Phạm Đình Chương, Khánh Ngọc và chuyện tình “Nửa Hồn Thương Đau”

Cuộc hôn nhân đầy cay đắng của nhạc sĩ Phạm Đình Chương và người đẹp Khánh Ngọc đã được nhắc tới trong nhiều bài viết và bài báo trong nhiều năm sau đó. Đa số các bài viết đều lên án Khánh Ngọc và nói lên nỗi u uất của Phạm Đình Chương ngay sau khi ông chia tay vợ, nên đã sáng tác ngay bài hát “Nửa Hồn Thương Đau”.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Sự thực thì không hẳn là như vậy. Có thể đây là một vụ tai tiếng liên quan đến những nghệ sĩ tiếng tăm nhất của đương thời, nên đã có nhiều sự thêu dệt không đáng có của dư luận mà người trong cuộc cũng không tiện để giãi bày về sự thật.

Minh tinh điện ảnh Khánh Ngọc

Nói về ca sĩ, diễn viên Khánh Ngọc, bà đã thành danh trong làng nhạc từ những năm giữa thập niên 1950 đến đầu thập niên 1960. Khánh Ngọc được nhiều người biết với tên gọi “ngọn núi lửa”, bởi có vòng 1 hấp dẫn và thường quyến rũ khán giả say đắm mỗi khi bà lên hát.

Ngoài ra Khánh Ngọc còn là một diễn viên điện ảnh nổi tiếng trước cả Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng, Trang Thiên Kim, Kiều Chinh… Khán giả ngày hôm nay có thể không biết đến bà, nhưng trong ký ức những khán giả miền nam trước năm 1975 và nhất là những khán giả trên 70 tuổi thì Khánh Ngọc là một trong những ngôi sao thuộc thế hệ đầu tiên sáng chói trong làng điện ảnh Sài Gòn.

Khánh Ngọc tên thật là Hàn Thị Lan Anh, sinh năm 1937 tại Hà Nội, là kết tinh của mối tình mẹ Việt cha người Minh Hương. Thuở nhỏ, Lan Anh theo học trường Tàu cho đến trung học thì quay qua học chữ Pháp. Đến năm 1951, Lan Anh theo gia đình vào Nam. Nhờ học nhạc khi còn là nữ sinh, được thụ giáo môn dương cầm dưới sự hướng dẫn của nhạc sĩ Võ Đức Thu, Khánh Ngọc đi sâu vào ngành ca nhạc và được mời hát trên làn sóng điện của Đài phát thanh quốc gia và Đài Pháp Á Sài Gòn. Với giọng ca vàng của mình, Khánh Ngọc gia nhập ban hợp ca Thăng Long và đã hai lần theo ban hợp ca này ra Bắc trình diễn vào năm 1952 – 1953.

Không thể so với giọng ca vượt thời gian Thái Thanh nhưng thời gian này Khánh Ngọc cũng là một giọng ca có hạng. Tuy vậy, Khánh Ngọc vẫn còn ước mơ xa hơn đó là vòm trời điện ảnh. Bà đã một lần tâm sự trên mặt báo: “Tôi mê thành diễn viên màn bạc từ lâu lắm, chẳng nhớ là từ bao lâu, nhưng có điều chắc chắn là ngay từ hồi bé tí tôi đã mê những Shirley Temple, Mickey Rooney, Deanna Durbin. Tôi thường vẫn nói với tụi bạn bè “ôn con” của tôi hồi đó: “Tao mê chúng nó quá biết bao giờ mình mới được đóng xi nê như thế nhỉ?” (Tuần báo Truyện Phim số 46 – 1958).

Không biết vận may hay vận rủi cho đời bà khi “giấc mơ điện ảnh đã đến với tôi trong một đêm đẹp trời giữa lúc tôi không ngờ nhất”. Vào một đêm cuối năm 1955, sau khi trình diễn ca nhạc tại một rạp chiếu bóng ở Sài Gòn, Khánh Ngọc đã được các chuyên viên điện ảnh Mỹ và Philippines đại diện cho một hãng điện ảnh Philippines sang hợp tác với Việt Nam sản xuất bộ phim Exodus và đang đi tìm một nữ diễn viên. Sau đó, Khánh Ngọc đã được đạo diễn César Amigo chọn đóng chung với các nam tài tử Philippines. Trong phim còn xuất hiện hai chị em Thái Thanh, Thái Hằng và Phạm Duy. Rồi từ bộ phim này, Khánh Ngọc đi hẳn vào con đường điện ảnh bằng vai chính trong phim Đất lành đóng với Lê Quỳnh (chồng ca sĩ Thái Thanh), Lê Thương và Kiều Hạnh, rồi tiếp theo là cuốn phim màu Chim lồng do chính Phạm Duy viết kịch bản.

Cuộc tình vụng trộm đầy tai tiếng

Khánh Ngọc cũng là người vợ được nhạc sĩ Phạm Đình Chương hết mực thương yêu. Thời gian đó nhạc sĩ Phạm Đình Chương đã nghe phong phanh tin không hay về vợ của mình, nhưng vì tình yêu nên ông vẫn tin tưởng vợ và bỏ ngoài tai tất cả những nguồn tin “lá cải” ấy, cho đến khi biết được sự thật không thể phủ nhận được. Vào những năm đầu của thập kỷ 60, báo chí Sài Gòn xôn xao vụ ly hôn của vợ chồng ca nhạc sĩ Phạm Đình Chương – Khánh Ngọc. Sự tan vỡ của gia đình tiếng tăm thời bấy giờ được dư luận quy cho cuộc tình vụng trộm giữa ca sĩ Khánh Ngọc và “tình địch” không ai chính là nhạc sĩ Phạm Duy.

Khi đó thì Phạm Đình Chương, Phạm Duy, Khánh Ngọc cùng ở trong ban hợp ca Thăng Long, có thêm Thái Thanh, Thái Hằng và Hoài Trung.

Đại gia đình Thăng Long: hàng trên: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Hoài Trung, hàng dưới: Thái Hằng, Khánh Ngọc, Thái Thanh

Phạm Đình Chương và Khánh Ngọc

“Thăng Long” bị chôn sống sau địa chấn.

Nhà văn Mai Thảo kể, người rời bỏ đầu tiên khỏi “bản doanh” đại gia đình Thăng Long ở đường Bà Huyện Thanh Quan là Phạm Duy và Thái Hằng. Phần còn lại gồm cả “Bà mẹ Thăng Long” (thân mẫu nhạc sĩ Phạm Đình Chương), dọn về một ngôi nhà nhỏ ở đường Võ Tánh.

Đó là thời gian Phạm Đình Chương sống những ngày gần như cắt đứt mọi liên hệ xã hội. Ông chỉ tiếp xúc với một số bằng hữu thân thiết, giới hạn.

Cũng theo lời kể của nhà văn Mai Thảo, đang từ một “tay chơi” một “star”, thần tượng của giới trẻ thời đó, Phạm Đình Chương đã lột xác thành kẻ khác.

Ông thay đổi hoàn toàn, không còn một chút để ý quần áo, ăn mặc, tới sự tắt ngấm nụ cười. Ông trở thành một người không chỉ kiệm lời, đôi khi còn bẳn gắt nữa.

Mai Thảo, tác giả tiểu thuyết “Mười đêm ngà ngọc” – một truyện dài viết về gia đình Thăng Long, nói:

“Nhiều khi cả ngày Hoài Bắc không mở miệng. Nhưng số anh em thân, vẫn lui tới, không bảo nhau, chúng tôi tôn trọng sự im lặng của Hoài Bắc. Chúng tôi tìm mọi cách, nghĩ đủ mọi chuyện chỉ với mục đích sao cho bạn vui. Bạn có thể có lại nụ cười… ”

Trái với một vài bài viết cho rằng ngay sau đó, Phạm Đình Chương đã sáng tác một số ca khúc như “Nửa Hồn Thương Đau” hay “Người Đi Qua Đời Tôi”, “Khi Cuộc Tình Đã Chết”… như một phản ứng tức khắc với phần số.

Sự thực không phải như vậy. Dư chấn của thảm kịch đã giảm thiểu mọi hoạt động của nhạc sĩ Phạm Đình Chương một thời gian khá dài, kể cả việc sáng tác ca khúc. Nó như một dấu lặng (bất thường) trong âm nhạc. Vì vậy ca khúc Nửa Hồn Thương Đau không phải là được ông sáng tác trong thời gian này.

Phạm Đình Chương và Nửa Hồn Thương Đau

Bản nhạc “Nửa Hồn Thương Đau” được Phạm Đình Chương viết xong vào năm 1970 (10 năm sau khi chia tay Khánh Ngọc), tại Đêm Mầu Hồng, đường Tự Do theo yêu cầu của ông Quốc Phong, giám đốc Liên Ảnh Công Ty, để dùng cho cuốn phim Chân Trời Tím do công ty này sản xuất.

Toàn bản nhạc do chính Phạm Đình Chương đặt lời. Chỉ duy nhất có hai câu cuối bài trích ở tác phẩm Lệ Đá Xanh, thơ Thanh Tâm Tuyền, nhạc Cung Tiến mà thôi.

Khi được hỏi tại sao chỉ còn hai câu chót mà “Nửa Hồn Thương Đau” lại phải mượn nhạc Cung Tiến thì Phạm Đình Chương cho biết:

“Khi tôi nhận lời viết một nhạc phim cho phim “Chân trời tím”, Quốc Phong chi ngay tiền tác quyền. Trước sự điệu nghệ của bạn, tôi đã bắt tay vào việc sáng tác. Thời gian tôi dành cho ‘Nửa hồn thương đau’ không nhiều lắm. Nhưng khi tới phần “coda” tức là lúc phải đi ra, kết thúc ca khúc, tôi loay hoay không biết phải viết sao cho hợp với nội dung bản nhạc. Nghĩ thời hạn “nộp bài” còn xa, tôi cất nó đi. Bất đồ, một buổi tối Quốc Phong ghé lại ‘Đêm mầu hồng’ đòi nợ. Bảo là mọi chuyện đã sẵn sàng, ê kíp quay đã ‘bấm máy’, chỉ còn thiếu nhạc phim thôi. Quốc Phong gia hạn cho tôi tối đa hai ngày. Ông biết mà, tôi làm gì được với hai ngày phù du đó! May sao khi ấy, trên nóc chiếc piano của tôi lại có bài ‘Lệ đá xanh’ của Cung Tiến, phổ thơ Thanh Tâm Tuyền. Tôi thấy cái coda bài này có vẻ thích hợp với ‘Nửa hồn thương đau’, thêm nữa, cả hai đều là bạn rất thân; thế là… ‘a lê hấp’, tôi dùng ngay cái ‘coda’ đó. Và tôi có ghi rõ là tôi ‘mượn’ của Cung Tiến…”

Nhìn lại giai đoạn “hậu địa chấn” bi kịch vùi dập đời riêng của Phạm Đình Chương, kể từ cuối thập niên 1950 tới 1967, những người theo dõi sáng tác của ông trong giai đoạn này, hầu như không tìm thấy một ca từ nào mang tính kết án, nguyền rủa hay, thù oán… Mà trái lại.

Ngay ca khúc “Nửa Hồn Thương Đau” được dư luận nhắc tới, bàn tán nhiều nhất và đề quyết rằng Phạm Đình Chương viết ca khúc này nhằm gửi tới người bạn đời đã chia tay trong quá khứ của ông, thì “đỉnh điểm” của ca từ cũng chỉ là những câu hỏi ném ngược về quá khứ. Như một tỏ-tình-với-dĩ-vãng. Một nâng-niu-vết-sẹo-định-mệnh:

“Nhắm mắt ôi sao nửa hồn bỗng thương đau
ôi sao ngàn trùng mãi xa nhau
hay ta còn hẹn nhau kiếp nào?
Anh ở đâu?
Em ở đâu?”

Từ góc độ này, có người đã kết luận, nhạc sĩ Phạm Đình Chương không chỉ lớn lao ở tài năng, mà ông còn lớn lao ở phong cách đối mặt với thảm kịch và, ăn ở với người, với đời nữa.

Ngay với ca khúc tựa đề “Người Đi Qua Đời Tôi” thì ông cũng đã chọn câu thơ như một câu hỏi, có thể làm nao lòng người nghe là: “Em đi qua đời anh / không nhớ gì sao em?”

Bà Khánh Ngọc giờ ra sao?

Sau khi ly hôn và giao đứa con trai khoảng 4 tuổi lại cho nhạc sĩ Phạm Đình Chương nuôi. Năm 1961 bà Khánh Ngọc qua Mỹ học về điện ảnh. Trong một cuộc phỏng vấn được đưa lên Youtube do bà Tuyết Mai thực hiện tại Florida vào năm 200, người viết thấy bà Khánh Ngọc còn đẹp, nhất là nhìn hấp dẫn lắm, ánh mắt rất đa tình, ác liệt, miệng rộng, hơi móm nhưng duyên dáng. Bà nhắc lại những giai đoạn ca hát như ở trên. Có lẽ bà Tuyết Mai nóng ruột tò mò muốn hỏi về những chuyện riêng của “ngày xưa” nhưng ý tứ không dám sỗ sàng. Riêng bà Khánh Ngọc lúc nào cũng cười khi nhắc đến ban hợp ca Thăng Long, thái độ bà rất thản nhiên. Bà cho biết khi qua Mỹ bà gặp một du học sinh, và hai người hiểu nhau rồi kết hôn. Hiện bà có 3 người con và đang sống hạnh phúc tại Losan. Bà vẫn thường xuyên đi đây đó ca hát trong những hội đoàn cộng đồng bè bạn và ao ước được về sống tại Việt Nam trong những ngày cuối đời.

nhacxua.vn biên soạn
(Sử dụng tư liệu của các tác giả Thúy Vi, Du Tử Lê, Lê Văn Nghĩa, Tuyết Mai)

Exit mobile version