Saigon xưa và nay – Những góc ảnh được chụp cùng vị trí (Phần 5)

Phần 5 của những góc ảnh so sánh sự khác nhau của xưa và nay tại một số địa điểm quen thuộc ở Sài Gòn.

___

Ảnh xưa là hình chụp một thiếu nữ áo dài xanh đeo kiếng mát, ngồi một bên rất duyên dáng sau lưng chồng (hoặc người yêu) chạy xe máy lambretta màu xanh đang đi trên đường Nguyễn Hoàng ở Chợ Lớn vào năm 1967. Căn nhà mái ngói ngày xưa, nay vẫn còn giữ lại được phần nào.

Ngày nay ngôi nhà này ở số 177 đường Trần Phú, là gallery Quang Chiểu. Khu vực đường này rất quen thuộc đối với người Sài Gòn, vì ai đi ngang qua nơi này cũng cảm nhận được một mùi hương đặc trưng, đó là mùi của nhà máy thᴜốᴄ lá. Ngay đối diện căn nhà này chính là nhà máy thᴜốᴄ lá đầu tiên của Đông Dương nằm ngay chính giữa 4 đường Hùng Vương – Trần Nhân Tông – Lê Hồng Phong (xưa là Petrus Ký) và Trần Phú (xưa là Nguyễn Hoàng). Sau năm 1975, nhà máy này được chính quyền mới tiếp quản, sau đó thuộc về Vinataba. Đến đầu thập niên 2010, nhà máy này được di dời, để lại một khu đất vàng gọi là khu đất 152 Trần Phú để xây dựng trung tâm thương mại Vina Square.

Ảnh cũ: Jim Hoskin
Ảnh mới: Thanh Nguyen

Ảnh: Quang Hòa Nguyễn

Bên trong trường đua Phú Thọ xưa và nay. Đây là nơi một thời rất sôi động vào những ngày cuối tuần, từng được xếp hạng là một trong những trường đua lớn nhất Châu Á.

Trường đua này được người Pháp xây năm 1932, sau đó trở thành nơi mà giới ăn chơi thượng lưu vùng Nam Kỳ lục tỉnh thường xuyên lui tới.

Trong tác phẩm “Ăn theo thuở ở theo thời” viết năm 1935, nhà văn Hồ Biểu Chánh đã miêu tả rất rõ cảnh nhộn nhịp xem đua ngựa ở Phú Thọ xưa: “Khi ra gần tới trường đua thì gặp xe hơi, xe ngựa, xe máy chật đường, rồi tới cửa thì thấy thiên hạ chen nhau mua giấy mà vô nườm nượp. Trong số người đi coi ở đây, phần đông là người An-nam, chẳng những là đông bên hạng đứng ngoài trời mà thôi, mà bên hạng ngồi trên khán đài, người An-nam cũng đông thập phần, lại đờn bà số gần phân nửa”.

“Khi mới vô, tưởng thiên hạ vì muốn coi ngựa chạy đua nên chịu tốn tiền cũng như coi hát, hay là coi đá banh. Té ra ngồi một lát, dòm coi thiên hạ bàn bàn luận luận, đi coi ngựa, hỏi tên nài, rồi chen nhau mua giấy, kẻ con ngựa số 1 năm mười đồng, người cá con ngựa số khác năm ba chục, có người lại dám cá tới năm ba trăm”.

Sau năm 1975, trường đua bị gián đoạn vì thời cuộc. Năm 1989, nơi này được phục hồi với tên gọi CLB thể thao Phú Thọ, đến năm 2011 thì trường đua bị đóng cửa để xây dựng trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao, khu trường đua cũ bị bỏ hoang.

Ảnh: historicvietnam.com

Tòa nhà màu trắng ở địa chỉ số 37 – Gia Long, nằm ngay góc ngã tư Hai Bà Trưng – Gia Long (nay là Lý Tự Trọng). Từ năm 1956, nơi này là trụ sở của Thư Viện Abraham Lincoln. Năm 1962, khi Thư Viện Abraham Lincoln dời về khách sạn REX, thì tòa nhà này trở thành cơ quan phụ. Năm 1965, tòa nhà này sáp nhập với US Public Affairs Office (JUSPAO) và thường được gọi là JUSPAO 2. Ngày nay tòa nhà này vẫn còn, nằm ở số 37 Lý Tự Trọng, tầng trệt là một quán cơm bình dân.

Ảnh: Tim Doling – historicvietnam.com

Đường Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ) đoạn cắt với đường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Sau 1975, đoạn này có thêm một bùng binh lớn, qua bùng binh sẽ là cầu Phan Thanh Giản (nay là cầu Điện Biên Phủ) để về hướng Hàng Sanh (Hàng Xanh), đi tới 1 chút nữa sẽ thấy tháp cắt áp quen thuộc ở bên tay trái.

Ảnh: nhacxua.vn

Ở góc đường Đồng Khởi – Ngô Đức Kế (tên thời Pháp là Catinat – Vannier, sau 1955 đổi tên thành Tự Do – Ngô Đức Kế) có 1 tòa nhà nổi tiếng là Saigon Palace Hotel, nay mang tên là Grand Hotel.

Khởi đầu của tòa nhà này là vào năm 1929, khi ông Henry Edouard Charigny de Lachevrotière – Tổng biên tập của một tờ báo Pháp cho xây dựng Grand Hotel Saigon tại số 8 Catinat và khai trương vào năm 1930. Trước đó nơi này chỉ là một cửa hàng nước giải khát nhỏ nằm ở góc đường Catinat (Tự Do) và Vannier (Ngô Đức Kế).

Đến năm 1932, Grand Hotel đổi chủ và đổi tên thành Saigon Palace.

Đến năm 1958, chính quyền có chính sách là các cửa hiệu phải có tên tiếng Việt, nên nơi này được mang tên Saigon Đại Lữ Quán, tồn tại đến năm 1975.

Sau năm 1975, đường Tự Do đổi tên thành đường Đồng Khởi, và nơi này cũng đổi tên thành khách sạn Đồng Khởi. Từ năm 1995 đến nay, khách sạn lấy lại tên nguyên thủy hồi thập niên 1930 là Grand Hotel Saigon.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version