Sự nghiệp ngắn ngủi của ca sĩ Thúy Nga (hiền thê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ) qua bài phỏng vấn năm 1957

Nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là một trong những tên tuổi nổi bật nhất trong làng nhạc vàng với nhiều ca khúc bất tử cùng thời gian, được nhiều thế hệ yêu thích. Tuy nhiên hiền thê của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ là ca sĩ Thúy Nga không được nhiều người biết đến, dù cô đã rất nổi tiếng từ thập niên 1950. Lý do là sau khi kết hôn với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ vào năm 1957, Thúy Nga đã lui về sau để chăm sóc gia đình, thỉnh thoảng có đi hát hoặc thu âm nhưng cũng rất hạn chế.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click


Click để nghe Thúy Nga hát Mùa Thu Đông Kinh trước 1975

Như vậy sự nghiệp của Thúy Nga dường chỉ gói gọn trong chưa đầy 4 năm, từ năm 1954 (năm 18 tuổi) cho đến khi lấy chồng năm 21 tuổi.

Chúng ta sẽ được biết thêm đôi chút về nữ ca sĩ Thúy nga qua bài báo trên tạp chí Kịch Ảnh sau đây được đăng vào năm 1957, chỉ vài tháng trước khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ “rước nàng về dinh”. Đó là một mối tình nghệ sĩ, tình “thầy trò” nổi tiếng đã từng tốn giấy mực của nhiều tờ báo Sài Gòn vào thời điểm đó.

Hoàng Thi Thơ gặp Thúy Nga năm 1955 tại rạp Thống Nhất, khi đó Thúy Nga mới 19 tuổi, tham gia dự thi và đạt giải cuộc thi tuyển lựa tài tử của đài phát thanh tổ chức. Lúc đó hình ảnh của Thúy Nga rất đặc biệt, vừa hát vừa chơi đàn Accordion, choáng hết nửa phần trên của hình dáng, với mái tóc dài thả ngang lưng.

Thời ấy, ca sĩ vừa hát vừa chơi nhạc cụ rất hiếm, cùng lắm là có vài nam ca sĩ vừa cầm guitar vừa hát, nên Thúy Nga và cây đàn phong cầm trên sân khấu đã trở thành một hình ảnh rất ấn tượng với những người đi xem nhạc thập niên 1950.

Chàng nhạc sĩ đã thành danh Hoàng Thi Thơ và cô ca sĩ trẻ Thúy Nga nhanh chóng thành một đôi, nhạc sĩ trở thành thầy dạy nhạc cho ca sĩ, và tình thầy trò nhanh chóng trở thành tình vợ chồng vào tháng 9 năm 1957. Họ có với nhau 3 người con trai và 1 con gái, chung sống hạnh phúc cho đến khi nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ qua đời năm 2001, và Thúy Nga cũng đã ra đi sau đó 9 năm.

Tư liệu của Leminh Saigon

Mời bạn đọc bài báo hơn 60 năm trước:

Thúy Nga năm nay vừa đúng hai mươi mốt tuổi, nàng sinh năm 1936 tại đất đồng chua nước mặn Hải Phòng. Thúy Nga học tới bậc trung học để rồi một ngay say tiếng đàn, giọng hát, nàng đã ngừng học, bước chân vào cuộc đời sân khấu. Thúy Nga cất tiếng hát lần đầu tiên trước công chúng trong ngày Hội phụ nữ (kỷ niệm Hai Bà Trưng) năm 1954 tại trường nữ học Tây Sơn với bản Buồn Nhớ Quê Hương của Hoàng Trọng. Sau khi trình diễn trong ngày Hội phụ nữ, Thúy Nga đã được mời kéo đàn phong cầm tại nhà hát lớn lần đầu tiên với bản Hồn Tử Sĩ. Cuộc đời trình diễn ca nhạc một cách tài tử kéo dài với Thúy Nga đến ngày đất nước chia đôi.

Vào Nam, Thúy Nga chính thức bước chân hẳn vào nghề ca nhạc. Sau khi dự cuộc tuyển lựa tài tử của đài Pháp Á tại rạp Norodom được chấm nhất, Thúy Nga liền được ông Hoàng Cao Tăng mời cộng tác với đài Pháp Á. Thúy Nga đã từng trình diễn với các ban Tiếng nói thanh niên, Ngọc Bích, Hoàng Thi Thơ, Nguyễn Hữu Thiết, Tiếng nói quân đội và đêm đêm còn hát dưới ánh đèn mầu của tiệm nhẩy Văn Cảnh nữa…

Tôi tìm đến nhà Thúy Nga vào một buổi chiều trời tạnh ráo, năng vàng nhẹ phủ trên những hàng cây xanh bên đôi bờ đại lộ. Đi vào trong một ngõ hẻm sâu hun hút, tại một phố hẹp, tôi đến nhà Thúy Nga, một căn nhà xinh xắn, có đôi hàng rào gỗ sơn xanh, mái ngói đỏ, một màu đỏ tươi mát, tất cả toát ra một không khí đầm ấm. Sau khi trao danh thiếp cho bà cụ già ra mở cửa, năm phút sau, tôi được nàng niềm nở chạy ra đón tiếp. Thúy Nga chỉ một chiếc ghế sa lông mây hai chỗ ngồi:

– Mời anh ngồi.

– Cám ơn cô.

Tôi nói qua mục đích đến thăm Thúy Nga, xin phép bà cụ thân sinh ra Thúy Nga lúc đó đang ngồi cho cô cháu gái chải tóc, rồi bắt đầu vào cuộc phỏng vấn:

– Cô có thể cho độc giả Kịch Ảnh biết trường hợp nào đã dẫn dắt cô trở thành ca sĩ?

Nghe tôi hỏi, Thúy Nga trầm ngâm suy nghĩ một lát rồi mỉm cười trả lời:

– Dạ, ngày xưa lúc còn đi học, mỗi buổi tối tôi thường mở máy thu thanh ngồi nghe nhạc, mê nghe hát và thích học hát, nhưng không ai dạy cả, nên thích bài hát nào tôi đi mua bản nhạc ấy để về mở máy thu thanh họ hát theo.

Thấy cô Thúy Nga trả lời câu hỏi đầu tiên một cách vui vẻ tôi như được khuyến khích liền hỏi tiếp:

– Trong số những nhạc phẩm cô đã trình bày, cô thích nhạc phẩm nào nhất?

Thúy Nga không lưỡng lự một phút nào trả lời tôi ngay:

– Tôi thích nhất bảng Hướng Về Hà Nội của Hoàng Dương.

– Tại sao cô lại thích nhạc phẩm này?

– Nhờ Hướng Về Hà Nội tôi nổi tiếng. Hơn nữa lúc trình bày bản Hướng Về Hà Nội Lần đầu tiên tôi cảm động lắm, tôi thấy hình như trong lời ca ý nhạc của Hoàng Dương có 1 cái gì mang mang tình hoài hương, mà hiện giờ nếu trình bày lại Hướng Về Hà Nội có nhẽ tôi không còn thấy rung động bằng dạo mới xa Hà Nội.

Sau khi nghe Thúy Nga kể kỷ niệm một cách say sưa, tôi vội vàng hỏi cô một cách tò mò:

– Ngoài việc đi hát cô còn thích làm việc gì nữa?

Nghe tôi hỏi Thúy Nga cắn môi một phút rồi mỉm cười:

– Tôi thích ăn kẹo, nuôi chó, thêu may, nhưng rất ghét mèo và sợ xuống bếp làm cơm và nấu nướng các món ăn.

Thúy Nga trả lời tôi xong có vẻ hơi buồn, tay nàng mân mê con chó xù của nàng một cách rất âu yếm, rồi ngước mắt nhìn qua cửa sổ.

Thấy Thúy Nga có vẻ suy nghĩ, tôi ngồi im một lát rồi đắn đo hỏi Thúy Nga:

– Xin lỗi cô tôi hỏi câu này hơi tò mò (Thúy Nga cười). Chuyện thiên hạ đồn giữa cô và nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ sự thật thế nào ạ?

Thúy Nga cúi đầu, bà cụ thân sinh ra Thúy Nga vội vàng lên tiếng:

– Chuyện này khó nói quá ông ạ, thiên hạ có nhẽ hơi nông nổi đấy…

Thúy Nga vẫn cúi đầu.

– Còn cô Thúy Nga nghĩ sao?

– Anh ạ, tôi rất lấy làm buồn vì thiên hạ đồn đại sai sự thật quá nhiều, nhưng dù sao để thời gian trả lời giúp tôi có nhẽ tiện hơn.

Ngừng một lát như để suy nghĩ, Thúy Nga tiếp:

– À, mà tới 26 tháng này câu chuyện giữa tôi và Hoàng Thi Thơ sẽ chẳng còn gì bàn tán nữa, vì chúng tôi sẽ thành vợ chồng, và ngày đó sẽ là ngày ăn hỏi tôi.

Để đánh tan bầu không khí nghiêm trọng trong căn phòng ngột ngạt nắng chiều, tôi vội vàng hỏi Thúy Nga một vấn đề khác.

– Cô có ý định đóng phim và trở thành minh tinh màn bạc không?

Thúy Nga vừa cười vừa nói:

– Có chứ anh, nhưng tôi xấu lắm, ít hy vọng được lên màn ảnh lắm anh ạ.

– Thí dụ cô được mời đóng phim Cô sẽ chọn vai vui hay vai buồn?

– Tôi sẽ chọn vai buồn, vì tôi nghĩ có lẽ vai này hợp với tôi hơn.

Thấy Thúy Nga đã vui trở lại tôi liền đùa Thúy Nga bằng một câu hỏi hơi vơ vẩn:

– Xin phép cô tôi hỏi cô một câu hỏi xa xôi một tí nhé. Sau này cô lập gia đình, có con, cô có cho con theo nghề ca hát không?

Thúy Nga cười, một nụ cười chan hòa hồn nhiên, nhưng một phút trôi qua nàng chợt có vẻ suy nghĩ.

– Tôi sẽ không cho con tôi theo nghề ca hát anh ạ, vì nghề này vất vả lắm, hơn nữa lại bạc đãi vô cùng. Nếu có thể, tôi sẽ cho các con tôi chơi đàn dương cầm, hoặc phong cầm, và chỉ thế thôi.


Click để nghe Thúy Nga hát Điệu Buồn Dang Dở trước 1975

Thấy đã làm mất của Thúy Nga quá nhiều thì giờ, tôi vội xin phép ra về. Thúy Nga tiễn tôi ra tận cửa, còn dặn một câu xã giao:

– Anh có thì giờ lại tôi chơi luôn nhé.

– Dạ, cảm ơn cô.

Ra khỏi nhà Thúy Nga, trời bắt đầu mưa lất phất, tôi nghĩ đến con đường lầy lội, cái ngõ sâu thẳm đêm đêm đi hát về Thúy Nga phải đi qua.

nhacxua.vn
Tư liệu của Leminh Saigon

Exit mobile version