Nỗi lòng “Xuân Nghèo” trong một bài nhạc xuân hải ngoại: “Dù nghèo nhưng cũng ráng đón Xuân…”

Khoảng nửa đầu thập niên 1990 có thể xem là thời kỳ vàng son của nhạc hải ngoại. Hàng ngàn băng đĩa đã được sản xuất trong thời kỳ này đã được người Việt ly hương trên khắp thế giới cầm trên tay và nghe đi nghe lại những ca khúc đậm chất Việt, để thỏa nỗi nhớ về quê hương đã xa nghìn trùng. Và dĩ nhiên, các loại băng đĩa hải ngoại đó cũng được tuồn về Việt Nam để người yêu nhạc vẫn có thể tiếp cận với những ca khúc đã từ lâu không còn được lưu hành ở trong nước.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Từ lâu, chúng ta có khái niệm “nhạc xuân hải ngoại”, thường là những bài nhạc vàng bất hủ viết về mùa xuân được thu âm tại hải ngoại, mà đa số là vào cuối thập niên 1980, đầu thập niên 1990. Trong những ca khúc nhạc xuân hải ngoại đó, có một bài hát có lẽ đã quen thuộc với nhiều người, mỗi lần nghe là lại gợi về kỷ niệm xưa, bài hát Xuân Nghèo (tên khác là Nghèo Cũng Đón Xuân):

Dù nghèo nhưng cũng ráng đón Xuân
Không lẽ đầu năm cứ lạnh lùng
Bôn ba không qua thời vận
Bây giờ còn trong lận đận
Tết nghèo Xuân có bâng khuâng.

Một nhành mai cũng quý thôi
Dưa mứt tượng trưng cũng được rồi
Xa hoa không qua phận bạc
Thôi thì đừng nên bận bịu
Chúc mừng Năm Mới thân yêu

Bài hát này mang nội dung đồng cảm với nhiều thân phận, nhiều gia đình Việt Nam ngày xưa (và cả ngày nay), nên dù là một sáng tác sau năm 1975 nhưng vẫn nổi tiếng không kém bài hát xưa. Mặc dù vậy tác giả của ca khúc này vẫn được ghi là “khuyết danh”.


Click để nghe Mạnh Quỳnh hát

Mở đầu ca khúc là câu hát Nghèo nhưng cũng “ráng” đón xuân. Vì sao lại phải “ráng”? Có lẽ là vì từ xa xưa, Tết cổ truyền của người Việt là dịp để nghỉ ngơi, dù sang giàu như thế nào thì 3 ngày Tết ai cũng tạm nghỉ làm lụng để đón năm mới. Nếu giàu sang thì sẽ bày biện cầu kỳ để đón xuân tưng bừng, còn nếu nghèo thì “một cành mai cũng quý thôi”, dù điều kiện khó khăn nhưng ngày Tết ai cũng có thể có được cặp bánh chưng bánh tét, dưa mứt tượng trưng, để tạm gọi là đầy đủ và mong cầu cho một năm mới được bình an và sung túc hơn.

Có lẽ những người sống một thời gian đủ lâu thì sẽ thấu được nỗi tâm tư “bôn ba không qua thời vận”. Ai cũng có một thời tuổi trẻ bôn ba, nhưng rốt cuộc sự thành bại thường là do thời vận. Dù cho sự cố gắng như nhau, nhưng có người sẽ công thành danh toại, có người thì vẫn phải bôn ba. Điều đó được người xưa đúc kết lại rằng do phận số của mỗi người.

Vì vậy khi năm hết Tết đến thì dù nghèo cũng hãy tận hưởng mùa xuân, “đừng nên bận bịu” mà hãy cho phép mình được thong thả trong mấy ngày đầu năm, mọi người cùng tạm bỏ qua tất cả nỗi lo toan cơm áo gạo tiền để chúc mừng năm mới đến.

Tôi chúc riêng tôi, và chúc cho người
Hạnh phúc trọn đời một mùa Xuân vui
Điều may đưa tới, lối mộng chung đôi

Hoa mai đào nở mừng Xuân rực rỡ
Thương mến vô bờ, tình Xuân thắm màu
Nghèo cũng như giàu đầm ấm như nhau

Những lời chúc thật giản dị và đầy tình người. Tôi không chỉ chúc cho riêng tôi, mà cầu chúc cho tất cả mọi người được hưởng trọn một mùa xuân vui có nhiều điều may mắn, những ai còn đơn côi thì sẽ được lối mộng chung đôi.

Hoa mai hoa đào đã thắm tươi rực rỡ tràn khắp lối nhỏ, và trong niềm hân hoan này, xin cầu chúc cho thế gian – không phân biệt sang hèn, sẽ đều được đầm ấm và bình an trong mùa xuân và trong suốt cả một năm sắp đến.

Bài: Đông Kha
Bản quyền bài viết của nhacxua.vn

Exit mobile version