Bài hát “Giã từ” được thu âm từ những năm thập niên 1970 tại Sài Gòn và được giới nghe nhạc vàng yêu thích. Giữa thập niên 2000, khi được cấp phép trở lại ở trong nước, bài hát này đã nhanh chóng đã được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt, rất ăn khách và được rất nhiều giọng hát nổi tiếng trong nước và hải ngoại thể hiện. Thời điểm đó nhạc vàng chưa bùng nổ như hiện nay, nhưng riêng bài hát Giã Từ đã thật sự tạo thành một “hiện tượng bolero” thời đó.
Từ trước tới nay, công chúng vẫn nghĩ nhạc sĩ sáng tác ra bài hát này là Tô Thanh Tùng. Tuy nhiên có thật sự như vậy hay không?
Nhạc sĩ Tô Thanh Tùng từng kể về hoàn cảnh ra đời bài hát này như sau:
“Năm 1970, tôi cùng một nhóm sinh viên Văn Khoa hay vào một quán cà phê tại Đa Kao (quận 1) bởi quán này có một người con gái đẹp tên Diễm ngồi thu ngân. Tôi biết Diễm để mắt tới tôi bởi lúc ấy tôi có sáng tác bài Mắt Diễm buồn cho ca sĩ Elvis Phương hát được nhiều người biết đến.
Tuy nhiên, những ngày vui của tôi với Diễm khá ngắn ngủi, khi nàng ngoảnh mặt quay lưng cũng là lúc tôi đau khổ. Nhiều đêm dài lang thang dưới phố rồi đêm về tôi viết nên ca khúc Giã từ…”.
Khoảng năm 1971, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng tình cờ quen một cô ca sĩ miệt vườn tên Thu Vân có giọng hát rất hay, anh liền mời cô này từ Sa Đéc về Sài Gòn thu âm bài Giã từ để gửi cho đài phát thanh. Thế nhưng, nhạc sĩ Lê Dinh (Trưởng phòng Văn nghệ Đài Phát thanh Sài Gòn) lại từ chối phát vì quy định lúc đó tất cả các ca sĩ được xuất hiện trên sóng phát thanh đều phải đạt tiêu chuẩn là nổi tiếng. Trong khi đó Thu Vân chỉ là một ca sĩ dưới miệt vườn, không có tiếng tăm. Nhưng khi nghe qua băng cassette, nhạc sĩ Lê Dinh đồng ý cho phát một lần vào sáng chủ nhật, nếu dư luận tốt thì sẽ phát tiếp. Không ngờ với phong cách tuyệt vời cộng hưởng cùng giọng hát da diết của Thu Vân, Giã từ đã làm lay động hàng triệu trái tim của thính giả yêu âm nhạc. Nhiều người đã bật khóc khi nghe bản nhạc này trong đêm vắng. Cô ca sĩ miệt vườn này cũng nổi tiếng từ đó, hiện cô đang định cư ở nước ngoài.
Tác giả thật sự của Giã Từ
Thật ra, từ những năm thập niên 70 bài này cũng rất thịnh hành ở Tây Ninh, nhiều người yêu nhạc đã thuộc lòng, đã hát khắp nơi: từ sân khấu cho đến tiệc tùng, đám cưới, họp bạn… Ai cũng biết tác giả là nhạc sĩ Băn Vi (sinh năm 1949). Lúc đó, anh là một tay trống có tiếng trong Ban nhạc Xây Dựng Nông Thôn… Anh đánh trống rất điệu nghệ thu hút khán giả nhờ tài roulé và tung hứng dùi trống lên cao quay vài vòng, khán giả tán thưởng nhiệt liệt và lúc đó anh có mở một lớp dạy trống ở Long Hoa lấy tên là Băn Vi. Bút danh Băn Vi cũng khá lý thú, theo lời anh em thân thiết nói lại: Băn Vi là cách chơi chữ, anh tên thiệt Huỳnh Văn Bi – Văn Bi đọc ngược là Bi Văn – nói láy lại là Băn Vi.
Câu chuyện của bài hát được vang xa. Theo lời Băn Vi kể, anh có quê vợ ở Hồng Ngự – Đồng Tháp (cùng quê nhạc sĩ Tô Thanh Tùng). Trong một lần về Hồng Ngự chơi, Băn Vi có ghé vào một quán nước tình cờ gặp Tô Thanh Tùng, anh em có máu văn nghệ nên quen nhau liền. Biết Tô Thanh Tùng là một nhạc sĩ có tiếng, anh đã hát ngay một bài nhạc đầu tay cho ông nghe, đó là bài Giã từ. Bài hát với giai điệu ngọt ngào, mượt mà đã làm Tô Thanh Tùng ngây ngất và ông muốn có ngay bài hát này nên nhờ Băn Vi ghi lại cho ông. Băn Vi lúc đó tuy đã chơi nhạc nhưng chỉ là một nhạc công tỉnh lẻ, không tiếng tăm gì cho lắm, biết Tô Thanh Tùng làm nhạc và quen biết giới nhạc ở Sài Gòn, cũng muốn nhờ người lăng xê nên viết ngay và đưa cho nhạc sĩ Tô Thanh Tùng.
Sau đó Tô Thanh Tùng đã nhờ nhạc sĩ Quốc Dũng hoà âm và nhạc sĩ Lê Dinh thu thanh đưa lên Đài phát thanh Sài Gòn như lời kể trên. Chuyện gặp gỡ nhạc sĩ Tô Thanh Tùng khi về Tây Ninh, Băn Vi có kể lại cho người bạn thân – làm chung ban nhạc là nhạc sĩ Hoài Nguyên biết.
Trước 1975, bài hát được xuất bản thành nhạc tờ, đứng hai tên sáng tác là Tô Thanh Tùng và Băn Vi. Về xuất xứ bài hát nầy, không giống như nhạc sĩ Tô Thanh Tùng kể. Băn Vi lúc sinh thời có tâm sự là lấy cảm hứng từ cô gái mà anh yêu thích, nhà có tiệm phở nổi tiếng ở Chợ Cũ – Long Hoa năm 1970. Một thời gian quen nhau, có cảm tình nhau nhưng sau đó cô sang ngang đi lấy chồng, anh cô đơn buồn bã viết nên dòng nhạc: “Tuổi đời chân đơn côi,gót mòn đại lộ buồn, đèn đêm bóng mờ nhạt nhòa… Em sang ngang rồi chôn kỷ niệm vào thương nhớ, hôn lên tóc mềm lệ sầu đắm ướt đôi mi…”
Đường phố Long Hoa lúc đó hệ thống điện còn yếu, chỉ ánh đèn mờ tỏa sáng nhạt nhoè trên đường phố.
Tại Tây Ninh, mấy chục năm qua, người yêu nhạc ai cũng biết giai thoại bài hát nầy. Sau năm 1975, tôi và anh Băn Vi có dịp cộng tác chung dạy hát cho mấy em trong đội văn nghệ ở Long Hoa để tập bài hát. Sau đó anh chuyển qua làm ăn bán sách báo văn phòng phẩm, rồi làm trưởng ban văn hóa thông tin thị Trấn Hòa Thành, nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gặp nhau qua các cuộc sinh hoạt văn nghệ. Lúc đó ở Long Hoa có một bãi hát rất rộng, các đoàn ca nhạc thường về trình diễn. Trong một lần ca sĩ Bảo Yến trình diễn bài Giã từ tại đây, anh Băn Vi biết tôi hay viết báo nên có tâm sự làm sao lấy lại tác quyền. Tôi cũng có hứa với anh nhưng trong tay mình chưa có tư liệu bằng chứng gì cả nên không thể viết được mà anh cũng không còn bản gốc nữa.
Bài hát đã ra đời từ 40 năm qua nên hiện nay bài hát gốc ít ai còn giữ (kể cả nhạc sĩ Băn Vi) nhưng trong tâm tưởng người yêu nhạc Tây Ninh, nhất là những người thế hệ U50 hễ nhắc đến Giã từ là nhắc đến Băn Vi. Năm 2004 anh qua đời vì một cơn bạo bệnh, anh em đến dự rất đông, (nhà anh ở trước sân vận động Long Hoa nay là Trung tâm văn hóa Hòa Thành) mọi người đến dự còn đề nghị hát lại bài Giã từ kỷ niệm xưa…
Hai năm sau ngày mất của anh (năm 2006), ca sĩ Dạ Trường (làm chung với Băn Vi ở ban Văn nghệ Xây dựng nông thôn ngày xưa) ở California về nước có họp mặt bạn bè cũ làm chung trong Đoàn văn nghệ ngày ấy. Mọi người đều nhắc lại kỷ niệm Băn Vi về bài Giã từ. Anh Dạ Trường kể lại khi sáng tác có câu kết: “Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương hoài…”. Dạ Trường thấy không ổn, nên góp ý sửa lại: “Người về trong thương nhớ, người đi nhớ thương người…”. Băn Vi nghe có lí nên đồng ý sửa, bài này chính ca sĩ Dạ Trường đã hát ở Tây Ninh.
Những năm gần đây dòng nhạc vàng thịnh hành, bài hát Giã từ cũng trở lại, nhưng đa số khi giới thiệu trên sân khấu, trên giới truyền thông đại chúng, trên liveshow không thấy nhắc tên Băn Vi mà chỉ nêu tên Tô Thanh Tùng mà thôi (vì nhạc sĩ Tô Thanh Tùng khi kể về lai lịch bài hát đã phủ nhận tên Băn Vi). Công tâm mà nói, nhạc sĩ Tô Thanh Tùng rất có công lớn trong việc lăng xê bài hát được nổi tiếng. Nhưng ngược lại, đây cũng là một bài hát góp phần không nhỏ trong sự nghiệp âm nhạc của ông (mà tác giả gốc là nhạc sĩ Băn Vi). Khi nói đến Tô Thanh Tùng, người ta nhắc nhiều nhất đến bài Giã Từ.
Trong bản nhạc tờ phát hành trước 1975 có đề rõ hai tác giả: Tô Thanh Tùng và Băn Vi. Như vậy dựa trên nhạc phẩm Giã từ đã in từ năm 1973 do nhà xuất bản Minh Phát phát hành, đã ghi rõ tên hai tác giả. Nếu so sánh giữa hai người, thì nhạc sĩ Tô Thanh Tùng rất nổi tiếng với nhiều bài hát diễm tình, còn nhạc sĩ Băn Vi là nhạc sĩ tỉnh lẻ ít người biết, giờ anh đã mất nên không thể lên tiếng được, chỉ còn để lại dư âm cho người yêu nhạc qua bài Giã từ mà thôi, nhưng cũng bị xóa tên trong nhiều năm qua.
Qua bài viết này, xin công chúng và những người có liên quan hãy trả lại tên cho Băn Vi về đúng với bài nhạc của anh sáng tác, cho anh ngậm cười được dưới suối vàng. Đó cũng là tình nghệ sĩ cao đẹp. Mong lắm thay!
Nguyễn Duyên