Sự hiện diện của danh ca Thanh Thúy trong nhạc Trịnh: Ướt Mi, Thương Một Người

Nữ danh ca Thanh Thúy là một trong những ca sĩ nổi tiếng của dòng nhạc vàng, hát nhạc vàng ngay từ khi dòng nhạc này được khai sinh từ thập niên 1950. Cô từng là người trong mộng của nhiều nam nghệ sĩ, trong đó có Trịnh Công Sơn, và phần nào có ảnh hưởng nhất định trong ca khúc nổi tiếng đầu tiên của ông, đó là Ướt Mi:


Click để nghe Thanh Thúy hát Ướt Mi trước 1975

Ngoài hiên mưa rơi rơi, lòng ai như chơi vơi
Người ơi nước mắt hoen mi rồi
Đừng khóc trong đêm mưa, đừng than trong câu ca…

Lúc sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lần kể về kỷ niệm với danh ca Thanh Thúy:

“Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi vào lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì chưa hẳn, vì tôi mang mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập.

Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát khao đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời”.

Khi hoàn thành, tôi nắn nót chép lại thật kỹ càng và luôn mang theo bên mình chờ có dịp tặng nàng. Với sự nhút nhát của tuổi trẻ, tôi không dám đưa tặng ngay mà phải chờ khá lâu mới có cơ hội. Một hôm tôi đánh bạo, tìm một chỗ sát sân khấu, dự định khi nàng vừa dứt tiếng hát là tôi sẽ đứng lên đưa luôn.

Đã mấy lần định làm vẫn không kịp. Nàng vừa cúi đầu chào khán giả là đã có người chực sẵn rước đi ngay. Cái đêm định mệnh mà tôi quyết tâm an bài đã thành công. Khi cầm bản nhạc trong tay, nghe mấy lời lý nhí của tôi, nàng chỉ thoáng nhìn tôi một chút rồi quay vào hậu trường. Đêm đó, tôi nôn nao không ngủ được…

Mãi đến hai tuần sau, khi tôi sắp tuyệt vọng vì mỏi mòn chờ đợi thì một đêm kia, khi bước lên bục diễn, dàn nhạc dạo khúc mở đầu thì nàng ra dấu cho dàn nhạc tạm im tiếng để nàng nói vài lời:

“Thưa quý vị! Đêm nay Thúy sẽ trình bày một tác phẩm rất mới của một nhạc sĩ rất lạ tặng cho Thúy. Đó là nhạc phẩm Ướt mi của tác giả Trịnh Công Sơn. Hy vọng đêm nay sẽ có sự hiện diện của tác giả để Thúy được nói vài lời cảm ơn”. Nói xong, nàng quay sang ban nhạc, đưa bản nhạc của tôi cho họ dạo nhạc bắt đầu. Nàng cất tiếng hát….“ 

…”

Trong một bài viết khác nữa, Trịnh Công Sơn nói về Thanh Thúy và Ướt Mi của năm 1958:

…cố nhớ lại và tôi đã nhớ một lần nào đó, trong phòng trà, năm 1958, tôi thấy Thanh Thúy hát “Giọt Mưa Thu” và khóc. Bà mẹ Thanh Thúy dạo ấy lao phổi hằng đêm nằm hát “Giọt Mưa Thu” chờ Thúy về. Những giọt nước mắt ấy như một cơn mưa nhỏ trên tâm hồn mỏng mảnh của tôi đã khiến tôi phải lùi xa hơn nữa về một cõi đời nào còn xa xôi hơn đã từng làm tôi nhỏ lệ. Phải có một nỗi tuyệt vọng nào đó khởi đầu để tôi không ngừng dan díu với những giọt nước mắt của đời làm của cải riêng tư. Eva ăn trái cấm và sự sống thành hình. Tôi e cũng đã từng nuốt những giọt nước mắt để biết tận tình nói về những giọt nước mắt kia. Rất nhiều bài hát đã được viết trước bài “Ướt Mi” nhưng riêng bài “Ướt Mi” thì tồn tại như số phận của nó và của tôi…

Sau Ướt Mi, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn còn sáng tác thêm 1 ca khúc tặng cho Thanh Thúy, đó là Thương Một Người. Theo lời kể của nhà báo Nguyễn Công Khế, nguyên tổng biên tập báo Thanh Niên, cũng là người từng thân cận với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

“Lúc sinh thời, mỗi lần uống rượu, anh Sơn thường kể về hoàn cảnh ra đời ca khúc Thương Một Người dành tặng cho chị Thanh Thúy. Có đêm, anh Sơn ngồi ở một góc vắng trên đường Cao Thắng, đợi người trong mộng đi hát về, chỉ để được nhìn thấy. Cái dáng gầy, tà áo dài mong manh… khuất dần vào con hẻm nhỏ, tiếng guốc hối hả bước về phòng trọ cho kịp chăm sóc mẹ già đang bệnh tật, đã làm anh Sơn xúc cảm. Ca khúc Thương một người ra đời từ đó. Anh Sơn rất si mê chị Thanh Thúy”.


Click để nghe Thanh Thúy hát Thương Một Người trước 1975

Thương ai về ngõ tối
Sương rơi ướt đôi môi
Thương ai buồn kiếp đời
Lạnh lùng ánh sao rơi

Thương ai về ngõ tối
Bao nhiêu lá rơi rơi
Thương ai cười không nói
ngập ngừng lá hôn vai

Hình ảnh “thương ai về ngõ tối” đó đã được tái dựng lại trong phim Em Và Trịnh đang được công chiếu. Tuy nhiên trong một bài viết đăng trên báo saigonnhonews, tác giả Phạm Vũ ghi lại lời của danh ca Thanh Thúy như sau:

“Ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ. Đó là thời gian mẹ cô mới mất. Cô để tang mẹ, đi hát chỉ mặc toàn áo dài trắng và đen. Cả đời, cho đến nay chưa bao giờ mặc áo sườn xám và búi tóc như thế. Đó không phải là cô. Trước khi làm phim họ có nhờ một nhạc sĩ bên này hỏi về trang phục của cô lúc đó. Cô nói hết. Vậy mà cuối cùng họ làm phim như thế. Cô không hiểu được. Đó là một cô gái sành sõi nào đó chứ không phải ca sĩ Thanh Thuý.”

Hình tượng Thanh Thúy trong phim

Một cảnh trong phim. Tuy nhiên danh ca Thanh Thúy nói: “Ông Trịnh Công Sơn chưa bao giờ đưa cô về đến đầu ngõ”

Sau đây là Thanh Thúy ngoài đời thực qua tấm ảnh xưa còn ghi lại. Đây là thời điểm cô gặp Trịnh Công Sơn, thường mặc áo dài trắng lên sân khấu. Sau khi mẹ Thanh Thúy mất, cô để tang trên gần cổ áo:

Đông Kha – nhacxua.vn

Exit mobile version