Bài hát Giọt Buồn Không Tên là một sáng tác nổi tiếng của nhạc sĩ Anh Bằng, được ông ký tên với bút hiệu là Tô Giang.
Bài hát này có một điểm khá đặc biệt là tỏng lời hát có nhắc đến đích danh nữ danh ca số 1 của nền tân nhạc từ trước đến nay, trong câu hát:
“Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt Ly”
Click để nghe Thái Thanh ca “Biệt Ly”
Bài hát Biệt Ly nổi tiếng từ thời tiền chiến của nhạc sĩ Dzoãn Mẫn nổi tiếng qua giọng hát Thái Thanh. Trong câu hát này có nhiều tranh cãi chưa có hồi kết, đó là “phòng trà nghỉ chân” hay “phòng trà Mỹ Trân”?
Trước tiên, người viết xin khẳng định, lời chính xác là “phòng trà nghỉ chân” mới đúng.
Thứ nhất, xem lại lời nhạc gốc được chính nhạc sĩ phát hành nhạc tờ thông qua nhà xuất bản ở Saigon trước năm 1975, có ghi rõ ràng là “nghỉ chân”. Xem hình bên dưới:
Thứ 2, khi nghe lại bài hát này được ca sĩ Phương Dung hát trước năm 1975, cô hát đúng và rõ ràng là “phòng trà nghỉ chân”.
Click để nghe Phương Dung hát Giọt Buồn Không Tên trước năm 75, phát âm rõ là “nghỉ chân”
Thứ 3, ở khắp miền Nam trước năm 75, chưa từng nghe nói đến có 1 phòng trà nào có tên là Mỹ Trân
Thứ 4, khi nhạc sĩ Anh Bằng còn sống, trung tâm Asia có vài lần thực hiện bài hát Giọt Buồn Không Tên, điển hình là bản song ca của cố ca sĩ Giang Tử và Phương Hồng Quế, và bản khác của ca sĩ Y Phụng, rồi của Đặng Thế Luân, những bản này đều nghe ca sĩ hát rõ ràng là “nghỉ chân”. Khi các ca sĩ hát bài này, có sự chứng kiến của nhạc sĩ Anh Bằng nên không thể sai một chữ kiểu như vậy được.
Click để nghe Giang Tử và Phương Hồng Quế song ca Giọt Buồn Không Tên
Vậy từ đâu mà có chữ “phòng trà Mỹ Trân”?
Khi người viết tìm nghe lại tất cả các phiên bản Giọt Buồn Không Tên đã được thu âm sau năm 75 của các ca sĩ Phương Dung, Tuấn Vũ, Giao Linh, Băng Châu, Tâm Đoan, Hoàng Lan, Phi Nhung, Quỳnh Dung… không thấy có bất kỳ ca sĩ nào hát là Mỹ Trân, mà vẫn hát rõ là “nghỉ chân”. Đây có lẽ là sự nghe nhầm của khán giả, rồi người nào đó chép lại lyric nhầm, làm cho nhiều người hiểu lầm.
Thực sự, cả trước và sau năm 75, không có bất kỳ văn bản chính thức nào nhắc đến “phòng trà Mỹ Trân”, mà chỉ là các trang chép lyric/lời nhạc do người nghe nhạc (vốn không đáng tin cậy) đăng lên như vậy,
Muốn biết chính xác lời là gì, đơn giản là chỉ cần đối chiếu lại văn bản của bài hát phát hành trước 1975 ở dưới đây, đã ghi rõ ràng là “nghỉ chân”.
Một thông tin thú vị khác liên quan tới bài hát Giọt Buồn Không Tên, đã được nhắc đến trong 1 bài viết khác, đó là ngôi xưng trong bài hát không phải là anh/em như những bài hát viết về các đôi tình nhân nam nữ, mà lại là “tôi và anh”:
Vừa chiều hôm nao anh với tôi đi dạo phố.
Hai đứa vòng tay âu yếm như đôi tình nhân.
Cười tươi như cô gái thơ ngây vui tin Xuân.
Chúng mình thân quá thân.
Từ trước đến nay, người nghe vẫn luôn mặc định nhân vật chính trong bài hát này là đôi tình nhân nam nữ. Bài hát luôn được song ca bởi ca sĩ nam và nữ hát với nhau (Giang Tử & Phương Hồng Quế, Mạnh Quỳnh & Phi Nhung…). Bài Giọt Buồn Không Tên cũng mô tả “vòng tay âu yếm” chỉ thường thấy ở đôi trai gái. Tuy nhiên nếu để ý kỹ hơn, bài hát này dường như nhắc đến hai người bạn thân đều là nam, cùng nhau vào phòng trà để nghe nhạc để tiễn đưa nhau, vì ngày hôm sau sẽ có một người lên đường đi chinh chiến. Điều đó thể hiện ở danh xưng “anh và tôi”. Họ vòng tay âm yếm “NHƯ đôi tình nhân”, tức là chỉ giống như tình nhân thôi chứ không phải. Họ “cười tươi NHƯ cô gái thơ ngây”, nghĩa là giống như cô gái thôi chứ không phải là cô gái. Họ là đôi bạn “thân quá thân”, thân tới mức trên cả bạn bè, nên có những hành động thân thiết mà chúng ta có thể thấy là quá mức.
Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca “Biệt Ly”.
Anh ngước nhìn tôi qua khói hương thơm cà phê.
Giọt buồn không tên lén qua tâm tư đê mê
mình thức đêm thật khuya.
Qua khổ nhạc này, chúng ta có thể hình dung được đôi bạn đang ngồi đối diện nhau trong phòng trà, trên bàn là 2 ly cafe. Một người ngước nhìn người kia qua làn khói hương thơm. Đôi bạn đã thức thật khuya trong đêm đó để tâm sự chuyện đời. Câu cuối cùng của bài hát là: “Càng nhớ thương bạn ơi...” càng khẳng định họ là bạn với nhau, chứ không phải là tình yêu nam nữ.
Tuy nhiên đó vẫn là phỏng đoán của người viết dựa trên phân tích lời nhạc. Sự thật, trong tờ nhạc phát hành trước 1975 là hình ảnh của đôi tình nhân nam nữ dưới đây:
Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn