Ca sĩ Phi Nhung và hành trình hơn 10 năm nhận nuôi trẻ mồ côi

Ca sĩ Phi Nhung có giọng hát ngọt ngào đã nổi tiếng với thể loại nhạc vàng, nhạc quê hương từ thập niên 1990. Gần 30 năm qua, tiếng hát Phi Nhung đã gắn bó với nhiều thế hệ khán giả, là một phần tuổi thơ của nhiều người. Để trở thành một ca sĩ nổi tiếng và đạt được những thành công như vậy, ít người biết rằng cô đã có những nỗ lực phi thường để vượt qua hoàn cảnh và số phận không được may mắn như những người bình thường.

Tuổi thơ của Phi Nhung đầy bão táp và nhiều cơ cực, từ khi sinh ra đã không được thấy mặt cha, sau đó lại mồ côi mẹ từ sớm, cô phải đóng vai người mẹ để chăm sóc 5 người em cùng mẹ khác cha từ khi mới 11 tuổi.

Vì đã trải qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống nên Phi Nhung có thể thấu hiểu được sự thiệt thòi của những đứa trẻ mồ côi, nên khi trở thành một ca sĩ nổi tiếng, có điều kiện về tài chính, cô đã dùng số tiền tiết kiệm của mình để giúp đỡ rất nhiều hoản cảnh khó khăn. Đặc biệt là cô còn nhận nuôi rất nhiều trẻ mồ côi và xem như là con ruột của mình.

Câu chuyện khởi đầu từ khoảng năm 1998, trong một lần về nước và làm từ thiện ở Bình Phước, Phi Nhung gặp sư cô Thích Nữ Minh Viên tại một ngôi chùa rất nhỏ tên là Pháp Lạc ở thôn Tân Phú, xã Bù Nho (Bù Gia Mập). Chùa nằm khuất trong con hẻm, xa đường lộ, vừa nhỏ vừa sơ sài nên rất ít người biết đến. Lúc đầu, chùa chỉ là một cái am bằng ván ghép, nhiều đêm kê ván ngủ mà sư cô cứ thấp thỏm sợ rắn vào nhà. Cảm động trước hoàn cảnh đó, Phi Nhung bỏ tiền túi và vận động thêm từ bạn bè khắp nơi để xây mới khang trang.

Khoảng 10 năm sau đó, biết được nguyện vọng của sư cô Minh Viên là mong muốn nhận nuôi trẻ mồ côi tại chùa, Phi Nhung đã trợ giúp để đi tìm những đứa bé bị bỏ rơi từ các bệnh viện địa phương để mang về chùa nuôi dưỡng. Mất đến 2 năm để làm đủ mọi thủ tục giấy tờ, chính quyền mới chính thức cho phép Phi Nhung và chùa nuôi dưỡng các bé. Ban đầu chỉ định nhận nuôi 7-8 trẻ, nhưng trong quá trình tìm kiếm, thấy có quá nhiều trẻ nhỏ mồ côi không được cha mẹ nhìn nhận từ khi mới lọt lòng, vì quá thương nên Phi Nhung nhận về đến 13 bé.


Click để xem phim phóng sự về những người con nuôi của Phi Nhung tại Bình Phước

13 đứa trẻ lúc đó có xuất thân, hoàn cảnh khác nhau, và đều rất tội nghiệp. Vì dụ một hoàn cảnh của cậu bé tên Phạm Đức Hiếu (tên do Phi Nhung đặt), cô kể lại:

“Cha mất sớm, mẹ bị bệnh tâm thần, Hiếu bị bỏ lại trơ trọi ở bãi biển khi mới 4-5 tuổi, đi lang thang ai cho gì ăn đó, có khi ăn cả cá sống, bị trầy trụa khắp cả người. Một lần Phi Nhung đi từ thiện gặp được và đưa về nuôi. Thời gian đầu mới về, Hiếu nhút nhát, lo sợ và câm lặng. Phi Nhung và sư cô Minh Viên phải thay nhau an ủi trò chuyện mất hơn 1 năm thì Hiếu mới bình thường được.”

13 đứa trẻ này đều mang họ Phạm của Phi Nhung. Ai từng làm cha mẹ cũng đều biết nuôi 1,2 người con cũng đã vất vả, đằng này Phi Nhung nuôi 13 người con, và ai cũng đã từng có tinh thần bất ổn. Cô kể:

“Một đứa bị bệnh thì ảnh hưởng dây chuyền, mấy đứa sau cũng bệnh theo. Một đứa khóc là cả nhóm còn lại cứ thế khóc theo. Nhưng sự xuất hiện của mấy đứa nhỏ làm cuộc sống của tôi thay đổi hoàn toàn. Sau vai diễn, tôi chỉ chuyên tâm vào vai làm mẹ, đi chợ sắm cho từng đứa cái bàn chải đánh răng, khăn lau mặt, ly uống nước, bình đựng sữa. Tôi hạnh phúc vì tụi nhỏ sống không thể thiếu mẹ Nhung. Mẹ con tôi gắn với nhau như một sợi dây, cắt một cái là đau thấu trời. Làm mẹ cực lắm, nhưng chẳng thấm vào đâu so với những mất mát của các con. Những lúc ôm tụi nhỏ vào lòng, cho con uống sữa, thay tã lót cho con, rồi những khi rời con đi lưu diễn, mấy đứa nhỏ cứ quấn quýt khóc đòi, chẳng cho mẹ đi, tôi lại thấy làm mẹ sao mà thiêng liêng quá, có những điều chỉ có mẹ mới làm được”.

Thời gian sau này, số lượng trẻ nhận nuôi cũng tăng lên. Khi các bé còn nhỏ, nếu cùng lắm thì ngôi chùa giống như một nhà trẻ, tất bật lo ăn, lo uống. Nhưng khi những đứa trẻ lớn lên, mỗi người một tính cách, người mẹ phải lo lắng về nhiều thứ khác. Phi Nhung nói rằng không chỉ cho các con ăn uống là đủ, mà còn gây dựng tương lai về sau cho các con. Cô và sư cô trong chùa cùng nhau mua đất, trồng mì, làm hạt điều, mở quán cơm chay để có thêm chi phí nuôi con, ngoài ra Phi Nhung cũng đã mở tài khoản cho mỗi người con, để sau này lớn lên, tài khoản đó sẽ là nguồn tài chính ổn định để các con vào đời.

Quán cơm chay Phi Nhung

Nhiều khán giả khâm phục tấm lòng của Phi Nhung, đồng thời cũng thắc mắc vì sao một ca sĩ nổi tiếng như cô lại không chọn một cuộc sống gia đình bình thường như bao người khác để bù đắp lại những mất mát thuở nhỏ, mà chọn làm một người chăm lo cho nhiều trẻ mồ côi. Phi Nhung nói: “Có lẽ tôi không đủ khả năng để trở thành một người vợ, nhưng tôi có thể là người mẹ của các con, đủ tình thương để nuôi các con khôn lớn. Đó cũng là một sự bù đắp cho tuổi thơ thiếu thốn của tôi. Nếu nhỡ tôi lấy chồng, chắc các con hụt hẫng lắm”.

Phi Nhung cũng có lời nhắn nhủ đến mọi người như sau:

“Bàn tay tôi nhỏ bé quá nên chẳng thể giúp hết được những đứa bé bị người ta bỏ rơi. Có duyên lắm Nhung mới ẵm một bé về để nuôi, thành ra các bà mẹ cũng đừng có suy nghĩ là Nhung thích em bé mà cứ đẻ ra là bỏ con trước chùa cho Nhung thì tội nghiệp cho các con lắm. Có những trường hợp, Nhung đành đem đến gửi Hội Chữ thập đỏ vì không thế nào nuôi nổi. Một khi đã nhận, Nhung xem như con ruột của mình và phải lo tốt cho các con ăn học, dạy dỗ như những đứa trẻ bình thường khác. Mọi người đừng cứ nghĩ như thế mà bỏ em bé thì tội nghiệp vì Nhung không có làm nổi hết được”

Được biết, đến năm 2021, ngoài người con ruột Wendy Phạm đang sinh sống và làm việc tại Mỹ và những người con nuôi là ca sĩ, thì Phi Nhung còn nhận nuôi dưỡng 23 người con nuôi là trẻ mồ côi, bị bỏ rơi hoặc có hoàn cảnh khó khăn, Trong đó có một số con nuôi sống cùng nhà với cô, số còn lại sống ở chùa Phước Lạc (Bình Phước) và chùa Tăng (Sài Gòn)

Dưới đây là những hình ảnh khác của Phi Nhung cùng những người con nuôi:

ngôi chùa tại Bình Phước

Nơi ngủ của các bé

Góc học tập
Bằng khen của các con

Phi Nhung đến trường đón các con:

    

Exit mobile version