“Blao, 26/2/1965
Dao Ánh,
Anh đọc thư Ánh từ chiều hôm qua. Cũng như tháng 8 năm ngoái, thư Ánh vẫn là thư đầu tiên trong những ngày mọn mọt của anh ở đây.
Anh đã đọc thư bao nhiêu lần. Và để mừng những tờ thư đó, anh đã mặc áo ấm vào đêm, uống thật say một mình rồi trở về cầm những tờ thư còn thơm mùi thơm quen thuộc đó mà ngủ. Bạch lạp thì cháy âm thầm trên giấc ngủ đó của anh.
Những ngày nay anh vẫn chưa làm được gì ngoài phí bỏ những giờ dài dẳng để ngồi đốt thuốc và nhìn hoài khoảng đất trời trước mặt. Anh đã viết xong một bản nhạc cho Ánh. Ru Mãi Ngàn Năm hay Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng.”
Đó là bức thư nhạc sĩ Trịnh Công Sơn gửi người tình nhỏ Dao Ánh khi ông vừa viết xong ca khúc Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng. Vẫn là những lời thư da diết nhớ nhung, đầy yêu thương của một chàng trai si tình nhưng chất chứa nhiều suy tư, trăn trở về đời sống, về con người. Trịnh Công Sơn luôn luôn là vậy, những câu chữ của ông trong thơ lẫn trong nhạc đều đầy hình tượng, sống động, dễ thấm vào lòng người, dễ gợi lên những cảm xúc, rung động nhưng để thấu hiểu được sâu xa thì lại không dễ.
Có thể cảm nhận được qua những nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn viết cho Dao Ánh, khi yêu nàng, trong lòng chàng nhạc sĩ họ Trịnh luôn tồn tại một thứ mâu thuẫn không thể hoá giải. Một mặt nhạc sĩ yêu vẻ non tơ, thuần khiết, xuân tình của nàng thiếu nữ mới lớn, mặt khác lại luôn cảm thấy chống chếnh vì khoảng cách tâm hồn quá lớn giữa chàng và nàng. Chàng nhạc sĩ 25 tuổi thì quá già dặn, nhiều suy tư, còn nàng thiếu nữ 15 tuổi thì lại quá ngây thơ, non nớt. Sự chông chênh đó trong mối tình của họ, tạo nên nguồn cảm xúc vô tận cho những sáng tác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn giai đoạn này. Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng cũng không ngoại lệ. Ca khúc khiến cho người nghe có thể yêu ngay từ khi những giai điệu đầu tiên được cất lên:
Ru mãi ngàn năm giòng tóc em buồn
Bàn tay em năm ngón ru trên ngàn năm
Trên mùa lá xanh ngón tay em gầy
Nên mãi ru thêm ngàn năm
Click để nghe Khánh Ly hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng trong băng Sơn Ca 7 trước 1975
Có rất nhiều lời lý giải cho cái sự “ru mãi ngàn năm” được lặp đi lặp lại rất nhiều lần trong ca khúc. Nhưng ở đây xin mạn phép được lật giải về căn nguyên của cái sự “ru mãi” này. Phải chăng ngay từ lúc bắt đầu cuộc tình với Dao Ánh, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã khá vô vọng về khoảng cách chênh lệch của hai người cả về tuổi tác và tâm hồn. Trong cơn sầu bi vì không biết đến bao giờ người tình mới trưởng thành, mới có thể đồng điệu tâm hồn với mình, nhạc sĩ đã đem ru ngủ mối tình của chính mình: “ru mãi ngàn năm dòng tóc em buồn”. Dòng tóc đen của em hay cũng chính là mối tình tuyệt vọng của anh, anh sẽ “ru mãi ngàn năm”, sẽ chờ đợi, thuỷ chung, đó dường như không chỉ là lời nói mà còn là lời thề nguyện sâu kín với tình yêu.
Nếu hỏi tại sao lại là “ngàn năm” mà không phải là cái trăm năm hữu hạn của đời người thì có thể lý giải rằng, tâm thức âm nhạc Trịnh dường như luôn bị ảnh hưởng bởi các triết thuyết của Phật giáo thiền môn. Cái “ngàn năm” kia chính là vòng sinh tử luân hồi của con người qua muôn vạn kiếp sống chứ không chỉ vỏn vẹn một kiếp người.
Và “Bàn tay em năm ngón” anh cũng sẽ “ru trên ngàn năm”. Tại sao lại là bàn tay? Với âm nhạc Trịnh Công Sơn, bàn tay giống như một biểu tượng sống của tâm hồn, nghị lực, tình yêu,… Vậy nên anh sẽ ru mãi, ru thêm, “ru trên ngàn năm” chứ không chỉ “ngàn năm”. Bởi em vẫn còn non tơ “trên mùa lá xanh”, “ngón tay” em còn gầy mỏng, mong manh quá, làm sao chịu được những sóng gió của đời sống mà không đổ ngã, không làm gãy nát tình yêu của chính mình.
Không rõ khi nhận được những câu hát dành tặng cho mình, nàng thiếu nữ Dao Ánh của tuổi 15 có thể hiểu được bao nhiêu những điều thầm kín mà nhạc sĩ họ Trịnh ẩn giấu trong câu chữ. Chắc hẳn là rất ít, rất mơ màng. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có lẽ hơn ai hết thấu hiểu điều đó. Nhưng ông vẫn viết, vẫn gửi cho nàng những lời hát như thơ, như mơ, dịu dàng, êm êm ấy như một nguồn sống để nuôi dưỡng, chăm chút cho mối tình của mình. Và có lẽ cả để ve vuốt cõi lòng đang cuộn trào của chính mình. Bởi là một người tình, ai không mong nhận được sự đáp trả tương xứng khi mà tình yêu đã chín mọng nhưng người yêu vẫn mãi ngây thơ.
Trong nhạc phẩm “Ru Đời Đi Nhé”, nhạc sĩ viết: “đôi môi em là đốm lửa hồng”. Nhưng đốm lửa hồng trên môi nàng thiếu nữ Dao Ánh tuổi 15 đã chẳng thể thắp sáng con đường tình của họ, chẳng thể sưởi ấm trái tim đang loạn nhịp của chàng nhạc sĩ. Vậy nên, nhạc sĩ dù rất yêu, dù khao khát đến bên người tình nhỏ để không còn cảnh “môi vắng vòng môi” (Xin Trả Nợ Người), vẫn đành dằn lòng mình bằng những lời ru hư thực, liêu trai:
Ru mãi ngàn năm từng phiến môi mềm
Bàn tay em trau chuốt thêm cho ngàn năm
Cho vừa nhớ nhung có em dỗi hờn
Nên mãi ru thêm ngàn năm
Và trong mối tình ấy, chàng nhạc sĩ nguyện sẽ là người giữ lửa “cho vừa”. Một cách sử dụng ngôn từ vô cùng khéo léo, tinh tế, thể hiện sự trải nghiệm dày dặn và sâu sắc của chàng nhạc sĩ tuổi 25. Trong một cuộc tình dài lâu, chỉ có sự “vừa” này mới khiến người ta giữ được nhau lâu bền, chứ không phải sự cuồng nhiệt, nồng si hay kiêu kì, rượt đuổi nhau. “Cho vừa nhớ nhung, có em dỗi hờn” là một tâm thức yêu trong sự tỉnh táo, chủ động. Chàng dù yêu nàng vẫn luôn giữ cho mình một trạng thái tâm trạng cân bằng để giữ cho tình yêu lâu bền, và chuyện “em dỗi hờn” sẽ như là một thứ gia vị không thể thiếu làm nồng đượm, gắn kết thêm tình yêu của hai người.
Thôi ngủ đi em, mưa ru em ngủ
Tay em kết nụ, nuôi trọn một đời
Nuôi một đời người
Mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi…
Vì anh đã nguyện “ru mãi ngàn năm” nên em hãy “ngủ” đi. “Ngủ” ngoan trong cơn mưa tình dịu êm của anh. “Ngủ” êm trong sự tỉnh thức của chính mình để “tay em kết nụ”, để trưởng thành, để lớn lên hoàn thiện, để tâm hồn nở nhuỵ đơm hoa. Chỉ có đoá hoa tâm hồn tươi thắm, tràn đầy sinh lực trong em mới có thể “nuôi trọn một đời”, mới có thể vững vàng đưa em qua những thăng trầm của đời sống. Và “mùa xuân vừa đến xin mãi ăn năn mà thôi”. Tại sao lại “ăn năn” khi mùa xuân đến? Trong đạo Phật và cả nhiều đạo giáo khác, hành động ăn năn, sám hối, xưng tội là một nghi thức quan trọng để gột rửa tinh thần con người, để làm mới bản thân, để đạt được niềm hạnh phúc và sự thanh thản từ gốc rễ tinh thần. Có lẽ vì vậy nên nhạc sĩ mới ru cho người tình nhỏ “ngủ” đi, “ngủ” êm trong tâm thức của chính mình, soi chiếu trong chính bản thân mình, để tìm niềm hạnh phúc, thanh thản từ trong chính bản thân, tìm thấy mùa xuân vĩnh cửu của cuộc đời trong chính tâm hồn mình chứ không phải dáo dác tìm kiếm giữa chợ đời. Điều này có lẽ thật khó lý giải cho một cô gái tuổi măng tơ còn rất ngây thơ, mông lung và nhiều đổi thay thất thường như nhạc sĩ đã viết trước đó trong nhạc phẩm Còn Tuổi Nào Cho Em:
Tuổi nào nhìn lá vàng úa chiều nay
Tuổi nào ngồi hát mây bay ngang trời
Tay măng trôi trên vùng tóc dài
Bao nhiêu cơn mơ vừa tuổi này
Tuổi nào ngơ ngác tìm tiếng gió heo may
Click để nghe Khánh Ly hát Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng thập niên 1990
Những tâm tình tự sự đó, nhạc sĩ chỉ có thể trút vào âm nhạc, bầu bạn, chia sẻ cùng âm nhạc. Ở nửa sau ca khúc, vẫn là giọng nhạc đó, vẫn là những tâm sự sâu sắc, trải đời của người nhạc sĩ đó nhưng da diết và nồng nàn hơn:
Ru mãi ngàn năm từng ngón xuân nồng
Bàn tay em năm ngón anh ru ngàn năm
Giận hờn sẽ quên
Dáng em trôi dài trôi mãi trôi trên ngàn năm…
Ru mãi ngàn năm vừa má em hồng
Bàn tay đưa anh đến quê hương vàng son
Vào trời lãng quên
Tóc em như trời xưa đã qua đi ngàn năm…
Trong âm nhạc Việt, hiếm có nhạc sĩ nào yêu đời sống, tha thiết với đời sống và tận hưởng niềm vui của đời sống nhiều như Trịnh Công Sơn. Tình yêu đó có thể nồng đượm, vút cao như vậy có lẽ bởi ông đã trải qua những biến cố lớn ở đời ngay từ khi còn rất trẻ. Và chính thứ tình yêu tha thiết sâu sắc dành cho đời sống ấy, đã cho Trịnh một cái nhìn cận hơn về tình yêu đôi lứa, về đời sống tâm thức của chính mình và con người nói chung. Vì vậy mà âm nhạc của ông luôn có sự bao dung, nhân bản và yêu thương gần như tuyệt đối. Những “lời ru” của Trịnh dành cho người tình, cho đời, cho người chưa bao giờ thôi “miệt mài”, “vang vọng”. Bởi hơn ai hết, ông hiểu rõ sự vô thường, ngắn ngủi của đời sống như “mùa xanh lá vội”:
Còn lời ru mãi vang vọng một trời
Mùa xanh lá vội ru em miệt mài
Còn lời ru mãi, còn lời ru nầy
Ngàn năm ru hoài, ngàn đời ru ai…
Những giai điệu chầm chậm, êm êm, buồn buồn như một khúc nhạc ru kéo người nghe lạc vào những mê cung suy tư. Mỗi người từ những trải nghiệm trong đời sống riêng của mình sẽ có những lý giải, cảm nhận khác nhau cho những khúc nhạc tình của Trịnh, không ai giống ai. Tuy nhiên, không ai có thể phủ nhận cái đẹp của âm nhạc Trịnh nằm ở sự thuần khiết trong ngôn từ; sự sâu lắng, mê hoặc của ý tứ ẩn dụ trên cái nền giai điệu trong veo và giản dị bất ngờ. Từng câu hát cất lên tựa như những lạch suối nhỏ tươi mát nơi rừng thiêng núi thẳm, luồn lách qua ngõ ngách tâm hồn, để mỗi người tự gội rửa và soi chiếu mình.
Bài: Niệm Quân
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn