Saigon xưa và nay – Những góc ảnh được chụp cùng vị trí (Phần 4)

Phần 4 của những góc ảnh so sánh sự khác nhau của xưa và nay tại một số vị trí quen thuộc ở Sài Gòn.

Hồ Con Rùa lúc còn con rùa trước năm 1975, và khi không còn con rùa ảnh chụp năm 2021. Hồ Con Rùa được xây dựng từ năm 1967, nằm ở giữa bùng binh được gọi là Công Trường Chiến Sĩ, đến năm 1972 mang tên Công Trường Quốc Tế cho đến nay. Dù vậy rất ít người gọi bằng cái tên chính thức này, mà quen gọi là Hồ Con Rùa, dù con rùa giữa hồ nước đã bị phá hủy vào khoảng cuối thập niên 1970. Bên trên con rùa là một bia đá lớn ghi tên các nước đồng minh, đến nay vẫn còn, nhưng tên các nước đã bị đục bỏ.

Xung quanh Hồ Con Rùa là nhiều trường đại học Luật Khoa, Y Khoa, Kiến Trúc, và con đường đi ngang hồ tên là Duy Tân có cây dài bóng mát như trong nhạc Phạm Duy.

Trong hình cũ trước 1975, có thể thấy các nữ sinh áo dài trắng đang ngồi thành nhóm để nói chuyện. Ngoài ra Hồ Con Rùa cũng là nơi hẹn hò của những đôi tình nhân trẻ từ các trường đại học, rồi sau đó cũng nhau đi tản bộ trên còn đường Duy Tân có tán lá 2 bên đường đan vào nhau rất mát mẻ và thơ mộng.

___

Trụ sở công ty Liên Thành được xây dựng năm 1922 ở Quai de la Marne, đến nay vẫn còn nguyên vẹn ở đường Bến Vân Đồn. Hình ảnh của Tim Doling (Historic Việt Nam).

Phần lớn gia đình Việt Nam ngày xưa (và cả nay) đều từng dùng, hoặc ít nhất là biết đến thương hiệu nước mắm Liên Thành, là cty duy nhất của Việt Nam tồn tại và hoạt động đến ngày nay sau hơn 100 thành lập.

Liên Thành Thương Quán ban đầu được Nguyễn Trọng Lội, Nguyễn Quý Anh (là hai con trai nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông), Ngô Văn Nhượng, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi, Trần Lệ Chất đồng lập nên, đặt trụ sở Tổng cuộc ở làng Thành Ðức, nay là di tích số 306 Trần Hưng Ðạo, thành phố Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. Đây là một tổ chức kinh doanh do các sĩ phu yêu nước ở Bình Thuận sáng lập vào năm 1906 để hưởng ứng phong trào Duy Tân do Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp và Huỳnh Thúc Kháng khởi xướng tại Trung Kỳ. Cái tên Liên Thành được lựa chọn với ngụ ý bảo tồn truyền thống, có ý nghĩa là thành hoa sen, vốn là tên cũ của tỉnh Bình Thuận, xuất phát từ một hồ sen nằm ở quận Hoà Ða.

Năm 1909, Liên Thành Thương Quán thuê ngôi nhà số 1/2/3 Quai Testard (nay là Châu Văn Liêm) và mở chi nhánh kinh doanh ở Sài Gòn. Năm 1922, công ty xây dựng trụ sở ở Quai de la Marne (Khánh Hội) bên rạch Bến Nghé và dời trụ sở từ Chợ Lớn về đây. Căn nhà này đến nay vẫn còn gần nguyên vẹn, trụ sở của hãng nước mắm Liên Thành.

___

Hình ảnh Tòa Đô Chánh thập niên 1960, và trụ sở UBND Thành Phố năm 2020. Tòa nhà được xây dựng trong vòng 11 năm và hoàn thành vào năm 1909, tại vị trí đắc địa và nhộn nhịp nhất của Sài Gòn, ở phia cuối đường Charner (Nguyễn Huệ) nhìn ra sông Sài Gòn.

Thiết kế của tòa nhà này được mô phỏng theo kiểu những lầu chuông ở miền Bắc nước Pháp. Trước năm 1955, trước tòa nhà có ghi chữ Hotel de Ville, dịch sang tiếng Anh có nghĩa là City Hall, trong tiếng Việt gọi là Tòa Thị Chính, nhưng người Việt từ đầu thế kỷ 20 quan gọi là Dinh Xã Tây. Đến năm 1955, tòa nhà được gọi là Tòa đô chánh Sài Gòn, vì là nơi làm việc và hội họp của chính quyền. Từ sau 1975, tòa nhà là nơi làm việc của UBND TP, HĐND TP và một số cơ quan khác.

___

Đại lộ Nguyễn Huệ thập niên 1960 và năm 2020, hình ảnh cách nhau hơn nửa thế kỷ. Bên trái của hình ngày xưa là Thương Xá TAX, ngày nay đã bị đập bỏ để xây cao ốc mới. Bên phải là trung tâm thương mại EDEN cũng đã không còn, thay thế là Union Square.

___

Công trường Lam Sơn được chụp từ tầng trên của REX Hotel xưa và nay. Ảnh thập niên 1960, và ảnh năm 2020 của tác giả Paul Blizard.

Công trường Lam Sơn nằm ở một vị trí đặc biệt, ngay trung tâm của đô thành, ngay mặt tiền của Opera House, xung quanh là 3 con đường phồn hoa nhộn nhịp bậc nhất Sài Gòn từ thuở sơ khai là Charner – Bonard – Catinat, sau đó tên đường đổi thành tên Việt là Nguyễn Huệ – Lê Lợi – Tự Do.

Vì khu đất này nằm ở vị trí đầu đường Lê Lợi, nên được đặt theo địa danh Lam Sơn đã gắn liền với vị anh hùng dân tộc Lê Lợi.

Đông Kha (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version