Nhạc sĩ Tuấn Hải và ca khúc “Phượng Buồn”: Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng…

Bài hát Phượng Buồn nổi tiếng với nhưng câu hát như: “Anh đến với em vào một ngày trời đẹp nắng…”, trong một thời gian dài được ghi tên nhạc sĩ sáng tác là Thanh Sơn. Trong tất cả các băng nhạc và đĩa nhạc của thập niên 1990, 2000, hình bìa sau đều ghi tác giả của Phượng Buồn là nhạc sĩ Thanh Sơn – Phương Vũ, hoặc là Nguyên Vũ, hoặc là Nguyễn Vũ. Tuy nhiên khi sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn  luôn phủ nhận ông là tác giả của bài hát này.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Thậm chí trong CD Vol.6 của ca sĩ Cẩm Ly do Hãng Phim Trẻ phát hành vào thập niên 2000, tác giả của Phượng Buồn được ghi là “Phương Sơn” (Ghép từ tên Phương Vũ – Thanh Sơn).

Bìa băng nhạc ghi tác giả Phượng Buồn là Phương Sơn

Thanh Sơn là nhạc sĩ nổi tiếng của mùa hè, của Hoa Phượng, với các bài hát Ba Tháng Tạ Từ, Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hạ Buồn, Lưu Bút Ngày Xanh… Bài hát Phượng Buồn cũng có nội dung về tình yêu thời học trò, rất gần gũi với các bài hát nổi tiếng của nhạc sĩ Thanh Sơn, nhưng tác giả của “Phượng Buồn” là một người khác, đó chính là nhạc sĩ Tuấn Hải, còn có bút danh khác là Lê Kim Khánh, tác giả của bài hát nổi tiếng Lời Con Xin Chúa.

Lúc nhạc sĩ Thanh Sơn còn sinh tiền, có 1 người bạn “xúi” ông nhận đại là tác giả của ca khúc này để nhận tiền bản quyền, tuy nhiên với bản tính tự trọng của một nhạc sĩ lớn, Thanh Sơn kiên quyết từ chối và nhiều lần khẳng định ông không phải là tác giả của Phượng Buồn.

Vậy tác giả thật sự của ca khúc Phượng Buồn là ai?

Xin đăng lại nguyên văn lời giải thích của chính nhạc sĩ Tuấn Hải:

Bài Phượng Buồn tôi viết năm 1974 tại Sài Gòn và đã sắp xếp Hoàng Oanh hát đầu tiên vào dĩa nhựa nhạc Ngày Xanh tại phòng thu của một người Hoa ở số 13 đường Bùi Hữu Nghĩa (trước cửa chợ cá Hòa Bình, quận 5 Chợ Lớn cùng trong năm ấy).


Nghe bản thu của ca sĩ Hoàng Oanh trước 1975

Đến năm 2004 tôi về Sài Gòn gặp lại một số bạn cũ trong đó có các nhạc sĩ: Ngọc Sơn, Đài Phương Trang, Dzoãn Bình và Vinh Sử. Rồi chúng tôi có cuộc hẹn đi uống bia tại quán Hội Nghệ Sĩ…

Sau khi tặng Vinh Sử một CD Phượng Buồn thì người bạn này nói liền: “Xin lỗi anh, em có làm một chương trình có bài Phượng Buồn nhưng gặp khó khăn về việc kiểm duyệt tác giả ở nước ngoài nên đã để tên anh Thanh Sơn cho dễ dàng và tiện việc thanh toán bản quyền…” Ngay lúc đó tôi không thấy gì phiền hà vì việc đã rồi. 

Sau đó bài Phượng Buồn lần lượt được nhiều trung tâm sử dụng nên việc “tam sao thất bản” càng lan tràn theo tỉ lệ thuận. Cũng từ đó một số thân hữu của tôi tỏ ra bất đồng về sự im lặng này, cũng có vài người còn suy nghĩ ngược lại. Trong thời điểm này tôi không biết dùng computer nên chẳng muốn bận thêm làm gì. Nay tiện có cháu nội bà xã tôi sang du học tại Australia nên tôi nhờ cháu Thanh Trinh giúp cho việc này.

Cũng xin được nói thêm là giữa tôi và Thanh Sơn đã có thâm tình từ những ngày hai đứa mới vào nghề (nhắc tên bạn ở đây bằng tất cả lòng quí mến). Tôi nhớ rõ là nhạc sĩ Thanh Sơn có mấy bài viết về phượng rất nổi tiếng như: Nỗi Buồn Hoa Phượng, Hạ Buồn và Hai Cánh Phượng Buồn… Tôi cũng thấy vài trung tâm còn ghi tác giả bài Phượng Buồn của Nguyên Vũ hay Nguyễn Vũ.

Theo tôi được biết không có nhạc sĩ nào tên Nguyên Vũ, còn nhạc sĩ Nguyễn Vũ và chúng tôi cũng rất thân quen từ những ngày cùng cộng tác ở Continental do nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông điều hành. Nhạc sĩ Nguyễn Vũ viết nhiều bài về tình yêu lính biển và mấy bài giáng sinh rất nổi tiếng. Tôi chưa nghe thấy bài nào viết cho Phượng.

Bìa CD nhạc Bảo Yến của Hãng Phim Trẻ ghi Phượng Buồn của Nguyên Vũ
Bìa CD nhạc Ngọc Sơn cũng của Hãng Phim Trẻ lại ghi tác giả Phượng Buồn là của Nguyễn Vũ

Như vậy là theo lời Tuấn Hải, khi nhạc sĩ Vinh Sử thực hiện các băng nhạc ở trong nước, có sử dụng bài hát Phượng Buồn, đã ghi tên tác giả là Thanh Sơn (hoặc là tên một nhạc sĩ khác) để tiện cho việc kiểm duyệt. Thời điểm đó ở trong nước vẫn còn chính sách cấm lưu hành tác phẩm của các nhạc sĩ đang sinh sống ở nước ngoài. Nhạc sĩ Tuấn Hải cũng đề cập tới việc Vinh Sử điền tên Thanh Sơn để tiện cho việc thanh toán tác quyền, tuy nhiên sinh thời, nhạc sĩ Thanh Sơn từ chối nhận phần tiền tác quyền của bài Phượng Buồn.

Đôi nét về nhạc sĩ Tuấn Hải:

Tuấn Hải là một nhạc sĩ nhạc vàng, tác giả một số ca khúc như 100 Phần Trăm (chung với Ngọc Sơn), Cơn Mê Tình Ái, Phượng Buồn, Lời Con Xin Chúa, Như Một Cơn Mê… Ngoài ra ông còn có những bút danh khác là Lê Kim Khánh và Song Kim.

Nhạc sĩ Tuấn Hải tên thật là Lê Xuân Nghị, sinh năm 1939 tại Hải Phòng, là người đã có năng khiếu và đam mê âm nhạc từ thuở nhỏ. Năm 1954, ông theo gia đình di cư vào Sài Gòn, tại đây đã được theo học nhạc với hai nhạc sĩ Văn Phụng và Võ Đức Tuyết.

Năm 1961, nhạc sĩ Tuấn Hải được nhận vào làm việc ở đài phát thanh Sài Gòn, chơi nhạc thường xuyên trong các ban nhạc Văn Phụng và Nhật Bằng, đồng thời cũng là chuyên viên âm thanh của đài tiếng nói Quân Đội. Thời gian sau đó ông đã được nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông (giám đốc hãng dĩa) giao cho việc phụ trách kỹ thuật âm thanh của hãng nhạc Continental và hãng nhạc Ngày Xanh.

Sau năm 1975, nhạc sĩ Tuấn Hải ở lại trong nước và sang Úc năm 1990, ở tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland. Ông rất được đồng hương quý mến do tính tình vui vẻ, ôn hòa và khiêm nhường. Hầu hết họ không biết ông là nhạc sĩ Tuấn Hải nổi tiếng một thời, bởi vì ông không tự giới thiệu nhiều về mình.

Trong sự nghiệp sáng tác trước năm 1975, nhạc sĩ Tuấn Hải có hàng trăm ca khúc. Ngoài bút hiệu chính là Tuấn Hải, ông còn có bút danh Lê Kim Khánh (tên con trai của ông) và Song Kim (tên lót của con ông).

Nhạc sĩ Tuấn Hải và vợ tại nhà riêng ở Úc, năm 2020

Đông Kha
(Bản quyền bài viết của nhacxua.vn)

Exit mobile version