Những thương hiệu nổi tiếng trước năm 1975 của người Việt sở hữu – Phần 6: Dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín

Ngày nay, dầu khuynh diệp vẫn là loại dầu được người Việt ưa chuộng dùng cho sản phụ mới sinh và các em bé. Đây là loại dầu không quá nóng rát, có mùi thơm nhẹ có thể giúp làm ấm cơ thể, chữa trị nhiều chứng bệnh cảm mạo, đau nhức, gió máy,… ở phụ nữ mới sinh khi cơ thể còn yếu, đồng thời nó đặc biệt phù hợp với làn da còn non nớt của trẻ em.

Nếu bạn là người yêu thích nhạc xưa, hãy theo dõi kênh YouTube này để nghe đọc các bài cảm nhận về âm nhạc (phân tích ý nghĩa, hoàn cảnh sáng tác, tiểu sử ca nhạc sĩ): LINK YOUTUBE  < Click

Người có công đem dầu khuynh diệp phổ biến ở Việt Nam, với ao ước làm cho đất nước Việt Nam trở nên hùng cường, dân số phát triển đông đúc hơn bằng cách chế tạo ra các loại dược phẩm chăm sóc sức khoẻ phù hợp túi tiền với hầu hết người Việt lại là một vị bác sĩ. Đó là bác sĩ Tín, người sáng lập thương hiệu dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín.

Bác sĩ Tín cũng chính là anh họ (chú bác ruột) của nhà thơ Bùi Giáng. Cha của bác sĩ Tín là ông Bùi Biên (hay còn gọi là ông Cửu Thứ), em kế của ông Bùi Biên là Bùi Thuyên (còn gọi là ông Cửu Tý), và thi sĩ Bùi Giáng chính là con của Bùi Thuyên, cũng là người nghèo nhất gia tộc họ Bùi ở Quảng Nam.

Bác sĩ Tín là ai?

Bác sĩ Tín tên thật là Bùi Thứ (sau này đổi tên thành Bùi Kiến Tín). Ông sinh ngày 25 tháng 9 năm 1912 tại quê ngoại ở làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Cha của ông là Bùi Biên, mẹ là bà Phan Thị Yến. Ở vùng Quế Sơn (Quảng Nam), gia đình họ Bùi vốn có gia thế và tiền của giàu mạnh trong huyện, đồng thời đây cũng là dòng họ có công khai hoang lập ấp ở vùng Trùng Phước – Quế Sơn. Tuy nhiên đến đời của ông Bùi Biên thì không còn được như xưa. Bùi Biên là người hay chữ nhất làng, nhưng vì “bất đắc chí” nên chỉ là người bình thường. Tương tự, em trai của ông là Bùi Thuyên (cha của Bùi Giáng) cũng là nhà nghèo nhất họ.

Dù gia đình không còn là hào phú, nhưng vì có truyền thống hiếu học nhiều đời nên bác sĩ Tín (Bùi Thứ) được cha mẹ đầu tư cho ăn học khá bài bản. Ngay từ nhỏ, ông đã được học chữ nho với thầy đồ. Năm 6 tuổi, ông được cha mẹ gửi về nhà ngoại ở làng Bảo An để theo học chữ quốc ngữ ở trường làng. Đến năm 7 tuổi, Bùi Thứ lại được gia đình cho theo người cậu (anh cả của mẹ), là ông Giáo Hồ đang làm hương sư ở làng Văn Cù, tỉnh Thừa Thiên Huế để học tiếng Pháp.

Năm 1925, Bùi Thứ theo học lớp Đệ nhất tại trường Quốc Học Huế, nhưng chỉ được một năm thì bị đuổi học vì bị mật thám Pháp theo dõi và phát hiện ông thường tới chùa Từ Đàm (nơi giam lỏng cụ Phan Bội Châu), tham gia các phong trào bãi khoá, dự lễ truy điệu cụ Phan Chu Trinh.

Năm 1926, để tránh sự theo dõi của mật thám Pháp, Bùi Thứ được gia đình đưa ra Hà Nội, đổi tên thành Bùi Kiến Tín rồi xin vào học tại trường Albert Saraut (nay là trường Trần Phú – Hoàn Kiếm). Đây là ngôi trường nổi tiếng đã từng có rất nhiều nhân vật lịch sử Việt Nam cận đại theo học, như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Thạch Lam, Khái Hưng, Nhất Linh, Vũ Bằng, Hoàng Xuân Hãn, và cả Trần Lệ Xuân.

Năm 1930, khi vừa tròn 18 tuổi, vẫn còn đang học ở Hà Nội, ông Bùi Kiến Tín được mai mối kết hôn với một cô gái cùng quê, con gái lớn của ông Nghè Liệu, cũng là một đại điền chủ ở huyện Đại Lộc (Quảng Nam) tên là Nguyễn Thị Hoà.

Tháng 8 năm 1932, Bùi Kiến Tín thi đậu Tú Tài Tây tại trường ở Hà Nội. Đó là một sự kiện trọng đại của không chỉ gia đình ông mà của cả tỉnh Quảng Nam, bởi mãi đến năm 1935, vẫn chỉ có 2 người Quảng Nam duy nhất đậu Tú Tài Tây là Bùi Kiến Tiến và Lê Nhiếp (học bên Pháp). Cuộc đón rước “vinh quy bái tổ” rầm rộ suốt nhiều ngày đêm, qua nhiều nơi, từ họ ngoại đến họ nội rồi đến cả nhà bên vợ.

Sau khi tốt nghiệp Tú Tài, Bùi Kiến Tín theo học tại Đại học Luật Khoa Hà Nội. Đến đầu năm 1935 thì ông được học bổng sang Pháp du học ngành y khoa và tốt nghiệp vào năm 1940. Trong thời gian gần 5 năm học tại Pháp, Bùi Kiến Tín miệt mài tìm tòi, thử nghiệm các phương pháp điều chế thuốc của Âu Mỹ ứng dụng vào các loại thảo mộc trong nước được người nhà gửi sang. Ông được coi là vị bác sĩ Tây y người Việt đầu tiên ứng dụng các thành tựu, phương pháp điều chế, chiết xuất thảo dược tiên tiến của Tây Âu vào ngành Đông y Việt Nam và cho ra đời nhiều dược phẩm đông y có giá trị cao như thuốc bổ huyết, siro ho, thuốc trị táo bón, dầu khuynh diệp,… có giá bình dân và vô cùng tiện lợi khi sử dụng. Nổi bật nhất trong số này là sản phẩm “Dầu khuynh diệp Bác sĩ Tín”.

Dầu khuynh diệp “Bác sĩ Tín”

Sau khi học thành tài trở về nước, năm 1942, bác sĩ Tín cùng với hai người bạn là bác sĩ Trương Đình Ngô và dược sĩ Trương Xuân Nam lập xưởng sản xuất Âu Dược tại Quy Nhơn. Đến năm 1944, do những biến động của thời cuộc, ông chuyển xưởng dược và cả gia đình vào Sài Gòn. Tuy nhiên, thay vì Tây y, bác sĩ Tín chuyển hướng sang nghiên cứu các dược phẩm Đông Y. Ông thành lập Viện Bào chế Đông dược miền Nam, còn gọi là Nhà thuốc bác sĩ Tín tại Phú Lâm, Sài Gòn.

Trong quá trình tìm tòi nghiên cứu các vị thuốc Đông Y, ông Tín nhớ lại lúc nhỏ ở làng Bảo An thường thấy người dân quê ông hay dùng dầu tràm nấu từ lá chổi để xoa lên các vết cắn của côn trùng, trị cảm cúm, gió máy,…

Sau thời gian dài thử nghiệm, bác sĩ Tín bào chế ra được loại dầu có công thức đặc biệt được pha chế từ nhiều loại tinh dầu gồm dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu,… và đặc biệt là dầu khuynh diệp để tạo ra mùi hương dễ chịu, đồng thời gia tăng tác dụng chữa bệnh của các loại tinh dầu.

Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín có màu xanh rất đặc trưng, được đựng trong những chai thuỷ tinh nhỏ có dung lượng từ 5cc đến 100cc, rất thuận tiện cho người tiêu dùng lựa chọn.

Thời gian đầu mới sản xuất, trong khi các loại tinh dầu khác đều có nguồn nguyên liệu sẵn có tại Việt Nam và tự chưng cất được, thì dầu khuynh diệp lại phải nhập khẩu từ nước ngoài với giá đắt đỏ. Đây là loại tinh dầu có mùi hương đặc biệt không thể lẫn lộn mà dân gian quen gọi là “mùi bà đẻ”.

Theo ông Lê Hữu Sanh, thư ký riêng của bác sĩ Tín, để mua được nguồn tinh dầu khuynh diệp chất lượng, bác sĩ Tín đã tìm đến Bồ Đào Nha, nơi sản xuất tinh dầu khuynh diệp (hay còn gọi là tinh chất Eucalyptol) từ cây hồng tràm để cung cấp cho các hãng sản xuất hương liệu của Hà Lan. Điều đặc biệt là độ tinh khiết của dầu đạt đến 99,9%, có thể khử được các loại độc tố có hại cho da. Chính điều này đã khiến giá thành của dầu khuynh diệp khi nhập về cao gấp gần 20 lần so với loại dầu khuynh diệp được bán trong nước. Trong nước, dầu khuynh diệp được bán với giá khoảng 0,5 USD/kg, thì dầu ông Tín nhập về có giá thành lên đến 9 USD/kg. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng dược phẩm, ông Tín vẫn quyết định cho nhập khẩu.

Ông Sanh kể lại: “Hồi đó dầu khuynh diệp nhập về bằng đường tàu thủy, đựng trong các thùng phuy. Mỗi lần nhập khoảng 30-40 tấn, chiếm hai container. Mỗi năm tôi nhập dầu về cho ông ấy 4-5 lần. Tốn kém phải nói là khủng khiếp”.

Nhưng cũng vì chịu chi phí nhập khẩu quá lớn mà giá dầu khuynh diệp vẫn còn khá cao so với nhu cầu của người bình dân. Điều này làm bác sĩ Tín trăn trở rất nhiều năm, bởi ông bào chế và kinh doanh dược phẩm không chỉ để làm giàu cho bản thân mà còn mơ ước nâng cao sức vóc, thể trạng của người Việt.

Điều đó đã từng được thể hiện rất rõ trong luận án tốt nghiệp của bác sĩ Tín trước đó tại trường đại học Paris, thể hiện sự trăn trở của ông của đối với những vấn đề của quốc gia, dân tộc, thể hiện mong muốn đem những hiểu biết y khoa của mình về giúp đỡ cho dân cho nước, ao ước góp phần nâng cao sức khoẻ của người Việt, để dân số Việt Nam có nâng từ 20 triệu dân lên 50 triệu dân cho đúng với tầm vóc lãnh thổ. Ông cũng trăn trở về việc đông dược mặc dù rất tốt nhưng cách chiết xuất, bào chế chưa đúng khiến tác dụng bị giảm đi rất nhiều, trong khi Tây dược thì đắt đỏ, không phù hợp với túi tiền của đa số người Việt.

Trên bao bì các loại dược phẩm mà ông Tín bán ra đều thể hiện tinh thần tự tôn dân tộc và mong muốn đất nước phát triển hùng cường. Ví dụ như trên các loại dầu gió, dầu xoa bóp, ông đều cho in hình ảnh một anh chàng lực sĩ đang nâng cả đất nước Việt Nam lên, hay những câu “slogan” mang tính đấu tranh rất cao như:  “Uống thuốc ho bác sĩ Tín thở không khí tự do”, và đặc biệt bên dưới logo sản phẩm luôn có ba chữ “Đại Cường Việt”,….

Năm 1954, sau nhiều năm sử dụng dầu khuynh diệp nhập khẩu, ông Tín quyết định trồng cây khuynh diệp để chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm. Tại khu vực đồi Viễn, nằm dọc theo xa lộ Biên Hoà (nay là khu đài tưởng niệm các Vua Hùng, Q.9), ông mua một khu đất rộng 30 hecta để triển khai dự án trồng và chiết xuất tinh dầu khuynh diệp.

Năm 1960, những đợt gieo trồng đầu tiên được thực hiện trên mảnh đất này với nguồn giống đưa về từ Pháp. Sau khi trồng thành công, ông tiếp tục nhân giống và phát triển thêm  hai trang trại lớn khác nằm ở cây số 181 và 183 trên đường Sài Gòn – Đà Lạt, nằm ở xã Lộc Châu, Bảo Lộc, Lâm Đồng. Ở trang trại cây số 181, rộng khoảng 10 héc ta, ông Tín cho xây một căn biệt thử kiểu Pháp rộng khoảng 200m2, bằng đá tảng granite nên khu vực này còn có tên gọi là “khu nhà đá”. Trang trại ở cây số 183 rộng khoảng 30 hecta chỉ chuyên dùng để trồng khuynh diệp nhưng cây khuynh diệp trồng ở vùng này lại có lá màu xanh nhạt, dưới sương mù cao nguyên thì có ánh lấp lánh nhẹ giống lá cây mimosa nên người dân trong vùng nhận nhầm và gọi là “đồi mimosa”.

Để chiết xuất được tinh dầu khuynh diệp chất lượng tốt, ban đầu ông Tín mua đứt bản quyền sản xuất tinh dầu khuynh diệp của ông Viễn Đệ, hậu duệ đời thứ 5 của hoàng tử Nguyễn Phúc Bính ở Huế.

Những chiêu thức quảng cáo “gây sốc” độc đáo

Để dễ dàng tiếp cận giới tiêu dùng bình dân, ông Tín sử dụng tiếng Việt trên nhãn, đặt những cái tên và hình ảnh hết sức bình dân cho sản phẩm. Để quảng cáo sản phẩm, ông sử dụng nhiêu chiêu thức “marketing” khá hiện đại. Chuyên gia kinh tế tài chính – Tiến sĩ Bùi Kiến Thành, con trai trưởng của ông Bùi Kiến Tín kể lại như sau:

“Papa tôi đã mua một chiếc xe tải lớn, dài 7-8 mét nhưng không đóng thùng mà để lên đó một chiếc xe hơi Austin mới cáu cạnh. Gắn kèm chiếc xe là cái bảng to ghi: Giải thưởng Bác sĩ Tín. Ai mua dầu của bác sĩ Tín cũng được cho một con số kèm theo. Ði cùng với chiếc xe là đoàn múa lân đánh trống tùng tùng xèng. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh suốt cho tới Cà Mau. Một chiếc xe quá lạ lùng và tưng bừng như vậy bảo sao dừng ở bãi chợ nào, trẻ em, người lớn đều không xúm coi rần rần? 

Xổ số trúng thưởng sau đó được tổ chức rất nghiêm túc, ngoài xe hơi Austin còn có mấy chục giải phụ là xe đạp. Ðó là chiêu mà ông nghĩ ra để từ Nam chí Bắc, ai ai cũng biết đến dầu khuynh diệp bác sĩ Tín. Papa tôi đã mua mấy chục chiếc xe tải để đi khắp nơi quảng bá và bán tận tay tới người dân. Mỗi năm có khoảng 20 triệu chai dầu khuynh diệp được bán ra”.

Ngoài ra, ông còn cho chạy quảng cáo trên xe điện tuyến Sài Gòn – Chợ Lớn.

Chính nhờ mạnh tay quảng cáo như vậy, mà dầu khuynh diệp nhanh chóng trở nên phổ biến khắp cả nước, trở thành nhãn hiệu dầu được yêu thích không chỉ dùng cho bà đẻ, em bé mà dùng cho tất cả mọi người để phòng và trị bệnh. Dầu khuynh diệp bác sĩ Tín cạnh tranh mạnh mẽ với nhiều loại dầu phổ biến khi đó như dầu Nhị Thiên Đường của một doanh nhân gốc Hoa và dầu cù là Macphsu của Miến Điện. Trong khi dân số Việt Nam chỉ khoảng 20 triệu người, mỗi năm dầu khuynh diệp bác sĩ Tín bán ra từ 20-25 triệu chai. Một con số rất ấn tượng và hiếm có vào thời đó.

Nhà kinh doanh năng động, người vợ giỏi giang và các hậu duệ tài năng

Không chỉ nổi bật trong lãnh vực bào chế dược phẩm, bác sĩ Tín còn một nhà kinh doanh tài năng với những ý tưởng táo bạo và khác thường. Ngay từ năm 1950, ông Tín từng có ý định xây dựng một khu Disney Land tương tự như khu Disney Land của Mỹ tại Biên Hoà, trên khu đất rộng 290 héc ta, tuy nhiên vì những biến động thời cuộc, dự án đã không thể thực hiện.

Năm 1963, ông liên doanh với ngân hàng Crocker Bank của Mỹ sáng lập ra Doanh Thương Ngân Hàng với mục đích huy động vốn từ các nhà nhập khẩu Việt Nam. Đồng thời, đầu tư nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh với nhiều sản phẩm khác nhau như khai thác cát tinh, sản xuất muối công nghiệp, kinh doanh cơm dừa,…

Ông cùng con trai trưởng là Bùi Kiến Thành thành lập công ty sản xuất bình điện ắc quy Prestolite, do thương hiệu ắc quy Autolite (thuộc hãng xe Ford, Mỹ) nhượng quyền.

Bên cạnh công việc kinh doanh, bác sĩ Tín còn hoạt động khá tích cực trong giới chính trị, tôn giáo, tham gia nhiều tổ chức hội đoàn, đóng góp nhiều cho các hoạt động thiện nguyện xã hội.

Ngay trước sự kiện 30-04-1975 chỉ vài ngày, bác sĩ Tín cùng gia đình di cư sang Pháp, tài sản và thương hiệu dầu khuynh diệp bác sĩ Tín bị quốc hữu hoá, đổi tên thành Xí Nghiệp Dược Phẩm số 26, nay là công ty dược phẩm OPC với sản phẩm dầu khuynh diệp OPC, với logo “Mẹ Bồng Con” tương tự dầu Bác sĩ Tín.

Sau 1975 tại Mỹ, một doanh nhân gốc Việt đã thành lập thương hiệu dầu khuynh diệp, và để thừa hưởng thương hiệu nổi tiếng Bác Sĩ Tín trước 1975, loại dầu này lấy tên là BST.

Ngày 23-08-1994, ông qua đời tại Pháp, thọ 83 tuổi.

Con cháu của bác sĩ Tín sau khi khi trưởng thành đều là những người giỏi giang và thành đạt. Nhiều người quay về Việt Nam và được trọng dụng. Tiêu biểu là ông Bùi Kiến Thành, con trai trưởng của bác sĩ Tín, từng giữ vị trí cố vấn kinh tế cho 3 đời thủ tướng tại Việt Nam, từng được trao giải thưởng Vinh Danh Nước Việt vào năm 2004.

Con trai thứ của bác sĩ Tín là kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc, từng là viện sĩ Viện Kiến Trúc Pháp, viện sĩ Viện Hàn Lâm Khoa Học Cộng Hoà Pháp. Ông tham gia thiết kế xây dựng hàng trăm công trình sân bay, bệnh viện, trường đại học, cảng biển tại Pháp. Ông từng nhiều lần trở về Việt Nam, góp phần xây dựng nhiều công trình du lịch như làng sinh thái Triềm Tây, ngôi nhà Việt Nam (Trung Phước) tại quê nhà Quảng Nam, đồng thời giữ vai trò cố vấn cho một số dự án xây dựng và quy hoạch tại Việt Nam.

Tuy nhiên, nhắc đến bác sĩ Tín không thể không nhắc đến người vợ giỏi giang và xông xáo của ông là bà Nguyễn Thị Hoà. Từ năm 13 tuổi, mỗi sáng, bà thức dậy từ lúc 3-4 giờ sáng, rồi dẫn người làm ra vườn ruộng của gia đình, phân phó cho mỗi người công việc trong ngày. Khi kết hôn với ông Tín, bà Hoà mới chỉ 15 tuổi nhưng đã tỏ ra vô cùng giỏi giang, thay cha mẹ quán xuyến, lo toan nhiều việc lớn nhỏ trong nhà, bao gồm cả việc trồng trọt và khai khẩn đất hoang. Sau khi kết hôn, bà Hoà cùng ông Tín sanh được 7 người con gồm 4 trai và 3 gái.

Trong suốt quá trình phát triển sự nghiệp của bác sĩ Tín, bà Hoà là người luôn kề vai sát cánh, ủng hộ và giúp đỡ tích cực cho các ý tưởng của chồng. Ông Bùi Kiến Thành từng nhắc về mẹ với niềm tự hào vô hạn:

“Bà má tôi có phong cách của một vị tướng, của một người lãnh đạo chứ không phải là một cô gái quê bình thường. Lấy chồng sớm, tiếp cận với ông papa tôi thì bà ảnh hưởng tầm nhìn của ông chồng. Bà là cô gái quê nhưng không phải ngồi ở đáy giếng mà nhìn lên trời và nhảy ra khỏi miệng giếng

…Bà má tôi không khác một nữ tướng điều quân khiển tướng, còn các cậu và mọi người xung quanh là “tá”. Bà không nói nhiều nhưng khi nói thì như quân lệnh, nói gì cũng đúngAi cũng sợ, cũng nể bà, kể cả ông papa tôi.”

Có một câu chuyện khá thú vị kể về việc bà Hoà giúp chồng khi ông khởi nghiệp điều chế thuốc như sau. Khi nghe chồng nói cần một cái nồi đồng thật lớn để nấu thuốc, bà ngay lập tức nhận việc tìm kiếm. Nhân dịp về quê ăn giỗ, bà Hoà lân la dò hỏi để tìm mua nồi thì tình cờ gặp ông Bùi Thuyên (cha của thi sĩ Bùi Giáng). Ông Bùi Thuyên liền cho bà Hoà mượn cái nồi to của gia đình mình đem về nấu thuốc.

Đến khi công việc kinh doanh và bào chế dược phẩm trở nên phát đạt và bận rộn hơn, bà đưa các em của mình vào Sài Gòn cùng phụ giúp công việc quản lý. Trong đó, người em thứ bảy của bà là ông Nguyễn Phan được giao công việc quản lý điều hành nhà thuốc, người em thứ tám là Nguyễn Sang thì phụ trách công việc phân phối thuốc, quản lý các đoàn xe chở thuốc đi các tỉnh. Đặc biệt, nhờ sự khôn khéo và mềm mỏng của bà Hoà mà hàng triệu chai dầu khuynh diệp bác sĩ Tín còn được đưa đến các vùng giao tranh, như là chiến khu D hay là vùng rừng U Minh,…

Niệm Quân (nhacxua.vn) biên soạn

Exit mobile version