Sau phần 1 của trường ca Con Đường Cái Quan, là cuộc khởi hành của một người lữ khách đi từ ải Nam Quan, băng qua các vùng thượng du, trung du Bắc Bộ rồi về đến cố đô Thăng Long, bài viết này sẽ tiếp tục phần đi qua miền Trung của lữ khách trong cuộc hành trình nối lại giang san, nối lại tình người. (Các bạn có thể nghe lại bản thu trước 1975 của trường ca này ở cuối bài viết).
Có thể vì nhạc sĩ Phạm Duy hoàn tất phần trường ca Con Đường Cái Quan trong những ngày ông ở vùng Trị-Thiên, nên phần 2 của trường ca (Qua Miền Trung) này cũng là phần mang nhiều cảm xúc nhất trong toàn bộ trường ca, với những âm điệu dịu dàng và truyền cảm đặc trưng của dân nhạc xứ Huế, những đồng vọng và câu hò tha thiết, những câu hát lý, hát ru đã có từ ngàn xưa. Trong hồi ký, nhạc sĩ Phạm Duy nói rằng ở phần 2, nhạc khúc trở nên ngọt ngào, đôi khi cũng xót xa như bước chân Huyền Trân Công Chúa năm xưa.
Như đã nhắc đến ở phần trước, nhạc sĩ Phạm Duy được ông Võ Đức Diên tài trợ một chuyến đi về Quảng Trị tìm kiếm những chất liệu về dân nhạc để có thể hoàn tất phần trường ca còn dang dở, có thể vì vậy mà khởi đầu phần 2 này, tác giả đã tiến thẳng đến Quảng Trị mà bỏ qua một số địa điểm bắt buộc phải đi qua sau khi rời miền Bắc, đó là vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh và Quảng Bình.
Nhạc sĩ viết trong hồi ký nói về hành trình trở lại miền Trung cuối thập niên 1950 đó như sau:
“Chúng tôi đi ven bờ biển Thái Bình, vượt qua những nơi đầy ắp kỷ niệm như Phan Thiết sáng sủa, Nha Trang ấm áp, Qui Nhơn lộng gió, Ðà Nẵng ồn ào, Huế thơ mộng và Quảng Trị cằn khô. Khi ghé Quảng Ngãi, Hồng Vân (nữ ca sĩ) lúc đó còn bé tí teo, leo lên bờ tường khách sạn, ngồi rình xem mặt Phạm Duy. Chúng tôi có những giây phút trầm ngâm trước cảnh tượng hùng vĩ của Ðèo Cả, Ðèo Hải Vân và cũng không quên nhào xuống biển để tắm táp và kỳ cọ ở bãi Lăng Cô”.
Chúng ta cùng đi sâu vào nội dung của Trường ca Con Đường Cái Quan phần thứ 2:
Phần Hai: Quan Miền Trung
(Với tình thương yêu chan chứa, niềm xót xa)
Đoạn khúc 7: Ai đi trong gió trong sương
Lúc này người lữ khách đã rời khỏi miền Bắc, qua hết miền Bắc Trung bộ và về đến vùng đất khô cằn sỏi đá của tỉnh Quảng Trị, sau đó là Huế. Đến đầu làng, người bỗng thấy có một đám trẻ con chạy ra đón, hát lời thúc giục người lữ khách phải đi nhanh chóng kẻo đường còn xa.
Lũ trẻ:
Ai đi trong gió trong sương (ơ)
Phải mau (ơ), phải mau để mà tới người ơi
Kẻo đường (ơi) người ơi còn xa
Kẻo đường (ơi) người ơi còn xa…
Đến Huế, có rất nhiều điệu hát dân ca miền Trung được nhạc sĩ vận dụng đưa vào lời hát, như đoạn khúc này có giai điệu được phỏng theo ”Lý Con Sáo Huế”, có âm hưởng ngũ cung Ðiệu Nam Hơi Ai.
Những lời hát hồn nhiên của con trẻ càng làm cho bước chân người lữ khách tăng thêm sự phấn chấn, nhưng cũng pha chút ngậm ngùi khi người chợt nghe vang vọng tiếng ru hời vang lên trong liếp nhà tranh ở trong đoạn khúc 8:
Đoạn khúc 8: Ai vô xứ Huế thì vô
Bà mẹ:
À ơi…
Ai vô xứ Huế thì vô
Chớ sợ Truông nhà Hồ,
chớ sợ Phá Tam Giang
À ơi…
Ngó ra quê cha đường xa sông rộng
Ngó về quê mẹ núi lộng đèo cao…
À ơi…
Nhưng con ơi, con ngủ, ngủ sâu
Chứ nối lại nhịp cầu
Chứ đã có người đi
À ơi…
Tiếng ru con của bà mẹ Huế như vừa an ủi, vừa thúc giục người lữ khách tiếp tục sứ mạng nối lại nhịp cầu, không e sợ bất kỳ cái gì, cho dù đó là Truông nhà Hồ hay phá Tam Giang đầy hiểm nguy được nhắc tới câu ca dao xưa.
Đến đây, người lữ khách đã đi được gần nửa đoạn đường Cái Quan, quay nhìn ngược về đường cố xứ thấy đã xa vạn dặm với núi lộng đèo cao.
Đoạn ru tiếp theo của bà mẹ là lời nhắn nhủ đến đứa con còn bé bỏng nằm nôi, nhưng cũng như là lời ca tụng sứ mệnh khai sơn phá thạch để “nối lại nhịp cầu” cùa người lữ khách. Mai sau đứa bé kia trưởng thành sẽ có thể tiếp bước con đường tươi sáng và “đã có người đi” của hôm nay.
Đoạn khúc 9: Ai đi trên dặm đường trường
Qua thôn xóm, gặp lúc ngày mùa, lữ khách nghe thấy tiếng hò giã gạo giòn vang:
Dân làng:
Hò hô hò hò ơi hò
Ai đi trên đường là dặm đường
Ði mô mà vội vã (à) cùng là hò khoan
Hố hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Khoan khoan tôi mời (là) mời bạn
Vui là họp đoàn đêm nay chừ là (à) nay
Hố hô hò khoan.
Lữ khách:
Năm tê trong lúc sang Xuân
Tôi theo Công Chúa Huyền Trân tôi lên đường
Ðường máu xương đã lắm oán thương
Ðổi sắc hương lấy cõi giang san
Tôi đi theo bước ái tình
Ði cho trăm họ được hòa bình ấm no
Ðèo núi cao nghe gió vi vu
Thổi phấn son bay tới kinh đô.
Dân miền Trung:
Hò hô hò hò ơi hò
Anh đi trên đường (là) gập ghềnh
Mau mau đi kẻo lỡ (a) truyện tình nước non
Hố hô hò khoan.
Hò hô hò hò ơi hò
Mau mau đi kẻo là kẻo lỡ
Câu chuyện tình năm xưa là tình (à) xưa
Hố hô hò khoan.
Đến nơi cũng đến lúc trời chập tối, dân làng mời chàng vào làng để chung vui và nghỉ ngơi lấy sức:
“Khoan khoan tôi mời (là) mời bạn
Vui (là) họp đoàn đêm nay chừ (là à) nay”
Trong đêm rộn ràng tiếng chày khua bên ánh lửa cùng với dân làng, người lữ khách đã kể về chuyến hành trình của mình, vào một “năm tê” (phương ngữ miền Trung, tức “năm kia”) lúc trời vừa sang Xuân, chàng quyết đi theo dọc đường Cái Quan nối liền một đường của đất nước. Đó cũng là con đường mà Huyền Trân công chúa năm xưa đi về phía Nam để làm hậu của nước Chiêm Thành, là con đường mang lắm oán thương, buồn tủi của một nàng công chúa vốn ở trong cung son vàng ngọc, đã chấp nhận “đổi sắc hương lấy cõi giang san” để mở mang bờ cõi thêm 2 châu Ô Lý. Đó là một vùng tương đối rộng lớn, từ đèo Hải Vân cho đến phía Bắc tỉnh Quảng Trị ngày nay, bao gồm cả vùng Trị-Thiên, là nơi chàng lữ khách đang dừng chân.
Khi trời vừa sáng, dân làng đã thúc giục lữ khách lên đường kẻo lỡ một “truyện tình nước non”, đó chính là truyện tình nàng Huyền Trân công chúa. Từ những “tháp Hời” của kinh đô Champa năm xưa, người lữ khách chợt nghe như có tiếng hát Huyền Trân của ngàn năm vọng về:
Đoạn khúc 10: Nước non ngàn dặm ra đi
Huyền Trân Công Chúa:
Nước non ngàn dặm ra đi
Nước non ngàn dặm đi
Dù đường thiên lý xa vời
Dù tình cố lý chơi vơi
Cũng không dài bằng lòng thương mến người…
Bước đi vào lòng muôn dân
Bước đi vào lòng muôn dân
Bằng hồn trinh nữ mơ màng
Bằng tình say đắm ơi chàng
Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân
Nhưng ánh Tháp vàng
Cây quế giữa rừng
Chỉ một mùa tang là hương là sắc tan
Tàn cả tình yêu
Vì hận còn gieo
Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu
Mới hay tình nhẹ như tơ
Mới hay tình nhẹ như tơ
Mộng ngoài biên giới mơ hồ
Chẳng ngăn được sóng vỡ bờ
Với đêm mờ hồn về trên Tháp ma.
Trong phần hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy giải thích rằng ở đoạn khúc này, công chúa Huyền Trân muốn nói rằng con đường thiên lý kia có dài đằng đẵng, nhưng dù sao cũng không dài bằng con đường đi vào lòng người. Nàng mong lữ khách nối tiếp công việc đi vào đất nước và lòng người của nàng khi xưa.
Ước nuôi dần hòa bình trong ái ân. Vì sao nàng công chúa lại “nuôi hòa bình trong ái ân”? Là bởi thân phận nữ nhi mong manh liễu yếu đào tơ, nàng có gì đâu ngoài một hồn trinh nữ nguyên sơ, chấp nhận hy sinh tình riêng để biên cương phía Nam của nước Việt được yên ổn, hòa bình với lân bang.
Nhưng ánh Tháp Vàng
Cây quế giữa rừng
Chỉ một mùa tang là hương là sắc tan
Nhưng rồi về đến xứ sở của Tháp Vàng, chỉ 1 năm là đến mùa tang, hương sắc của nàng công chúa Đại Việt cũng tan theo. Ở đoạn này, dù chỉ rất ngắn nhưng nhạc sĩ đã tóm lược được cả một câu chuyện lịch sử. Năm xưa vua Chiêm là Chế Mân xin cưới Huyền Trân, dâng 2 châu Ô Lý để làm sính lễ. Nhưng chỉ được một năm thì Chế Mân băng hà, nàng vương hậu phải chịu phận tuẫn táng theo.
Ở vùng Trung và Nam Trung Bộ vẫn lưu truyền câu ca dao nổi tiếng để nói về câu chuyện Huyền Trân như sau:
Tiếc thay cây quế giữa rừng
Để cho thằng Mán thằng Mường nó leo
Thực ra câu ca dao này đã có từ đời Lý, với ý nghĩa là thời đó có chính sách hòa hiếu với các tộc thiểu số (man dân), triều đình đã gả các công chúa quyền quý cho các tù trưởng miền Thượng du (đó là các tộc Mán, Mường ở phía Bắc, chứ không phải là người Chăm ở miền Trung), khác nào như cây quế để cho những phường phàm phu trèo leo vùi hoa dập liễu, tiếc thay cho thân thể ngọc ngà. Câu chuyện này gần khớp với chuyện Huyền Trân sau này, nên khi nhắc tới Huyền Trân Công Chúa, Phạm Duy đã nhắc lại câu ca dao “cây quế giữa rừng” là như vậy.
Câu “Ðất nước cháy theo với ngọn lửa thiêu…” là muốn nói về nguy cơ nàng Huyền Trân có thể phải lên dàn lửa thiêu tùy táng, nếu không có sự giải cứu kịp thời của Trần Khắc Chung để đưa về lại cố hương.
Đoạn khúc Nước Non Ngàn Dặm Ra Đi được đánh giá là hay nhất trong trường ca, và thường được tách ra thành một ca khúc riêng biệt. Đoạn này được lấy từ ý thơ của khúc hát dân gian “Nước Non Ngàn Dặm” theo điệu Nam Bình để kể về tâm tình nàng công chúa Huyền Trân.
Đoạn khúc 11: Gió đưa cành trúc la đà
Trời vừa tờ mờ sáng, lữ khách vội vã ra đi, và trong sớm tinh mơ nghe thấy giọng hò trên sông Hương bên chùa Thiên Mụ của cô gái Huế:
Cô gái Huế:
Ớ ơi hò! Ớ hò ơi…
Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Thiên Mụ canh gà điểm sương
Người về chưa ghé sông Hương
Ðã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay
Anh đi mau (ơ) để nối lại duyên may
Tình xưa là nghĩa cũ anh đắp xây cho thiệt bền
Ớ ơi hò! Ớ hò ơi…
Một lần nữa nhạc sĩ lại sử dụng ca dao tục ngữ đặc trưng của miền Trung, nơi có dòng sông Hương và tháp Thiên Mụ vẽ nên khung cảnh thơ mộng. Nhưng tiếc rằng vì chàng vội đi theo tiếng gọi của non sông, của tình người, nên o Huế tỏ lời tiếc nuối:
Người về chưa ghé sông Hương
Ðã nghe tiếng gọi đôi đường đắng cay
Nhưng ngay sau đó là lời cô gái thúc giục chàng lên đường để “nối lại duyên may”:
Anh đi mau (ơ) để nối lại duyên may
Tình xưa là nghĩa cũ anh đắp xây cho thiệt bền…
Chia tay xứ Huế, lữ khách qua đèo Hải Vân để về miền duyên hải:
Đoạn khúc 12: Tôi xa quê nghèo ruộng nghèo
Lữ khách:
Hò hô hò hò ơi hò
Tôi xa quê nghèo là ruộng nghèo
Tôi leo qua cồn cát à, vượt đèo Hải Vân
Hố hô hò khoan.
Hò hô hò hò ơi hò
Tôi trông én liệng là từng đàn
Tôi gọi đàn chim ơi kià là à chim
Hố hô hò khoan.
Dân miền Trung:
Vua Lê dắt lính vô Trung
Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông anh qua đèo
Ðể núi cao ngơ ngác trông theo
Ðễ tháp son thương nhớ trong chiều
Anh đi chân cứng đá mòn
Ði chưa thấy mỏi mà lòng còn say sưa
Biển thắm ru tiếng hát thiên thu
Làn gió xanh theo gót phiêu du.
Lữ khách:
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển sâu
Hương thơm là thoang thoảng à đất mầu miền Nam
Hố hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển giàu
Nghe nhịp cầu đã nối tình là à xưa
Hố hô hò khoan.
Lữ khách đã rời khỏi tỉnh Thừa Thiên Huế và đã về tới đèo Hải Vân và tiến thẳng về phía Nam. Trong tâm trạng tươi vui, người lữ khách ca vang những lời hát theo điệu hò khoan nổi tiếng vùng Nam Trung bộ để kể về hành trình của mình, và được người dân miền này đáp lại:
Vua Lê dắt lính vô Trung
Anh theo Chúa Nguyễn vượt Cù Mông anh qua đèo
Hai câu hát này thể hiện được quá trình mở mang bờ cõi của các đời vua chúa năm xưa. Nếu như đời vua của triều Hậu Lê nới rộng được vùng lãnh thổ tới ranh giới là tỉnh Bình Định ngày nay (Vua Lê dắt lính vô Trung), thì sau đó các đời Chúa Nguyễn còn lấn sâu hơn nữa, qua đèo Cù Mông để đến Phú Yên rồi dần dần đi sâu xuống phía Nam.
Người lữ khách háo hức vì đã gần đến được vùng phía Nam rồi:
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển sâu
Hương thơm là thoang thoảng (à) đất mầu miền Nam
Hố hô hò khoan
Hò hô hò hò ơi hò
Lênh đênh ven bờ là biển giàu
Nghe nhịp cầu đã nối tình (là à) xưa
Hố hô hò khoan.
Toàn bộ bản trường ca được thâu âm lần đầu tiên năm 1965 bởi Ban Hoa Xuân của Đài Phát thanh Sài Gòn (với Thái Thanh, Duy Khánh và Kim Tước, Thái Hằng, Nhật Trường, Trần Ngọc… và nhiều người khác) và ban nhạc Nghiêm Phú Phi, Y Vân, Đan Thọ cũng với sự soạn hòa âm của nhạc sĩ người Đức, Otto Soellner, và cả nhạc sĩ Phạm Duy điều khiển dàn nhạc.
Click để nghe Ban Hoa Xuân trình bày phần 2 – Qua Miền Trung của Con Đường Cái Quan bản thu âm lần đầu vào năm 1965
Kết thúc phần 2, mời các bạn đón đọc bài phân tích phần 3 của trường ca Con Đường Cái Quan, là phần đi vào đến miền Nam trù phú để kết thúc con đường nối liền một dải đất hình chữ S của người lữ khách.
Bài viết được các tác giả Nguyễn Minh Phước, Đông Kha và Nhạc Xưa biên soạn
Hiệu đính: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn