Quá trình thu âm nhạc trước năm 1975 diễn ra như thế nào?

Những bài nhạc vàng được thu âm trước năm 1975, đến nay đã trải qua hơn nửa thế kỷ nhưng vẫn được thế hệ yêu nhạc ngày nay tìm nghe. Có khi nào bạn tự hỏi công nghệ thu âm ngày xưa như thế nào mà lại có sức sống bền bỉ chưa từng có như vậy?

Cho đến nay, dòng nhạc vàng Việt Nam đã trải qua trên 60 năm, kể từ khi thế hệ ca sĩ Trúc Mai, Thanh Thúy, Hoàng Oanh, Phương Dung, Duy Khánh… bắt đầu hát những ca khúc đầu tiên của các nhạc sĩ nhạc vàng nổi tiếng: Trúc Phương, Lam Phương, Châu Kỳ… Dòng nhạc vàng đã trải qua bao cuộc bể dâu, lúc thì ở trên đỉnh vàng son, khi thì âm ỉ trong lòng công chúng.

Cho đến nay, với sự quay trở lại của loại nhạc mà hôm nay người ra quen gọi là “nhạc bolero”, thì ngày càng nhiều khán trẻ đang tìm nghe lại những bài nhạc được thu âm hồi 50-60 năm trước. Khán giả thường nhắc lại tên tuổi của các ca sĩ, nhạc sĩ đã nổi tiếng từ trước năm 1975, nhưng ít người biết đến tầm quan trọng của các nhạc sĩ hòa âm, là những người thổi cái hồn vào các bản thu âm trước 1975 để nó có thể sống mãi cho đến ngày nay.


Click để nghe 120 ca khúc nhạc vàng thu âm trước 1975

Kỹ thuật thu âm hiện tại có thể biến bất kỳ ai thành ca sĩ. Các thủ thuật mix, chỉnh sửa âm thanh có thể biến từ giọng vượn hú thành tiếng họa mi hót. Để cho dễ hình dung, nó tương tự như công cụ photoshop có thể biến người xấu thành người đẹp. Còn thời trước 1975, với công nghệ thu âm ngày đó thì ca sĩ phải có thực lực và rèn luyện rất nhiều để có thể thu âm được thành 1 bài hát hoàn chỉnh phát hành ra công chúng. Chỉ cần hát rớt 1 nhịp, sai 1 chữ thì phải hát lại từ đầu cùng với toàn ban nhạc.

Đầu phát băng cối (magnetophone)

Khi thu âm, ca sĩ sẽ hát cùng ban nhạc trong một phòng thu âm kín, giống như hát phòng trà không có khán giả. Ban nhạc bao gồm tất cả các nhạc công như trống, piano, violin, guitar, kèn saxo… âm thanh thu được sẽ được phát ra một phòng máy bên ngoài, có hệ thống băng cối để thu lại âm thanh (gọi là băng magnet, magnetic reel to reel) trước khi chuyển sang đĩa nhựa (vinyl) để phát hành. Trước 75 có rất nhiều ban nhạc và hòa âm nổi tiếng là ban nhạc Văn Phụng, ban nhạc Nghiêm Phú Phi, ban nhạc Y Vân, ban nhạc Hoàng Trọng… Các nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng là Lê Văn Thiện, Nghiêm Phú Phi… sẽ được hãng đĩa thuê hòa âm cho bài hát.

Khi thu âm, mỗi nhạc công sẽ đánh theo bản nhạc hòa âm đã được nhạc sĩ phụ trách hoà âm soạn ra trước để ca sĩ hát. Vì vậy khi bài hát được hoàn thiện, ngoài công sức của nhạc sĩ sáng tác, ca sĩ trình bày thì dấu ấn của nhạc sĩ hòa âm cũng rất lớn. Nhiều ca nhạc sĩ trước 1975 như Nhật Trường, Trầm Tử Thiêng, Hoàng Oanh… mỗi khi muốn lăng-xê bài hát mới của họ nổi tiếng đều phải nhờ đến sự giúp sức hoà âm của những nhạc sĩ hòa âm nổi tiếng nhất trước 1975 là Văn Phụng, Nghiêm Phú Phi và Lê Văn Thiện. Nhiều hãng đĩa, băng nhạc trước 1975 và cả sau này ở hải ngoại đều xem Nghiêm Phú Phi và Lê Văn Thiện như là “linh hồn hoà âm” không thể thiếu. Trong đó có hơn một nghìn ca khúc trước 1975 là do nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hoà âm.

Đầu phát dĩa nhựa (vinyl player)

Thập niên 1960 là thời hoàng kim của dĩa nhựa, với các hãng đĩa nổi tiếng nhất là Hãng Dĩa Việt Nam và hãng dĩa Sóng Nhạc. Lúc này băng cối (magnet) chưa phổ biến, nhưng khi thu âm, các hãng đĩa vẫn phải thu trực tiếp vào băng cối trong phòng máy, trước khi chuyển sang dĩa nhựa để phát hành. Đến thập niên 1970 thì băng cối mới được phát hành phổ biến ra thị trường nghe nhạc.

Khi thu âm, người quyết định ca sĩ phải hát lại từ đầu hay không là ông giám đốc hãng đĩa và nhạc sĩ sáng tác ngồi bên ngoài phòng máy. Khi nhạc sĩ thấy ca sĩ ở bên trong hát rớt nhịp, mắc lỗi, hoặc không vừa ý, ông sẽ ra hiệu để ca sĩ và ban nhạc phải chơi lại từ đầu, cho đến khi nào hoàn chỉnh được bài hát. Hiếm có ca sĩ nào hát một lần được ngay, mà phải hát đi hát lại nhiều lần.

Việc thu âm trong phòng thu thời gian trước 1975 đòi hỏi rất nhiều công sức vì lúc đó chưa có sự hỗ trợ của kỹ thuật cao như hiện nay. Lúc thu âm, chỉ cần ca sĩ hát sai 1 chữ, hát rớt 1 nhịp, hoặc 1 trong số nhiều nhạc công của ban nhạc đánh sai, hay là lỡ ho, lỡ hắt xì 1 tiếng nhỏ là cũng đủ làm cho công sức của cả ban nhạc lẫn ca sĩ bị tiêu tan và phải hát lại từ đầu.

Thường phải hát 3-4 lần, có khi hàng chục lần mới thu âm xong 1 bài hát, kéo dài 1-3 giờ đồng hồ. Đó là lý do các ca sĩ trước 75 phải luyện thanh rất nhiều để có bản lĩnh khi thu âm bài hát, và tất cả họ đều có thực lực khi nổi tiếng, chất giọng của họ đều đã được kiểm chứng qua hàng chục năm, vẫn còn có thể hát tốt cho đến tận ngày nay.

Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version