Những hình ảnh so sánh ở cùng 1 góc ảnh xưa và nay này sẽ làm cho nhiều độc giả ngạc nhiên thú vị. Tác giả những tấm ảnh này là Tim Doling, đã đăng ảnh trong group facebook, flickr Saigon Then And Now.
Hình cũ được chụp từ năm 1954, là hỉnh ảnh của bệnh viện Clinique Saint-Paul tại địa chỉ số 280 Legrand de la Liraye. Từ năm 1955, đường này đổi tên thành Phan Thanh Giản.
Bệnh viện Saint-Paul còn có các tên khác là Dưỡng đường Saint-Paul, Bệnh xá Saint-Paul, là bệnh viện tư nhân hoạt động từ năm 1938.
Nguyên thủy ở Sài Gòn thời Pháp thuộc có dưỡng đường Angier (Clinique Angier) hoạt động từ năm 1908. Vào thập niên 1930, mẹ bề trên dòng tu Saint-Paul-de-Chartres cùng bác sĩ Roton hợp tác mở dưỡng đường Saint-Paul, thay thế dưỡng đường Angier. Vị trí cơ sở mới nằm trên đường Legrand-de-la-Liraye gần ngã tư đường Pierre-Flandin (Sau 1955, ngã tư này đổi thanh Phan Thanh Giản – Bà Huyện Thanh Quan, từ 1976 đổi tên thành Điện Biên Phủ – Bà Huyện Thanh Quan). Bố trí tòa nhà xếp thành chữ U, đầu hai cánh uốn vòng là nơi đặt giường bệnh nhân với hàng cửa chớp giảm ánh nắng để giữ nhiệt độ mát mẻ; kiến trúc tòa dưỡng đường lúc bấy giờ có tiếng là thanh lịch, hiện đại.
Ngày khai trương nhằm ngày Giáng sinh năm 1938, có sự hiện diện của thống đốc Nam Kỳ Rivoal. Tháng Hai 1939 hoàng hậu Nam Phương ngự giá thăm dưỡng đường. Bệnh viện Saint-Paul hoạt động liên tục đến năm 1976 thì bị quốc hữu hóa và đổi thành Bệnh viện Mắt như hiện nay.
Ở tấm hình dưới được chụp năm 2020, có thể thấy cái tên nguyên thủy Clinique Saint-Paul vẫn còn được giữ lại. Kiến trúc của cổng và bên trong cũng không thay đổi nhiều. Ngày nay, nhiều người vẫn gọi đây là bệnh viện Xanh Pôn.
—
Hình cũ là đường Hai Bà Trưng, đoạn gần công trường Lam Sơn năm 1969. Phía bên tay phải là nhà máy chế biến nhɑ ρhιến cũ thời Pháp. Đến nay, kiến trúc cổng vào chỗ này vẫn còn giữ lại phần nào.
Con đường này thời Pháp được đặt tên là Paul Blanchy, từ 1955 đến nay mang tên Hai Bà Trưng, nối từ cầu Kiệu – Tân Định cho đến Bến Bạch Đằng.
Hình bên dưới là cùng 1 góc ảnh được chụp gần đây. Bên trái là khách sạn Park Hyatt. Nếu để ý kỹ thì chúng ta có thể thấy cổng vào nhà máy (màu trắng, gần giữa hình) vẫn còn giữ nét cũ.
—
Hình chụp năm 1953. Tòa nhà này là của La Maison Diethelm – một công ty chuyên sản xuất thiết bị cơ khí. Địa chỉ tòa nhà lúc này là số 29 – Quai de Belgique. Sau năm 1955, đường này đổi tên thành Bến Chương Dương, và tòa nhà trở thành trụ sở của ngân hàng Pháp Á. Ngay bên phải tòa nhà là đầu đường Pasteur.
Hình mới ở dưới là hình chụp 2019, tòa nhà từ lâu trở thành trụ sở của ngân hàng Vietcombank, nhưng hiện nay tạm đóng cửa. Con đường này cũng đổi tên thành Võ Văn Kiệt.
Tòa nhà chung cư cũ trong tấm hình 2019 đã được xây dựng từ cuối thập niên 1960, làm nơi ở cho nhân viên của cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID).
—
Hình trên là góc ngã 3 Nguyễn Thiếp – Tự Do được chụp khoảng năm 1965-1966. Người chụp đang đứng ở chỗ nhà hàng bánh Brodard, nhà hàng này được mở từ cuối thập niên 1940 và vẫn còn cho đến nay, tại ngay vị trí này sau nhiều năm thăng trầm.
Hình dưới là hình chụp 2020, đường tên Nguyễn Thiếp đã bị đổi sai thành Nguyễn Thiệp. Còn đường Tự Do đổi tên lại thành Đồng Khởi.
Về tên đường Nguyễn Thiếp hay là Nguyễn Thiệp mới là đúng? Theo lịch sử thì Nguyễn Thiếp là danh sĩ thời Tây Sơn, có tên là Minh, tự là Quang Thiếp. Sau đó vì kiêng húy vua chúa nên đổi tên thành Thiếp.
Như vậy tên đúng của ông phải là Nguyễn Thiếp, giống như tên đường đã đặt từ trước 1975. Không hiểu vì sao sau này tên ông lại bị đổi thành Nguyễn Thiệp, và bảng tên đường cũng bị ghi sai.
Đường Nguyễn Thiếp có thể xem là con đường ngắn nhất ở trung tâm Sài Gòn chỉ khoảng 100m. Tên đường thời Pháp là Carabelli.
—
Giao lộ Tổng Đốc Phương – des Marins thời Pháp. Sau 1955, des Marins đổi tên thành Đồng Khánh. Sau năm 1975, đường Tổng Đốc Phương đổi lại thành Châu Văn Liêm, còn đường Đồng Khánh đổi tên thành Trần Hưng Đạo B (tức Trần Hưng Đạo nối dài).
Hình dưới là hình ảnh cùng 1 góc chụp năm 2019, nay là ngã 3 Châu Văn Liêm – Trần Hưng Đạo. Có thể thấy dãy nhà vẫn còn nguyên sau 70 năm.
—
Thực hiện: Đông Kha
Nguồn ảnh:
Group facebook: Saïgon Chợ Lớn Then & Now
Flickr: Việt Nam Then & Now
Website: historicvietnam.com
Tác giả: Tim Doling