Khi bài phỏng vấn này được thực hiện, nhạc sĩ Lam Phương mới 26 tuổi (năm 1963), được xem là một nhạc sĩ trẻ, nhưng đã có rất nhiều ca khúc nổi tiếng được công chúng yêu thích, với danh sách bài hát được liệt kê như bên dưới.
Qua bài phỏng vấn hiếm hoi này, theo chính lời nhạc sĩ Lam Phương kể, chúng ta thấy ông đã sử dụng rất nhiều chất liệu của cổ nhạc để đưa vào trong các sáng tác. Điều đó cũng tương tự như nhạc sĩ Trúc Phương hoặc các nhạc sĩ nhạc vàng danh tiếng khác, từ đó có thể rút ra kết luận rằng nhạc vàng giai điệu bolero, rumba… của miền Nam xưa là sự tiếp nối của cổ nhạc, mang đậm dân tộc tính, chỉ sử dụng kỹ thuật âm nhạc phương Tây để Việt hóa hoàn toàn thành âm nhạc dành cho người Việt, vì vậy nhiều bài hát đã trở thành bất tử suốt hơn nửa thế kỷ.
Lam Phương
Tên thật: Lâm Đình Phùng
Sanh ngày 20/3/1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân tỉnh Rạch Giá.
Chuyên về Tân nhạc.
Bắt đầu sáng tác từ năm 1952.
Đã xuất bản: Chiều thu ấy (1952), Khúc ca ngày mùa, Chuyến đò vĩ tuyến, Đoàn người lữ thứ, Nhạc rừng khuya, Tình cố đô, Tình anh lính chiến, Chiều hành quân, Kiếp nghèo, Duyên kiếp, Kiếp tha hương (1961), Tiễn người đi (1962), Mộng ước (1962), Đèn khuya (1963), Rừng xưa (1963)…
Tôi cố nói lên trong tác phẩm những rung động của tôi – một người học sinh, một quân nhân, một người dân… trẻ – nhờ chúng chân thành, nên các bạn trẻ thấy đó như tiếng nói của lòng, của trí mình.
Tôi vẫn nuôi tham vọng một ngày gần đây sẽ là tác giả những bản nhạc lớn, nên tôi vẫn tìm tòi học hỏi, nhạc Tây-phương cũng như quốc nhạc.
Tôi mong sao đến lúc tôi đủ sức sáng tác những ca khúc lớn, những bản đại hòa tấu, thì chừng ấy, đa số quần chúng nước ta đã có thể thưởng thức loại nhạc này.
– Sống ở đô-thành chen chúc mà anh sáng tác được bản nhạc thanh thoát ca ngợi cảnh người và cuộc sống ở đồng quê, hẳn anh đã giữ nhiều kỉ-niệm ấm êm ở nơi thôn dã?
Người nhạc-sĩ trẻ tuổi có gương mặt thư sinh ấy hơi nghiêng tới, mắt ánh niềm vui:
Chắc anh muốn nói tới…
Tôi mỉm cười mà hát mấy câu đã một thời nằm trên môi học-sinh lớn, nhỏ:
“Kìa thôn quê dưới trăng vàng bát-ngát
Anh trăng thanh chiều qua làng xơ-xác…
Quả có thế. Tuổi thơ tôi êm đếm trôi ở chốn đồng quê, và cuộc sống quay cuồng ở đô-thị vẫn không làm tôi quên được nơi chôn nhau cất rún. Và bản nhạc “Khúc ca ngày mùa” với hai câu mở đầu anh mới bát, tôi đã làm lúc tâm-hồn tha thiết hướng về quê…
– “Khúc ca ngày mùa” có phải là sáng tác đầu tay của anh không?
Không phải, anh à. Tôi bắt đầu sáng tác từ năm 1952.
– Tức là lúc anh…
Lúc tôi được mười lăm tuổi.
– Thế anh được ai dìu dất mà sớm tài như vậy?
Anh cười.
Anh dạy quá lời. Tài tôi đâu có gì. Chẳng qua tôi gặp nhiều may mắn. Tôi nhờ nhiều bậc đi trước chỉ vẽ trong bước ban đầu, nhất là hai bực đàn anh Hoàng-Lang và Lê-Thương đã tận tình dìu dất.
Nhưng đó mới là một cái may. Cái may thứ nhì: anh Trần Văn Trạch hết lòng nâng đỡ tôi trong buổi ban đầu, và ban Sầm-Giang của anh đã trình bày những sáng tác của tôi ở sân khấu cũng như ở đài phát thanh.
– Có người mà cũng có… anh nữa chớ. Được dìu dắt và nâng đỡ tới đâu, mà anh không có gì đặc biệt trong các sáng tác, thì anh làm sao nổi tiếng và được bạn trẻ hoan nghinh.
Có là vì các bản của tôi thường có tính chất đơn giản, nhẹ nhàng, nét nhạc có cái gì là lạ… Rồi gặp lúc phong trào thanh niên có phần sối nổi, các bản nhạc của tôi hợp với tâm tình bạn trẻ, nên tôi được hoan nghinh.
Được người cùng lứa với mình hoan nghinh, còn có gì sung sướng trong đời nghệ sĩ cho bằng. Điều này thúc đẩy tôi vào hẳn con đường nghệ thuật, chớ trước kia, tôi còn phân vân. Có thể ví tôi như hạt giống may mắn được gieo vào đất tốt.
Anh thôi nói như nhớ lại điều gì.
A, còn điều may mắn này nữa. Lúc bãy giờ, bài hát được phổ biến trên làn sóng điện một cách tự do…
– Còn bây giờ thì hạn chế?
Phải. Trước kia, một bải hát mà đài phát thanh xét là hay, hoặc thính giả ưa thích, thì được phát thanh nhiều làn trong tuần. Bây giờ thì không thể nữa: một tuần chỉ được hát một lần thôi. Mà như anh đã biết, không gì phổ biến Tân nhạc mạnh và xa bằng đài phát thanh.
Nghe đài phát thanh giới thiệu thường, thính giả mới tìm mua bản nhạc để học theo, kẻ để đờn, người để hát. Nhớ đó nhà xuất bản và anh em sáng tác mới hãng hái mà hoạt động.
– Ngoài các đài phát thanh, còn có gì “đẩy” Tân nhạc tiến tới?
Đại nhạc hội. Chính các đại nhạc hội đã góp một phần đáng kể trong việc giới thiệu anh em Tân nhạc với công chúng, và làm cho phong trào Tân nhạc lên.
Thấy anh im lặng hơi lâu, tôi hỏi:
– Thế còn các phòng trà không giúp được Tân-nhạc chút gì sao?
– Có, nhưng mà ít quá, nên kể như không có. Anh mà tưởng người ta đến phòng trà là vì thích nhạc, thì hơi bé cái lầm đấy. Không mấy ai nghe một bài hát mới ở phòng trà, rồi sau đó, tìm mua bản nhạc ấy. Khách hàng của phòng trà là khách đến để giải khuây, để giết thì giờ, hoặc vì ghiền cái không-khí nơi ấy.
– Chở không phải vì ghiền các cô sĩ…
Cái đó cũng có. Nhưng đến để gọi là thưởng thức Tân-nhạc thì quả là không!
– Thôi, ta hãy để yên phòng trà với khách hàng của họ. Trở về anh đây. Anh nói anh bất đầu sáng tác từ năm 1952, nghĩa là tới nay được mười một năm rồi; vậy trong mười một năm ấy, anh hoàn-thành bao nhiêu tác-phẩm?
Hoàn thành thì nhiều, song xuất-bản thì được ba mươi hai bẩn.
– Ba mươi hai bản trong mười một năm, trung-bình ba bản trong năm. Có đủ nuôi sống người sáng tác chớ?
Anh lắc đầu, cười.
Người sáng tác nhạc ở nước ta phải kiêm một, hai nghề mới đủ sống.
– Xin anh cho biết anh sáng tác có theo một hướng nào không?
Anh nghĩ ngọi một chặp.
Tôi không biết trả lời sao cho anh. Nhiều bạn thấy các bản nhạc của tôi được anh chị em học-sinh và thanh-niên ưa-thích, thì cho tôi đã chọn hướng sáng tác rồi: nói lên những buồn vui, ước mơ của lớp tuổi trẻ hiện-thời. Nhưng thật ra, tôi sáng tác cho tôi, hoặc do hoàn cảnh gây nên, hoặc vì tâm-hồn xúc-động. May mắn cho tôi là những mơ-ước, buồn vui riêng tư đó lại cũng là những vui buồn mơ-ước của các bạn trẻ đồng lứa cùng thời. Như bài “Kiếp nghèo” thành hình trong lúc chật vật vì cuộc sống.
– Thể thì anh sáng tác theo cảm-hứng Nhưng trước kia là thế, chớ sau này…
Sau này, theo chủ trương văn nghệ của Chánh phủ, anh em Tân nhạc – cũng như anh em nghệ sĩ các giới khác – có bổn phận sáng tác theo một vài đường lối, nên tôi…
Thấy anh tìm chữ, tôi cười, tiếp tay với anh.
– Nên anh không còn tự do bay nhảy như xưa?
Anh cười, chống chế.
Sao lại không còn, anh. Nhưng mà bay nhảy trong những khu vườn mới, lạ mà mình chưa mấy quen.
– Xin hỏi anh một điều không mấy vui nhé. Anh có mấy bản nhạc bị cấm, anh có buồn không?
Không buồn sao được, anh. Cũng như nghe con mình bị kêu án “cấm cố” vậy mà. Nhưng rồi nhìn lại hoàn-cảnh nước ta hiện giờ, mình phải vui lòng nhận lấy. Huống chi đâu phải chỉ riêng mình…
– Nhưng có điều tôi lấy làm lạ, là chính-quyền cẩm những bài hát thuộc loại tình-cảm quá “ướt-át” mà dường như chỉ cấm những bài sau, này, còn có bài thời tiền chiến cũng rên rỉ, cũng đem lại chán chường, áo não cho người nghe, mà vẫn được tự-do trình bày…
…như bài “Giọt mưa thu” của Đặng-Thế-Phong chẳng hạn?
Tôi gật đầu, anh nói:
Tôi cũng để ý điều này, nhưng cũng chẳng hiểu tại sao?
Tôi bỗng hỏi anh :
– Phần nhiều bản nhạc của anh được bạn trẻ hoan nghinh, anh có hiểu vì sao không?
Câu trả lời không để đợi:
Vì chúng hợp với tuổi trẻ.
Thấy tôi có vẻ chưa hài lòng, anh nói thêm:
Như tôi đã nói với anh, tôi cố nói lên trong tác-phẩm những rung động của tôi – một người học sinh, một quân nhơn, một người dân… trẻ – nhờ chúng chân thành, nên các bạn thấy đó như tiếng nói của lòng, của trí mình. Tôi lại dùng nhịp điệu trẻ trung của nhạc Tây-phương mà diễn tả, nhưng với tâm-hồn cố hữu của dân-tộc.
– Anh có chịu ít nhiều ảnh hưởng nhạc cổ-truyền của ta?
Có, anh à. Và từ thuở ấu thơ. Các tác phẩm sau này của tôi đều bắt nguồn từ những bài bản quốc nhạc miền Nam. Hiện tôi đang học cổ-nhạc, để sáng-tác mình không mang màu sắc ngoại lai. Tôi nghĩ ta nên mượn của nhạc Tây-phương phần kĩ-thuật, còn ta nên sáng tạo với tâm hồn riêng biệt của dân-tộc ta.
– Như vậy anh không tán thành việc phổ-biến nhạc Tây-phương?
Không tán thành lúc này đây. Bởi một việc làm như vậy không hợp với trình độ công chúng hiện nay. Họ không thể thưởng-thức các bản nhạc cổ – điển Tây-phương hay các bản đại hòa tấu, thì lập giàn nhạc, trình diễn cho họ nghe, e rằng chỉ mất công, mắt của, mất thì giờ. Và lại, trừ phi ta “bắt” công chúng phải nghe những bài nhạc lớn Tây-phương thì chẳng nói làm gì, chớ quần-chúng thích nhạc vốn là bọc-sinh và quân-nhân, thì họ đâu có hiểu rành nhạc Tây-phương để mà ủng-hộ.
– Riêng về anh, anh có cho rằng chỉ sáng tác những ca khúc như hiện nay là đủ, hay anh còn có… tham vọng gì khác?
Anh nghiêng mình về trước, nhìn thẳng vào tôi:
Đã phụng-sự cho Nghệ-thuật, mà tự bằng lòng mình, thì là phụ Nghệ thuật rồi. Tôi vẫn nuôi tham vọng một ngày gần đây sẽ là tác giả những bản nhạc lớn, nên tôi vẫn tìm tòi học hỏi, nhạc Tây-phương cũng như quốc-nhạc. Chớ các bài hát nhỏ bây giờ, dầu có được hoan-nghinh đến đâu, cũng mới là phần ABC của nền nhạc mới, mà người nhạc-sĩ nào chẳng mong để lại một vài công trình gì dài hơi, bà thế hơn là những ca khúc nhỏ.
Tôi mong sao đến lúc tôi đủ sức sáng tác những ca-khúc lớn, những bản đại-hòa tấu, thì chừng ấy, đa số quần chúng nước ta đã có thể thưởng thức loại nhạc này.
Đường trước cửa nhà anh bắt đầu huyền náo: học trò đến trường, công chức đến sở, các gánh hàng rong lên tiếng rao mời. Tôi đứng dậy.
– Chút nữa quên hỏi anh: tương lai Tân nhạc, anh thấy nó thế nào?
– Tôi chưa trả lời được. Vì hiện-thời, Tân-nhạc đứng yên một chỗ. Tương lai nó còn tùy ở thời cuộc. Nhưng có điều tôi có thể trả lời anh ngay, là Tân-nhạc thiếu nâng đỡ, không như quốc-nhạc hay nhạc Tây-phương.
Bắt tay người nhạc-sĩ được bạn trẻ mến yêu này, tôi còn hỏi thêm câu chót:
– Đứng địa vị một nhạc sĩ sáng tác, anh thường ôm ấp… mộng gì ?
Anh cười trong ánh mắt.
– Mộng… ba điều này được thực-hiện: một là bản nhạc mình ra đời đúng với sự đòi hỏi của số đông, hai là bản nhạc ấy được trình bày đúng với tinh-thần của nó, ba là được đài phát-thanh phổ biến.
NGUIỄN NGU Í thực hiện – Bán nguyệt san Bách Khoa 1963