miền Nam trước năm 1975 đã dùng để xưng tụng 4 giọng ca nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng thời kỳ đầu, đó là Duy Khánh, Nhật Trường, Chế Linh, Hùng Cường.
Thật khó để nhận xét, đánh giá được trong 4 thiên tài này ai tài năng hơn ai. Cả 4 người đều được rất nhiều khán giả mến mộ, và mỗi người đều có một tài năng, thế mạnh riêng.
Trong tứ trụ nhạc vàng, hiện nay chỉ có lại duy nhất ca sĩ Chế Linh là còn sống, thậm chí là còn hát thường xuyên ở cả trong và ngoài nước.
Có một điều thú vị là trong 4 ông, thì có 2 cặp bằng tuổi nhau. Đó là Hùng Cường và Duy Khánh cùng sinh năm 1936, còn Chế Linh và Nhật Trường cùng sinh năm 1942. Ca sĩ Hùng Cường mất sớm nhất khi mới tròn 60 tuổi vào năm 1996. Tiếp theo là ca sĩ Duy Khánh mất năm 2003 khi 66 tuổi. Nhật Trường – Trần Thiện Thanh mất năm 2005 khi 63 tuổi, còn ca sĩ Chế Linh hiện nay đã gần 80 tuổi và vẫn còn đi hát.
Cùng so sánh các điểm giống nhau và điểm khác nhau giữa 4 tượng đài của dòng nhạc vàng này:
Giống nhau:
- Cùng là những nam danh ca được mến mộ bậc nhất ở Miền Nam trước 1975, cũng như sau năm 1975.
- Trong 4 người, không có ai sinh quán ở Saigon, nhưng đều thành danh trên đất Saigon. 4 người đại diện cho các vùng đất khác nhau trải dài trên khắp miền Nam:
Xa nhất là Duy Khánh, quê ở vùng địa đầu hỏa tuyến Quảng Trị. Tiếp theo là Chế Linh ở vùng nắng gió Ninh Thuận. Kế đến là Nhật Trường ở Phan Thiết. Còn Hùng Cường là một đại diện đến từ miền Tây – tỉnh Bến Tre. - Cả 4 người đều có điểm chung đặc biệt, đó là vừa là ca sĩ, vừa là nhạc sĩ. Những sáng tác của họ cho đến nay vẫn sống mãi trong lòng những người yêu nhạc vàng, dù đã trải qua thời gian dài dâu bể, với những nổi trôi của thời cuộc.
- Cùng là những nghệ sĩ tài năng bậc nhất, nên họ không thể tránh khỏi sự đào hoa, đa tình.
– Nổi tiếng nhất là Chế Linh với 4 đời vợ và những 14 người con, còn số cháu chắt thì ngay cả Chế Linh cũng thú nhận là không thể nhớ nổi.
– Với ca sĩ Nhật Trường, ông cũng đã trải qua 3 đời vợ với 6 người con.
– Ca sĩ Hùng Cường được biết đến với 1 người vợ chính thức, nhưng ông lại là người nổi tiếng đẹp trai, đào hoa. Cũng vì lý do này mà cuộc hôn nhân với người vợ đầu của ông sớm bị tan vỡ.
– Kín tiếng nhất là ca nhạc sĩ Duy Khánh, nhưng ông cũng được công chúng biết đến với 2 đời vợ.
Khác nhau:
1. Hùng Cường
Trong 4 người, tuy Hùng Cường có vẻ ít tiếng tăm trong thể loại nhạc vàng nhất, ít được giới trẻ ngày nay biết đến nhất, nhưng Hùng Cường lại là người đa tài nhất và có nhiều khán giả hâm mộ nhất ở thời điểm trước năm 1975.
Cho tới ngày nay, ngoài Hùng Cường, chưa có nghệ sĩ nào nổi bật được trên hầu hết các lĩnh vực nghệ thuật, như: Tân nhạc, cải lương, kịch nói, phim ảnh… Ông còn là võ sĩ quyền Anh từng thượng đài thi đấu…
Trong lĩnh vực tân nhạc, Hùng Cường vừa có thể hát, vừa sáng tác. Trong nghề hát, ông hát rất nhiều thể loại. Ngoài nhạc kích động được biết đến nhiều nhất, ông còn hát nhạc tiền chiến, nhạc vàng bolero. Các bài hát mà Hùng Cường sáng tác không nhiều, nhưng đều là những tuyệt phẩm: Đêm Trao Kỷ Niệm, Về Thăm Xứ Lạnh…
Dù ở lĩnh vực nào: âm nhạc, điện ảnh, cải lương hay kịch nghệ thì Hùng Cường đều đạt được đỉnh cao nhất của sự nghiệp, đó là điều vô tiền khoáng hậu chưa ai làm được như ông.
Click để nghe băng nhạc Hùng Cường trước 1975
2. Nhật Trường – Trần Thiện Thanh:
Khi sáng tác, ông lấy tên thật là Trần Thiện Thanh làm nghệ danh. Còn khi đi hát, ông lấy tên Nhật Trường. Tuy là một ca sĩ nổi tiếng, nhưng lĩnh vực sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh còn có phần nổi trội hơn lĩnh vực ca hát. Những bài hát của ông viết được xếp vào dòng nhạc bình dân đại chúng, dễ đi vào lòng người, nhưng đồng thời cũng mang được giá trị nghệ thuật cao. Nhạc Trần Thiện Thanh không hề dễ dãi mà đầy tính nhân bản và đề cao giá trị của con người trong thời loạn. Riêng về dòng nhạc tình, ông cũng có những tuyệt phẩm được yêu thích như Khi Người Yêu Tôi Khóc, Chiều Trên Phá Tam Giang, Trên Đỉnh Mùa Đông.
Trong 4 người trong nhóm tứ trụ, các sáng tác của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh luôn được gắn với dòng nhạc lính. Có lẽ vì là một người trong quân ngũ nên ông thấm thía được những gian lao đời lính, những chiến công thầm lặng của họ, nên đã có những ca khúc để đời của dòng nhạc này là Rừng Lá Thấp, Biển Mặn, Anh Không Chết Đâu Anh…
Click để nghe tiếng hát Nhật Trường thu âm trước 1975
3. Duy Khánh
Có lẽ Duy Khánh là người duy nhất trong 4 người tứ trụ có thể dung hoà được 2 vai trò ca sĩ và nhạc sĩ. Nhắc đến Duy Khánh, người ta không biết nên để danh xưng của ông là ca sĩ hay nhạc sĩ thì mới đúng, nên cuối cùng thường hay viết chung thành: ca nhạc sĩ Duy Khánh.
Duy Khánh là một trong những ca sĩ đầu tiên của dòng nhạc vàng, một giọng hát vô cùng đặc trưng đã tạo nên một “trường phái” riêng là trường phái Duy Khánh. Giọng hát của ông thậm chí còn ảnh hưởng tới một trong tứ trụ khác là ca sĩ Chế Linh.
Về phần sáng tác, nhạc sĩ Duy Khánh đã đóng góp cho dòng nhạc vàng rất nhiều ca khúc để đời, được khán giả mến chuộng trong suốt bấy nhiêu năm qua: Thương Về Miền Trung, Ai Ra Xứ Huế, Xin Anh Giữ Trọn Tình Quê, Trường Cũ Tình Xưa, Biết Trả Lời Sao…
Click để nghe tuyển tập nhạc Duy Khánh thu âm trước 1975
4. Chế Linh – Tú Nhi
Chế Linh là “cây trụ” duy nhất còn lại cho đến ngày nay. Không những thế, ông vẫn còn miệt mài đi hát khi đã bước qua sinh nhật lần thứ 79. Chế Linh cũng là ca sĩ lớn tuổi nhất của âm nhạc Việt Nam vẫn còn hoạt động âm nhạc.
Trong 4 ca sĩ tứ trụ, thì dòng nhạc của Chế Linh theo đuổi mang đậm chất “bình dân đại chúng” nhất, với cách hát nức nở, nỉ non lời tâm sự. Trước năm 1975, ông hát rất nhiều bài hát “thời trang” trong băng nhạc thời trang nhạc tuyển Kim Đằng của nhạc sĩ Vinh Sử như Nhẫn Cỏ Cho Em, Hai Bàn Tay Trắng, Nhớ Người Yêu…
Những bài hát mà ông sáng tác với bút hiệu Tú Nhi đều là những ca khúc dòng nhạc vàng bolero dễ nghe, dễ đi vào lòng người như Bài Ca Kỷ Niệm, Đoạn Tái Bút, Đêm Buồn Tỉnh Lẻ… Tuy vậy, những ca khúc này vẫn được yêu thích cho đến tận ngày nay, khẳng định giá trị trường tồn theo năm tháng.
Click để nghe tuyển tập nhạc Chế Linh thu âm trước 1975
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn