Những thương hiệu nổi tiếng trước năm 1975 của người Việt sở hữu – Phần 3: Bột Bích Chi – Hương vị quen thuộc của một thời

Tại miền Nam trước 1975, nếu như loại sữa Guigoz chỉ thường dành cho con em các gia đình trung lưu trở lên, thì bột Bích Chi là mặt hàng rất quen thuộc đối với mọi gia đình. Có lẽ hầu hết những ai được sinh ra trong thập niên 1960, 1970 tại miền Nam đều đã từng ít nhất một lần được ăn chén bột Bích Chi khi còn đang chập chững.

Thống lĩnh thị trường miền Nam suốt gần 1 thập kỷ – kể từ giữa thập niên 1960 cho đến năm 1975 – và trên khắp cả nước cho đến năm 1990, bột gạo lứt Bích Chi là loại bột ăn dặm cho trẻ em quen thuộc. Nhưng ít người biết rằng, đây chính là sản phẩm sáng tạo từ tình thương của một người cha dành cho con gái nhỏ của mình.

Người cha đó là ông Trần Khiêm Khánh (tên thường gọi là Tư Khánh) ở Sa Đéc (Đồng Tháp). Ông Khánh từng tham gia kháng ᴄhιến trước năm 1954, từng bị tù đày nhiều năm khiến sức khoẻ suy yếu. Hoàn cảnh gia đình càng khó khăn hơn khi năm 1966, vợ ông sinh con gái thứ hai. Không có tiền mua sữa cho con, ông Khánh xoay sở đủ cách tìm nguồn thực phẩm thay thế.

Rồi ông chợt nhớ đến lời một bác sĩ trong kháng ᴄhιến, năm xưa đã từng dặn mọi người nên thỉnh thoảng ăn gạo lứt để bồi bổ sức khoẻ, chống bệnh tật. Sau khi tìm đọc thêm các tài liệu, sách báo về công dụng của gạo lứt, ông Khánh quyết định đem gạo lứt nấu cháo rồi chắt nước cho con uống. Sau hơn một tuần lễ uống thử, thấy con khoẻ mạnh, tiêu hoá tốt, không bị dị ứng hay tiêu chảy, ông yên tâm cho con dùng tiếp. Để tiện dụng hơn, ông tiếp tục cải tiến bằng cách đem gạo lứt xay thành bột. Ông Khánh nghiên cứu đặt thợ làm một chiếc máy xay bột nhỏ để dùng. Không chỉ dùng cho con, ông Khánh còn đem bột dư dùng tặng bạn bè người quen có con nhỏ. Tiếng tốt về bột gạo lứt đồn xa, mọi người giới thiệu nhau nhờ ông Khánh mua gạo xay bột giúp. Dần dần, ông nhận được nhiều đơn đặt hàng hơn, chỉ tính trong số bạn bè, quen biết mỗi tháng ông Khánh bán được vài trăm ký bột.

Nhờ bột gạo lứt, vô tình ông Khánh trở thành người kinh doanh, vốn không phải là sở trường của mình. Nhờ bán bột gạo lứt, ông Khánh vừa có tiền xoay xở kinh tế gia đình, vừa giúp được nhiều gia đình khó khăn nuôi con khoẻ mạnh và tiện lợi hơn với giá cả phải chăng, không cần phải mua sữa đắt tiền. Trẻ em ăn bột gạo lứt khoẻ mạnh, hồng hào, tránh được bệnh còi xương, suy dinh dưỡng khi thiếu sữa. Theo Đông y, gạo lứt là thứ thực phẩm bổ dưỡng, thanh nhiệt, rất tốt cho đường ruột, và ngăn nhiều được nhiều loại bệnh.

Thuận đà, bột gạo lứt được đón nhận, yêu thích, ông Khánh bàn với vợ mở nhà máy xay bột ở Sa Đéc vào năm 1966, đặt tên theo tên cô con gái thứ hai của mình là Bích Chi. Ông Khánh kể: “Nếu không có Bích Chi, tui đã không làm bột. Chính nhờ nuôi nó bằng gạo lứt tui làm ra mới có công ty sau này nên tui đặt tên cho bột này là Bích Chi”

Tháng 3 năm 1967, Nhà máy bột Bích Chi chính thức đi vào hoạt động và nhanh chóng được biết đến rộng khắp miền Nam và Nam Trung Bộ những năm 1967-1975. Để làm phong phú sản phẩm, ông Khánh tiếp tục nghiên cứu sản xuất thêm nhiều loại bột pha trộn giữa gạo lứt và các loại ngũ cốc (đậu xanh, đậu đỏ, đậu trắng, đậu đen, đậu nành).

Nhà máy bột Bích Chi

Bên ngoài bao bì sản phẩm bột Bích Chi in hình mẹ bồng con mà theo ông Khánh giải thích thì đó là bà Đinh Ngọc Điệp (vợ ông) và cô con gái Bích Chi. Dưới tấm hình là dòng chữ “Hình ảnh cháu Trần Thị Bích Chi, cháu bé đầu tiên được nuôi thử nghiệm bằng bột gạo lứt thay sữa mẹ”.

Khi mới hình thành, bột Bích Chi được quảng bá tự phát theo kiểu truyền miệng nên chỉ bán được trong vùng giới hạn chứ không thể đưa sản phẩm đi xa. Để phát triển thị trường, đưa sản phẩm lên Sài Gòn bán, ông Khánh đã chọn ông Đỗ Như Công làm đại lý phân phối độc quyền (xưa gọi là tổng phát hành). Ông Công vốn là bạn thân của ông Trần Khiêm Ninh, anh trai của ông Khánh, là người có kinh nghiệm và kiến thức về kinh doanh, có bằng thương mại do Pháp cấp.

Không hổ danh là một nhà kinh doanh nhanh nhạy, ông Công nhanh chóng đưa bột Bích Chi thống lãnh thị trường bằng nhiều cách thức quảng cáo bài bản và sáng tạo mang tính tiên phong ở Việt Nam, cho đến nay vẫn được các doanh nghiệp áp dụng.

Để có thể đưa bột Bích Chi đến với người tiêu dùng nhanh nhất là qua các tiệm tạp hóa. Tuy nhiên các tiệm tạp hóa thường không thích nhận bán những mặt hàng lạ, khách chưa biết nên sẽ bán chậm. Nếu giao hàng họ chỉ nhận ký gửi và cất hàng vào trong chứ không bày ra, khi nào khách hỏi mới lấy, nên để cho chủ tiệm chịu bày bán và khách hỏi mua, bắt buộc phải có quảng cáo. Thành bại hay không của một món hàng phụ thuộc rất nhiều vào việc quảng cáo có tiếng vang, người ta ghi nhớ hay không.

Nắm bắt được tâm lý thích nghe cải lương tân cổ giao duyên và tân nhạc của dân miền Nam thời kỳ này, ông Công đặt hàng soạn giả Viễn Châu sáng tác bài vọng cổ, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Thiết (bạn của ông Công) viết tân nhạc, các nghệ sĩ và ca sĩ nổi tiếng thời kỳ này như Ngọc Giàu, Thành Được (cổ nhạc) và đôi song ca Ngọc Cẩm – Nguyễn Hữu Thiết (tân nhạc) để hát quảng cáo cho bột Bích Chi.

Vào các dịp lễ Tết, ông đặt các gian hàng bán bột Bích Chi ở chợ Bến Thành, vừa phát các bài nhạc vọng cổ, tân cổ cho khách qua lại nghe, vừa nấu bột thơm phức níu bước khách dùng thử. Ông Công còn cho xe lưu động đi khắp Sài Gòn vừa nấu bột cho khách dùng thử tại chỗ, vừa bán bột; dựng nhiều pano quảng cáo lớn trên các ngả đường lớn đi các tỉnh, mời ca sĩ Phương Hoài Tâm, minh tinh Thẩm Thuý Hằng đóng phim quảng cáo bột Bích Chi để chiếu quảng cáo trong các rạp xi-nê trước khi xem phim.

Nội dung của phim quảng cáo này là có một gia đình nông dân chồng đi làm xa, vợ đi làm ruộng, bà ngoại ở nhà cho cháu ăn bột Bích Chi. Đứa trẻ đóng phim rất mập bự (tạo hình ảnh trẻ dùng bột Bích Chi sẽ rất khỏe mạnh) tên Lưu Minh Thiện, không phải là diễn viên mà là con của một khách hàng, “bé Thiện” cũng thường xuyên dùng bột Bích Chi từ nhỏ.
Định hướng quảng cáo của ông Công là không dùng diễn viên đóng thế mà phải là người thật việc thật, là những người từng sử dụng bột Bích Chi lâu dài tham gia như một sự bảo chứng. Sau đó chiến dịch quảng cáo còn vận động một số khách hàng đưa rõ tên thật, hình ảnh của mình để giới thiệu cho sản phẩm.

Bột Bích Chi trở nên phổ biến và được ưa chuộng khắp miền Nam nhờ ưu thế về giá thành so với sữa bột ngoại nhập vốn rất đắt đỏ mà chất lượng dinh dưỡng cũng rất cao, lại tiện dụng đa năng vừa có thể pha loãng để làm sữa cho trẻ nhỏ, vừa có thể nấu bột đặc cho trẻ ăn dặm, trẻ lớn hơn thì chỉ cần trộn thêm thịt bằm, rau củ băm nhỏ là có bữa ăn nóng hổi, không cần hầm cháo cầu kỳ. Ngoài ra, người lớn tuổi, người bệnh cũng có thể dùng để bồi bổ.

Từ năm 1970 đến 1975, mỗi năm nhà máy bột Bích Chi bán ra thị trường hàng trăm tấm bột các loại. Nhiều loại bột gia dùng khác cũng được nhà máy nghiên cứu, phát triển và đưa vào sản xuất như bột gạo ngang (giữ nguyên chất xơ) dùng làm các loại bánh có độ giòn như bánh xèo, bánh khọt,…; bột nửa ngang nửa lọc (lấy bớt một phần chất xơ) để làm các loại bánh hấp, bánh luộc (bánh canh, bánh lọt); hoặc loại bột đã bị loại bỏ hết chất xơ chỉ còn tinh bột để dùng làm bánh bò…

Năm 1970, Nhà máy Bột Bích Chi đã có cả trăm công nhân, bột Bích Chi được các hãng sữa Dielac và Guigoz danh tiếng tới mua bột. Nhưng cả ông Khánh và ông Công đều từ chối vì cho rằng đây là sản phẩm đặc trưng Việt Nam, không muốn gia công cho nhãn hàng ngoại. Thay vào đó, hai ông dự tính ứng tiền cho nông dân trồng gạo huyết rồng làm vùng nguyên liệu để mở rộng xuất khẩu bột Bích Chi sang các thị trường láng giềng Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Campuchia… bởi nhu cầu bột dinh dưỡng ở những thị trường này rất lớn. Tiếc thay, dự định đó không thực hiện được vì sự biến động của lịch sử năm 1975.

Tháng 7/1975, Nhà máy Bột Bích Chi ở Sa Đéc bị quốc hữu hoá, ông Khánh được Tổng cục Công nghiệp thực phẩm thuộc Ban Kinh tế kế hoạch của chính quyền lâm thời Miền Nam bố trí làm Giám đốc cho đến năm 1987 thì nghỉ hưu. Ông đã cố gắng lèo lái nhà máy của mình vượt qua những khó khăn khủng khiếp sau năm 1975, có lúc không thể tìm mua đâu ra được nguyên liệu để làm bột, cho đến lúc ông thanh thản về vui thú điền viên.

Ông Trần Khiêm Khánh và cô Trần Thị Bích Chi

nhacxua.vn biên soạn

Exit mobile version