Nỗi lòng của “anh hàng xóm” trong 2 ca khúc nổi tiếng Cô Hàng Xóm và Yêu Một Mình

Trong làng nhạc vàng trước 1975, có những trường hợp các nhạc sĩ cùng nhau hợp tác để viết nhạc, cho ra đời rất nhiều ca khúc nổi tiếng và được yêu thích suốt hơn nửa thể kỷ qua, nổi tiếng nhất là 2 nhóm nhạc sĩ Lê Minh Bằng (Lê Dinh, Minh Kỳ, Anh Bằng) và nhóm Trịnh Lâm Ngân (Trần Trịnh và Nhật Ngân).

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Hai nhóm nhạc sĩ cùng sáng tác đa dạng thể loại, từ tình cảm, nhạc lính, nhạc kích động, nhạc thất tình…

Trong dòng nhạc tình cảm, viết về tình yêu không thành vì sự “môn đăng hộ đối”, 2 nhóm nhạc sĩ đã có 2 ca khúc mang nội dung khá tương đồng với nhau, đó là bài Cô Hàng Xóm (Lê Minh Bằng) và Yêu Một Mình (Trịnh Lâm Ngân).

Có thể nói 2 ca khúc này mang đầy đủ những tính chất tiêu biểu nhất của thể loại nhạc vàng: đều là giai điệu bolero, câu chuyện trong bài hát đơn giản nhưng sâu lắng, dễ đi vào lòng người, phù hợp với tâm trạng của đa số giới nghe nhạc phổ thông, và đặc biệt là có kết thúc thật buồn…

Điểm chung của 2 bài hát này là đều nói về tình yêu đơn phương của chàng trai, yêu nhưng không dám nói, vì tự biết thân phận mình hèn mọn, không thể mang đến một cuộc sống đầy đủ, tương xứng với người con gái. Cô gái này có thể cũng có tình cảm với chàng trai, vì vậy nên dù chàng trai có hát hò dở tệ nhưng vẫn khen:

Tôi ca không hay tôi đàn nghe cũng dở
Nhưng nàng khen nhiều và thật nhiều
Làm tôi thấy trong tâm tư xôn xao
Như lời âu yếm mặng nồng
Của đôi lứa yêu nhau (Cô Hàng Xóm – Lê Minh Bằng)

Dù vậy, chàng trai vẫn không thể ngỏ lời vì biết thân phận bọt bèo của mình:

Hai năm trôi qua, nhưng tình không dám ngỏ
Tôi sợ thân mình là bọt bèo
Làm sao ước mơ duyên tơ mai sau
Tôi sợ ngang trái làm mộng đời
Chua xót thương đau…


Click để nghe Duy Khánh hát Cô Hàng Xóm trước 1975

Dù không dám ngỏ lời, rồi dẫn đến chia xa khi nàng bước sang ngang, nhưng chàng trai trong bài Cô Hàng Xóm vẫn còn may mắn vì dù sao cũng đã có nhiều kỷ niệm với người yêu để mà ghi nhớ. Còn chàng trai trong bài Yêu Một Mình thì buồn tủi hơn, chỉ giữ lòng mình lặng câm cho đến khi cô gái kia “ván kia bây giờ đóng thuyền rồi”:

Đôi ta đứa đầu sông cuối sông
Bao nhiêu cách trở mình em thôi
Đôi khi thấy lòng mình bâng khuâng
Biết ngỏ lời cùng ai, nghĩ rồi câm nín hoài (Yêu Một Mình – Trịnh Lâm Ngân)

Một điều đáng chú ý trong ca khúc Yêu Một Mình là câu hát:

Chiều nao pháo bay đầy trước ngõ
Tạ từ thơ ngây, Giáng Hoa đi lấy chồng…


Click để nghe Dạ Hương hát Yêu Một Mình trước 1975

Trong tờ nhạc xuất bản trước năm 75 của bài hát này, nhạc sĩ cố ý ghi là Giáng Hoa – viết hoa, hàm ý nhắc đến tên một người con gái, chứ không phải là “dáng hoa” như nhiều người lầm tưởng. Có thông tin cho rằng Giáng Hoa là tên của người con gái mà nhạc sĩ Nhật Ngân theo đuổi, nhưng rồi đành phải đưa nàng sang sông, giống như những gì ông đã viết trong ca khúc đầu tay Tôi Đưa Em Sang Sông. Lúc đó nhạc sĩ Nhật Ngân chỉ là một anh sinh viên nghèo, vách thưa đèn dầu thắp, tuổi còn chưa đến đôi mươi, thì làm sao dám thổ lộ tình cảm với tiểu thư của nhà quyền quý:

Tuổi em cũng như hoa mới nở
Vạn người thầm mong được đưa đón chân em
Xót xa anh còn trắng tay hoài
Sách đèn nợ chưa dứt, nên lận đận truân chuyên

Kết thúc của 2 bài hát này như nhau, đều là thiệp hồng trao tay, và in tên người khác ở trên đó:

Hôm nay đón cánh thiệp hồng
Em báo tin rằng lấy chồng giàu sang
Đời em nhiều may mắn
Có nhớ anh nhạc sĩ nghèo này không? (Cô Hàng Xóm – Lê Minh Bằng)

Cái kết thúc buồn thăm thẳm này giống như kết thúc của rất nhiều ca khúc nhạc vàng khác. Đó là Giọng Ca Dĩ Vãng (Bảo Thu), Xe Hoa Một Chiếc (Hoàng Thi Thơ), Thiệp Hồng Báo Tin (Minh Kỳ)… và nhiều bài khác nữa.

Qua những bài hát này, có thể thấy những nhạc vàng nổi tiếng và được yêu thích nhất lại thường có nội dung buồn, kết cuộc tình yêu thường là tan vỡ và chia ly. Nhiều người không thích nhạc vàng đã dựa vào cớ đó để chế giễu rằng nhạc vàng chỉ là một loại nhạc ủy mị ru ngủ không có giá trị nhiều về tinh thần. Tuy nhiên so với những loại nhạc sáo rỗng, vô cảm, thì nhạc vàng có giá trị riêng, hơn nữa, giá trị đó mang tính vượt thời gian, không chỉ được giới bình dân mà cả giới trí thức cũng yêu thích, vì nó thể hiện được tâm tư tình cảm thường tình của mỗi người.

Cũng chính là vì nhạc vàng buồn như vậy nên mới dễ đi vào lòng người, dễ được đón nhận, được đông đảo quần chúng yêu thích. Khi nghe một bài nhạc nói lên được đúng nỗi lòng của mình, người nghe như được an ủi, được đắm mình trong những suy tư về cuộc đời, cuộc tình. Đó là ý nghĩa nhân văn của thể loại nhạc buồn này.

Đông Kha (nhacxua.vn)

Exit mobile version