Phong cảnh Đà Lạt xưa tuyệt đẹp qua bộ sưu tập ảnh nghệ thuật

Mời các các bạn xem lại bộ sưu tập ảnh nghệ thuật tuyệt đẹp của Đà Lạt xưa của nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu, chụp từ năm 1950 đến năm 1978. Hình ảnh do những người con của cố nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu đăng tải trên artcorner.vn

Nguyễn Bá Mậu được xem là một trong những nhiếp ảnh gia xuất sắc nhất của lĩnh vực nhiếp ảnh Việt Nam thế kỷ 20. Những tác phẩm của ông chủ yếu được thực hiện từ thập niên 1950 ở Sài Gòn và những thành phố du lịch nổi tiếng khác của miền Nam là Nha Trang, Vũng Tàu… đặc biệt nhất là Đà Lạt, nơi ông đã sống 56 năm tại căn nhà ở đường Minh Mạng (nay là Trương Công Định).

Hầu hết những tấm ảnh trong gia tài đồ sộ của Nguyễn Ba Mậu là hình ảnh đen trắng, và ông được xem là vua của những tấm ảnh phân sắc độ.

Hình ảnh Đà Lạt sau đây được xếp theo thứ tự thời gian, từ năm 1950 đến 1978.

Hồ Xuân Hương năm 1950. Lúc này hồ mang tên là Hồ Lớn (Grand Lac), đến năm 1953 được chủ tịch hội đồng thị xã Nguyễn Vỹ đặt tên Hồ Xuân Hương, theo tên của “Bà Chúa Thơ Nôm”. Hồ nằm ở ngay trung tâm thành phố, rộng chừng 5 cây số vuông. Mặt hồ im vắng, nằm trũng xuống giữa những đồi thông xinh đẹp. Quanh hồ là những đường vòng uốn khúc trong bóng mát của những cây tùng, cây thông… tạo thành một khung cảnh thơ mộng.


Hồ Lớn (Grand Lac) năm 1950. Khi hồ này được tạo lập để tạo cảnh quan trung tâm Đà Lạt, Kiến trúc sư Hébrard cũng cho làm đảo nhỏ hình oval giữa hồ, trên có một nhà gỗ nhỏ. Đến đầu những năm 1930, câu lạc bộ du thuyền của người Pháp được thành lập, mang tên “La Grenouillère”, dịch nghĩa là Đầm Ếch, vì nó có hình dáng tựa một con ếch, cấu trúc nhà sàn trên cột như bay bỗng trên mặt nước. Nơi này như là một câu lạc bộ thể thao dưới nước (bơi lội, thuyền chèo…), là công trình nổi bật gắn liền với hồ Xuân Hương vẫn còn cho đến nay và được người dân gọi là Thủy Tạ.


Danh thắng Cam Ly của Đà Lạt năm 1950, từng đi vào trong nhạc và thơ. Nhiều năm qua khu vực này đã bị ô nhiễm nặng.


Thác Gougah năm 1950. Nằm cách Đà Lạt 38km, đây là một thác đẹp hùng vĩ, với khối lượng nước đổ xuống từ độ cao khoảng 30m phản chiếu ánh mặt trời tạo thành nhiều sắc màu rực rỡ. Hiện nay thác này không còn nữa.


Hồ Lớn (Hồ Xuân Hương) năm 1952. Phía xa là tháp trường Lycee Yersin.


Rừng thông trong thành phố, năm 1952. Thiên nhiên Đà Lạt thơ mộng là nhờ rừng thông. Thành phố ẩn mình giữa rừng thông trùng điệp, tạo nên một giá trị đặc trưng, riêng biệt mà chỉ Đà Lạt mới có. (Trong hình, khu vực ấp Ánh Sáng, cầu Ông Đạo với rất nhiều thông)


Nhà Thủy Tạ năm 1953.


Hồ Xuân Hương và nhà Thủy Tạ năm 1953.


Hồ Xuân Hương và nhà Thủy Tạ năm 1953.


Hồ Xuân Hương năm 1953. Đây cũng là năm mà Hồ Lớn chính thức được mang tên Hồ Xuân Hương.


Rừng Ái Ân năm 1953. Đây là một rừng thông nằm gần Dinh III (Dinh Bảo Đại), phía đường Triệu Việt Vương, một khu rừng thơ mộng nhất của Đà Lạt khi xưa với cái tên mang đậm tính chất trữ tình: Rừng Ái Ân (Bois d’Amour). Bây giờ khu rừng này đã không còn nữa.


Hồ Xuân Hương và nhà Thủy Tạ năm 1954.


Thác Prenn năm 1954. Vừa bước chân vào cửa ngõ thành phố Đà Lạt, du khách đã gặp ngay thác Prenn. Đây là một trong những con thác xinh đẹp và nổi tiếng của thành phố cao nguyên.


Thác Prenn năm 1954. Có một chiếc cầu nhỏ phía dưới thác, du khách đi trên cầu này sẽ có những bụi nước bắn tung toé vào người mang lại cảm giác mát mẻ gần với thiên nhiên.


Thành phố nằm giữa rừng thông năm 1955. Nhiều nhà nghiên cứu dân tộc học cho rằng chính cái khí hậu mát lạnh, màu xanh trùng điệp của núi rừng, vẻ đẹp của hoa lá trên khắp lối đi và những đồi cỏ nối tiếp nhau đã tạo cho con người Đà Lạt có một bản tính hiền lành, trầm mặc.


Ga Đà Lạt năm 1955. Nhà ga được xây dựng từ năm 1932-1938, có chiều dài 66,5m, rộng 11,5m và cao 11m. Ga Đà Lạt có phong cách kiến trúc độc đáo, thiết kế đối xứng, có ba mái hình chóp, là cách điệu ba đỉnh núi Langbian hoặc nhà rông Tây Nguyên.


Đập Ông Đạo năm 1956 giữa Hồ Xuân Hương. Ngay từ khi Đà Lạt được người Pháp quy hoạch xây dựng đầu thế kỷ 20, kỹ sư Rousselle đã có ý nghĩ đào một hồ nước ở chính giữa. Đến năm 1919, Hồ Xuân Hương, lúc đó có tên là Hồ Lớn (Grand Lac) đã được thành hình một phần sau khi đắp xong đập thứ nhất. Hồ được mở rộng vào năm 1923 sau khi đắp đập thứ hai. Đến tháng 3-1932, bão lớn đã phá hủy hai đập trên. Từ năm 1934 đến 1935, kỹ sư Trần Ðăng Khoa cho xây một đập lớn bằng đá gọi là cầu Ông Ðạo phía dưới hai đập trước kia và đã tạo thành hồ Xuân Hương như ngày nay.


Thác Cam Ly năm 1957. Địa danh Cam Ly đã có từ trước khi Đà Lạt được người Pháp phát hiện ra.


Hồ Đan Kia năm 1957. Đan Kia – Suối Vàng gồm có 2 hồ, hồ Đan Kia ở trên và hồ Ankroët phía dưới. Cả hai hồ này được tạo bởi 2 con đập ngăn dòng chảy của sông Đạ Đờng phát nguyên từ núi Lang Bian.


Hồ Xuân Hương và núi Lang Bian năm 1957. Dưới bầu trời xanh biếc và an lành, Đà Lạt ẩn mình trong những rừng thông xinh đẹp và đầy thơ mộng, giữa không khí im vắng mang chở đầy hương thơm của hoa cỏ núi rừng cùng với khí hậu ấm áp và trong lành.


Hồ Xuân hương năm 1957. Như đã nhắc bên trên, từ năm 1930, Ðà Lạt đã có một câu lạc bộ thuyền buồm và thuyền đua (rowing). Khi người Pháp rút khỏi Đông Dương năm 1954, câu lạc bộ này vẫn tồn tại cho đến năm 1975.


Hoàng hôn Đà Lạt năm 1957.


Cảnh đẹp hữu tình của thiên nhiên Đà Lạt năm 1957.


Đà Lạt năm 1957. Hình ảnh của thành phố Đà Lạt được gắn liền với khí hậu mát mẻ, với sương mù, với các quả đồi và rừng thông nhấp nhô trải dài đến tận chân trời.


Hồ Than Thở năm 1957. Hồ nằm cách trung tâm thành phố Đà Lạt khoảng 6 km về phía đông, nằm trên đồi cao giữa một rừng thông, không gian hoang vắng tĩnh mịch, mặt nước hồ luôn trong xanh phẳng lặng.

Nguyên thủy hồ Than Thở có một cái ao gọi là Tơnô Pang Đòng. Vào năm 1917, người Pháp đắp đập, xây dựng hồ chứa nước cung cấp nước sinh hoạt cho thành phố Đà Lạt hình thành nên hồ rộng như ngày nay, đặt tên hồ là Lacdes Soupirs, năm 1953, chủ tịch hội đồng thị xã Đà Lạt lúc đó là Nguyễn Vỹ dịch sang tiếng Việt đặt tên thành Hồ Than Thở.

Từ năm 1975 hồ Than Thở được đổi tên thành hồ Sương Mai, nhưng người dân Đà Lạt mỗi khi nhắc đến hồ đều gọi là hồ Than Thở nên sau đó hồ được khôi phục lại tên cũ vào năm 1990.


Hồ Than Thở năm 1957. Hồ nằm giữa rừng thông tĩnh mịch, không gian hoang vắng tạo cho hồ một nét buồn man mác…


Đèo Prenn năm 1957. Vượt qua đèo Prenn uốn lượn dưới rừng thông xanh thẳm, vừa lên tới đỉnh đèo sẽ tới Đà Lạt


Hồ Than Thở năm 1958.


Hoang sơ thác Prenn năm 1957. Ngày xưa, phía trên thác Prenn có buôn Prền nên thác mang tên gọi phổ biến là Prenn. Người Lạch gọi thác Prenn là Liang Tarding. Thác Prenn nằm sát ngay dưới chân đèo Prenn, gần cửa ngõ vào thành phố Đà Lạt, cách trung tâm thành phố Đà Lạt 10km về hướng nam.


Thác và sở thú Prenn năm 1958.


Thác Prenn năm 1958. Nằm ở chân đèo Prenn, cách Ðà Lạt khoảng 10km, thác Prenn có độ cao khoảng 16m. Thành thác là những tảng đá lớn, vững chắc, ngay dưới vòm đá có chiếc cầu gỗ bắc ngang, ta có thể đi qua và ngắm nước từ trên cao đổ xuống như một bức màn kết bằng pha lê. Với cảnh quan tự nhiên cùng với vườn hoa, cây cảnh, thác Prenn từ lâu đã trở thành điểm du lịch nổi tiếng của Ðà Lạt.


Toàn cảnh Hồ Xuân Hương năm 1958, nhìn từ Dalat Palace.


Đập nước Suối Vàng năm 1959. Cái tên “Suối Vàng” do ai đặt và có từ bao giờ cho đến nay vẫn chưa ai biết. Có người kể rằng lúc trước, tại dòng suối này có nhiều vàng non sa khoáng nên mới đặt cho nó cái tên “Suối Vàng”.


Hồ Xuân Hương nhìn từ Dalat Palace năm 1959. Hình ảnh của thành phố Đà Lạt được gắn liền với khí hậu mát mẻ, với sương mù, với các quả đồi và rừng thông nhấp nhô trải dài đến tận chân trời, với hình ảnh phẳng lặng của mặt nước hồ, các thắng cảnh nổi tiếng và các công trình kiến trúc…


Thác Pongour năm 1960. Đây là một ngọn thác đẹp nổi tiếng hoang dã và hùng vĩ, không chỉ đối với miền Nam Tây Nguyên mà còn với khu vực Đông Dương, thác được mệnh danh là “Nam Thiên Đệ Nhất Thác”.


Hồ Than Thở năm 1960.


Phía sau ga Đà Lạt năm 1960.


Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X năm 1961, nằm bên cạnh Đồi Cù, ẩn mình trong đám cây. Để bảo đảm được nhu cầu vừa sinh hoạt và học tập của hàng trăm con người, KTS Tô Công Văn đã thiết kế một khối nhà bốn tầng và một khối khác hai tầng kế bên, toàn bộ diện tích đất còn lại (hơn 80%) được dành cho các vườn hoa, thảm cỏ, cây cảnh, sân thể dục thể thao, đường giao thông và lối đi dạo. Đại chủng viện được xây dựng xong vào năm 1963.


Hồ Xuân Hương năm 1962 nhìn từ Dalat Palace. Nhờ khoảng trống của hồ đã tạo được tầm nhìn gắn bó với bờ đối diện là vùng đồi và các chòm thông xanh được giữ gìn như một công viên thiên nhiên dưới chân rặng núi Lang Bian.

 

Đà Lạt năm 1962. Đồi thông nằm trong sương mờ là cảnh sắc đặc trưng của Đà Lạt góp phần làm cho thành phố trở nên thơ mộng.


Rừng thông Đà Lạt năm 1962. Với ưu thế về độ cao và quần thể thực vật rừng, đặc biệt là rừng thông, Đà Lạt thừa hưởng khí hậu miền núi ôn hòa, dịu mát quanh năm.


Rừng thông Đà Lạt năm 1962. Nơi đây không chỉ làm say lòng du khách bốn phương bởi khí hậu mát mẻ, trong lành, mà còn ở cảnh sắc thiên nhiên bội phần tươi đẹp với đồi núi nhấp nhô, những con đường quanh co uốn lượn rợp mát bóng thông, ngào ngạt hương hoa.


Rừng thông Đà lạt năm 1962. Khí hậu quanh năm ôn hoà, mát mẻ là nhờ Đà Lạt được bao bọc và xen lẫn giữa ngàn thông trùng điệp.


Hồ Xuân Hương và Hồ Tổng Lệ nhìn từ Đồi Cù năm 1962. Hồ Tổng Lệ nằm bên trong Đồi Cù, ngày nay đã không còn, Đồi Cù cũng đã bị rào chắn.


Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X năm 1962. Đây là cơ sở tôn giáo có dáng dấp hiện đại, với chức năng thu nhận chủng sinh và đào tạo linh mục cho các nước trong khu vực Đông Nam Á. Đại chủng viện được xây dựng xong vào năm 1957, do KTS Tô Công Văn. Nằm bên cạnh Đồi Cù, thấp thoáng trong vườn cây xanh, Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X là một công trình kiến trúc đẹp của thành phố Đà Lạt.


Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X năm 1962. Chương trình học ở đây có 8 năm: năm thứ nhất học tiếng La tinh và ngoại ngữ, khoa học, văn chương; 3 năm tiếp theo dành cho triết học và 4 năm còn lại cho thần học.


Viện Đại học Đà Lạt năm 1963. Được thành lập vào năm 1957, Viện chính thức dạy bậc đại học từ năm học 1958 – 1959 cho các ngành Sư phạm, Văn Khoa, Khoa học, Thần học và từ năm 1964 mở ngành Chính trị Kinh doanh. Viện Ðại học Đà Lạt là một quần thể kiến trúc đẹp nằm giữa những rừng thông. Các nhà thiết kế đã hết sức tôn trọng vẻ đẹp vốn có của môi trường để tạo nên một cảnh quan thơ mộng trong một cơ sở giáo dục. Từ cổng trường đi vào là những con đường nhỏ trải nhựa, uốn lượn theo ven đồi với tên gọi hết sức nên thơ như đường Thông Reo, đường Anh Ðào, đường Hướng Dương…


Biệt thự Bạch Ngọc nằm trong biệt điện Trần Lệ Xuân năm 1964. Đây là khu biệt thự tọa lạc tại số 2 đường Yết Kiêu, Đà Lạt với diện tích 13ha, gồm có:

– Biệt thự Lam Ngọc là nơi nghỉ cuối tuần của gia đình bà Trần Lệ Xuân. Phía sau là vườn hoa Nhật Bản với thảm cỏ, cây xanh, tảng đá, hồ nước địa đồ Việt Nam.
– Biệt thự Bạch Ngọc là nơi giải trí, có quầy bar tổ chức tiệc và khiêu vũ có hồ bơi nước nóng.
– Biệt thự Hồng Ngọc dự định dành cho ông Trần Văn Chương – thân phụ của bà Trần Lệ Xuân.

Sau 1963, khu biệt thự được mở cửa để công chúng tham quan, và trưng dụng làm Bảo tàng Sắc tộc Tây Nguyên sau đó. Hiện nay, biệt thự Lam Ngọc được sử dụng để trưng bày một số tài liệu lưu trữ quốc gia: mộc bản, ấn chương triều Nguyễn, bản đồ cổ… và hình ảnh.


Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X năm 1965. Vào ngày 13-9-1958, học viện bắt đầu khai giảng khóa đầu tiên với 4 linh mục và 24 chủng sinh, sinh hoạt trong một khu nhà do Đại học Công giáo nhượng lại. Đầu tiên, học viện có tên là “Giáo hoàng Học viện Mẫu tâm Vô nhiễm” (Seminarium Pontificale Immaculati Cordis B.M.V.). Đến năm 1959, Khâm sứ Tòa Thánh tại Việt Nam Giuseppe Caprio đổi tên thành “Giáo hoàng Học viện Thánh Pio X” (Collegium Pontificium Sancti Pio X).


Hồ Xuân Hương năm 1965. Mặt hồ im vắng, nằm trũng xuống giữa những đồi thông xinh đẹp. Quanh hồ là những đường vòng uốn khúc trong bóng mát của những cây tùng, cây thông… tạo thành một khung cảnh thơ mộng. Ngoài ra, đạp xe đạp nước hay câu cá là những thú vui đầy thi vị.


Khách sạn Dalat Palace năm 1965. Ban đầu, khách sạn này tên là Langbian Palace, được người Pháp xây dựng năm 1916, hoàn thành năm 1922. Về sau được đặt tên là Dalat Sofitel Palace, rồi đổi thành Dalat Palace Hotel như hiện nay.

Khuôn viên khách sạn rộng hơn 40 ngàn mét vuông, xung quanh là vườn hoa, cây cảnh, thảm cỏ và rừng thông. Xét về vị trí xây dựng thì khách sạn này có ưu thế rất lớn. Nằm trên vị trí đã được quy hoạch dành riêng cho mình, cận cảnh là nhà Thủy Tạ, hồ Xuân Hương, đồi Cù… hậu cảnh là dãy núi Lang Bian xanh thẫm. Tất cả các yếu tố này cùng hòa quyện với nhau như một thể thống nhất, thật ấn tượng và quyến rũ.

Cũng như những công trình kiến trúc khác trong tổng thể quy hoạch chung đương thời, khách sạn Dalat Palace được thiết kế có mặt tiền hướng về phía núi Lang Bian. Nét độc đáo nhất là tầm nhìn từ mặt chính của công trình ôm trọn chiều dài lớn nhất của hồ Xuân Hương uốn lượn theo hình dạng đồi Cù. Có một hệ thống bậc thang trải dài sườn đồi, từ phía hồ Xuân Hương đến tận cửa chính. Chi tiết này làm cho khách sạn Dalat Palace thêm phần sang trọng, uy nghi mà không khách sạn nào có.


Đà Lạt năm 1965, từ sân trước của Dalat Palace nhìn xuống Hồ Xuân Hương. Xa xa là tháp của trường lycee Yersin.


Rừng thông Đà Lạt năm 1966.


Đồi Cù năm 1967. Đồi Cù gồm 3 ngọn đồi nằm ở trung tâm thành phố Ðà Lạt, cạnh hồ Xuân Hương. Những quả đồi tròn trịa, mấp mô, tiếp nối nhau, lác đác những cụm thông. Theo đồ án xây dựng thành phố của kiến trúc sư người Pháp Lagisquet thì Ðồi Cù là khu vực bất khả xâm phạm nhằm tạo ra một tầm nhìn thoáng đãng cho Ðà Lạt. Tuy nhiên về sau, một sân golf 9 lỗ được xây dựng tại đây, người dân và du khách không còn được phép vào Đồi Cù nữa.


Đèo Prenn năm 1967, để lên được cao nguyên Lâm Viên thì cần phải đi qua những con đèo dài hàng chục km, trong đó đèo Prenn được biết đến nhiều nhất. Đường đèo này quanh co uốn lượn rất đẹp, rừng thông hai bên đường đẹp vô cùng và thật xanh mướt góp phần tạo nên khí hậu mát mẻ của thành phố ngàn hoa.


Thác Datanla năm 1967. Theo truyền thuyết, ngày xưa các tiên nữ thường xuống tắm trên những tảng đá quanh thác. Thác rất hùng vĩ, nước từ độ cao 32m tuôn xuống các ghềnh đá tung bọt trắng xoá, cảnh quan thiên nhiên quanh thác hoang dã, đầy bí ẩn, chân thác là vực Tử Thần sâu hun hút.


Hồ Tổng Lệ (bên trong Đồi Cù) và Hồ Xuân Hương năm 1968. Đồi Cù đã bị rào chắn để làm sân golf, hồ Tổng Lệ cũng đã không còn.


Hồ Xuân Hương nhìn từ Dalat Palace năm 1968.


Trường Couvent Des Oiseaux năm 1968, được xây dựng từ năm 1934-1936. Lúc đầu là vườn trẻ mẫu giáo, sau đó phát triển lên các bậc tiểu học và trung học, và đây là trường nữ trung học đầu tiên dạy chương trình Pháp. Trường còn có tên là Notre Dame du Langbian (Đức Bà Lâm Viên).


Hồ Xuân Hương năm 1968 nhìn về phía trung tâm Đà Lạt. Lúc này thành phố được xây dựng với kiến trúc đa dạng, đa phong cách và với quy định về tỷ lệ xây dựng công trình theo quy định chính thức là “dưới 20%, không được xây cao hơn ngọn cây, cách đường 50m, trồng hoa, hàng rào thưa và xây không quá cao, san ủi không được phá vỡ địa hình…”. Tất cả đã tạo cho Đà Lạt một không gian tinh tế. Mất đi hệ tỷ lệ này sẽ làm tan vỡ di sản đô thị Đà Lạt.


Hồ Xuân Hương năm 1969. Xa xa là trường lycee Yersin.


Hồ Xuân Hương và Lycee Yersin năm 1970.


Hồ Xuân Hương năm 1970.


Nhà Trủy Tạ trên Hồ Xuân Hương và nhà Thủy Tạ năm 1970.


 

Trường Lycéе Yersin năm 1970. Ngôi trường này chính thức hoạt động năm 1928 với tên gọi đầu tiên là Pеtit Lycéе Dalat, là trường tiểu học và trung học chuyên dành cho việc giảng dạy con еm người Pháp và Châu Âu. Năm 1932 trường được đổi tên thành Grand Lycéе dе Dalat và đến năm 1935 trường mang tên là Lycéе Yеrsin, người đã có công lớn khai sinh ra Đà Lạt. Cái tên Lycéе Yеrsin được giữ nguyên cho đến năm 1975.


Hành lang trường Lycéе Yersin năm 1970. Dãy lớp học được xây hình vòng cung, gạch xây trường là gạch trần đỏ, mái lợp ngói ardoise (thạch bản) xanh đen được vận chuyển từ Pháp. Điểm nhấn của dãy nhà hình vòng cung là tháp chuông.


Rừng thông Đà Lạt năm 1970. Thông xuất hiện ở khắp mọi nơi trong thành phố và là bộ lọc khổng lồ, tạo ra không khí trong lành mát mẻ. Chính những điều kiện trên đây góp phần quan trọng để Đà Lạt trở thành một nơi nghỉ dưỡng lý tưởng.


Thung lũng tình yêu năm 1972. Vào những năm 1930, toàn quyền Đông Dương và các cặp tình nhân người Pháp thường chọn khung cảnh này cho những buổi hẹn hò, rồi đặt tên là Vallée d’Amour. Đến thời vua Bảo Đại, vùng này được gọi là Thung lũng Hòa Bình, đến năm 1953, ông Nguyễn Vỹ – Chủ tịch Hội đồng thị xã Đà Lạt lúc bấy giờ – đã đề xuất đổi tên thành Thung lũng Tình yêu.


Thung lũng tình yêu năm 1972.


Thung lũng tình yêu năm 1973.


Rừng thông Đà Lạt năm 1973. Lâm Ðồng hiện nay đang nằm trong số các tỉnh còn nhiều rừng nhất cả nước. Rừng Lâm Ðồng thuộc loại rừng giàu, có trữ lượng gỗ lớn và số lượng loài rất đa dạng. Tuy nhiên, do sự khai thác lâu đời, không hợp lý, rừng Lâm Ðồng đã bị thu hẹp và suy giảm đáng kể so với những thời kỳ trước đây.


Rừng thông năm 1973.


Hình ảnh Đèo Ngoạn Mục năm 1978. Ngọn đèo này dài khoảng 20km, là một trong những đèo núi đẹp nhất Việt Nam. Nó hấp dẫn bởi cảnh sắc thay đổi liên tục theo thời gian và không gian, dù vậy, thời tiết trên đèo có thể làm ta khó chịu tí, lúc thì nắng nóng như khí hậu Ninh Thuận, khi thì trở trời với gió lạnh Tây Nguyên.


Hồ Xuân Hương với sương giăng phủ năm 1978. Đà Lạt có rất nhiều những tên gọi, như “Thành phố ngàn hoa”, “Thành phố mộng mơ”, “Thành phố ngàn thông” hay “Thành phố sương mù”. Có thể nói sương mù như là “đặc sản” của thành phố xinh đẹp này.


 

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu sinh ngày 6/2/1928 tại Bảo An, vùng đất Tháp Chàm – Ninh Thuận. Năm 1947, ông theo gia đình lên Đà Lạt sương mờ và trải đời mình 56 năm tại căn nhà nằm cuối đường Minh Mạng (nay là Trương Công Định). Ông và gia đình có cuộc sống đơn giản, khiêm tốn.

Cũng từ năm 1947, Nguyễn Bá Mậu theo đuổi và mưu sinh với nghề nhiếp ảnh. Bằng những tác phẩm nghệ thuật của mình, sau 16 năm trau dồi nghề nghiệp và đam mê với nghệ thuật nhiếp ảnh, ông đã nâng tên tuổi của mình lên thành “vua ảnh kỹ thuật Phân Sắc Độ”.

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu lập gia đình năm 1956 với bà Phan Thị Như Sáng và có 5 người con: Nguyễn Bá Trung, Nguyễn Thị Như Loan, Nguyễn Bá Nhân, Nguyễn Bá Quang và Nguyễn Bá Khiêm, trong đó có 2 người con trưởng và con út là nối nghiệp cha, trở thành hội viên Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam (VAPA), hội viên Liên đoàn Nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) và đoạt nhiều giải thưởng về nhiếp ảnh. Nguyễn Bá Trung và Nguyễn Bá Khiêm cũng đã phát hành cuốn sách về cha mình mang tên Nguyễn Bá Mậu và Tác Phẩm, đồng thời giới thiệu những tác phẩm xuất sắc của Nguyễn Bá Mậu lên website artcorner.vn,

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Bá Mậu bị bệnh và mất ngày 9/12/1990 tại Đà Lạt.

Nguồn: artcorner.vn

Exit mobile version