Saigon xưa và nay – Những góc ảnh được chụp cùng vị trí (Phần 3)

Sau khi thực hiện 2 phần của loạt ảnh Sài Gòn xưa và nay, so sánh hình ảnh được chụp tại cùng một góc ảnh và nhận được nhiều nhận xét tích cực từ độc giả, xin tiếp tục loạt bài này để so sánh những vị trí, góc ảnh xưa và nay ở Sài Gòn. Trong phần 3 này, xin gởi đến các bạn các hình ảnh được thực hiện bởi tác giả Trung Ngo đăng trên group Saïgon Chợ Lớn Then & Now.

Đây là góc ngã 3 huyền thoại được chụp năm 1965. Thời Pháp, đây là Ngã 3 Catinat – Carabelli. Đến năm 1955, tên đường đổi thành Tự Do – Nguyễn Thiếp. Sau năm 1975 đến nay, ngã 3 này đổi thành Đồng Khởi – Nguyễn Thiệp.

Nhà hàng Brodard bên trái được mở từ năm 1948, là nhà hàng, kem, bánh ngọt theo phong cách của người Pháp.

Khoảng năm 2012, nhà hàng Brodard bị đóng cửa, vị trí này được Sony thuê lại làm cửa hàng trưng bày sản phẩm, sau đó đổi lại thành nhà hàng Brodard – Gloria Jean’s Coffees. Tuy nhiên thương hiệu cafe này cũng rời khỏi vị trí này chỉ sau một thời gian ngắn do chi phí thuê quá đắt đỏ.

Hình này chụp năm 2019 tại cùng một vị trí, khi thương hiệu Brodard đã quay trở lại góc ngã 3 huyền thoại này. Được biết sau năm 1975, vị trí tòa nhà này cùng thương hiệu Brodard đều thuộc về công ty Bông Sen. Hiện nay công ty này trở lại khai thác thương hiệu nhà hàng cafe Brodard, một cái tên nổi tiếng của Sài Gòn xưa.

Bên phải của hình là dãy nhà trên đường Nguyễn Thiệp vẫn còn giữ nguyên những kiến trúc cũ.

Có thể nói Nguyễn Thiếp là con đường ngắn nhất ở khu trung tâm Sài Gòn, chỉ khoảng 100m, nối 2 con đường sầm uất bậc nhất Sài Gòn là Nguyễn Huệ và Tự Do (Đồng Khởi).

_____

Hình chụp so sánh 2 góc ảnh tại ngã tư Tự Do – Gia Long năm 1966 và Đồng Khởi – Lý Tự Trọng năm 2020.

Đây là một tòa nhà ở vị trí vàng của trung tâm thành phố. Thời Pháp, ngã từ đường này là giao lộ của đường Catinat và Gouverneur. Sau đó con đường Gouverneur đổi tên thành De La Grandlière.

Đến năm 1955, đường Catinat đổi tên thành Tự Do, đường De La Grandlière đổi tên thành Gia Long. Sau năm 1975 đến nay, góc ngã tư này lại đổi tên thành Đồng Khởi – Lý Tự Trọng.

Tòa nhà trong hình này được xây năm 1926, hoàn thành năm 1927, thuộc sở hữu của Công ty Bất động sản Đông Dương SUFIC.

Đây là một tòa nhà 5 tầng, được đào móng sâu để xây dựng. Trong quá trình đó, người ta đã khám phá ra một dấu tích của tường thành cũ, là phần còn lại của cổng thành Gia Định đã được xây từ năm 1790.

Khi được xây xong, tòa nhà này nhắm tới những khách hàng cao cấp. Trong thập niên 1930, tòa nhà này cho thuê làm văn phòng của các đồn điền cao su, văn phòng du lịch. Trong đó góc đẹp nhất ở tầng trệt thì cho các nhà hàng, cà phê thuê lại.

Tuy nhiên, vị khách nổi tiếng nhất của tòa nhà này chính là lãnh sự quán Hoa Kỳ, khi họ thuê tại đây vào đầu những năm 1930. Cho đến năm 1941, sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, tất cả các nhà ngoại giao Mỹ bị trục xuất khỏi Đông Dương. Khi người Mỹ quay trở lại đây vào năm 1945, lãnh sự quán Hoa Kỳ đã đặt trụ sở tại tòa nhà số 4 Guynemer, sau đó thành đường Võ Di Nguy, nay là Hồ Tùng Mậu.

Ngay bên cạnh tòa nhà này là chung cư Pittman tại số 22 Gia Long, là một vị trí nổi tiếng của Sài Gòn thời điểm tháng 4 năm 1975. Có lẽ là khi đặt lãnh sự quán tại đây vào thập niên 1930, người Mỹ cũng mua lại nhà Pittman ngay bên cạnh. Thập niên 1960, đây là nơi ở của các nhân viên CIA. Đến tháng 4 năm 1975, trên nóc tòa nhà số 22 Gia Long này được gọi là “nóc nhà di tản” với những tấm hình nổi tiếng được chụp lại.

Sau năm 1975, tòa nhà này cho các đơn vị kinh doanh hàng quán thuê lại cho đến nay.

_____

Góc ảnh chụp cùng một vị trí tại giao lộ Trình Minh Thế – Tôn Đản năm 1966, nay trở thành Nguyễn Tất Thành – Tôn Đản (hình chụp năm 2017).

Nhà mái ngói ở góc trái và phải của hình vẫn còn. Góc đường quẹo về tay trái là đường Tôn Đản. Quẹo về tay phải là về cầu Khánh Hội.

_____

Hình chụp cùng 1 góc ảnh ở khu vực Bà Chiểu – tỉnh Gia Định xưa.

Hình xưa được chụp năm 1969, là ngã 3 Chi Lăng – Lê Văn Duyệt, nhìn hướng về phía chợ Bà Chiểu, bên phải hình là lăng của đức tả quân Lê Văn Duyệt. Từ ngã 3 này quẹo phải là đường Lê Văn Duyệt dài cho đến cầu Bông. Qua bên kia cầu Bông là đường Đinh Tiên Hoàng thuộc Dakao – Quận 1 của đô thành Sài Gòn.

Sau năm 1975, đường Chi Lăng đổi tên thành đường Phan Đăng Lưu, đường Lê Văn Duyệt sáp nhập vào đường Đinh Tiên Hoàng.

Tuy nhiên vào năm 2020, đoạn đường này (từ Ngã 3 Chi Lăng đến cầu Bông) đổi lại thành tên đường Lê Văn Duyệt như cũ.

_____

Hình chụp cùng 1 vị trí tại ngã tư Đồng Khánh – Lương Nhữ Học thập niên 1960, nay đổi thành Trần Hưng Đạo (nối dài) với Lương Nhữ Học chụp năm 2020. Cửa sổ của nhà bên góc phải vẫn còn như cũ.

Đường Lương Nhữ Học thực ra là tên đường sai, tên đúng phải là Lương Như Hộc, là một danh sĩ đời Lê, từng hai lần làm sứ giả sang Trung Quốc và có công truyền lại nghề khắc bản gỗ in cho dân làng Liễu Tràng, Hồng Lục (tỉnh Hải Dương ngày nay), làm cho nghề in nơi đây trở nên phát triển. Chính vì vậy ông được tôn xưng là “ông tổ” nghề khắc ván in.

Thực hiện: Đông Kha (nhacxua.vn)
Nguồn ảnh:
Group facebook: Saïgon Chợ Lớn Then & Now
Tác giả: Trung Ngo

Exit mobile version