Phim “Em Và Trịnh” và những phân cảnh tái hiện giai thoại trong âm nhạc Trịnh Công Sơn

Năm 1992, phim điện ảnh đầu tiên về Trịnh Công Sơn được đạo diễn Nguyễn Hữu Phần thực hiện mang tên là Em Còn Nhớ Hay Em Đã Quên, vai chính thuộc về diễn viên được yêu thích bậc nhất thời đó là Lê Công Tuấn Anh, với Trương Ngọc Ánh, khi đó mới 16 tuổi, vào vai Diễm. Tuy nhiên phim này hầu như không có chút nào liên quan đến cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà chỉ phóng tác câu chuyện dựa theo nội dung 1 vài bài hát của ông.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Năm 2019, để tưởng nhớ 20 ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hãng phim Galaxy tuyên bố dự án phim điện ảnh về cuộc đời vị nhạc sĩ tài hoa này, với sự tham gia hỗ trợ của chính gia đình nhạc sĩ. Vì vậy, có thể xem đây là phim điện ảnh đầu tiên về Trịnh Công Sơn. Đầu năm 2020, phim được casting và công bố tên chính thức là Em Và Trịnh.

Theo thông tin từ hãng phim, phải mất 2 năm nghiên cứu kịch bản, 1 năm tuyển diễn viên, 65 ngày quay, 1 năm hậu kỳ, với tổng kinh phí lên đến 50 tỉ (lớn nhất trong các phim của tư nhân). Phim hoàn thành năm 2021 nhưng phải hoãn chiếu nhiều lần so với kế hoạch vì đại dịch, cuối cùng Em Và Trịnh sẽ chính thức được công chiếu vào ngày 17/6/2022.

Gần đây, cả đạo diễn phim là Phan Gia Nhật Linh và bà Trịnh Vĩnh Trinh (em gái nhạc sĩ) đều lên tiếng nói rằng đây là phim hư cấu, không phải là phim tư liệu về cuộc đời nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Trong quá trình làm phim, gia đình nhạc sĩ đã cùng với nhà sản xuất và đạo diễn đã đưa ra nhiều phương án tốt nhất để thử nghiệm.

Tuy nhiên dù có hư cấu ở một số phần tiểu tiết, thì phim vẫn lấy cảm hứng từ những câu chuyện có thật liên quan nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, với sự xuất hiện những bóng hồng đã từng hiện diện trong cuộc đơi của ông, là những nhân vật có thật và vẫn đang hiện hữu, như là chị em Bích Diễm – Dao Ánh, danh ca Khánh Ly và Thanh Thúy, người phụ nữ Nhật tên là Michiko.

Thông qua những trailer phim đã công bố, đoàn làm phim đã hé lộ về những phân cảnh dựa theo những giai thoại âm nhạc. Đó là hình ảnh Thanh Thúy đi về ngõ tối trong hẻm trọ đường Cao Thắng đã được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn viết thành:

Thương ai về xóm vắng
Đêm nay thiếu ánh trăng
Đôi vai gầy ướt mềm
Người lạnh lắm hay không… (ca khúc Thương Một Người)

Đó cũng là thời điểm nhạc sĩ sáng tác ca khúc Ướt Mi dành tặng Thanh Thúy vào cuối thập niên 1950, như ông đã ghi lại trong tùy bút:

“Thuở còn trọ học ở Sài Gòn, đêm nào tôi cũng đến phòng trà ca nhạc để nghe Thanh Thúy hát. Dần dần hình bóng Thanh Thúy đã ăn sâu vào trong tôi vào lúc nào không biết. Nói yêu Thanh Thúy thì chưa hẳn, vì tôi mang mặc cảm nghèo và vô danh. Trong khi đó Thanh Thúy là một ca sĩ đang lên, kẻ đón người đưa tấp nập. Biết vậy, nhưng tôi không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng. Có đêm tôi chỉ đủ tiền mua một ly đá chanh. Đêm đêm tôi thao thức với những khát khao mơ ước là phải làm một cái gì đó để tỏ cho Thanh Thúy biết là tôi đang rất ngưỡng mộ nàng. Cái khát khao đó đã giúp tôi viết nên bản nhạc “Ướt Mi” đầu tiên trong đời”.

Trong phim, Nhật Linh vào vai danh ca Thanh Thúy

Ngoài ra, bối cảnh Trịnh Công Sơn gặp Khánh Ly ở Đà Lạt cũng được phim Em Và Trịnh nhắc tới, qua những phân cảnh ở cafe Tùng:

Cafe Tùng ở Đà Lạt, một cảnh trong phim

Ở ngoài đời thật, Khánh Ly gặp Trịnh Công Sơn lần đầu tiên tại Đà Lạt năm 1964. Lúc này, Trịnh Công Sơn vẫn là một tên tuổi mờ nhạt, vừa mới bắt đầu sáng tác được khoảng 5 năm, có một số ca khúc nổi tiếng được Lệ Thu, Thanh Thúy, Bạch Yến hát tại các phòng trà khắp Sài Gòn. Còn Khánh Ly (tên thật là Lệ Mai) thì hầu như chưa có tên tuổi gì, chỉ là một nữ ca sĩ hát ở vũ trường tỉnh lẻ. Trịnh Công Sơn ngỏ ý mời Khánh Ly về Sài Gòn hát nhưng Khánh Ly từ chối vì bà vẫn còn đang tận hưởng cuộc tự do bay bổng ở Đà Lạt. Năm 1967, Khánh Ly vô tình gặp lại Trịnh Công Sơn trên lề đường Lê Thánh Tôn ở Sài Gòn, đến lúc này cô mới nhận cùng đi hát với Trịnh Công Sơn tại Quán Văn, là một sân khấu được được dựng tạm bợ trên bãi đất trống phía sau Trường Đại Học Văn Khoa Sài Gòn (cơ sở cũ trên đường Gia Long). Từ những đêm nhạc ngoài trời, không thù lao này, tên tuổi của Khánh Ly vụt lên như một hiện tượng trong làng nhạc Sài Gòn khi đó.

Cũng từ sân khấu này, Khánh Ly bắt đầu được đặt biệt hiệu “nữ hoàng chân đất”. Phân cảnh này cũng có trong phim. Ở ngoài đời, ca sĩ Khánh Ly kể lại rằng khi hát trước quá đông khán giả, cô rất hồi hộp lo lắng và phải vịn tay vào người Trịnh Công Sơn đứng bên cạnh để được vững hơn. Lúc đó nhạc sĩ đã nghiêm khắc nhắc là: “Đứng hát cho đàng hoàng”. Vậy là Khánh Ly bèn cởi guốc, chạm chân trần đi đất để không còn cảm thấy chông chênh nữa.

Ca sĩ Bùi Lan Hương vào vai danh ca Khánh Ly

Ngoài ra, phim cũng tái hiện bối cảnh thời gian Trịnh Công Sơn lên dạy học ở B’lao (Lâm Đồng), cũng là thời điểm ông viết thư tình qua lại với Dao Ánh và sáng tác hàng loạt ca khúc nổi tiếng dành cho người yêu, như là Còn Tuổi Nào Cho Em, Mưa Hồng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng…

Cảnh phim Trịnh Công Sơn dạy học ở B’lao

Một số hình ảnh các nhân vật nữ trong phim, được xem là những “người tình âm nhạc” của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn mà bất kỳ ai yêu nhạc Trịnh cũng đều biết tới:

Vai Bích Diễm (nhân vật trong ca khúc Diễm Xưa):

Lan Thy trong bai Bích Diễm

Ở ngoài đời, Diễm được nhạc sĩ Trịnh Công Sơn nhắc đến như sau:

“Người con gái ấy đã đi qua một cây cầu bắc qua một dòng sông, qua những hàng long não, qua những mùa mưa nắng khắc nghiệt, để cuối cùng đến một nơi hò hẹn. Hò hẹn nhưng không hứa hẹn một điều gì. Bởi vì trong không gian liêu trai ấy hứa hẹn chỉ là một điều hoang đường. Giấc mơ liêu trai nào cũng sẽ không có thực và sẽ biến mất đi. Người con gái đi qua những hàng cây long não bây giờ đã ở một nơi xa, đã có một đời sống khác. Tất cả chỉ còn là kỷ niệm. Kỷ niệm nào cũng đáng nhớ nhưng cứ phải quên. Người con gái ấy là “Diễm của những ngày xưa”.

Lan Thy vai Bích Diễm

Vai Dao Ánh (em của Bích Diễm) – Mối tình sâu đậm của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn:

Ở đời thực, trong 3 năm (từ 1964-1967), từ Bảo Lộc, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã gửi về Huế cho Dao Ánh khoảng 300 bức thư tình với những lời thư tình tự, bay bổng tuyệt đẹp. Một số nhạc phẩm được Trịnh Công Sơn viết tặng cho Dao Ánh trong thời gian này như: Còn Tuổi Nào Cho Em, Mưa Hồng, Ru Em Từng Ngón Xuân Nồng, Chiều Một Mình Qua Phố…

Hoàng Hà vai Dao Ánh

Một người tình khác của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn được nhắc đến trong phim Em Và Trịnh, đó là người phụ nữ Nhật Bản tên là Michiko.

Chuyện tình giữa Trịnh Công Sơn và Michiko Yoshii là một trong những câu chuyện gây xôn xao làng nhạc.
Cuối thập niên 1980, khi đang là sinh viên đại học tại Paris (Pháp), Michiko dành tình yêu lớn với văn hóa, ngôn ngữ và con người Việt – trong đó có nhạc Trịnh. Dù có bằng cao học về văn hóa Nhật Bản, bà vẫn tiếp tục theo đuổi đề tài cao học nghiên cứu về âm nhạc Trịnh Công Sơn.

Vlogger người Nhật là Nakatani Akari vào vai Michiko
Michiko Yoshii

Michiko đến Việt Nam để gặp gỡ tác giả mình ngưỡng mộ. Luận án cao học và âm nhạc Trịnh Công Sơn là cầu nối cho cuộc tình của họ. Chuyện tình sau đó trở nên sâu đậm, nhưng rồi cũng không thành.

Dù chia tay nhưng bà Michiko Yoshii về sau vẫn dành sự tôn trọng và ngưỡng mộ đặc biệt cho nhạc sĩ. Sau ngày Trịnh Công Sơn mất, Michiko cũng thường về Việt Nam thắp hương cho ông. Hiện tại, Michiko là giáo sư giảng dạy tại một trung tâm nghiên cứu giáo dục quốc tế có tiếng tại Nhật Bản.

Trong phim Em Và Trịnh, người đóng vai nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thời thập niên 1990, thời điểm quen biết với Mochiko, là nghệ sĩ Trần Lực. Nam diễn viên nổi tiếng này đã giảm 13kg để hóa thân vào vai người nhạc sĩ có thân hình mảnh khảnh ở tuổi trung niên.

Nam chính của phim Em Và Trịnh, vào vai Trịnh Công Sơn thời trẻ, thuộc về Avin Lu (sinh năm 1995). Sau khi casting vượt qua 8000 ứng viên để được chọn, Avin Lư được đạo diễn gợi ý chuyển lên Đà Lạt sống 2 tháng, đắm chìm trong nhạc Trịnh, tập hát, viết nhạc, tập nói giọng Huế, tập cách viết thư và ký tên giống nhạc sĩ. Diễn viên trẻ này đã giảm 10kg để có thân hình “mảnh mai” như Trịnh Công Sơn.

Bài: Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version