Có thể xem nhạc sĩ Phạm Duy là một cây đại thụ làng văn nghệ Sài Gòn trước năm 1975, và của cả nền âm nhạc Việt Nam kể từ khi tân nhạc được hình thành. Ông không chỉ nổi tiếng như là một người sáng tác thông thường, mà còn là một chuyên gia phổ nhạc cho thơ (đặc biệt là những bài thơ vô danh). Bằng những nốt nhạc thiên tài được ví như là “phù thuỷ của âm nhạc”, ông có thể “phù phép” cho những bài thơ và những thi sĩ tương đối lạ lẫm để rồi sau đó được công chúng biết đến, yêu thích cho đến tận ngày nay. Có thể kể đến là Phạm Thiên Thư với Ngày Xưa Hoàng Thị, Em Lễ Chùa Này, Gọi Em Là Đoá Hoa Sầu, Huyền Chi với Thuyền Viễn Xứ, Vũ Hữu Định với Còn Chút Gì Để Nhớ, hay là Phạm Văn Bình với Chuyện Tình Buồn…
Năm 1970, nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã thành công trong việc đưa tên tuổi thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đến gần với công chúng yêu thơ lẫn yêu nhạc, đặc biệt qua bộ “tam khúc Nguyễn Tất Nhiên”: Thà Như Giọt Mưa, Em Hiền Như Ma Soeur và Hai Năm Tình Lận Đận. Những ca khúc này đều được thu âm lần đầu qua giọng hát Duy Quang, như là những sáng tác “đo ni đóng giày” của Phạm Duy dành cho người con trai đầu của mình. Sau này, ông viết trong hồi ký:
“Tôi gặp Nguyễn Tất Nhiên trong bầu không khí thơ ở miền Nam hơi nặng nề vào lúc đó, đầy rẫy những bài thơ chủ đề về thời cuộc… thì thơ của chàng thư sinh mới 17 tuổi này là thơ phi chính trị… Thơ rất hồn nhiên, rất ngộ nghĩnh, theo tôi, nếu đem phổ nhạc cũng sẽ rất hợp với giọng hát trẻ trung của Duy Quang trong ban nhạc gia đình là ban The Dreamers mà tôi đang cần “lăng-xê”.
Một trong những ca khúc đầu tiên của Duy Quang hát nhạc tình ca sinh viên của ông bố Phạm Duy có lẽ là Thà Như Giọt Mưa, phổ từ bài thơ Khúc Tình Buồn của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên. Bài hát này hầu như ngày nào cũng được phát trên Đài phát thanh Sài Gòn thập niên 1970, được giới học sinh – sinh viên đặc biệt yêu thích vì rất phù hợp với giới trẻ.
“Người từ trăm năm
về qua trường Luật
Ta hỏng Tú Tài
ta hụt tình yêu
Thi hỏng mất rồi
ta đợi ngày đi
Đau lòng ta muốn khóc
Thà như giọt mưa
Vỡ trên mặt Duyên
Để ta nghe thoáng
Tiếng mưa vội đến
Những giọt run run
Ướt ngọn lông măng
Khiến người trăm năm
Đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên
Đau khổ ăn năn
Khiến người tên Duyên
Đau khổ muôn niên”.
Bài thơ Khúc Tình Buồn đã được Nguyễn Tất Nhiên viết từ năm 14 tuổi, nên không có những câu như “ta hỏng tú tài, ta hụt tình yêu”. Những câu này, cùng với các câu hát nhắc tới đích danh cái tên Duyên được nhạc sĩ Phạm Duy thêm vào dựa theo lời kể của chính Nguyễn Tất Nhiên vào năm 1970, lúc mà chàng thi sĩ thư sinh này đã 18 tuổi và đang chuẩn bị thi tú tài.
Cô gái tên Duyên đã học chung với nhà thơ từ năm đệ ngũ (lớp 8) tại trường trung học Ngô Quyền – Biên Hòa, và tình cảm của Nguyễn Tất Nhiên đối với cô chính là nguồn cảm hứng khiến ông liên tục sáng tác những bài thơ nổi tiếng một thời chỉ để riêng tặng cho cô. Tuổi trẻ thời ấy thích thú với những dỗi hờn rất con nít trong bài hát Thà Như Giọt Mưa khi mong cho người con gái tên Duyên sẽ đau khổ muôn niên, sẽ đau khổ trăm năm…
Click để nghe Duy Quang hát Thà Như Giọt Mưa
Những lời thơ rất thực, với ngôn từ không đẽo gọt theo kiểu thơ tuyền thống này đã không được lòng các nhà biên tập của các trang báo Sài Gòn thời điểm đó, nên dù Nguyễn Tất Nhiên gửi thơ đăng báo nhiều lần mà không thành. Một bước ngoặt mang tính định mệnh đã xảy đến khi ông đánh bạo đến gặp thi sĩ Du Tử Lê để nhờ giúp đỡ. Chính Du Tử Lê là người đặt cho ông bút hiệu, rồi gửi thơ nhờ nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc. Khởi đầu là Khúc Tình Buồn được phổ thành bài hát Thà Như Giọt Mưa, sau đó là Hai Năm Tình Lận Đận, Em Hiền Như Masoeur, Anh Vái Trời… là những bài nhạc phổ thơ đã đưa được tên tuổi Nguyễn Tất Nhiên ra anh sáng làng văn nghệ. Đặc biệt là khi những bài hát này được tình bày qua giọng hát Duy Quang, người bằng tuổi với Nguyễn Tất Nhiên và cũng đang chập chững bước vào nghề.
Ca khúc thứ 2 xin được nhắc đến của Phạm Duy – Nguyễn Tất Nhiên là Em Hiền Như Ma Soeur được phổ từ những vần thơ tình lạ lẫm mang tên Ma Soeur:
đưa em về dưới mưa
nói năng chi cũng thừa
phất phơ đời sương gió
hồn mình gần nhau chưa?
tay ta từng ngón tay
vuốt lưng em tóc dài
những trưa ngồi quán vắng
chia nhau tình phôi thai
xa nhau mà không hay
(hỡi em cười vô tội
đeo thánh giá huy hoàng
hỡi ta nhiều sám hối
tính nết vẫn hoang đàng!)
Nguyễn Tất Nhiên đã nhận mình là một kẻ hoang đàng, cả trong thơ lẫn tính cách ngoài đời thực. Thơ của ông phóng túng, lời lẽ không sang cả quý phái như thông thường, mà rất thực, gần gụi và cũng tươi mới, được Phạm Duy chuyển tải trọn vẹn vào trong ca khúc và dễ dàng đến được gần với khán giả trẻ tuổi. Đó là giới sinh viên – học sinh đang khát khao tìm kiếm những tác phẩm mô tả được những nhịp thở của thời đại mới, nơi mà không còn trăng gió thơ mộng như thời tiền chiến nữa.
Click để nghe Duy Quang hát Em Hiền Như Ma Soeur
Trong tiếng Pháp, Soeur có nghĩa là “nữ tu”, vậy Em hiền như Ma Soeur nghĩa là khen người con gái có nét hiền dịu như 1 nữ tu. Người con gái hiền dịu đó là ai? Theo một số thông tin thì bài thơ Ma Soeur được Nguyễn Tất Nhiên viết tặng bà Minh Thủy, người bạn chung trường, rồi sau này là vợ của ông. Khác với những lời thơ mang tính “phẫn uất” dành cho Duyên trong những bài thơ đầu tay, thơ mà Nguyễn Tất Nhiên viết cho Minh Thủy có nét đằm thắm và tình tứ hơn. Hình ảnh thắt bính tóc của Minh Thuỷ đi vào thơ rất lãng mạn và tinh nghịch:
Em không còn thắt bính
Nuôi dưỡng thời ngây thơ
Anh không còn luýnh quýnh
Giữa sân trường trao thư.
Em thường hay mắt liếc
Anh thường ngóng cổ cao
Ngoài đường em bước chậm
Quán chiều anh nôn nao
Những vần thơ này được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành ca khúc Hai Năm Tình Lận Đận, cũng được Duy Quang thể hiện rất thành công vào trước năm 1975 sau đây:
Duy Quang – Hai Năm Tình Lận Đận
Bài Ma Soeur, Hai Năm Tình Lận Đận cùng với một bài thơ khác tên là Linh Mục (đã được nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang phổ thành ca khúc Vì Tôi Là Linh Mục) đã đánh dấu một mảng chủ đề thơ Nguyễn Tất Nhiên nhắc đến hình tượng của Chúa, thánh giá, và những linh mục, ma soeur, dù ông là người ngoại đạo. Trong một bài viết, tác giả Mặc Lâm nhận xét:
“Vì ngoại đạo nên thơ ông không chịu sự ràng buộc của tín lý, của đức vâng lời, tôn kính. Nguyễn Tất Nhiên tung tăng trong ngôn ngữ đức tin và bởi vô úy nên những lời thơ truyền thẳng vào tâm tình người đọc…”
Nếu không phải là Nguyễn Tất Nhiên thì có lẽ không có nhà thơ ngoan đạo nào viết những câu thơ:
chuông nhà thờ đổ mệt
tượng Chúa gầy hơn xưa.
Chúa bây giờ, có lẽ
rơi xuống trần gian, mưa. (Hai Năm Tình Lận Đận)
Dù vậy, những lời thơ này vẫn không làm mích lòng ai, vẫn được nhiều thế hệ yêu thích qua những giai điệu đã được nét nhạc tài hoa của Phạm Duy chan vào, và qua giọng hát rất thư sinh của Duy Quang.
Trong cuốn băng nhạc Tình Khúc Nguyễn Tất Nhiên thực hiện sau năm 75, nhà thơ này đã gom ý từ từ bộ “tam khúc” Thà Như Giọt Mưa – Em Hiền Như Ma Soeur – Hai Năm Tình Lận Đận để viết lời giới thiệu như sau:
Tôi đã nguyện làm cây thánh giá đứng chơ vơ trên chót đỉnh cô đơn nhìn bụi thời gian phủ rong rêu lên đời mình cô quạnh. Tôi đã xin làm giọt mưa vỡ trên mặt người yêu dấu. Tôi đã quỳ ngay trên nát tan mình xưng tụng tình yêu, ngưỡng vọng người yêu hiền dịu như “ma soeur”, tuyệt vời như thánh nữ.
Từ muôn thuở, nhân loại vẫn ưa nhìn những sắc màu buồn thảm. Tình khúc tuyệt vời, và vả chăng, là khổ đau chất ngất.
Khi một tác phẩm đã thành hình, đã được ném vào mênh mông cõi trần gian hệ lụy, thì, “nói năng chi cũng thừa!”
Cảm ơn người bước vào tình khúc tôi. Hay nói khác đi, cảm ơn người đã mang lấy tình tôi.
Bộ tam khúc Nguyễn Tất Nhiên này mang đậm nét thư sinh, phù hợp giới sinh viên, là đối tượng mà Phạm Duy muốn hướng đến cho giọng hát ngọt ngào của Duy Quang, và sự gán ghép này giữa thơ Nguyễn Tất Nhiên, nhạc Phạm Duy, tiếng hát Duy Quang đã thành công rực rỡ. Duy Quang có thể đã chịu áp lực lớn khi sinh ra trong một gia đình có quá nhiều nghệ sĩ lừng danh, như bố Phạm Duy, mẹ là danh ca Thái Hằng, cô ruột là danh ca Thái Thanh, cậu ruột là ca sĩ – nhạc sĩ nổi tiếng Hoài Bắc Phạm Đình Chương… Nhưng đồng thời Duy Quang cũng có diễm phúc là con của Phạm Duy, người đã dành tất cả những gì tốt đẹp và thuận lợi nhất cho những người con nghệ sĩ của mình.
Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn