Nỗi niềm tha hương trong ca khúc “Xuân Này Con Không Về” (Trịnh Lâm Ngân)

Có một sự tương đồng giữa 2 ca khúc nhạc mà người Việt thường mở nghe vào dịp Tết đến Xuân về, Đó là ca khúc Xuân Này Con Không Về của nhóm nhạc sĩ Trịnh Lâm Ngân và bài nhạc ngoại Happy New Year của nhóm nhạc Thụy Điển ABBA. Hai ca khúc được ra đời cách nhau hơn 10 năm, đều có nội dung rất buồn, có phần u ám, tưởng như là không thích hợp chút nào cho một dịp đáng để được vui mừng chào đón là ngày đầu năm. Tuy nhiên, hơn 50 năm qua, ca khúc Xuân Này Con Không Về vẫn được yêu thích, tương tự là với bài Happy New Year đặc biệt được người Việt yêu thích nhiều năm qua.

Điều đó thể hiện sự đa dạng cảm xúc trong mỗi người, bên cạnh những phút giây vui vầy ngày xuân, thì đằng sau đó còn có nhiều số phận buồn khổ. Thời xưa buồn vì lửa binh ly loạn, ngày nay buồn vì xa quê, vì xuân đến nhưng còn nhiều người con xa xứ không thể về được bến mái nhà ấm êm, và đặc biệt là cả thể giới vừa trải qua một năm kinh hoàng, nên người ta càng có lý do để buồn khi nhìn xuân về nhưng lòng đầy ưu tư trĩu nặng…


Click để nghe Duy Khánh hát trước 1975

Với ca khúc Xuân Này Con Không Về được sáng tác vào cuối thập niên 1960, có rất nhiều người kể lại rằng vào thời đó, mỗi dịp đầu năm ở nơi tiền đồn, anh lính nào mà nghe Duy Khánh hát bài này là chỉ muốn buông súng để về ngay dưới mái tranh nghèo:

Con biết bây giờ mẹ chờ tin con
khi thấy mai đào nở vàng bên nương
Năm trước con hẹn đầu xuân sẽ về
nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa

Bài hát mở đầu bằng lời tâm sự của người con gửi đến mẹ nơi quê nhà. Ngày đầu xuân là dịp để đoàn tụ vui vẻ hạnh phúc bên những người thân yêu, vậy mà con vẫn đang ở chốn biên thùy, Tết vẫn còn xa biền biệt. Con biết khi thấy mai đào nở cũng là lúc mẹ đang mỏi mắt ngóng chờ đứa con còn ngàn dặm ở phương xa. Mai đào tươi sắc trên cành mà lòng mẹ vẫn chưa vui khi các con của mẹ chưa quây quần đông đủ dưới mái tranh nghèo.

“Nay én bay đầy trước ngõ mà tin con vẫn xa ngàn xa” – Lời ca mang lại niềm thương cảm cho người nghe nhạc, thương cho mẹ già nhìn én bay đầy đón chào mùa xuân mà con trai của mình thì biền biệt không thấy về. Con đã bao năm xa nhà, chỉ ước mong được về bên mẹ để đón xuân, mà xuân thì về rồi mà thân trai vẫn còn xa xôi cách trở, nhìn xuân về chạnh lòng nhớ mẹ già đang mòn mỏi ngóng tin con.

Ôi nhớ xuân nào thuở trời yên vui
nghe pháo giao thừa rộn ràng nơi nơi
bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng
trông bánh chưng chờ trời sáng
đỏ hây hây những đôi má đào

Người lính trẻ ở đồn xa nhìn xuân về khắp nơi nơi, lòng chạnh nhớ thuở nào xuân về yên vui đến khắp mọi người, một thuở xuân thanh bình rộn rã tiếng pháo giao thừa đón mừng năm mới. Tiếng pháo vẫn còn âm vang mãi trong ký ức càng làm cho người chạnh nhớ quê nha. Nhớ đêm giao thừa năm nào chờ sáng “bên mái tranh nghèo ngồi quanh bếp hồng”, cả nhà nôn nao nhìn nồi bánh chưng với ánh lửa bập bùng sáng trong đêm tối. Câu hát: “Trông bánh chưng chờ trời sáng – Đỏ hây hây những đôi má đào” cứ đọng lại trong lòng người nghe nhạc hình ảnh ấm êm thân quen của bếp lửa hồng reo vui tí tách trong đêm xuân, ngồi quanh nồi bánh tét bánh chưng ngày xưa mà nhà nào ở miền quê ai cũng có một đôi lần trải qua để còn nhớ mãi…

Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm,
mái tranh nghèo không người sửa sang
Khu vườn thiếu hoa vàng mừng xuân

Đàn trẻ thơ ngây chờ mong anh trai
sẽ đem về cho tà áo mới
ba ngày xuân đi khoe xóm giềng

“Nếu con không về chắc mẹ buồn lắm”, vì cảnh nhà đơn chiếc không có ai sửa sang lại mái tranh nghèo để mừng xuân. Nếu con không về, lấy ai vun trồng cho khu vườn quê nhà mình có hoa vàng đón Tết. Mẹ thì đau yếu, các em thì còn thơ trẻ thì lấy ai cậy nhờ việc nhà. Mái tranh nghèo không người sửa sang, khu vườn thiếu bàn tay lao động chính vun trồng nên thiếu cả hoa vàng, nên mùa xuân mà con không về là thiếu cả không khí vui tươi nửa mùa xuân.

Và còn một bầy em nhỏ ngây thơ thì chờ anh trai về mới có áo mới để “ba ngày xuân đi khoe xóm giềng”. Lời nhạc bình dị phản ảnh hoàn cảnh của những mùa xuân đón tết nghèo của miền quê, làm cho người nghe nhạc chạnh lòng thương nhớ về những mùa xuân xưa của mình, mỗi năm đều chờ mong được nhanh đến Tết mới có được tà áo mới để đi khoe khắp nơi.

Con biết không về mẹ chờ em trông
nhưng nếu con về bạn bè thương mong
bao lứa trai cùng chào xuân ᴄhιến trường
không lẽ riêng mình êm ấm
Mẹ ơi con xuân này vắng nhà

“Con biết không về mẹ chờ em trông, nhưng nếu con về bạn bè thương mong” là tâm sự của người trai thời loạn, một bên là nợ nước và một bên là tình nhà, để rồi chàng trai nặng nợ sông hồ phải ở lại vui xuân ᴄhιến trường với bạn bè.

Suốt bài hát như một lá thư xuân gửi về cho mẹ dàn trải tâm sự của một người con xa nhà về mùa xuân nay con không được về nhà. Ca khúc đã được mọi người yêu mến hát lên mỗi độ xuân về, hợp cảnh tình xuân về mà con vẫn không được về quê cho đến bây giờ, nhất là những người con xa quê nhà đi làm ăn xa, những ngày cận Tết càng thấm thía hơn nỗi buồn đón xuân, với lời hát đầy ắp tình cảm của người con ly hương gửi về quê mẹ: ”Xuân này con không về”.

Bài: Trương Đình Tuấn
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version