Saigon xưa và nay – Những góc ảnh được chụp cùng vị trí (Phần 1)

Trong bài viết này, xin mời các bạn xem lại những tấm hình thú vị được chụp để so sánh góc ảnh tại cùng 1 vị trí của Sài Gòn xưa và nay. Những hình ảnh này của tác giả Tim Doling và những đồng sự khác được đăng trong group Saigon Then And Now.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Loạt bài này gồm có nhiều phần, mỗi phần là 5 vị trí ảnh khác nhau với lời chú giải chi tiết cho chúng tôi thực hiện.

Hình trắng đen bên trên được chụp từ tháng 10 năm 1945, là trụ sở của Sở Hỏa Xa xây dựng từ năm 1914 (cùng thời gian xây dựng với chợ Bến Thành), ở địa chỉ ở số 2, Đại lộ de la Somme (nay là Hàm Nghi) để điều hành hệ thống tàu lửa của thành phố Sài Gòn.

Hình màu là được chụp năm 2019, cùng một vị trí đó, tòa nhà vẫn còn giữ nguyên những đường nét chính, và chức năng của tòa nhà vẫn như cũ: Công ty vận tải đường sắt Sài Gòn tại địa chỉ 136 Hàm Nghi.

Trụ sở hỏa xa này được xây dựng liền kề bên cạnh chợ Bến Thành, đối diện là nhà ga xe lửa đã được khởi công năm 1881 và hoàn thành năm 1885, là ga đầu tiên trên tuyến đường xe lửa Sài Gòn – Mỹ Tho. Thời gian sau đó, ga này cũng là ga khởi hành đi Lộc Ninh (để phục vụ cho việc khai thác cao su của người Pháp), và đây cũng là ga đầu của tuyến Sài Gòn – Hà Nội hồi trước năm 1954.

2 tấm hình bên trên được chụp cách nhau khoảng 75 năm. Tấm ảnh trắng đen được chụp vào khoảng năm 1943, hình ảnh một tàu hỏa (đầu máy chạy bằng hơi nước) đang chạy ngang qua Opera House (tên ban đầu là Saigon Municipal Theatre) trên đường Catinat (nay là Đồng Khởi).

Hình màu bên dưới được chụp năm 2019, hình ảnh Nhà hát Thành Phố được phục chế lại với hoa văn đúng với nguyên mẫu ban đầu sau một thời gian dài là trụ sở quốc hội thời VNCH (1955-1975).

Hình cũ trắng đen ở bên trên là được chụp vào những năm đầu thập kỷ 1950 tại giao lộ Bonhoure và Tổng Đốc Phương (nay là Hải Thượng Lãn Ông – Châu Văn Liêm). Ngôi nhà bên trái là tòa chung cư đến nay vẫn còn.

Cùng vị trí này, đến nay là bùng binh trước Bưu Điện Chợ Lớn với tượng đài Phan Đình Phùng đã có từ trước năm 1975. Hình ảnh Phan Đình Phùng tượng trưng cho “thánh tổ quân cụ” của quân lực VNCH.

Hình cũ ở trên là con đường lớn và lâu đời hàng đầu của vùng Sài Gòn. Đây là đoạn từ Cầu Khánh Hội đến công trường Mê Linh (tượng đức Trần Hưng Đạo). Thời Pháp giai đoạn đầu (khoảng 1865), đoạn đường này được đặt tên là Quai de Donnai, sau đổi thành Quai Napoléon, năm 1870 đổi là Quai du Commerce, đến 1896 đổi là Quai Francis Garnier, và 1920 đổi thàmh Quai le Myre de Vilers.  Năm 1955, chính quyền Sài Gòn nhập đoạn đường Le Myre Vilers với đoạn Argonne (là đoạn chạy dọc theo bến sông) và đặt tên là Bến Bạch Đằng. Đến năm 1980, chính quyền mới nhập Bến Bạch Đằng với đường Cường Để để trở thành đường Tôn Đức Thắng như ngày nay.

Trong bức ảnh chụp trắng đen vào thập kỷ 1920 ghi lại hình ảnh một đoàn tàu được chạy bằng đầu hơi nước của công ty CFTI chạy tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn.

Hình bên dưới là chụp cùng 1 góc ảnh vào năm 2019, đoạn bến Bạch Đằng nhìn về phía tượng đức Trần Hưng Đạo. Người chụp đứng ở vị trí đầu đường Đồng Khởi.

Hình cũ trắng đen là ảnh chụp vào thập niên 1940, ghi lại hình ảnh tuyến tàu điện từ Sài Gòn đi Chợ Lớn, đang chạy trên đường des Marins, tức đường Đồng Khánh sau năm 1955, đến sau 1975 là đường Trần Hưng Đạo B (Trần Hưng Đạo nối dài). Gần 1 thế kỷ trước, nội đô Sài Gòn đã leng keng tiếng xe điện rộn ràng khắp các đường phố. Có thể nhận thấy biển quảng cáo trên đầu của tàu điện, thể hiện sự “không kiêng cử” gì của người xưa, khi quảng cáo cả trại hòm trên phương tiện giao thông công cộng.

Hình màu bên dưới là chụp cùng 1 góc ảnh với hình xưa, đường Trần Hưng Đạo năm 2019, nhìn về phía Lương Nhữ Học và Châu Văn Liêm.

Thực hiện: Đông Kha
Nguồn ảnh:
Group facebook: Saïgon Chợ Lớn Then & Now
Flickr: Việt Nam Then & Now
Website: historicvietnam.com
Tác giả: Tim Doling

Exit mobile version