Những thương hiệu nổi tiếng trước năm 1975 của người Việt sở hữu – Phần 5: Bột ngọt, mì gói Vị Hương Tố và câu chuyện lập nghiệp của 1 tỷ phú

Những ai từng sống ở Sài Gòn và miền Nam trước năm 1975 đến nay chắc là chưa thể quên được hương vị của bột ngọt và mì ăn liền Vị Hương Tố, thường được gọi là “mì cái tô”.

Thập niên 1950, thị trường gia vị ở Sài Gòn được chiếm lĩnh bởi 2 thương hiệu lớn là Ajinomoto và Vedan. Nhưng qua thập niên 1960, thương hiệu bột ngọt của Việt Nam là Vị Hương Tố đã đánh bật các thương hiệu nước ngoài để chiếm toàn bộ thị trường. Ông chủ của Vị Hương Tố là một người Việt gốc Hoa tên là Trần Thành, vị tỷ phú xuất thân từ 2 bàn tay trắng trở thành người được gọi là “tỉ phú của tỉ phú”.

Để đạt được những thành công tột bực và được ví như là “tỷ phú của tỷ phú Sài Gòn”, ông Trần Thành đã trải qua một quá trình dài với nhiều vất vả và khó nhọc vươn lên. Nhưng sau năm 75, gia tài của cả 1 đời phấn đấu của ông cũng tan thành bọt nước.

Những năm đầu thập niên 1940, ông Trần Thành cùng gia đình lưu lạc từ Triều Châu sang Việt Nam tha phương cầu thực, gõ cửa các hãng xưởng của đồng hương ở Chợ Lớn để xin việc làm. Dịp may đến khi có một ông chủ họ Trịnh thu nhận Trần Thành làm công tại một cơ sở sản xuất dầu ăn. Cơ sở này chuyên thu mua đậu nành, đậu phộng đem về ép dầu thủ công. Công việc của Trần Thành là cọ rửa các thùng chứa, một công việc lao động phổ thông không cần trình độ với mức lương rẻ mạt.

Như nhiều người Việt gốc Hoa khác, ông Trần Thành là người cần cù, chịu khó (tư sản người Hoa đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế Sài Gòn trước 1975), lại còn luôn vui vẻ phụ giúp người khác mỗi khi xong việc của mình. Thái độ làm việc của ông được ông chủ đánh giá cao, chẳng bao lâu sau ông được giao phần quản lý toàn bộ khâu vệ sinh cho nhà xưởng.

Giữ vai trò này, ông Trần Thành đã phân chia công việc công bằng và hợp lý, bản thân mình luôn lãnh phần nặng nề hơn những người khác. Cách hành xử này khiến ông chủ càng hài lòng hơn. Uy tín của Trần Thành với ông chủ và những công nhân khác ngày càng lên cao.

Một thời gian sau, ông Trần Thành được tin tưởng giao cho phần việc đi thu mua nguyên liệu ở các tỉnh miền Tây. Vậy là từ một anh công nhân vệ sinh suốt ngày chỉ ru rú ở một góc tối tăm trong nhà xưởng, ông đã bước ra xã hội bên ngoài rộng lớn, làm quen với việc kinh doanh, mở mang đầu óc.

Trong quá trình thu mua nguyên liệu, ông Trần Thành luôn đặt chữ tín lên hàng đầu, không bao giờ ép giá nông dân, không kê giá để hưởng lợi, không sai hẹn và không hứa hẹn những cái không làm được. Kiểu làm ăn này khác với những thương lái khác nên Trần Thành tạo được niềm tin với nhà nông, họ thích bán cho ông hơn các thương lái khác. Một thời gian sau, Trần Thành được ông chủ giao cho phần việc quan trong hơn: Quản lý toàn bộ việc thu mua của xưởng. Với vai trò mới này, ông được đi khắp nơi ở cả nước và sang tận xứ Cao Miên, biến nơi này thành nơi cung cấp nguyên liệu lớn nhất.

Lúc này ông Trần Thành đã lập gia đình và tích luỹ được một số vốn. Ông chủ họ Trịnh nhận thấy những tố chất đặc biệt của Trần Thành trong kinh doanh, có chí tiến thân, góp nhiều công sức cho xưởng nên quyết định cho Trần Thành vay số vốn lớn để gầy dựng cơ nghiệp riêng, cho độc quyền cung cấp nguyên liệu cho xưởng. Chẳng bao lâu sau, Trần Thành trở thành nhà cung cấp các loại hạt có dầu cho hầu hết các hãng xưởng ở miền Nam.

Cơ nghiệp của ông Trần Thành từ đó phát triển với tốc độ chóng mặt. Sau khi trả lại đủ tiền vay cho ông chủ cũ, Trần Thành tiến tới thâu tóm mọi nguồn hàng của ngành nghề này, rồi tiến sang đầu tư vào lĩnh vực khác.

Nhận thấy thị trường bột ngọt là gia vị cần thiết cho mọi bữa ăn gia đình thời đó, nhu cầu lớn nhưng người dân vẫn phải dùng bột ngọt nhập khẩu số lượng có hạn từ Nhật và Đài Loan, lại bị thuế quan nên giá đắt đỏ. Kế hoạch của ông Trần Thành là sản xuất bột ngọt chất lượng không thua kém nhưng giá rẻ hơn nhiều nhờ sản xuất trong nước và nhờ chính sách bảo hộ hàng nội địa của chính quyền.

Năm 1960, ông Trần Thành đã thành lập công ty Thiên Hương, trụ sở tại 118 Hải Thượng Lãn Ông, với nhà máy sản xuất bột ngọt mang thương hiệu Vị Hương Tố. Nhà máy có công suất lớn, với thiết bị nhập từ Nhật Bản, được đánh giá là hiện đại nhất Đông Nam Á lúc bấy giờ. Ngay bước đầu, nhờ chất lượng tốt mà giá lại rẻ nên bột ngọt Vị Hương Tố sớm được các bà nội trợ đón nhận. Thừa thắng xông lên, Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố còn sản xuất thêm mì gói, mì chay, tàu vị yểu, và đều rất thành công.

Các nhà máy sợ nhất là nguồn nguyên liệu bất ổn, bị đầu cơ, thao túng… trong khi đó ông Trần Thành lại là nhà cung cấp nguyên liệu lớn nhất thời đó. Việc vừa thu mua cung cấp nguyên liệu lại vừa sản xuất, mua tận ngọn bán tận gốc như vậy nên sản phẩm của ông bán ra lúc nào cũng có giá rất cạnh tranh.

Bột ngọt Vị Hương Tố có logo tương đối giống logo công ty Ajinomoto của Nhật Bản, đối thủ chính của ông Trần Thành mới ra mắt: đều có hình một cái tô màu đỏ. Logo Vị Hương Tố là tô mở nắp chứ không đóng kín như logo Ajinomoto. Phía trên cái tô mở nắp là ba sọc đỏ lớn chạy dọc, nhìn như khói thức ăn và hương thơm tỏa ra ngào ngạt rất sinh động.

Ngoài chiến lược cạnh tranh về giá, thành công của Vị Hương Tố còn nhờ những khuyến mãi mát tay của ông Trần Thành. Nghiên cứu thói quen của các bà nội trợ, thấy rằng đồ dùng nhà bếp được mua nhiều nhất, ông khuyến mãi tặng tô, chén và muỗng khi mua bịch bột ngọt lớn, vừa và nhỏ. Bột ngọt vừa rẻ lại được tặng tô nên bán rất chạy, Vị Hương Tố tung tiếp khuyến mãi tặng tô chén theo bộ: Phúc Lộc Thọ, Mai Lan Cúc Trúc, Xuân Hạ Thu Đông… làm cho các bà nội trợ muốn mua trọn bộ, nhiều khi nhà chưa hết bột ngọt cũng ráng mua thêm cho đủ bộ khuyến mãi.

Túi đựng bột ngọt Vị Hương Tố ngày xưa

Từ lợi nhuận kếch xù của Nhà máy bột ngọt Vị Hương Tố, ông tiếp tục đầu tư vào nhiều ngành nghề khác như: khách sạn, nhà hàng, bệnh viện, và trường học, mà lĩnh vực nào cũng thắng. Nhiều bệnh viện ở khu vực Chợ Lớn còn lại cho đến ngày nay đều có sự đóng góp của ông Trần Thành: Bệnh viện Nguyễn Trãi, Nguyễn Tri Phương, An Bình, Chấn Thương Chỉnh Hình…

Thời đó, có nhà báo hỏi ông bí quyết để thành công trong kinh doanh. Ông Trần Thành nói  bí quyết đó đơn giản chỉ là điều mà người Á Đông đã biết từ ngàn xưa: Chữ Tín, lòng trung thực và sự kiên trì. Làm ăn mà không giữ được chữ Tín và sự trung thực thì chẳng bao giờ có thể trở thành “ông chủ lớn” nổi. Của cải mất đi còn có thể gây dựng lại được, nhưng uy tín không còn thì coi như trắng tay.

Ngoài ra, khi ở tuổi xấp xỉ 40, ông Trần Thành được bầu làm bang trưởng Triều Châu, đại diện cho người Hoa để liên hệ với chính quyền. Với vai trò này, ông đã giúp đỡ nhiều người có ý chí mượn vốn, nhà ông lúc nào cũng có người tới xin ý kiến làm ăn.

Tuy thành công tột đỉnh như vậy, nhưng ông Trần Thành cũng không qua khỏi ải mỹ nhân. Từ một người sống cần kiệm, tránh xa chốn ăn chơi từ lúc bắt đầu khởi nghiệp, ông đã trở thành một người vung tiền để chiếm được trái tim của người đẹp nức tiếng người Đài Loan. Đó là nữ minh tinh – ca sĩ Thang Lan Hoa (Tang Lan Hua), từng nổi tiếng khắp miền Nam với phim Đài Loan tên là Ngàn Thu Vĩnh Biệt cùng nam tải tử Dương Quần.

Trong một lần sang Sài Gòn biểu diễn theo lời mời của cộng đồng người Hoa, diễn viên Thang Lan Hoa với vẻ đẹp sắc sảo đã làm “ông vua không ngai trong vương quốc Chợ Lớn” mê mẩn.

Tin tức về Thang Lan Hoa trên báo Việt Nam năm 1972

Ông Trần Thành đã tìm mọi cách làm quen và gần gũi người đẹp. Để đạt được mục đích, ông đã không ngại bỏ ra hàng núi tiền dưới chân Thang Lan Hoa. Cuối cùng, những món quà tặng của nhà tỉ phú đa tình này là những viên đá quý đắt giá, quý hiếm trong thế giới kim hoàn, cũng đã làm xiêu lòng mỹ nhân xứ Đài.

Thang Lan Hoa khi ở tuổi ngũ tuần

Từ đó, ông Trần Thành thường xuyên đi về Đài Loan như đi chợ. Ông sẵn sàng chi tiền một cách hào phóng mua lấy lạc thú cuộc đời. Nhưng chỉ được một thời gian, ông chia tay với người đẹp xứ Đài và có mối quan hệ với 1 phụ nữ khác người Tân Gia Ba, họ có với nhau một người con gái tại đây.

Thời gian sau đó, khi đến chơi tại vũ trường Maxim’s của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, ông Trần Thành quen với một vũ nữ, là người sau đó trở thành người vợ sống với ông cho đến lúc cuối đời. Cô vũ nữ này được gọi gọi với cái tên Hoa là Phánh Dứng, tên Việt là Phan Anh, rất xinh đẹp và tính tình được lòng nhiều người. Một số người quen cho biết bà Phánh Dứng đã hy sinh tuổi xuân khi về sống với ông Trần Thành, cả lúc sau năm 1975, khi ông bị mất hết vì toàn bộ gia sản bị quốc hữu hoá, bản thân ông cũng bị tù tội. Khi đó bà làm tròn đạo tào khang, thăm nuôi cho đến ngày ông mãn hạn, chăm sóc con cái rất tốt.

Sau thời điểm năm 1975, công ty Thiên Hương và thương hiệu Vị Hương Tố thuộc nhà nước quản lý, nhưng không thể hoạt động được vì các kỹ sư, công nhân kỹ thuật cao đã đi hết sang nước ngoài, nguồn men vi sinh để sản suất bột ngọt được nhập từ Hongkong cũng không còn nữa.

Khi đó, bí thư thành uỷ Võ Văn Kiệt đã yêu cầu khôi phục bằng được hoạt động của nhà máy Thiên Hương. Ban khoa học và kỹ thuật thành phố (phần lớn là nhiều trí thức chế độ Sài Gòn) đã lập hai nhóm để khôi phục: Nhóm cơ khí do ông Nguyễn văn Sơn đứng đầu lo việt kiểm tra lại máy móc. Nhóm chuyên viên vi sinh do bác sĩ Trần Văn Ái (giám đốc viện Pasteur) đứng đầu để khôi phục lại men vi sinh.

Nguồn men vi sinh được gửi từ Hongkong hàng tuần trước đó, nay chỉ có hai chai gửi lần cuối từ ngày 23-4-1975 vẫn được bảo quản kỹ trong tủ đá dưới 0 độ C đã được nhóm vi sinh nỗ lực khôi phục lại. Do thời gian bị đông lạnh quá lâu khiến những mẻ đầu chỉ đạt được 30% so với men tươi, nhưng các mẻ sau đã dần dần có chất lượng hơn và Nhà máy Thiên Hương đã hoạt động trở lại được cho đến ngày nay.

Hiện nay các loại mì gói mang thương hiệu Vị Hương của cty Thiên Hương Food vẫn còn bày bán ở các siêu thị.

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version