Sau khi khởi hành từ miền Bắc, qua miền Trung, người lữ khách đã vào tới miền Nam. Nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng phần cuối của trường ca rất hân hoan vì đó là những bước chân lữ khách đã nối gần trọn giang sơn, để cùng toàn dân hoàn thành nối liền nước Việt.
Để diễn tả sự hân hoan đó của lữ khách, giai điệu nhạc là những nhịp bước lữ hành tươi vui, nhanh và mạnh hơn 2 phần trước, và kết thúc bằng những hành khúc có âm hưởng Tây phương rất tươi mới như để chào đón buổi bình minh của dân tộc: Bắc Nam Trung nhất một nhà.
Đoạn khúc 13: Anh đi đường vắng đường xa
Vừa vào đến miền Nam là người lữ khách đã nghe giọng hò ngọt ngào của một cô gái:
Cô gái miền Nam:
Hò ơ… hò
Bớ anh đi đường vắng đường xa
Dừng chân đứng lại
Hò ơ… hò
Nghe em đây ca đôi lời
Chiều về trên cánh Ðồng Nai
Chờ người xây đắp ngày mai…
Cô gái mời gọi lữ khách dừng chân nghỉ ngơi ở vùng Đồng Nai trù phú. Xưa kia, tên gọi Đồng Nai là để chỉ một vùng đất rộng lớn, gắn liền với quá trình Nam tiến của chúa Nguyễn, mà cụ thể là Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh được lệnh vào khai hóa vùng Đồng Nai, tức là cả một vùng Nam Bộ rộng lớn. Vào đến Đồng Nai nghĩa là đến với những cánh đồng phì nhiêu, là vùng đất mới đang chờ bàn tay người vun đắp ngày mai.
Đoạn khúc 14: Nhờ gió đưa về
Đứng trước đất trời miền Nam rộng bao la, bước đường đã gần đến cuối, người lữ khách mừng rỡ hát khúc hành ca:
Lữ khách:
Nhờ gió đưa về, về miền gió chan hòa
Thơm lòng đất phù sa
Trời nắng huy hoàng, trời sưởi ấm con đường
Cho ta vô miền sông nước
Chiến đấu với sình lầy
Với thú dữ tràn đầy
Với lũ muỗi đặc dầy như đám mây
Chiến đấu với rừng tràm
Ta như ong từng đàn
Lập cuộc đời trên đất rừng hoang
Vào tới xóm dừa, vào vườn chuối la đà
Ôi là mát lòng ta
Bầu vú sữa tròn và mảnh trái thơm ròn
Hương sầu riêng ngọt ngon
Có mái tóc xuề xoà, có khoé mắt thiệt thà
Ðôi môi xinh hàm răng xít xa
Có áo ngắn mặn mà, có tiếng nói đậm đà
Người yên lành như một giấc mơ…
Ðể nói đến sự rộn ràng của người di dân trong niềm háo hức đón nhận những thử thách ở vùng đất mới, nhạc sĩ đã sử dụng những hành khúc rất Tây Phương như ở trong đoạn khúc này.
Lúc này người lữ khách như là bước vào vai những người đi khai hoang thuở xưa, đoàn người được so sánh như là bầy ong cần mẫn xây lập đời mới trên đất rừng hoang, nơi có nắng gió chan hòa thơm mùi đất phù sa, có sông nước, đồng lầy, rừng chàm, có thú dữ, muỗi mòng… Và có cả những cô gái miền Nam chân chất, hiền lành thật thà như thóc lúa.
Cô gái tỏ lòng yêu mến với người lữ khách bằng tất cả sự hồn nhiên, chất phác và mộc mạc, như trong đoạn khúc sau đây.
Đoạn khúc 15: Đi đâu cho thiếp theo cùng
Cô gái miền Nam muốn được đi bên cạnh lữ khách trên con đường hãy còn miệt mài, và muốn đi chung trong cả cuộc đời về sau:
Cô gái miền Nam:
Ði đâu cho thiếp theo cùng
Ðói no thiếp chịu, lạnh lùng thiếp cam
Ví dầu tình có dở dang
Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về
Lữ khách:
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe
Ví dầu tình bén duyên thề
Thi xin kết bạn đền nghì trúc mai…
Cô gái nguyện đi theo lữ khách dù có trăm bề khó khăn vẫn chịu đựng và cam lòng. Rồi sự thẳng thắn và thật thà của cô được thể hiện ở 2 câu sau đó, rằng nếu lỡ mà tình có bị dở dang đứt nhịp giữa chừng, hoặc phần số gặp trắc trở thì cô sẽ chấp nhận bắt đò ngang dzìa lại một mình để không làm vướng bận đến chí lớn của chàng.
Thật là một cá tính đặc biệt của những cô gái thôn quê chốn bưng biền.
Về phần ngược lại, nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng người lữ khách đó đã từ biệt miền Bắc với tâm trạng của chồng nàng Tô Thị, vào miền Trung nghe lại mỗi tình bi thương của Huyền Trân Công Chúa, nhưng tới miền Nam thì lữ khách đã tìm được lương duyên ở cả cảnh và người. Lữ khách quyết định kết duyên cùng cô gái miền Nam, và kèm theo một lời “cảnh báo” dí dỏm:
Tới đây lạ xứ quen người
Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe…
Đoạn khúc 16: Đèo cao Châu Đốc, gió độc Gò Công
Tới đây, dân chúng miền Nam hát reo mừng đôi vợ chồng mới như sau:
Dân chúng miền Nam:
Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ
Hò lơ hó lơ
Ðèn nào cao cho bằng đèn Châu Ðốc
Gió nào độc cho bằng gió Gò Công
Vợ chồng son đã nuôi lòng ước mong
Thuận vợ chồng sẽ cùng tát Biển Ðông
Hò lơ hó lơ
Lắng tai nghe tiếng ai đang hò lờ
Hò lơ hó lơ.
Bên cạnh niềm vui mới của hạnh phúc trăm năm, đôi vợ chồng cũng chuẩn bị dấn bước vào chốn rừng thiêng nước độc, là nơi có biết bao nhiêu gian nan nguy hiểm đang đón chờ, để có thế đến được vùng đất phía dưới cùng. Nhưng người xưa đã nói rằng thuận vợ thuận chồng tát cạn được biển Đông. Khi đã được ở bên cạnh người mình thương yêu nhất thì không còn gì là trở ngại nữa.
Đoạn khúc 17: Cửu Long Giang và Về miền Nam
Đôi vợ chồng son bắt đầu lênh đênh trên sóng nước Cửu Long, từ Tiền Giang xuôi về miền sông Hậu:
Ðôi vợ chồng trẻ:
Cửu Long Giang gió về vui trên sóng sông
Uốn quanh như chín con rồng ôm chặt đứa con
Người từ Tiền Giang đi về xa xăm
Cuối con đường say đắm là miền rộng thênh thang
Cửu Long Giang trôi về ôm ấp đất hoang
Thiết tha như gái yêu chồng trong chiều mênh mông
Người về Hậu Giang xây tổ uyên ương
Có cánh đồng lúa chín uốn mình trên sóng sông…
Ðôi vợ chồng trẻ và dân chúng:
Về miền Nam ôi quê hương mới ơi
Về Cần Thơ khơi kinh, khơi nước ngòi
Về Hà Tiên ta tiễn Chúa ra đảo khơi
Về Cà Mâu ta đốt biết bao lửa vui
Về miền Nam ta theo cơn gió đưa
Về miền sông ăn cá nướng thơm ngày mưa
Về đồng dưa ta tắm nắng vui đời ta
Về miền Nam…
Về miền Nam
Người về đây trong gió bình an…
Đoạn khúc này có giai điệu nhạc miêu tả dòng sông rất độc đáo. Cửu Long Giang uốn lượn như 9 con rồng được nhạc sĩ so sánh như là vòng tay của mẹ Việt Nam ôm chặt người con tha phương, ôm ấp vùng đất hoang đang chờ tay người vun xới.
Từ Tiền Giang, đôi uyên ương xuôi dòng về nơi có thể cùng nhau xây tổ ấm. Đó là con đường thênh thang dẫn đến một miền đất hứa, rồi từ bàn tay con người cùng nhau xây đắp thì những vuông đất hoang kia cũng sẽ trở thành bạt ngàn đồng lúa chín, uốn mình bên dòng Cửu Long.
Đoạn tiếp theo đó là những câu hành khúc vui tươi mô tả cuộc hành trình của đôi vợ chồng qua miền lục tỉnh, một hành trình nối liền đất nước từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, hành trình nối tình người.
Giai điệu trong đoạn hành khúc trong đoạn này, và cả đoạn trước, đã bị giáo sư Trần Văn Khê nói rằng có ít “dân tộc tính” và mang đầy nhạc tính của Tây Phương. Phải chăng là vào tới miền Nam, nhạc sĩ Phạm Duy nghĩ rằng đây là vùng đất chịu ảnh hưởng nặng nề bởi văn hóa của Âu Châu, nên nét nhạc cũng bị ảnh hưởng theo. Hay là nhạc sĩ muốn thay đổi màu sắc của những bài hành khúc này, để diễn tả sự khác biệt và tươi mới của một miền đất hứa?
Trở lại với nội dung bài trường ca, sau khi xây dựng xong cuộc đời mới trên đất miền Nam màu mở, đôi vợ chồng bắt đầu những lời hát tạ ơn ở đoạn khúc tiếp theo.
Đoạn khúc 18: Giã ơn cái cối cái chầy và Về miền Nam
Ðôi vợ chồng trẻ:
Giã ơn cái cối cái chầy
Ðêm khuya giã gạo, có mầy, có tao
Giã ơn cái nhịp cầu ao
Ðêm khuya vo gạo, có tao có mầy.
Dân chúng:
Về miền Nam đem theo sương gió xưa
Về đồng khô đem cơn mưa rét về
Người về đây thương nhớ lắm con đường xa
Về miền Trung, ra xứ Bắc yêu mẹ cha
Ðường từ xa đem ta đã tới đây
Chùa chiều nay rung chuông trên luống cầy
Người gửi ơn ra bốn phía chân trời mây
Ngẩng đầu lên dâng vút đóa linh hồn say
Ðường về đây… Ðường về đây
Trời về Tây nghe gió cuồng bay…
Đôi vợ chồng gửi lời cám ơn vùng đất màu mỡ đã nuôi nấng họ như những đứa con, nơi có cái cối, cái chày, có bờ ao. Hạnh phúc của họ đơm hoa, chan hòa, reo vui, nhảy múa, êm đềm, đằm thắm. Người lữ khách đã làm xong sứ mệnh, chuyến đi đã đến chỗ dừng cuối con đường xuyên Việt.
Ở những đoạn khúc nói về hành trình ở miền Nam này, có một hạn chế mà có lẽ những người nghe nhạc miền Nam ai cũng nhận ra, đó là nhạc sĩ sử dụng những chữ rất lạ lẫm với người Miền Nam. Điều này đã được giáo sư Trần Văn Khê chỉ ra trong một bài viết từ năm 1965, đó là “ròn” (người miền Nam gọi là giòn), “kênh” (người Nam nói là kinh), mà nghiêm trọng nhất là Trả Ơn bị ghi thành Giã Ơn, một chữ rất Bắc Bộ.
Ngoài ra, còn câu hát “Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp về”, các ca sĩ phải hát là: “Thì cho thiếp gọi đò ngang thiếp DZÌA” thì mới là “đúng điệu”.
Không lâu sau đó, nhạc sĩ Phạm Duy đã phản hồi lại lời của bạn của mình, thừa nhận toàn bộ những lỗi đó của mình, như sau:
Tôi đồng ý với anh Trần Văn Khê về những tiếng địa phương mà tôi viết sai. Chưa cần phải đợi đến anh chỉ, ngay từ khi bài trường ca mới in ra, tôi đã bị cô gái miền Nam mắng cho một trận tơi bời! Đó là một bài học cho những người soạn bài ca. Phải hết sức chú ý khi dùng tiếng địa phương.
Đoạn khúc cuối: Đường đi đã tới
Toàn thể nhân dân:
Ðường đi đã tới
Lòng dân đã nối
Người tạm dừng bước chân vui người ơi
Người mơ ước tới
Ðường tan ranh giới
Ðể người được mãi
Ði trong một duyên tình dài
Con đường thế giới xa xôi
Trong lòng dân chúng nơi nơi…
Ở đoạn khúc này, nhạc sĩ Phạm Duy đã ghi lời giới thiệu:
Lữ khách đã tới cuối con đường xuyên Việt. Tạm dừng chân, người mong con đường cái quan sẽ có ngày hết ranh giới để người được mãi mãi đi trong cuộc đời và trong tình người.
Khi đi tới cuối con đường xuyên Việt rồi, ước vọng của lữ khách là có ngày đường tan ranh giới để lữ khách được đi xa hơn nữa trên con đường dài tình yêu, ở nơi thế giới xa xôi, và trong lòng dân chúng muôn nơi.
Có lẽ ý của nhạc sĩ muốn nói rằng khi lòng dân trong đất nước đã được lữ khách nối liền, sau đó anh còn muốn xa hơn nữa, mong con đường hết toàn bộ ranh giới để mọi người trên thế giới cũng chung tay bảo vệ cuộc sống an bình.
Toàn bộ bản trường ca Con Đường Cái Quan được thâu âm lần đầu tiên năm 1965 bởi Ban Hoa Xuân trên Đài Phát thanh Sài Gòn (với Thái Thanh, Duy Khánh và Kim Tước, Thái Hằng, Nhật Trường, Trần Ngọc… và nhiều ca sĩ khác), với ban nhạc Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Đan Thọ cũng với sự soạn hòa âm của nhạc sĩ người Đức, Otto Soellner, và cả nhạc sĩ Phạm Duy điều khiển dàn nhạc.
Click để nghe Ban Hoa Xuân trình bày phần Vào Miền Nam của Con Đường Cái Quan bản thu âm lần đầu vào năm 1965
Nguyễn Minh Phước, Đông Kha và Nhạc Xưa biên soạn
Hiệu đính: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn