“Ngày mai đám cưới người ta
Cớ sao sơn nữ Phà Ca lại buồn”.
Hồi nhỏ, tôi thường nghe mấy đứa bạn trong xóm nghêu ngao hát 2 câu này. Câu thơ buồn thảm như vậy, mà tụi bạn hát nghe vui tai không chút ưu tư sầu muộn. Chẳng qua câu thơ mở đầu trong tuồng cải lương “Người vợ không bao giờ cưới” hay “Sơn Nữ Phà Ca” đã thoát khỏi không gian sân khấu đi vào đời sống dân gian trở thành lối nói thơ, thành lời nói cửa miệng bông đùa, thậm chí thành lời ru con nhỏ.
Thật ra, mỗi một nội dung của vở tuồng Người vợ không bao giờ cưới hay Sơn Nữ Phà Ca hoặc có khi tên tuồng lại là Tâm Sự Sơn Nữ Phà Ca do các nghệ sĩ thủ vai chính như Thanh Nga, Út Bạch Lan hoặc Bạch Tuyết đều có thay đổi những chi tiết nhỏ trong lời thơ dẫn chuyện nhưng câu thơ trên luôn có trong tuồng tích. Sáng tác kịch bản Ðời sơn nữ nguyên do soạn giả Quy Sắc (tên thật là Nguyễn Phú Quý) viết. Nhưng khi đưa cho thi sĩ Kiên Giang xem, ông ồ lên một tiếng khen “quá hay” và Quy Sắc nhờ Kiên Giang chỉnh sửa thành vở cải lương được ký dưới cái tên Phúc Nguyên-Kiên Giang (Phúc Nguyên là tên con trai lớn của ông Quy Sắc).
Thanh Nga và mẹ
Tuồng được bà Bầu Thơ (má của Thanh Nga) chủ đoàn Thanh Minh quyết định chọn đứa con gái lớn của mình vào vai nữ chính Phà Ca. Lúc đó, việc chọn Thanh Nga vào vai nữ chính là điều làm bà Bầu Thơ khó xử vì sợ cho cô gặp những điều không may trong đường tình duyên dang dở như cô sơn nữ Phà Ca. Thế nhưng, nhiều ý kiến của tác giả kịch bản và những nghệ sĩ trong đoàn, không ai tài sắc vẹn toàn được như Thanh Nga và qua tài năng các vai diễn từ hồi còn nhỏ cho đến lúc này đủ minh chứng cô có thể trở thành một ngôi sao sáng trên sân khấu cải lương.
Thanh Nga nhận giải Thanh Tâm năm 16 tuổi
Và đúng thật, Người vợ không bao giờ cưới công diễn vào năm 1958, đã đưa tên tuổi cô đào nhỏ toả sáng trên bầu trời cải lương, giành huy chương vàng giải Thanh Tâm (Giải diễn viên triển vọng xuất sắc nhất trong năm do ký giả Trần Tấn Quốc thành lập) khi Thanh Nga tròn 16 tuổi. Cha dượng của Thanh Nga là nghệ sĩ Năm Nghĩa mất, đầu năm 1960 bà Bầu Thơ đổi bảng hiệu đoàn Thanh Minh thành Thanh Minh-Thanh Nga vì bắt đầu giai đoạn này, Thanh Nga đã thật sự nổi tiếng với nhiều tuồng hát chung với các nghệ sĩ tài danh như Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Ðược, Dũng Thanh Lâm, Việt Hùng, Hoàng Giang, Năm Châu, Ba Vân, Tám Vân, Minh Vương, Hùng Cường, Út Bạch Lan, bà Năm Sađéc.
Và nhóm từ ngữ “thanh minh thanh nga” từ đó xuất hiện trong ngôn ngữ bình dân của người Sài Gòn và cả miền Nam hồi đó. Thanh minh là động từ với nghĩa giải thích cho người ta hiểu rõ, tránh hiểu lầm chuyện gì đó. Nay lại ghép thêm chữ thanh nga cũng không mang một nghĩa gì khác hơn mà xem như một cặp từ ghép nói cho xuôi miệng, thí dụ: “Chuyện đã rõ mười mươi sao còn thanh minh thanh nga gì nữa!”.
Trong thời gian nhận giải Thanh Tâm, giọng ca và hương sắc của Thanh Nga bắt đầu được công chúng khắp nơi ái mộ. Nhiều thương gia, công tử con nhà giàu, quan quyền si mê theo đuổi Thanh Nga. Theo chuyện kể của soạn giả Nguyễn Phương, người từng gắn liền với nhiều kịch bản cho đoàn, liệt kê cả một danh sách “cây si” trong đó có Vương Ðạo Nghĩa chủ hãng kem đánh răng Hynos. Chuyện hư thực ra sao âu cũng là chuyện kể của những nhân vật xung quanh sân khấu ngoài đời. Ông Vương Ðạo Nghĩa ngoài chuyện thích giọng ca Thanh Nga, từ đó dẫn đến yêu mến cả đoàn Thanh Minh Thanh Nga nổi tiếng cùng thời, gợi ý với bà Bầu Thơ cùng nhau quảng bá thương hiệu thu hút khán giả và khách hàng.
Các nghệ sĩ của đoàn Thanh Minh Thanh Nga
Ba của người bạn tôi là kỹ sư hoá làm cho công ty kem đánh răng Hynos, hồi sinh thời có kể cho chúng tôi nghe vài câu chuyện nghề nghiệp mà lúc đó tôi không quan tâm, nghĩ là những chuyện ấy chỉ kể cho vui quanh bàn ăn tối. Ông Nghĩa, không tiếc chi phí quảng bá sản phẩm. Mỗi khi đoàn Thanh Minh Thanh Nga hát ở rạp nào, là ông chủ cho người mang kem Hynos và bàn chải đánh răng đến. Ðây là dạng quà tặng cho khán giả mua vé vừa giúp cho đoàn hát bán được nhiều vé hát vừa quảng cáo kem đánh răng anh Bảy Chà.
Thanh Nga cùng bà ngoại và các em hồi còn nhỏ
Trong số người theo đuổi Thanh Nga có chủ bút tờ Thương Mại Sài Gòn Nguyễn Văn Tài, nguyên là người có bằng cao học bên Pháp về, ứng xử lịch thiệp. Sau một thời gian qua lại, trái tim Thanh Nga bắt đầu rung động. Nhưng rồi đột nhiên, anh ta biến khỏi cuộc đời không lời từ biệt!? Chuyện này làm cho Thanh Nga ưu uất buồn tủi suốt một thời gian. Soạn giả Nguyễn Phương thú nhận, để làm cho Thanh Nga khuây khoả, quên đi tình yêu không đoạn kết, ông viết một vở tuồng Chuyện tình 17 và làm một bài thơ riêng tặng Thanh Nga:
“Có một nàng con gái
Vừa mới biết mộng mơ
Hoa ân tình chớm nở
Ðã mang sầu vào thơ
Ngồi thường đếm lá rụng
Ðón gió chiều thướt tha…”
Và cũng từ đây, Thanh Nga mang nỗi buồn của mình chất chứa vào thơ. Những bài thơ cô đưa cho thi sĩ Kiên Giang xem khiến ông phải ngạc nhiên cho một giọng thơ day dứt giữa nghề và đời. Chuyện này làm cho bà Bầu Thơ lo âu, khuyên lơn Thanh Nga: “Làm thơ thì buồn! Thi sĩ thì nghèo như chú Kiên Giang đó. Con học cái khác đi! Học hát, học ca thì phải cái nghề của con rồi, đó là nghề của cả gia đình mình. Con học nhiều thứ quá, nó rối trí, má xin con đừng làm thơ nữa”.
Nỗi buồn theo thời gian rồi cũng nguôi ngoai. Thế nhưng sóng gió tình trường khác lại đến. Trong thời gian Thành Ðược về hợp tác với đoàn Thanh Minh, chàng nghệ sĩ tài hoa này để ý đến cô đào chính, mặc dầu ông có cuộc sống hôn nhân với cô đào nổi danh Út Bạch Lan.
Thanh Nga và Thành Được
Tuy vậy, cuộc tình tay ba kéo dài không bao lâu, Thanh Nga quyết định chia tay với Thành Ðược và tuyên bố kết hôn với đại úy Nguyễn Minh Mẫn khiến mọi người đều bất ngờ. Ðại úy Mẫn là người phụ trách an ninh kho Long Bình, ông kiên trì theo đuổi Thanh Nga bởi vẻ đẹp sang trọng và giọng ca sáng chói trên sân khấu. Tháng 11 năm 1967, Thanh Nga và Ðại úy Mẫn tổ chức lễ cưới long trọng tại Sài Gòn, mặc dù đám cưới của họ chỉ là một lễ cưới về hình thức chứ không có giá thú.
Thế rồi, một mối tình khác lại đến với Thanh Nga, sau chuyến lưu diễn sang Pháp vào năm 1969 của đoàn Thanh Minh Thanh Nga do Bộ Thông Tin tổ chức. Lúc đó, Ðổng lý văn phòng Bộ Thông Tin là ông Phạm Duy Lân đã đệ trình lên chính phủ ba đoàn là Kim Chung, Dạ Lý Hương và Thanh Minh Thanh Nga để bình chọn. Cuối cùng đoàn của bà Bầu Thơ được chọn do có nhiều thành tích trong các vở tuồng được khán giả yêu thích, nhiều đào kép nổi tiếng, nhất là giọng ca của Út Trà Ôn.
Thời gian sau, Thanh Nga chấm dứt cuộc hôn nhân không giá thú với đại úy Mẫn, kết hôn với ông Phạm Duy Lân vào năm 1972 và cuộc hôn nhân kéo dài cho đến năm 1978 thì một biến cố ập đến cướp đi sinh mạng của cả hai vợ chồng. Hôm đó, sau khi hát xong tuồng Thái hậu Dương Vân Nga tại rạp Cao Ðồng Hưng, chiếc xe hơi chở hai vợ chồng cùng đứa con nhỏ 6 tuổi (nay là nghệ sĩ hài Hà Linh) vừa dừng trước cổng nhà trên đường Ngô Tùng Châu vào lúc giữa khuya thì mấy tiếng su’ng chát chúa nổ vang. Theo tài xế riêng của gia đình khai báo thì đây là một vụ bắt cóc, hai vợ chồng Thanh Nga vừa giành lại con vừa la “cướp, cướp” bị bă’n trọng thương, khi đưa vào bệnh viện Sài Gòn thì qua đời, may mắn đứa con thoát nạn do được Thanh Nga ôm trọn vào lòng.
Có thể còn những nguyên nhân khác, đến nay vẫn là những nghi vấn chưa có lời giải.
Theo Nguyên Trang (treweekly.com)