Nhớ Sĩ Phú – Người lính hát tình ca

Những ngày của Sài Gòn cuối tháng 4 năm 1975, tại căn cứ không quân Tân Sơn Nhất, rất nhiều những chiếc trực thăng vội vã cất cánh rời khỏi Việt Nam trong tình trạng hỗn loạn, không mệnh lệnh. Những chiếc phi cơ rời đường băng mang theo hàng nghìn sĩ quan cùng gia đình, người thân, và mang theo cả một thiếu tá Binh Chủng Không Quân. Để rồi 25 năm sau đó, tiếng hát trữ tình, tha thiết của ông tiếp tục cất lên ở xứ lạ với những bản tình ca da diết. Đó là cố danh ca Sĩ Phú.

Phố núi cao, phố núi đầy sương
May mà có em, đời còn dễ thương… (Còn chút gì để nhớ)

“Bản tính của anh, một bên là người lính, một bên là người tình. Người tình của đất nước, người tình của… của mình”

Nếu cố danh ca Sĩ Phú là “người tình của mình” như lời ca sĩ Uyên Ly, người đã gắn bó với ông trong những tháng ngày đầu nơi xứ người, thì đối với người yêu nhạc, ông là người tình của tất cả, cho dù đã nhiều năm ông lìa xa cuộc đời.

Sĩ Phú và Uyên Ly

Những ai yêu những bài nhạc lính, nhạc tiền chiến, hay nhạc trữ tình đều biết đến tiếng hát trầm ấm, sang trọng của Sĩ Phú, một người khoác áo lính hát tình ca quê hương. Tiếng hát tha thiết, nhẹ như làn khói nhưng không mềm như sương đã đi vào lòng người qua biết bao thế hệ. Từ những cuộc đời trong thời khắc khô’c liệt nhất của chiê’n tranh cho đến những người yêu nhạc của đầu thập niên 1980, và đến tận bây giờ.

Sĩ Phú bước vào con đường âm nhạc khá trễ. Theo gợi nhớ của nhà văn, nhà thơ Du Tử Lê:

“Thoạt tiên ông hát cho chương trình không quân trên đài truyền hình. Một người bạn của tôi là nhà văn Nguyễn Đình Toàn thấy hay quá nên mời lên chương trình Nhạc Chủ đề.”

Từ đó, mọi người khó mà quên hình ảnh của một ca sĩ hào hoa trong bộ đồ bay, cùng với chất giọng tình tứ, trầm ấm hát trong các chương trình văn nghệ không quân.

Nhà văn – nhà thơ Du Tử Lê, người mà ca sĩ Sĩ Phú đã tìm đến trước khi ông ra đi nói về người bạn thân mà một thưở họ gọi nhau “mày, tao”

“Khoảng mãi đến đầu năm 1970 thì Sĩ Phú mới được nhiều người biết đến. nhưng đó là một tiếng hát mà tôi cho rằng đến bây giờ vẫn không có một giọng hát nào có giọng đặc biệt, trầm ấm như Sĩ Phú.”

Mây bao la trời đen tối
Đến đông chưa, lữ khách bâng khuâng
Ngóng về phương xa chờ tin nhạn
Nhưng nhạn nào có biết hay chăng, mà chờ… (Tan tác)

“Sự thật ông ấy hát được tất cả mọi loại nhạc, nhất là những bài về người lính, những bài sau năm 1954, ông hát rất nồng nàn.Vì là một người lính, nên ông dành tiếng hát của mình cho rất nhiều ca khúc hát về người lính”.

Ca sĩ Sĩ Phú không hát riêng về dòng nhạc của một nhạc sĩ nào cả. Ông có thể thể hiện tài năng thiên phú của mình ở hầu hết thể loại. Nhưng với chất giọng trầm buồn, mạnh mẽ của mình, mang một nét đẹp không nhầm lẫn được với ai khác, Sĩ Phú biết rõ dòng nhạc nào là thuộc về ông. Và người biết điều này nữa, hơn ai hết, chính là ca sĩ Uyên Ly, người từng là một nửa cuộc đời ông ,

“Cái người đó là cái người thích nhạc tiền chiến, thích nhạc của Việt Nam. Ông trút tâm hồn ông vào những thể loại nhạc đó. Giọng mềm mại dịu dàng của ông làm sao hát được nhạc giựt”.

Trong những tháng ngày tươi đẹp, tràn đầy hạnh phúc ấy, Sĩ Phú cùng với ca sĩ Uyên Ly, người đầu ấp tay gối với ông và ca sĩ Kim Anh, là những người trong nhóm tam ca Cat’s Trio ở Sài Gòn trước năm 1975 lập ban nhạc Ba Con Mèo. Họ cùng trình diễn những bản nhạc vui có tiết tấu khá nhanh như Một ngày mùa đông của Lê Uyên Phương

“Em lên ngày mai
Đường gió trăng cài
Mong em từng giây
Rộn ràng như mây…” (Một ngày vui mùa đông)

Nguyên là thiếu tá không quân cho đến 1975, chất hào hoa, lãng tử của người lính và chất trữ tình lãng mạn cùng hoà quyện, thấm nhuần vào tâm hồn ông, lan toả vào từng làn hơi của câu hát. Tiếng hát của Sĩ Phú đẹp, thanh thoát như cái gã từ quan, lên non tìm động hoa vàng để nhớ ai.

“Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng nhớ người
Thôi thì thôi đừng ngại mưa mau
Đưa nhau ra tới bên cầu nước xuôi

Sông này đây chẩy một giòng thôi
Mấy đầu sông thẫm tóc người cuối sông…” (Đưa em tìm động hoa vàng)

Và cũng có khi là lời tỏ tình dí dỏm, lém lỉnh của chàng trai đang yêu:

“Anh còn, còn có mỗi, mỗi cây đàn
Anh đem, đem bán nốt
Anh theo, theo cô hàng, hàng chè xanh
Tình tính tang, tang tính tình

Cô hàng rằng, cô hàng ơi
Rằng có biết, biết cho chăng?
Rằng có biết, biết cho chăng?…” (Cô hàng nước)

Và đôi khi, Sĩ Phú cũng cất lên nỗi lòng nuối tiếc tuy muộn màng nhưng thấm đẫm chân tình. Khó ai ngoảnh mặt làm ngơ trước lời tình tự muốn níu kéo thời gian rất da diết của ông:

“Nếu anh còn trẻ như năm cũ
Quyết đón em về sống với anh.
Những khi chiều vàng phơ phất đến.
Anh đàn em hát níu xuân xanh.

Có mây bàng bạc gây thương nhớ
Có ánh trăng vàng soi giấc mơ
Có anh ngồi lại so phím cũ
Mong chờ em hát khúc Xuân xưa…” (Tình cầm)

Chính nhà văn Nguyễn Đình Toàn đã dí dỏm kể lại rằng, những cô gái nghe tiếng hát của Sĩ Phú như đắp tấm chăn bông vào người.

Còn với ca sĩ Uyên Ly, bà vẫn bồi hồi khi nhớ về tiếng hát của ông

“Là một người rất bình thường, rất yêu đời. khi chọn bản nhạc nào hát thì trút hết tâm hồn ông vào đấy. Còn bình thường thì rất vui vẻ, rất dễ thương. Nhưng khi hát thì cho mình lên cung trăng, đi dạo”.

Sĩ Phú hào hoa. Sĩ Phú đa tình. Cái hào hoa của Sĩ Phú đến từ chính tiếng hát của ông. Mà tiếng hát ấy được cất lên từ chính tâm hồn và trái tim ông, trái tim đẹp và đa tình. Chính những ca khúc ông chọn để hát đã nói lên điều ấy. Ông đa tình trong cả những giấc mơ của mình.

“Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn dìu muôn tiếng tơ….”

Nhưng thật ra, ông không phải là người dễ dàng khi chọn ca khúc trình diễn.

“Sĩ Phú là người rất thận trọng, cân nhắc ở các bản nhạc của ông. Chẳng hạn người ta ít thấy ông hát nhạc của Trịnh Công Sơn. Vì ông không thích tinh thần phản chiến”.

Cho dù, với chất giọng tha thiết, trữ tình đặc biệt ấy, ông sẽ thể hiện rất đậm đà những bản tình ca của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Nhưng, hình như trong hầu hết các ca khúc ông đã hát trong cuộc đời của mình, không có ca khúc nào là nhạc Trịnh, ngoài 1 bài là Nghe Những Tàn Phai.

Với nhà thơ Du Tử Lê, “Sĩ Phú là một người vừa tự trọng, vừa ý thức, vừa nhiều cá tính.”

Cả cuộc đời của mình, Sĩ Phú đã dành một nửa cho người tình quê hương, một nửa cho người tình âm nhạc. Cả hai mối tình ấy hoà trộn vào tâm hồn của chàng thiếu tá không quân hát nhạc tình ca quê hương, làm cho những bài ca ông hát đi vượt rào thời gian, ở mãi trong trái tim người, sống mãi cùng năm tháng.

Như lời ca sĩ Uyên Ly tình tự:

“Anh mất đã nhiều mà mình cũng vẫn còn thích anh ngồi bên cạnh mình. Sáng trưa chiều tối gì cũng nghĩ đến anh thôi”.

Theo Cát Linh (RFA)

Exit mobile version